A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên kiều bào với Hành trình di sản miền Trung

Trong cuộc hành trình tới miền Trung, Đoàn Trại hè Việt Nam 2008 đã đi thăm 3 Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Dù ở nước ngoài nhưng ai cũng đã từng được đọc, được xem, được nghe rất nhiều về Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An để hôm nay chiêm nghiệm lại và mỗi người lại có những cảm nhận của riêng mình.

Một chút Huế trong lòng thanh niên kiều bào 



 Đoàn Trại hè Việt Nam chụp hình lưu niệm trước Ngọ Môn Huế

Đến Huế trời đã cuối chiều (25/7), nhưng trông các thanh niên kiều bào ai cũng háo hức bởi thành phố Huế duyên dáng đang hiện ra trước mắt. Xe đưa mọi người qua những con đường của Huế, ai nấy đều dõi mắt qua ô cửa kính của xe như muốn tìm những biểu tượng rất riêng của xứ Huế. Những hình ảnh lướt qua như một cuộn phim với cầu Trường Tiền mềm mại bắc qua dòng sông Hương êm đềm, những lăng tẩm, thành quách cổ kính rêu phong… là những gì rất lạ mà cũng rất quen. 

Buổi tối, các bạn tranh thủ lang thang trên những con đường Huế để được hòa mình vào đêm Huế. Nhóm thì đi xích lô dạo quanh thành phố Huế, nhóm lại ngồi chơi bên dòng sông Hương thơ mộng để ngắm cầu Trường Tiền lộng lẫy sắc màu như dải lụa mềm bắc qua sông…
 



Những con đường Huế vừa lạ vừa quen

Sáng hôm sau, các bạn được đi tham quan Ngọ Môn, cổng chính phía nam của Hoàng Thành Huế, là biểu tượng của cố đô Huế. Và rồi Ngọ Môn hiện ra nguy nga và bề thế, khiến tất cả đều trầm trồ. Ai cũng cố nghe cho rõ từng lời của người hướng dẫn viên để biết rõ hơn về công trình kiến trúc này, để được biết bởi nó không đơn thuần là một chiếc cổng thành mà còn là một lễ đài quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn với kiến trúc rất đặc biệt… 

Thăm Ngọ Môn cũng là dịp để các bạn thanh niên từ khắp bốn phương trời hiểu biết nhiều và sâu sắc hơn  về bản sắc văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa thế giới, từ đó ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tự hào về quê hương mình hơn. 

Đứng trước Đại Nội Huế nguy nga cổ kính, bạn Nguyễn Đắc Thùy Dương đến từ CHLB Đức thốt lên: Huế đẹp cổ kính và thanh bình quá, đứng ở mỗi góc độ khác nhau em lại thấy Huế đẹp với những nét rất riêng. 



Cùng chơi bóng bầu dục nhé

Tạm biệt Ngọ Môn Huế, tạm biệt cầu Trường Tiền, tạm biệt núi Ngự sông Hương thơ mộng, các thanh niên kiều bào lên đường tới Quảng Nam để tham gia chương trình giao lưu trực tuyến “Hát về mẹ Tổ quốc tôi” vào tối 26/7. Trên đường đi các bạn đã được tắm biển Lăng Cô, Thừa Thiên Huế. Và rồi các bạn lại một lần nữa được hòa mình với biển quê hương. 



Mỗi người một hướng - suy nghĩ gì vậy

Thanh niên kiều bào trong lòng Phố Hội



Phố Hội ghi dấu chân thanh niên kiều bào


Hai ngày ngắn ngủi ở thị xã Hội An (26 -27/7), Quảng Nam, nơi có phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới, các bạn thanh niên kiều bào đã được hoà mình với phố Hội, được sống với nét cổ kính rất riêng để tự mình khám phá, tìm hiểu những đặc sắc văn hoá nơi đây.  

Phố cổ Hội An nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với cái tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia… đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của các thương thuyền vùng Viễn Đông. Thị xã có những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia. Trong đó có một dãy phố nằm sát ngay bờ sông Hội An. Nhà ở đây toàn bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà trạm trổ hoa văn rất cầu kỳ... 



Một bức hình kỷ niệm bên Chùa Cầu

Đến với phố cổ Hội An, các bạn trẻ đã được tìm hiểu lịch sử đô thị cổ qua các di tích tiêu biểu, đó là: Hội quán Phước Kiến, Chùa Cầu Nhật Bản… để thấy được nơi đây đã gắn liền với quá khứ nổi bật về sự giao lưu của nhiều nền văn hóa, một đô thị gắn liền với thương cảng quan trọng của khu vực trong suốt nhiều thế kỷ.  

Ban ngày, thả bộ trên những con phố cổ, các đại biểu kiều bào say sưa chiêm ngưỡng và trầm trồ trước giàn hoa duyên dáng, uốn lượn quanh những ngôi nhà cổ kính rêu phong, thán phục về sự tinh xảo khéo léo mà lắng sâu của bàn tay con người, thích thú với những chiếc đèn lồng thiếu ánh sáng đu đưa trong gió, đủ kiểu dáng, rực rỡ nhiều màu sắc. Các cửa hàng lưu niệm là điểm dừng chân của những người con xa quê với mong muốn có được món quà lưu niệm thân thương mang dấu ấn của những nẻo đường đã qua để làm kỷ niệm sau những ngày Trại hè đáng nhớ này. Nét mặt bạn nào cũng rạng ngời và đầy thỏa mãn. 

Đêm Phố Hội nhẹ nhàng bước chân của khách lãng du, của những người con xa quê về trong lòng phố Hội. Đêm lung linh huyền ảo trong ánh sáng của những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, nét đẹp cổ kính bên dòng sông Hoài thơ mộng đã hút hồn những bạn trẻ Việt kiều. 

Hội An không chỉ níu chân Đoàn Trại hè Việt Nam với những kiến trúc cổ, với những chiếc đèn lồng quyến rũ trong đêm, với những con phố yên tĩnh, thanh bình mà còn bằng sự quyến rũ của ẩm thực nơi đây với cao lầu, mì Quảng, bánh ít lá gai… 

Đến với vẻ đẹp huyền bí của Thánh địa Mỹ Sơn  



Giữa những công trình kiến trúc độc đáo của vương quốc Chămpa

Sáng 27/7, các bạn thanh niên kiều bào đã đi thăm Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nằm trong một thung lũng lớn có núi bao quanh. Đây là một trong những khu di tích kiến trúc nghệ thuật, trung tâm tôn giáo của vương quốc Chămpa nổi tiếng nhất ở Việt Nam, thể hiện những dấu tích vật chất về đời sống tôn giáo và lịch sử của vương quốc này. 

 Dưới nắng vàng Mỹ Sơn

Mặc dù trời nắng  nóng, nhưng các bạn thanh niên kiều bào vẫn say sưa lắng nghe anh hướng dẫn giới thiệu khái quát về Thánh địa Mỹ Sơn. Len lỏi đi giữa những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo nằm giữa những tán cây xanh mát, bạn Nguyễn Thanh Huyền về từ CHLB Đức cho biết: Đây là lần đầu tiên bạn đến Thánh địa Mỹ Sơn, thấy những hình ảnh cổ kính và độc đáo này  bạn sửng sốt vô cùng. Bạn bày tỏ, quê hương VN thật đẹp và giàu bản sắc văn hóa, chúng ta phải có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Nét nguy nga, cổ kính của cố đô Huế, nét đơn sơ nhưng thật quyến rũ của phố cổ Hội An, nét cổ kính, hoang sơ của Thánh địa Mỹ Sơn cùng với sự gần gũi và thân thiện của đồng bào Quảng Nam đã để lại trong lòng mỗi đại biểu kiều bào là những ký ức đẹp, những khoảnh khắc đáng nhớ. Lưu luyến tạm biệt các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung, ngày 28/7, Đoàn sẽ lên đường tiếp tục cuộc hành trình đến miền Nam - thành phố Hồ Chí Minh với những hoạt động đầy hấp dẫn và ý nghĩa. 

Phương Thuận


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm