Trại hè Việt Nam 2012: Hành trình đến thành phố mang tên Bác
Tại Dinh Độc Lập, Đoàn Trại hè Việt Nam 2012 đã được các hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình giới thiệu về khu di tích. Dinh Độc Lập là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc ta. Đặc biệt, vào ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 843 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã húc đổ cánh cổng Dinh vào ngày 30/4/1975, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc cuộc chiến tranh đã chia cắt hai miền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà.
Nghe hướng dẫn tại Di tích Dinh Độc Lập |
Vừa cùng các bạn đi tham quan Dinh Độc Lập, Amberly Diệp, đại biểu đến từ Hoa Kỳ, vừa hào hứng chia sẻ: Dinh Độc Lập thực sự là một di tích lịch sử quan trọng không chỉ đối với thành phố Hồ Chí Minh mà đối với cả nước. Trong những ngày qua, chúng em rất tự hào khi được đến và tìm hiểu rất nhiều di tích lịch sử trong cả nước mà Dinh Độc Lập là một trong số đó. Những chuyến đi về nguồn, tìm hiểu về lịch sử đất nước như thế này là dịp chúng em tỏ lòng biết ơn đến các thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh để đổi lấy độc lập, tự do cho đất nước, giúp chúng em thêm tự hào và yêu đất nước mình hơn, trưởng thành và sống có ý nghĩa hơn đối với bản thân cũng như với quê hương.
Phạm Quang Huy, đến từ Malaysia, thì tâm sự: Cách đây vài năm, em đã cùng gia đình đến thành phố mang tên Bác, và lần này trở lại thăm thành phố với tư cách là đại biểu của Trại hè Việt Nam 2012, em rất vui khi thấy thành phố ngày càng hiện đại, phát triển hơn, nhiều trung tâm thương mại sầm uất và các công trình lớn đã được xây dựng. Đặc biệt, càng vinh dự hơn, khi hôm nay, em được đại diện cho các bạn trẻ kiều bào dâng hoa tại tượng đài Bác, được thể hiện sự kính trọng và biết ơn to lớn đến Bác Hồ - vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
Chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Bác Hồ |
Chia tay thành phố mang tên Bác, chặng tiếp theo của đại biểu Trại hè Việt Nam 2012 sẽ là một điểm đến vô cùng đặc biệt, đó là Côn Đảo - hòn đảo mang đậm những chứng tích lịch sử.
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Sài Gòn là thủ đô của Liên Bang Đông Dương giai đoạn 1887-1901. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Việt Nam Cộng hòa sụp đổ năm 1975, lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn thành "Thành phố Hồ Chí Minh", theo tên vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập, Dinh Thống Nhất): Năm 1873, trên nền mảnh đất này là một tòa biệt thự tên gọi là dinh Nôrôđôm – dinh của toàn quyền Đông Dương ở Sài Gòn. Năm 1954, Tổng thống ngụy quyền Ngô Đình Diệm và đại gia đình họ Ngô đã ở và làm việc ngay trong dinh Nôrôđôm. Đến 27/2/1962, dinh Nôrôđôm bị máy bay ném bom hư hỏng nặng. Ngô Đình Diệm đã cho phá hủy toàn bộ dinh Nôrôđôm, xây dựng một dinh mới hoàn toàn gọi là Dinh Độc Lập. Sau ngày giải phóng, Dinh Độc Lập là trụ sở của Ủy ban quân quản thành phố. Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước đã họp ở đây vào tháng 12/1975 và Dinh Độc Lập đã được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất. |
Một số hình ảnh của Đoàn tại thành phố Hồ Chí Minh: