Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam và vai trò của chuyên gia, trí thức Việt kiều

Trích tham luận của GS-TS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT, Melbourne Vic 300, Australia tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất


GS-TS Nguyễn Quốc Vọng thuyết trình cùng các chuyên gia nông nghiệp trong nước
về việc xây dựng theo qui trình nông nghiệp tốt cho ngành rau quả Việt Nam.
 

Thực trạng giáo dục đại học của Việt Nam

+ Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam, vào niên khoá 2006-2007, Việt Nam có 1.2 triệu sinh viên, chiếm 11% trong tổng số khoảng 11.2 triệu người trong lứa tuổi từ 18 – 24.  Tuy Việt Nam có khoảng 6.600 giáo sư và phó giáo sư, nhưng thực sự số GS/PGS tham gia giảng dạy ở đại học chỉ là 320 GS và 1966 PGS (chiếm 35% trong tổng số 6.600).

Nếu cả nước có 162 trường đại học, và với thực số GS/PGS là 2.286 người, thì tính trung bình, mỗi đại học chỉ có 14 GS/PGS và cứ 25 sinh viên có một giảng viên. Trong số gần 47.646 giảng viên đại học và cao đẳng, có hơn 50% ở trình độ cử nhân, 30% thạc sĩ, và 13% tiến sĩ. Do đó, nhìn chung có thể nói ở Việt Nam cử nhân đào tạo cử nhân, kỹ sư đào tạo kỹ sư.

Việc giáo dục và đào tạo ở đại học Việt Nam phần lớn nặng về giảng dạy, ít nghiên cứu và thực tập nên đã không đáp ứng được các yêu cầu thực tế. Ví dụ trường hợp của công ty Intel ở TPHCM tuyển chọn nhân viên đã cho thấy rất rõ chất lượng đào tạo của đại học Việt Nam: Công ty muốn tuyển 2000 chuyên viên. Qua khảo hạch có 90 sinh viên chấm đậu về kiến thức. Nhưng qua phỏng vấn, Intel chỉ tuyển được có 40 người có trình độ tiếng Anh. Như vậy chỉ có 2% sinh viên được Intel chấp nhận cho làm việc. Đó là 2% sinh viên có trình độ “quốc tế”. Đây là kết quả tồi tệ nhất mà công ty Intel đã gặp phải trong quá trình mở rộng đầu tư ở nước ngoài của mình.

Với một tình hình như vậy, không ngạc nhiên khi thấy Việt Nam vẫn chưa có một trường đại học nào được công nhận có chất lượng, được xếp hạng “the best 500” trong bảng xếp hạng của thế giới. Ngay cả trong khu vực, không có một đại học nào của Việt Nam có tên trong bất cứ danh sách các trường đại học hàng đầu ở Á châu. 

Đại học Việt Nam bị cô lập ra khỏi dòng kiến thức chung quốc tế, đã đóng góp công trình nghiên cứu KHKT một cách nghèo nàn. Chỉ số phát minh/sáng tạo của Việt Nam trong khu vực là zero (Vallely and Wilkinson, 2008. Đại học Harvard, Mỹ).

+ Đại học 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam:

Việt Nam có chính sách khuyến khích nước ngoài đầu tư giáo dục (Nghị định 6/2000, 18/2001) và ngày 1/1/2009 thị trường giáo dục Việt Nam mở cửa theo cam kết của WTO để thực hiện Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (GATS). Tuy nhiên cho đến nay, ngoài đại học RMIT của Úc xây dựng vài phân khoa ít tốn kém như Quản trị kinh doanh, Ngoại ngữ v.v... ở TPHCM, vẫn có rất ít đại học uy tín ở nước ngoài thành lập đại học ở Việt Nam vì ngại kiểu can thiệp của chính phủ vào đại học như ở Việt Nam, mà theo họ là nguyên nhân làm mất đi tính cạnh tranh và sáng tạo.


Vợ chồng TS Nguyễn Quốc Vọng - Nguyễn Thanh Tuyền theo dõi quá trình phát triển
của cây giống tại Vườn ươm cây giống theo qui trình nông nghiệp tốt GAP
và kỹ thuật thủy canh.


Đại học uy tín nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ không có. Nếu có thì cũng sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tế của một số ngành kinh tế chủ lực Việt Nam.

+ Việt Nam du học nước ngoài: Kinh nghiệm du học Úc, Mỹ
Vào năm 2008, có khoảng 14,000 sinh viên Việt Nam du học Úc, phần lớn theo học các ngành Quản lý & Thương mại 48%, IT 10%; Văn hoá Xã hội 8%. Ở Mỹ, có khoảng 6.036 sinh viên Việt Nam du học vào năm 2007. Theo báo cáo của Vietnam Education Foundation (VEF), từ năm 2003 – 2008 (6 năm) chương trình VEF đã cấp 267 học bổng cho Việt Nam trong đó 39% cho ngành kỹ sư/cơ khí; 22% cho ngành computer; 16% cho ngành toán lý hoá; 10% cho ngành sức khỏe cộng đồng; 7% cho ngành sinh vật/đời sống; 3% cho ngành đất/biển và 3% cho ngành nông nghiệp.

Sinh viên Việt Nam du học sang Mỹ, Úc cho đến nay đã không đáp ứng đòi hỏi của Việt Nam về các ngành kinh tế chủ lực như nông nghiệp, thủy sản, hải sản, thực phẩm, khoa học biển...

Giải pháp khả thi cho giáo dục đại học Việt Nam

Phải tự lực xây dựng đại học chất lượng cao: 

Mặc dù mối quan hệ về giáo dục đại học giữa Việt Nam và các đại học, chính phủ nước ngoài trong mấy năm qua là tốt, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể kỳ vọng các đại học và chính phủ nước ngoài sẽ xây dựng đại học chất lượng cao để giải quyết yêu cầu thực tế của các nền kinh tế chủ lực Việt Nam. Chính vì vậy nên Việt Nam phải tự mình xây dựng tốt hệ thống giáo dục đại học, trong đó đào tạo bậc cao học gồm thạc sĩ và tiến sĩ lại càng vô cùng quan trọng vì đây là công tác đào tạo thành phần nhân lực then chốt cho đại học Việt Nam.

Chương trình Tiên Tiến:

Trong mấy năm qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Chương trình Tiên Tiến (Advanced Education Program) cho một  số đại học trong nước. Chương trình này có mục đích giúp các đại học trong nước nâng cao chất lương giảng dạy và trình độ Anh ngữ của sinh viên bằng cách hợp tác với một số đại học Mỹ để: 1) mời giáo sư Mỹ sang Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Anh theo curriculum của họ, 2) đưa giáo viên Việt Nam sang Mỹ tập huấn ngắn hạn, và 3) đào tạo bậc cao học cho giáo viên và sinh viên lớp Tiên Tiến.

Tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chúng tôi thấy có ứng dụng chương trình Tiên Tiến cho Lớp Trồng trọt, Khoa Nông học (với đại học California Davis) và Lớp Quản trị Kinh doanh, Khoa Kế toán & Quản trị Kinh doanh (với đại học Wisconsin).  Chương trình đã thu hoạch một số kết quả rất đáng khích lệ. Đó là ngoài lợi ích mà sinh viên đạt được qua việc ngày một thông thạo tiếng Anh, và hấp thu kiến thức cao, cập nhật của giáo sư/giáo viên nước ngoài, các lớp Tiên Tiến còn tạo một môi trường tranh đua học tập rất hào hứng giữa các sinh viên. Lớp Tiên Tiến đã trở nên một thương hiệu nổi bật của đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai chương trình Tiên Tiến, chúng tôi thấy có 3 điểm bất lợi như sau:

- Thành phần giáo viên từ đại học Mỹ sang dạy không được đầy đủ và đúng lịch theo yêu cầu của Việt Nam. Cả 2 phía Đại học Nông nghiệp Hà Nội và đại học Mỹ đều không chủ động được lịch dạy của giáo viên. Đôi khi giáo viên được mời chỉ là người mới tốt nghiệp, không có kinh nghiệm nhiều trong giảng dạy và nghiên cứu;

- Chi phí cho giáo viên từ Mỹ sang Việt Nam là đắt đỏ;

- Đại học Nông nghiệp Hà Nội chỉ gắn kết được với 2 đại học ở Mỹ nên bất lợi cho những sinh viên nào muốn tiếp tục bậc cao học ở đại học của những nước khác như Úc, Canada, New Zealand, Anh, Nhật…

Nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình Tiên Tiến, chúng tôi xin đề nghị phương án sau:

I.   Cộng tác với nhiều đại học quốc tế, chủ yếu trong khối nói tiếng Anh: 

Thực tế cho thấy mỗi nước chỉ có một hai thế mạnh về khoa học kỹ thuật của riêng họ. Nếu Đại học Việt Nam hợp tác được với nhiều đại học và mời giáo viên của nhiều nước sang giảng dạy, sinh viên sẽ hấp thụ được nhiều nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới, nâng mặt bằng kiến thức lên cao, tạo được mối liên hệ với rất nhiều nước, qua đó hy vọng bằng cấp của đại học Việt Nam sẽ được nhiều đại học khác trên thế giới chấp nhận tương đương, dễ dàng cho sinh viên Việt Nam tiếp tục bậc cao học ở nước ngoài. Trước mắt, đại học Việt Nam có thể kết hợp với các đại học ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Hà Lan, Nhật cho chương trình Tiên Tiến.

II.    Chuyên gia, trí thức Việt kiều:

Việt Nam có một lợi thế hơn hẳn các nước láng giềng khoảng 4 triệu người Việt Nam hiện đang sống khắp năm châu mà trong đó có nhiều người là những nhà khoa học tên tuổi, hiện đang làm việc tại các đại học nổi tiếng ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Hà Lan, Nhật như các đại học Harvard, Standford, Yales, Tokyo, Sydney... Nếu có sự hợp tác về giảng dạy và đào tạo của thành phần này, dưới bất cứ hình thức nào, cũng sẽ rất có lợi cho quá trình đổi mới nền giáo dục đại học Việt Nam.

III.    Xúc tiến mối liên kết đại học – kỹ nghệ/doanh nghiệp Việt kiều trong và ngoài nước:     


Mối liên hệ hữu cơ giữa
đại học – doanh nghiệp

 Khoa học kỹ thuật là đòn bẩy của quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Ở nước ngoài mối liên kết đại học – doanh nghiệp là một sự hợp tác mang tính sống chết cho cả hai phía. Ở Việt Nam vì nền kinh tế được thoát thai từ chế độ bao cấp, doanh nghiệp tư nhân chưa phải là chủ lực, tính cạnh tranh trong thương mại chưa cao nên mối liên hệ đại học – doanh nghiệp chưa được quan tâm. Để trở thành một công cụ tốt cho các ngành kỹ nghệ phát triển, ngoài việc giảng dạy, đại học Việt Nam còn phải là trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp để các ngành kỹ nghệ này ngày một phát triển, có tính cạnh tranh cao, xuất khẩu nhiều. Ngược lại phía doanh nghiệp cũng phải cung cấp cho đại học tài chính và những yêu cầu, đòi hỏi mới của thị trường để đại học cập nhật kiến thức, định hướng nghiên cứu, đào tạo kỹ năng cho sinh viên, và nếu cần, xây dựng một ngành học mới để giải quyết tức khắc yêu cầu xã hội. Mối liên kết đại học – doanh nghiệp chỉ thành công khi đại học có sản phẩm khoa học kỹ thuật bởi vì các doanh nghiệp chỉ yểm trợ tài chính cho đại học khi họ thấy có lợi vì đã giải quyết một cách hiệu quả các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Việt kiều Mỹ) làm việc với Đại học Trà Vinh

IV. Chuyển giao công nghệ quốc tế:

Chuyển giao công nghệ là công tác chính của đại học. Đại học nào có nhiều thành quả nghiên cứu thì việc chuyển giao công nghệ càng nhiều và nhận được sự yểm trợ tài chính từ doanh nghiệp càng cao. Nhưng chuyển giao công nghệ quốc tế còn quan trọng và hiệu quả hơn nhiều vì đây là chuyển giao những công nghệ cao nhất của thế giới từ những bàn tay và khối óc của những cá nhân và tập thể siêu việt nhất. Về điểm này Việt Nam cũng có lợi thế hơn hẳn các nước láng giềng vì đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt kiều hoạt động trên khắp thế giới mà trong đó có nhiều doanh nghiệp tên tuổi. Nếu có sự hợp tác của thành phần này, dưới hình thức đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam hoặc là điểm tựa cho Việt Nam xuất khẩu, thì cũng sẽ rất có lợi cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Đầu tư vào nghiên cứu để tiến nhanh về KHKT mới giúp Việt Nam có một nền kinh tế vững mạnh và bền vững. Chỉ có đại học với tư duy mới, thu dụng tất cả chất xám của người Việt Nam trong và ngoài nước, mới làm được việc này. Như đại học của các nước láng giềng – mà cách đây vài thập niên – cũng đã như Việt Nam.

GS-TS Nguyễn Quốc Vọng (Australia)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm