A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa nhiệt huyết lưu giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ

Bằng niềm yêu quý tiếng mẹ đẻ, những người như chị Kim Việt đã giúp thế hệ người Việt trẻ tại Mỹ hiểu giá trị của việc học tiếng Việt bởi nó không chỉ là ngôn ngữ, mà còn là gốc rễ, nguồn cội dân tộc.

 Chị Ngô Kim Việt tại nhà riêng bang Virginia, Mỹ. Ảnh: Hồng Nguyên/TTXVN

Luôn tâm niệm giá trị của tiếng Việt cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ người Việt trẻ, chị Ngô Kim Việt, một Việt kiều sinh sống hơn 40 năm nay tại bang Maryland, Mỹ đã tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ người Mỹ gốc Việt từ năm 1995.

Vốn yêu quý tiếng Việt và mong muốn giữ được tiếng mẹ đẻ cho các cháu nhỏ, chị Kim Việt đã gắn bó với công việc dạy tiếng Việt cho đến tận hôm nay.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Mỹ hiện có gần 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt, tập trung ở các bang đông người Việt sinh sống như California, Texas, Washington... nhưng chủ yếu vẫn trông chờ vào đội ngũ giáo viên tình nguyện, phần lớn theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát.

Tại các trung tâm dạy ngôn ngữ nước ngoài của Mỹ mới chỉ có các lớp dạy tiếng Việt cho những nhà ngoại giao, những người Mỹ chuẩn bị sang Việt Nam làm việc.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington D.C, chị Kim Việt cho biết việc dạy tiếng Việt đến với chị bắt nguồn từ tình cảm với quê hương, đất nước và chị luôn tâm niệm giá trị của tiếng Việt cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ người Việt trẻ.

Không đành lòng khi thấy những người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ dần sao nhãng với tiếng Việt, không có trường dạy tiếng Việt, không có môi trường để nói tiếng Việt ngoài gia đình, rồi cuộc sống bận rộn, mỗi người đều có công việc riêng của mình, khó ai có thời gian rảnh để dạy và không phải ai cũng có khả năng sư phạm, chuyên môn để dạy ngôn ngữ...

Thế là chị Kim Việt trở thành “cô giáo bất đắc dĩ,” tình nguyện dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ trong các gia đình người Việt, dạy trong các nhà thờ theo phong trào hướng đạo…

Năm 2014, những người cháu trong gia đình chị đến tuổi trưởng thành đi làm và có những chuyến trở về Việt Nam. Là người Việt nhưng họ lại phải thuê phiên dịch tiếng Việt trong những chuyến về Việt Nam.

Chị Kim Việt quyết định dạy cho các cháu của mình qua zoom, cốt sao trong những chuyến đi Việt Nam sau này họ sẽ có thể nghe hiểu và giao tiếp được bằng tiếng Việt. 

Tường Long, cháu ruột của chị, sau vài tháng được dì Việt dạy học đã có thể đọc tiếng Việt khá lưu loát.

Tường Long chia sẻ: ”Giờ trong đám bạn Việt Nam thì con là người giỏi tiếng Việt nhất. Dì vừa dạy tiếng Việt vừa dạy cả văn hóa của Việt Nam cho con. Con thấy tiếng Việt đã giúp ích cho con rất nhiều. Lúc nhỏ sống với bố mẹ, con chỉ nghe hiểu được rất ít. Lớn lên có vợ thì vợ con là người Việt nhưng không nói được tiếng Việt, đi làm cũng chỉ nói tiếng Anh. Có lần công ty của con biết con là người Việt Nam nên gọi con ra dịch cho khách hàng là người Việt không biết nói tiếng Anh, nhưng con lại không biết tiếng Việt. Trong chuyến đi làm từ thiện tại Sapa cùng các bạn tại Việt Nam, con đã phải thuê phiên dịch tiếng Việt… Vậy nên con sẽ cố gắng học giỏi tiếng Việt để làm phiên dịch cho vợ và các bạn của con. Nhất định khi có con, con sẽ dạy cho bé nói tiếng Việt”.

Chị Kim Việt cũng tham gia dạy thêm tiếng Việt tại các trung tâm ngôn ngữ của Mỹ những lúc có thời gian rảnh rỗi. Chị tự mày mò tìm mua những cuốn sách dạy tiếng Việt, những cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam, tham khảo thêm các hình ảnh, video trên mạng để soạn giáo án của riêng mình.

Mặc dù là nghề tay trái và gần như thu nhập bằng không, nhưng bằng niềm đam mê yêu quý tiếng Việt, chị muốn truyền bá và lưu giữ nét đẹp của tiếng Việt, có lẽ vì thế mà việc dạy học của chị ngày một lan tỏa.

Chị rất vui mừng vì mới đây chị đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ mời tham dự lớp học về tiếng Việt trực tuyến do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cho những người Việt ở nước ngoài.

Dù lệch múi giờ, lớp học bắt đầu lúc 5h sáng theo giờ miền Đông nước Mỹ nhưng chị Việt không bỏ lỡ một buổi học nào, bởi với chị đây là cơ hội vô cùng quý giá, bổ khuyết cho chị vốn kiến thức chuyên sâu về ngữ pháp tiếng Việt và phương pháp sư phạm đúng cách.

Chị Kim Việt đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều câu chuyện thú vị và những thành quả mà tiếng Việt mang lại cho những người học trò của chị.

Tiếng Việt đã giúp cho cậu cháu Tường Long tự tin về thăm Việt Nam không cần phải thuê phiên dịch nữa; Tiếng Việt đã giúp cho một người cháu khác giúp cho công ty Mỹ ký được hợp đồng với đối tác ở Việt Nam.

Tiếng Việt giúp cho một cha đạo người Mỹ có thể nói chuyện được với các con chiên người Việt, hiểu biết nhiều hơn về đất nước, văn hóa của Việt Nam; Tiếng Việt giúp cho những người Việt sinh sống tại Mỹ có thể giúp đỡ cho những người Việt không nói được tiếng Anh… 

Chị Kim Việt và những kiều bào đang tham gia vào công việc dạy tiếng Việt tại Mỹ đã khơi dậy tinh thần học tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giới trẻ bằng tình yêu quê hương của mình.

Họ giúp cho thế hệ người Việt trẻ hiểu được sự cần thiết và giá trị của việc học và duy trì tiếng Việt bởi nó không chỉ là ngôn ngữ của người Việt, mà còn là gốc rễ, là nguồn cội của dân tộc. Qua việc học tiếng Việt sẽ giúp cho các bạn trẻ hiểu được văn hóa, những nét đẹp bản sắc Việt Nam.

Chị Ngô Kim Việt chia sẻ: "Cách dạy tiếng Việt của tôi là thông qua những bài học về lịch sử, về văn hóa truyền thống, những hình ảnh lễ hội, văn hóa đặc sắc của Việt Nam để qua đó giáo dục truyền thống dân tộc, vừa dễ tiếp thu vừa khám phá thêm đời sống văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc vùng miền, qua đó quảng bá được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế…”

Các học trò người Mỹ của chị học tiếng Việt vì yêu Việt Nam, vì thích ngữ điệu trầm bổng nghe như tiếng hát, nhưng họ đều cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ rất khó.

 Chị Trịnh Hoàng Minh, cán bộ Ngân hàng Thế giới tại Washington trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.
Ảnh: Hồng Nguyên/TTXVN

Chị Trịnh Hoàng Minh, cán bộ của tổ chức Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C, cũng đã tự dạy kèm tiếng Việt cho con mình và con em của những người đồng nghiệp ở bang Virginia.

Chị chia sẻ cảm thấy hạnh phúc khi thấy các cháu bé hứng thú với việc học tiếng Việt. Chị cũng được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ hỗ trợ sách hướng dẫn dạy và học tiếng Việt.

Đến khi dịch COVID-19 ập đến, lớp học nhỏ của chị đã phải dừng lại. Đại sứ quán Việt Nam đã hướng dẫn nhóm của chị duy trì việc học tiếng Việt trực tuyến theo đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sự phát triển của công nghệ đã xóa nhòa mọi khoảng cách, giờ đây người Việt tại Mỹ mọi lứa tuổi không cần phải đến các lớp học tập trung ở nhà thờ hay những ngôi chùa mà có thể dễ dàng học tiếng Việt qua mạng, trong các lớp học trực tuyến của những người tâm huyết với tiếng Việt như chị Kim Việt hoặc từ các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ở Việt Nam. 

Cách học này vừa thiết thực, hiệu quả, vừa dễ tiếp cận với thế hệ người Việt trẻ, góp phần duy trì và phát huy ý thức hướng về cội nguồn, tình cảm hướng về quê hương, đất nước và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Có thể thấy ngôn ngữ cũng giống như ẩm thực hay áo dài đều là những con đường nhanh nhất đưa mọi người về với cội nguồn, tiếp cận với văn hóa và bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Những người con xa quê đã tìm ra muôn vàn cách để giúp con em mình nói và lưu giữ tiếng Việt. Chính những việc làm tưởng như đơn giản đó lại đang góp phần lưu truyền ngôn ngữ Tiếng Việt, qua đó quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế./.

Kiều TrangTTTXVN


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu