Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

LTS: Trại hè Việt Nam là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao, tổ chức cho thanh thiếu niên kiều bào về thăm quê hương. Trại hè Việt Nam 2012 với chủ đề “Về miền Đất Đỏ” diễn ra từ ngày 11 - 30/7/2012 trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, đã để lại trong lòng các bạn trẻ những ấn tượng khó quên. Tạp chí Quê Hương xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những cảm nghĩ của bạn Hoàng Kim Quân (Ucraina) sau khi tham dự hoạt động.

Với câu tục ngữ trên, ông cha ta đã khuyên dạy con cháu mình muốn nên người, muốn hiểu biết, có kiến thức rộng, am hiểu sự đời, phải tiếp xúc với cuộc sống, phải đi nhiều, thu lượm, học hỏi những tri thức để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân, tránh bị choáng ngợp trước một cuộc sống đa dạng.

 Kim Quân (thứ hai bên phải) chụp ảnh cùng các bạn Trại hè tại Cố đô Huế

Và chuyến hành trình của Trại hè Việt Nam 2012 đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm không thể quên, giúp tôi hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc; cùng với đó là cơ hội được làm quen, giao lưu với rất nhiều bạn người Việt trẻ từ khắp các nước trên thế giới.
Đây là một hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức cho những thanh thiếu niên kiều bào có thành tích trong học tập, lao động và có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng cộng đồng. Thông qua các hoạt động phong phú và thiết thực, chúng tôi sẽ có dịp tìm hiểu về cội nguồn, về truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang của dân tộc, tận mắt chứng kiến những thay đổi to lớn về mọi mặt của đất nước và cảm nhận những nghĩa tình sâu nặng mà bà con ở trong nước dành cho kiều bào ở nước ngoài.

Trại hè Việt Nam 2012 có chủ  đề “Về miền Đất Đỏ” nhằm tưởng nhớ 60 năm ngày hy sinh của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, kỷ niệm 150 năm Nhà tù Côn  Đảo và 65 năm ngày Thương binh Liệt sỹ. Theo đó, trong suốt chiều dài hành trình chúng tôi được tham dự nhiều hoạt động ý nghĩa như: viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm và giao lưu với bà con dân tộc thiểu số tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội); dự lễ tưởng niệm anh linh các liệt sỹ và đồng bào tử nạn tại Thái Bình; dâng hương tại tượng đài Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); tham quan Khu di tích Kim Liên (Nghệ An); dự lễ tưởng niệm anh linh các liệt sỹ tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); về thăm quê hương của nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu); cùng với đó là các hoạt động giao lưu với đoàn thanh niên tại Huế, Đà Lạt; tham quan các danh lam thắng cảnh ở Huế, Đà Lạt, Bình Định...

Đi qua từng vùng miền, từ làng quê cho đến thành thị, từ miền núi xuống đồng bằng, chuyến đi đã giúp tôi có cái nhìn đa chiều về đất nước, con người. Tất nhiên so với những năm tháng ngày nhỏ sống tại quê hương, thì đất nước mình bây giờ đã có quá nhiều thay đổi, những ngôi nhà cao tầng mọc lên cao sừng sững, những chiếc cầu, con đường mới, các làng quê , miền núi xa xôi đều có điện, phủ sóng di động, thông tin, có những nơi đã có hệ thống nước máy… Điều đó chứng minh nền kinh tế đang có những bước chuyển mình, cùng với những chính sách thu hút đầu tư đúng đắn đang tạo những diện mạo vô cùng ấn tượng. Nhưng kéo theo đó là tình trạng đô thị hóa nhanh cùng với sự thay đổi điều kiện sống đã làm cho một bộ phận dân cư ở nông thôn di cư mạnh ra các đô thị, và từ đó số dân cư sống ở thành thị tăng đột biến với mật độ dân cư dày đặc, dẫn đến những vấn đề xã hội nan giải như công ăn việc làm, nhà ở, cơ sở hạ tầng phục vụ và tệ nạn xã hội làm cho trật tự xã hội ven đô ngày càng thêm phức tạp, giao thông ách tắc… Đã có những giải pháp được đề ra, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, trong khi đó cần các chính sách quy hoạch với tầm nhìn chiến lược lâu dài 5, 10 năm và thậm chí 50 năm.

 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trò chuyện với đại biểu Trại hè

Trong phần lớn hành trình, chúng tôi được đến thăm những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam và giao lưu với các bạn Đoàn viên thanh niên của các tỉnh, thành phố. Chúng tôi ghé qua khu sinh thái Tràng An, Ninh Bình, nơi đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; được thăm Quần thể di tích Cố đô Huế -  nơi được UNESCO cộng nhận là Di sản Văn hóa thế giới, được nghe và tìm hiểu về lịch sử triều đại nhà Nguyễn và cũng tại đây, chúng tôi đã có buổi giao lưu văn nghệ sôi động cùng các bạn Đoàn viên thanh niên Huế… Chúng tôi cũng tham dự những hoạt động vô cùng ý nghĩa nhằm tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập của dân tộc như: dự lễ dâng hương tưởng niệm tại xã Hồng An, tỉnh Thái Bình; viếng mộ các nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc, được các anh chị hướng dẫn viên khu di tích kể lại những câu chuyện cảm động về sự hy sinh quên mình cho Tổ quốc... Những câu chuyện đó giúp cho chúng tôi phần nào hiểu hơn về những mất mát mà dân tộc ta đã chịu đựng, niềm khát khao độc lập tự do thống nhất đất nước, tinh thần bất khuất quật cường của quân dân ta.

Có lẽ hoạt động đáng nhớ nhất đó chính là chuyến đi ra Côn Đảo. Ra khơi trên con tàu hải quân hiện đại do chính Việt Nam sản xuất mang tên HQ 571, đi trên vùng biển đảo chủ quyền thiêng liêng của đất nước, trong lòng mỗi người chúng tôi đều rất tự hào, hãnh diện khi là những con em kiều bào đầu tiên được ra ngoài khơi đảo xa. Đi cùng các thủy thủ, những người lính Hải quân, cảm nhận tình cảm từ các anh qua từng bữa cơm, từng nụ cười nồng ấm, rồi những khi chúng tôi bị say sóng, các anh luôn bên cạnh tận tình chăm sóc, rất đúng chất của người lính cụ Hồ - quân đội cùng nhân dân, nhân dân cùng quân đội.

 Tham quan Nhà tù Côn Đảo

Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi được lãnh đạo huyện đảo cùng các bạn đoàn viên thanh niên địa phương đón tiếp nhiệt tình. Chúng tôi đi thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang Hàng Dương – nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đày, thăm nhà tù Côn Đảo và được các anh chị hướng dẫn viên kể về những ngày tháng khổ sai, chịu sự tra tấn dã man của những chiến sĩ. Tôi thực sự rùng mình về sự tàn bạo của chế độ thực dân đế quốc, và càng cảm thấy vô cùng xúc động, cảm phục các chiến sĩ anh hùng đã không tiếc thân mình, kiên cường chống chọi với giặc trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bị giam cầm vẫn luôn tràn đầy niềm tin quyết thắng thống nhất đất nước, điển hình là tấm gương chị Võ Thị Sáu - người con gái vinh quang vùng Đất Đỏ, người nữ anh hùng dân tộc, người nữ tử tù đầu tiên của nhà tù Côn Đảo đã hiên ngang hát quốc ca trước nòng súng của kẻ thù… Bên ngôi mộ của chị, chúng tôi hát vang bài ca “ Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, để tưởng nhớ mãi hình ảnh của chị, hình ảnh của người con gái tuổi đôi mươi với khát vọng hòa bình tự do, tình yêu quê hương, đất nước còn mãi nồng cháy…

Kết thúc chặng đường dài tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu,  quê hương của chị Võ Thị Sáu, cũng là lúc chúng tôi phải chia tay nhau, những người bạn từ khắp năm châu bốn bể nhưng chung một dòng máu Việt. Đó là khi nhận ra rằng phải xa nhau sau bao nhiêu ngày trên khắp chặng đường dài, có những dòng lưu bút viết vội vàng, những cái ôm trìu mến, những giọt nước mắt tuôn rơi, chúng tôi hiểu rằng khi ngày mai đến là những gương mặt vốn trở nên thân quen đã không còn bên cạnh nữa…

Tất nhiên cuộc vui nào cũng có hồi kết, nhưng những gì mà chúng tôi có được sẽ là mãi mãi. Đó là trải nghiệm về đất nước, con người nơi sinh ra ông cha ta, nơi có những bức tranh hòa bình đẹp như tiên cảnh, non nước nên thơ với một dân tộc kiên cường bất khuất trong quá khứ, năng động yêu đời với hiện tại. Đó là tình bạn, tình anh em trong đại gia đình Việt Nam. Đó là niềm hy vọng một ngày không xa sẽ được góp phần xây dựng và quảng bá đất nước Việt Nam - Đất nước rồng bay. Tất cả sẽ là hành trang mang theo của chúng tôi trong suốt cuộc đời.

Hoàng Kim Quân (Ucraina)


Các tin khác

Tin tiêu điểm