A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình qua đất Quảng anh hùng

Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, ngày 22/7, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2010 do Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đã đến dâng hương ở Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.
 



Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và đại biểu Trại hè Việt Nam 2010
viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn

Hàng năm, cứ đến dịp Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 là Quảng Trị lại đón bao dòng người đến viếng các nghĩa trang để thắp hương tưởng nhớ những người đã nằm xuống vì độc lập tự do của đất nước. Có lẽ không nơi đâu trên đất nước ta lại có nhiều đau thương và bi tráng như Quảng Trị. Trên toàn tỉnh có tới 72 nghĩa trang liệt sỹ, thì trong đó Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn được gọi là những nghĩa trang không bia mộ; còn Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn là hai Nghĩa trang lớn nhất cả nước - nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn chiến sĩ trên khắp miền đất nước, trong đó có rất nhiều liệt sĩ vô danh. Các anh, các chị đã sống, chiến đấu và cháy hết mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, máu thịt các anh, các chị đã hòa vào non sông đất nước, vào từng tấc đất, từng nhành cây, ngọn cỏ để thắp lên ngọn lửa trường tồn của dân tộc.

Đến với Quảng Trị, đại biểu thanh thiếu niên kiều bào của Trại hè Việt Nam 2010 có cơ hội hiểu hơn về những chiến công oanh liệt và sự hy sinh anh dũng, quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc của cha anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ đó càng thêm trân trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, càng thêm gắn bó với quê hương.

Cùng với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, các đại biểu của Trại hè Việt Nam đã có một ngày đầy xúc động khi đi viếng Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Và nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của đại biểu Trại hè Việt Nam.



Anna Kaarina và BluhmVicky

Ở Nghĩa trang Trường Sơn, vừa đi thắp hương trên những ngôi mộ, Anna Kaarina - Phần Lan và BluhmVicky – cô bạn mang trong mình hai dòng máu Đức-Việt -  không ngừng hỏi chị Phó đoàn của chúng tôi về những liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây… Còn ở Nghĩa trang đường 9, khi cả đoàn đã ra xe gần hết, tôi để ý thấy một cô bé cứ cuống cuồng chạy từ khu mộ này sang khu mộ khác như đang tìm kiếm một cái gì… Dù sốt ruột vì cả đoàn đã lên xe, tôi không nỡ dục cô bé nhiều và nán lại chờ đợi. Thắp xong nén hương cuối cùng, cô bé lưu luyến rời nghĩa trang với khuôn mặt thảng thốt và nước mắt chảy dài “Nhiều người hy sinh quá chị ơi…” – cô bé nghẹn lời nói. Buổi tối gặp lại, tôi mới biết đây là Minh Thu, cùng gia đình sang sinh sống ở CH Séc từ lúc 5 tuổi. Bằng giọng tiếng Việt rõ ràng, không ngọng nghịu như các bạn khác sinh ra ở nước ngoài hoặc ra nước ngoài sinh sống đã lâu, Thu tâm sự “Em quê Bắc Giang nên muốn đi thắp hương cho những liệt sĩ Bắc Giang đang yên nghỉ ở đây. Lúc đó, đoàn đã ra ngoài hết mà em thì vẫn chưa tìm được ngôi mộ của liệt sĩ Bắc Giang nào. Em cảm thấy như đang đi tìm người thân của mình mà không gặp được…” - mắt Thu lại ngấn nước khi kể lại.

Vốn có nhiều dịp tiếp xúc với thanh niên sinh viên kiều bào, nhiều lúc tôi cứ nghĩ tuổi trẻ kiều bào ngày nay mang tác phong công nghiệp, sống lạnh lùng, ít gắn bó và quan tâm tới quê hương gốc gác của mình, nhưng hóa ra không phải như vậy… Có lẽ tình yêu và sự gắn bó với quê hương mình là thứ có sẵn trong máu thịt của mỗi con người, dù có thể không thể hiện ra bên ngoài nhưng đâu đó trong ta – như dòng sông ngầm - nó vẫn cuộn chảy, thậm chí mạnh mẽ. Vấn đề là nó được khơi dậy như thế nào mà thôi…

Một số thông tin

Thành Cổ Quảng Trị nằm ngay ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam. Đây vừa là công trình thành luỹ quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809 đến năm 1945. Thành Cổ Quảng Trị còn được thế giới biết đến và kính phục bởi cuộc đấu tranh anh dũng để bảo vệ Thành Cổ suốt 81 ngày đêm của các chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị.

Chiến công ở Thành Cổ Quảng Trị ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng. Thành Cổ là nơi hi sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách thị xã Đông Hà, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977, là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Với tổng diện tích 140.000m2, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn quy tập 10 333 phần mộ của các liệt sỹ.

Nghĩa trang Quốc gia Đường 9: Những liệt sĩ nằm tại Nghĩa trang Đường 9 đều hy sinh dọc theo những chiến trường của Đường 9 khi xưa, nay là con đường xuyên Á. Nghĩa trang quy tập 10 000 mộ liệt sỹ.

(tổng hợp)

* Một số hình ảnh hoạt động của đoàn trong ngày 21/7:

- Tại Thành cổ Quảng Trị:

- Tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn:

- Tại Nghĩa trang liệt sĩ đường 9:

 

 Mai Chi


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm