Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên Việt kiều với việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam

“Thanh niên Việt kiều làm gì để giữ gìn bản sắc dân tộc?”, đó là chủ đề buổi toạ đàm giữa thanh thiếu niên tham gia Trại hè Việt Nam 2007 với báo Tuổi trẻ và thanh niên TPHCM. Buổi toạ đàm đã diễn ra rất sôi nổi giữa các nhóm trại sinh và tuổi trẻ TPHCM, những hiểu biết, những vấn đề và câu hỏi mà các bạn thanh thiếu niên Việt kiều đặt ra đã khiến những người tham dự không khỏi vui và xúc động trước những suy nghĩ rất chín chắn và sâu sắc của các bạn trẻ…

Giữ được tiếng Việt và hướng về quê hương

 Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2007
chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở báo Tuổi trẻ

Tiếng Việt là vốn quý của cha ông để lại. Biết tiếng Việt mới hiểu được tâm hồn người Việt, mới biết được những bản sắc văn hoá tốt đẹp và truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Ý thức được tầm quan trọng của tiếng Việt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hướng về Tổ quốc, đa phần người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có thế hệ trẻ đều cố gắng làm sao để giữ được tiếng Việt. Nhiều hình thức học tiếng Việt đã được áp dụng và mang lại hiệu quả tốt.

Lại Phương Anh Vũ đến từ Canada, đại diện cho nhóm “Tứ châu về nguồn” cho biết: “Bên Canada có một số trường Việt ngữ dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng. Để giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc thì ngoài giữ được tiếng Việt, còn cần giữ được những giá trị văn hoá Việt Nam để người nước ngoài biết người Việt mình là như thế nào. Ngoài ra, còn cần xây dựng được cộng đồng vững mạnh để thế hệ trẻ sau này có thể tự hào hơn về con người và đất nước Việt Nam…” Kinh nghiệm của Vũ về học tiếng Việt, là phải học ở trường và tự học bằng cách xem truyền hình tiếng Việt, đọc báo Việt trên mạng, cố gắng sử dụng tiếng Việt bất cứ khi nào có dịp…

Ngọc Anh đến từ Bungary, đại diện cho nhóm Lạc Hồng thì chia sẻ: Là những người sống xa Tổ quốc, thanh niên Việt kiều cần giữ được bản sắc văn hóa dân tộc bằng cách cố gắng học tập và rèn luyện, trong đó cần chú ý học tiếng Việt, cần phát huy được tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, hòa nhập tốt vào nước sở tại và luôn hướng về Tổ quốc.

Hình thức học tiếng Việt dành cho thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài hiện nay rất đa dạng, ngoài tự học ở nhà, đến trường Việt ngữ học ra, thì một số gia đình còn cho con em ở độ tuổi bắt đầu đi học về nước học tiếng. Quốc An (Bungary), năm nay 16 tuổi, kể: “Em sinh ra ở Bungary, nhưng đến năm em 5 tuổi, ba đã cho em về quê Nam Định học lớp 1. Em học 1 năm ở quê, rồi mới quay lại Bungary. Trong gia đình em, mọi người cũng thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt. Em gái em là Quỳnh Anh, năm nay gần 6 tuổi cũng được ba cho về quê Nam Định để học lớp 1”. Nhờ hình thức học như vậy, An có trình độ tiếng Việt khá tốt. Em có thể sử dụng tiếng Việt một cách rất thông minh và dí dỏm.

Làm cho thế giới biết đến Việt Nam với sự kính trọng, khâm phục

 Thanh thiếu niên kiều bào cùng thanh niên TPHCM cùng hát vang bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"


Đó là thông điệp sâu sắc mà Nguyễn Thương Thương đến từ Pháp, đại diện cho nhóm “Phở” đưa đến cuộc toạ đàm. Theo Thương, “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là giữ gìn vốn văn hóa của ông cha. Nhưng giữ không có nghĩa là cất kín vào tủ khóa lại, mà phải giữ làm sao để ai cũng biết, cũng thèm khát và mơ có được vốn quý đó… Không phải cứ biết ăn cơm, cầm đũa, mặc áo dài, đội nón, biết nói tiếng Việt là giữ gìn bản sắc dân tộc. Điều quan trọng là làm cho thế giới biết đến Việt Nam với sự kính trọng, khâm phục…”. Thương bảo, giữ gìn bản sắc dân tộc là cái đích để phấn đấu làm sao cho thế giới biết đến Việt Nam khác hẳn với các nước châu Á khác… Thế giới đã biết đến Việt Nam qua “Nem, Phở”, qua “áo dài tha thướt”, qua “trận Điện Biên Phủ”, vậy thế hệ trẻ Việt Nam trong đó có thanh niên Việt kiều phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để nắm vững những kiến thức khoa học kỹ thuật cao, để sau này có thể về đóng góp cho đất nước…

"Hòa nhập nhưng không hòa tan" - đó là lời nhắn gửi mà bạn Nguyễn Hoàng Anh đến từ Nga, đại diện cho nhóm “Tuổi trẻ” gửi tới các bạn trẻ Việt kiều. Theo Hoàng Anh, giữ gìn bản sắc dân tộc cũng tức là mình sinh sống ở nước ngoài thì phải hòa nhập tốt vào nước sở tại. Nhưng hòa nhập mà không được hòa tan, không được đánh mất mình, phải luôn nhớ, luôn tự hào mình là người Việt Nam. Và để làm được điều đó, tuổi trẻ Việt kiều ngoài học tiếng Việt, học tập văn hóa và rèn luyện lối sống, gìn giữ truyền thống của ông cha, thì còn cần góp phần xây dựng cộng đồng Việt Nam vững mạnh, xây dựng một hình ảnh Việt Nam đẹp trong lòng bạn bè quốc tế…

Trở về quê hương để hiểu hơn, yêu hơn đất nước mình

Lại Phương Anh Vũ, Canada, tâm sự "Ba em nói, phải trở về quê hương mới biết quê hương là gì. Những ngày tham dự Trại hè vừa qua đã khiến em hiểu ra tại sao ba em lại nói như vậy…"

Được trở về quê hương, thăm thú danh lam thắng cảnh của đất nước, được dịp tìm hiểu về tình hình mọi mặt của đất nước, được giao lưu với nhau và giao lưu với thanh niên trong nước, được chứng kiến và hòa mình vào cuộc sống của người dân Việt Nam trong nước với cả những niềm vui, hạnh phúc và cả vất vả, khó khăn, các bạn thanh thiếu niên Việt kiều càng thêm hiểu và thêm yêu đất nước. Những suy nghĩ chưa đúng về đất nước trước đây giờ cũng có dịp để kiểm chứng.

 Bạn Nguyễn Thị Hằng phát biểu tại cuộc Toạ đàm

Rời khỏi Việt Nam từ khi còn nhỏ, sang xứ người với những bận rộn, lo toan cho học hành, Nguyễn Thị Hằng đến từ Đức không có dịp để hiểu nhiều về Việt Nam. Những gì Hằng được nghe từ một số khách du lịch hoặc người quen trở về từ Việt Nam cho biết khiến em có những suy nghĩ hơi sai lệch về đất nước, con người Việt Nam và không khỏi e ngại khi về tham dự Trại hè lần này. Hằng đã lên “giây cót tinh thần” sẵn sàng cho mình trước khi về, nhưng những gì mà em được tận mắt chứng kiến trong thời gian ở Việt Nam đã khiến những suy nghĩ của em hoàn toàn thay đổi. Hằng thẳng thắn: Em đã chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, nhưng khi về thì em thấy rất thoải mái, và sau khi có dịp tiếp xúc với thanh niên trong nước và các trại sinh khác thì em thấy người Việt Nam đáng quý hơn nhiều so với những gì người ta nói. Em thấy không có gì phải lo lắng cả. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, tất nhiên trong sự thay đổi đó có cả cái tốt và cái xấu, nhưng em thấy thanh niên Việt Nam đã thay đổi theo chiều hướng tốt thì nhiều hơn. Các bạn được học hành, được sống thoải mái và có thể nói lên những ý kiến của mình. Đó là điều rất tốt và nên tiếp tục phát huy…

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là điều vô cùng cần thiết nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thế giới, và muốn làm được điều đó thì mỗi người Việt Nam chúng ta cả trong và ngoài nước đều cần ý thức và nỗ lực giữ gìn, phát huy. Xin kết thúc bài viết này bằng lời của Lại Phương Anh Vũ rằng, “mỗi người chúng ta đều có nhiệm vụ giữ ngọn lửa và văn hóa Việt luôn cháy trong lòng mình và các thế hệ mai sau. Và chính thanh niên là những người phải giữ bản sắc văn hóa trong hiện tại và tương lai.”

Mai Chi
 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm