Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh thiếu niên kiều bào với những hoạt động ý nghĩa tại Côn Đảo

Ngày 26/7, con tàu HQ 571, tàu khách hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, đã đưa khoảng 180 thanh thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2012 đến với Côn Đảo, hòn đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, Đoàn đại biểu Trại hè đã viếng mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, khám phá và tìm hiểu một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Khi còi tàu hú vang và loa thông báo tàu sắp cập cầu cảng Côn Đảo, hầu hết các bạn trẻ đều kéo ra boong tàu, háo hức chờ đợi giây phút được đặt chân lên hòn đảo huyền thoại này.

Em Lê Cẩm Tú đến từ Áo chia sẻ: “Em đã được nghe và có đọc qua một số tài liệu về Côn Đảo nhưng chưa có cơ hội được đến. Được biết, nơi đây từng là một nhà tù chính trị, nơi giam cầm những chiến sỹ cộng sản của ta. Em nghĩ chuyến đi và khám phá Côn Đảo lần này sẽ là một kỷ niệm khó quên, một điểm nhấn trong hành trình của Trại hè 2012 này”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trẻ tham dự Trại hè Việt Nam 2012 

Ngay khi vào đảo, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2012 do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, dẫn đầu đã đến dâng vòng hoa viếng mộ anh hùng Võ Thị Sáu và các liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, dâng hương và tham quan Chùa Núi Một, Đền thờ Bà Phi Yến và Cầu tàu 914.

Đặc biệt, tại Chùa Núi Một, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp mặt và trò chuyện cùng thanh thiếu niên kiều bào. Phó Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Phó Chủ tịch nước mong muốn các bạn trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, luôn cố gắng học tập, giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hoá dân tộc, để sau này đóng góp cho đất nước mình đang sinh sống cũng như quê hương Việt Nam.

Thắp hương tại mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu 

Cùng ngày, thanh thiếu niên kiều bào đã đi thăm Nhà tù Côn Đảo - nhà tù đầu tiên thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam. Khi nghe hướng dẫn viên của Ban quản lý hệ thống Nhà tù Côn Đảo thuyết minh và trông thấy tận mắt những công cụ tra tấn các chiến sỹ cách mạng ở đây, các bạn trẻ đã vô cùng xúc động.

Em Sili Hayhinmyxay, đến từ Lào, tâm sự trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Em đã được đọc qua một số tài liệu về nơi đây, nhưng khi trực tiếp đến và cảm nhận, em mới thực sự thấu hiểu được những chiến sĩ cách mạng của ta đã chịu sự hành hạ về thể xác lớn đến thế nào. Thật khâm phục những tấm gương chiến sĩ cộng sản ấy biết bao, cho dù quân thù có tra tấn các anh chị dã man đến đâu cũng không thể dập tắt ngọn lửa cách mạng và lòng yêu nước trong các anh, các chị”.

Khi tham quan tại Di tích Chuồng cọp, em Phạm Thùy Mi, đến từ Đức, đứng trầm ngâm yên lặng thật lâu. “Có đến và tìm hiểu nơi này, chúng em mới hiểu rằng, để đất nước được thống nhất như ngày hôm nay thì đã biết bao con người yêu nước phải chịu đày ải, cực hình, thậm chí hy sinh cả tính mạng để đổi lấy. Chúng em tự hứa với lòng sẽ cố gắng, phấn đấu học tập và rèn luyện đạo đức thật tốt, để mai sau góp sức cho quê hương, để xứng đáng với những người đã ngã xuống vì chủ quyền của đất nước”, em tâm sự.

Tối cùng ngày, Đoàn Trại hè Việt Nam 2012 đã cùng nhau thắp nến tri ân cho những mộ liệt sĩ tại Nghĩa tràng Hàng Dương.

Nhà tù Côn Đảo nằm trên đảo Côn Lôn, huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được xây dựng vào tháng 3/1862, Côn Đảo là nhà tù đầu tiên mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam.

Dưới quyền của thống đốc Nam Kỳ Dupre, hệ thống các cơ sở giam giữ tù nhân ở Côn Đảo được xây dựng dần dần từ năm 1862 đến 1945, gồm 4 trại giam và 15 nhà tù. Đến năm 1955, thiếu tá Aloise Blank bàn giao nhà tù Côn Đảo lại cho ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỷ tội ác của thực dân Pháp. 

Trong 20 năm (1955 - 1975), Mỹ ngụy đã tăng quy mô nhà tù lên 8 trại giam, mỗi trại rộng khoảng 10.000m2, có tường đá bao quanh, 6 dãy chuồng cọp và 45 xà lim. Ngoài khu vực các trại, còn có hàng chục sở tù như: sở đập đá, sở lò vôi, sở rẫy... là nơi người tù phải lao động khổ sai. 

Từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1975, Côn Đảo bị biến thành một nhà tù khổng lồ, giam giữ hàng trăm nghìn người yêu nước Việt Nam. Tại đây, hơn 22.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Các khu lao, chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa, Cầu Tầu 914, nghĩa trang Hàng Dương... mãi mãi còn đó, thể hiện tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường của con người Việt Nam.

Ngày nay, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được trùng tu để trở thành một di tích lịch sử Cách mạng, thu hút đông đảo khách tham quan. Mô hình các tù nhân chính trị trong trại giam cũng đã được dựng lại để du khách có thể hiểu rõ hơn về lịch sử của nơi đã từng một thời được coi là “địa ngục trần gian”.

(tổng hợp)

* Một số hình ảnh của Đoàn tại Côn Đảo:

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm