A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè thanh, thiếu niên Việt kiều 2004 giao lưu tại Hạ Long

Truyền thống văn hoá và lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước là tâm điểm chú ý, tìm hiểu của các bạn thanh niên trong chuyến hành hương về cội nguồn lần này.

Ngày 27/7, các đại biểu thanh thiếu niên kiều bào ở xa tổ quốc tham gia Trại hè Việt Nam 2004 cùng với hơn 100 thanh niên thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ra quân làm vệ sinh môi trường trên bãi biển và tặng quà cho 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Hạ Long. Cùng ngày, các trại viên được thăm quan Vịnh Hạ Long và tham gia giao lưu với thanh niên thành phố Hạ Long. Đây là hoạt động nhằm giúp các bạn trẻ sống xa Tổ quốc tìm hiểu về phong trào thanh niên tình nguyện và công tác đoàn đang diễn ra sôi nổi và rất hiệu quả ở trong nước.

Truyền thống văn hoá và lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước là tâm điểm chú ý, tìm hiểu của các bạn thanh niên trong chuyến hành hương về cội nguồn lần này. Với họ, lịch sử Việt Nam với những tên tuổi lẫy lừng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... với những trận chiến lịch sử là những bản anh hùng ca bất hủ về lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa, con người Việt Nam lại thật hiền hoà, mến khách, vị tha và luôn biết vươn lên trong cuộc sống. Em Trần Thị Đào Vi, từ thành phố Savanakhẹt (Lào) trở về, cho biết: "Về Việt Nam lần này em được hiểu sâu sắc về lịch sử Việt Nam; biết được các Vua Hùng là những người thành lập Nhà nước Việt Nam đầu tiên; biết được 8 vị Vua đời Lý có rất nhiều công lao trong việc bảo vệ đất nước cũng như xây dựng nền văn hiến nước nhà. Em vui mừng và ngạc nhiên vì được gặp bác Võ Nguyên Giáp, được nghe bác kể về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Em học hỏi được nhiều điều về nét đẹp văn hoá Việt Nam".

Còn em Hoàng Thị Giang, ở thành phố Praha, Cộng hoà Czech, nói: "Chúng em về đây được tham quan Đền Hùng, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật. Em thấy văn hoá Việt Nam đa bản sắc, đa dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc lại có những nét rất đặc trưng. Cộng đồng người Việt ở Cộng hoà Czech cũng rất quan tâm đến việc giáo dục cho con em mình hướng về cội nguồn, thường tổ chức những hoạt động văn hoá, triển lãm tranh giới thiệu về Việt Nam, dạy tiếng Việt nên chúng em cũng được biết về văn hoá Việt Nam. Chúng em luôn hướng về Việt Nam và mong muốn được trở về xây dựng đất nước".

Em Nguyễn Văn Chung, 21 tuổi, thành phố Koln, Đức cho biết: Em thường xuyên xem VTV4 và qua đó, em biết được thông tin về trại hè. Ở bên Đức, nhiều bạn rất muốn về tham dự Trại hè này, nhưng em là người may mắn là một trong 5 bạn đại diện ở Đức về tham gia. Hàng ngày em vẫn mail về cho các bạn, kể về Hà Nội, về Việt Nam. Lần này được đi thăm khắp mọi miền đất nước, em sẽ tận mắt chứng kiến thay đổi của đất nước và tự hào mình là một người con đất Việt. Em hy vọng trong chuyến đi này, em sẽ tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức mới. Trại hè này đã cho chúng em có dịp được gặp gỡ, trao đổi về tình hình của bạn bè và cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới. Qua đây, cũng là dịp để cộng đồng người Việt ở nước ngoài càng gắn bó với nhau, cùng nhau hướng về Tổ quốc và mong muốn được góp sức mình xây dựng Tổ quốc. Em sang Đức đã 12 năm và về lại Việt Nam 3 lần, nhưng chủ yếu chỉ ở Hà Nội và Sài Gòn. Trước khi về dự Trại hè, em mua một cuốn sách viết về Việt Nam, tự mình mày mò, tìm hiểu để về nước em sẽ là một người "bản địa” thực thụ, tự em có thể đi ăn món ăn mình thích, đi mua sắm đồ, đi thăm cảnh đẹp…

Mặc dù nói được ít tiếng Việt, nhưng em Nguyễn Thị Hường, ở tỉnh Kandan, Campuchia rất cởi mở khi nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Em Nguyễn Thị Hường nói: "Em là thế hệ thứ 3 ở Campuchia, đây là lần đầu tiên được về Việt Nam nên em rất hồi hộp chờ đợi chuyến đi này. Đất nước có nhiều đổi mới và đẹp hơn rất nhiều so với những gì em tưởng tượng qua lời kể của bố mẹ. Chỉ có người Việt Nam vẫn rất gần gũi, cởi mở và thân thiện, nhất là các bạn thanh niên Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ chúng em những khó khăn về đi lại, giao tiếp. Ở Việt Nam em cảm ấm cúng như đang ở nhà.

Bà con Việt Nam ở bên Campuchia còn nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được các phong tục tập quán của quê hương như ăn Tết Việt Nam, tổ chức kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước như Quốc khánh 2/9… Em rất mong được về thăm đất nước nhiều hơn nữa để được hiểu nhiều về quê cha, đất tổ”.

Cũng như các bạn, chuyến đi này đối với em Nguyễn Phước Hưng, Svovakia như một cuộc khám phá mới. Em tâm sự: "Mặc dù đã về Việt Nam nhiều lần trong các dịp nghỉ hè nhưng cứ mỗi lần về em lại thấy Việt Nam có rất nhiều thay đổi. Lần này được đi tham quan mọi miền Tổ quốc, em sẽ biết đầy đủ hơn về đất nước và sẽ tự hào Việt Nam chính là quê hương, nguồn gốc của em. Em mong muốn sau này được về làm việc ở Việt Nam".

Anh Nguyễn Đồng Hải, phụ huynh của em Nguyễn Phước Hưng tự hào nói: "Tôi cũng như bà con Việt kiều ở Svovakia rất hoan nghênh sáng kiến tổ chức Trại hè của Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài. Đây chính là một hình thức cụ thể hoá Nghị quyết 36 Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng như nhiều chính sách biện pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc... Nội dung tổ chức cũng rất phong phú, mang tính giáo dục cao, là dịp để các cháu nhìn nhận sâu hơn về dòng dõi tổ tiên, quê hương đất nước. Tuy xa Việt Nam đã lâu, nhưng chúng tôi luôn hướng cho các cháu gần gũi hơn với Tổ quốc, hướng về quê cha đất tổ, cội nguồn của các cháu. Và còn hơn thế nữa, chúng tôi luôn mong muốn bản thân mình, con cháu mình làm được nhiều điều có ích cho Tổ quốc.

Hoàng Hướng


Các tin khác

Tin tiêu điểm