Hành trình phương Nam
Các bạn trẻ như được lạc vào một làng quê Việt Nam êm ả với dòng sông, bến nước, ngọn dừa, các gánh hàng rong với những món ăn dân dã được trình bày thật đẹp mắt. Từ các món gỏi trộn đến các loại nghêu, sò, ốc, hến, cá nướng, các món bún, gỏi cuốn, bánh bột lọc, bánh tôm... rồi các loại chè, trái cây...
Bài ca đất Phương Nam
Ngày 05.08, đoàn được đi tham quan khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn trên sông Tiền, một cù lao xanh nằm giữa trời nước mênh mông, gặp gỡ những người dân Nam Bộ thật thà, hiếu khách, tài hoa, được đi thuyền ngắm nhìn sông nước miền Nam, thăm vườn trái cây, thưởng thức nhiều đặc sản miệt vườn và các món ăn dân dã Nam Bộ . Thú vị nhất là được nghe đờn ca tài tử ngay trên vùng đất Nam Bộ, chiếc nôi của âm nhạc tài tử đậm chất phóng khoáng, thoáng đạt của người phương Nam. Quỳnh Hoa, cô gái xinh xắn đến từ Rumani không giấu niềm thích thú reo lên với chúng tôi: “Em thích đi thuyền trên sông, nghe đờn ca tài tử, ăn các món ăn đặc sản mà em chưa bao giờ được ăn như: cá tai tượng chiên xù, xôi chiên xù... và cả trái cây nữa, nhiều loại quá, nào là chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, rồi thanh long, khóm, sa bô chê... loại nào cũng ngon cả”.
Đi thuyền trên dòng sông Tiền gió lộng, nghe những câu chuyện kể về những kỳ tích của lớp người đầu tiên khai phá vùng đất phương Nam trù phú là những ấn tượng khó quên đối với những người con đất Việt lớn lên ở xứ người, bởi từ nhỏ tới lớn các bạn chưa hề được tận mắt chứng kiến cuộc sống bình dị nhưng không kém phần thi vị, hấp dẫn như thế này. Từ nay, trong hành trang kỷ niệm của mỗi bạn đã có thêm một địa chỉ, một địa danh cụ thể của quê hương để mà thương, mà nhớ...
Lắng nghe tiếng sóng biển
Ngày 06.08, đoàn đi thăm thành phố Vũng Tàu, một trong những địa danh nổi tiếng về du lịch và công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Đại diện chính quyền địa phương và các bạn thanh niên Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức đón đoàn trong nghi thức trang trọng và đầm ấm. Đáp lại tấm lòng của địa phương, các bạn trẻ trong đoàn đã cùng nhau hát vang bài hát được vừa được soạn riêng cho trại hè Việt Nam năm 2004, bài hát này sẽ trở thành bài hát truyền thống của các trại hè Việt Nam sẽ được tổ chức hàng năm dành cho các bạn trẻ Việt Kiều. Cả hội trường sống động hẳn lên khi ban nhạc dạo khúc mở đầu của ca khúc: “We are the world”, hầu như tất cả các bạn đều thuộc bài hát này và cùng hát vang, kể cả những bạn nhút nhát nhất trong đoàn.
Sau bữa trưa bufet thật ngon với những món ăn chế biến từ hải sản, các bạn được vui đùa thoả thích với biển. Mặc dù đã được tắm biển ở Hạ Long, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận nhưng biển Vũng Tàu vẫn thật quyến rũ với các bạn trẻ. Phạm Thanh Doãn, 25 tuổi, sinh viên Pháp cố gắng diễn đạt bằng tiếng Việt niềm yêu thích biển của mình với PV NVX: “Biển Việt Nam đẹp lắm, em thấy còn đẹp hơn ở Pháp vì bên ấy chỉ biển và sóng thôi, còn ở đây, em còn được ngắm cảnh núi ăn ra biển , ngắm các hòn đảo trên vịnh Hạ Long... Điều tuyệt vời hơn là ở Việt Nam được tắm biển quanh năm, còn ở Pháp biển lạnh lắm, chỉ tắm được trong ba tháng hè thôi”.
Một trận mưa biển lớn đã khiến các bạn phải chia tay với biển sớm, hẹn gặp lại lần sau vậy, từ ô cửa xe car, những ánh mắt tiếc nuối vẫn hướng ra biển như hẹn thầm một ngày trở lại.
Trên đường trở về, đoàn được ghé thăm Khu liên hợp Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ. Đây là một khu công nghiệp hiện đại của cả nước được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn trong nước. Từ xa, các bạn đã trông thấy ngọn lửa rực cháy trên ngọn tháp cao. Mọi người đều đoán có lẽ đó là cách để nhà máy tự giới thiệu mình, nhưng khi đến nơi, mới vỡ lẽ ra đó là lửa đốt các khí thải trong quá trình sản xuất để không gây ô nhiễm môi trường. Bà Nguyễn Thị Dung, Việt Kiều Mỹ đi cùng hai con trong chặng cuối của trại hè cho biết: “Tôi thường xuyên về Việt Nam, một năm ba, bốn lần nhưng thật sự cũng khó mà dứt khỏi công việc để đi chơi một chuyến như thế này. Đất nước mình những năm gần đây phát triển nhanh quá, mỗi lần về lại thấy có những công trình mới. Tôi mong rằng những cơ sở hiện đại như thế này sẽ ngày càng được xây dựng nhiều hơn trên khắp đất nước mình”.
Trở về thành phố, các bạn được dùng bữa tối trên du thuyền dọc sông Sài Gòn, cùng hát, cùng nhảy múa với các nghệ sĩ những ca khúc quốc tế quen thuộc. Một buổi tối sôi động đầy ắp giọng hát, tiếng cười loang trên sông nước.
Huyền thoại mẹ
Ngày cuối của hành trình, các bạn đến với Củ Chi đất thép anh hùng, thăm Khu di tích Bến Dược, thăm địa đạo trong lòng đất, nơi che chở cho người dân Củ Chi trong suốt hàng chục năm chiến tranh. Bạn Hương Giang, sinh viên đến từ Hungaria xúc động nói: “Em rất cảm phục khi được chứng kiến tận mắt kỳ công của thế hệ trước khi đã chỉ bằng đôi tay và cuốc xẻng thô sơ tạo nên bao nhiêu địa đạo trong đất để sống và chiến thắng trong cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua. Chúng em tuy được sinh ra và lớn trong hòa bình nhưng vẫn thường được nghe cha mẹ, ông bà kể về những ngày chiến tranh ác liệt ấy, em mong sao chiến tranh sẽ mãi lùi xa, hòa bình sẽ vĩnh hằng trên đất nước Việt Nam”.
Tôi tin khi thắp lên nén hương trong Đền tưởng niệm, trước các bức tường dày đặc danh sách những người con đã ngã xuống cho đất mẹ, ước mơ của Hương Giang cũng là lời khấn nguyện chung của các bạn trẻ, những người con đất Việt tụ hội về đây từ bốn phương trời...
Đêm giã bạn
Báo Thanh Niên lưu luyến đưa tiễn đoàn bằng một bữa tối thật ấn tượng tại Khu du lịch Bình Qưới 2 với sự đón tiếp chu đáo của ông Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế, ban biên tập cùng các phóng viên trẻ. Các bạn trẻ như được lạc vào một làng quê Việt Nam êm ả với dòng sông, bến nước, ngọn dừa, các gánh hàng rong với những món ăn dân dã được trình bày thật đẹp mắt. Từ các món gỏi trộn đến các loại nghêu, sò, ốc, hến, cá nướng, các món bún, gỏi cuốn, bánh bột lọc, bánh tôm... rồi các loại chè, trái cây...
“Thật tiếc quá, giá mà tất cả người thân của chúng em ở bên kia có thể cùng về để được thưởng thức những món ăn ngon như thế này”.
Hầu như các bạn trẻ đều bày tỏ mong muốn như vậy.
Thu Thuỷ
(Người viễn xứ)