A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để tiếng Việt không còn là bài toán khó giải

Theo Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có gần 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Phóng viên Tạp chí Quê Hương đã có cuộc trao đổi với chị Lê Hồng Nhung, giáo viên dạy tiếng Việt tại Séc về tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN vừa diễn ra tại Hà Nội.

P.V: Xin chị cho biết, với tư cách là một giảng viên dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Séc, sau khi tham gia lớp tập huấn tại đây, cá nhân chị thu lượm được kết quả như thế nào?

Chị Lê Hồng Nhung: Trước tiên, thay mặt anh chị em tham gia lớp tập huấn, tôi xin chân thành cảm ơn Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khóa tập huấn. Đây là chương trình rất ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát triển tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN như chúng tôi. Điều đó góp phần hỗ trợ cho các giáo viên có tâm huyết tiếp tục chuyển tải ngôn ngữ tiếng Việt đến thế hệ trẻ NVNONN.

Thông qua các hoạt động ngoại khóa trong khuôn khổ của chương trình, các giáo viên có thêm những kiến thức về lịch sử, văn hóa, đời sống, con người Việt Nam, để truyền tải cho các thế hệ người Việt tiếp nối hiểu rõ và thêm yêu quê hương đất nước, phát huy và gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc. Đặc biệt, giảng viên của khóa học là các giáo sư, tiến sỹ hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ và tiếng Việt như: giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên bộ sách "Tiếng Việt vui", giáo sư Mai Ngọc Chừ - chủ biên bộ sách "Quê Việt"... đã giúp chúng tôi tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới, truyền đạt những kiến thức mới trong việc giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN một cách dễ dàng hơn.

P.V: Hiện nay, có một thực tế là nguy cơ mất gốc, mai một bản sắc văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, đặc biệt ở thế hệ trẻ kiều bào. Chị có thể chia sẻ thêm về những tồn tại, khó khăn gặp phải trong quá trình dạy tiếng Việt cho các em?

Chị Lê Hồng Nhung: Một thực tế không thể phủ nhận là trong thời gian gần đây, tại Séc và một số quốc gia khác mà tôi được biết, do hoàn cảnh, điều kiện sinh sống tại nước sở tại, cha mẹ chịu nhiều áp lực để mưu sinh nên họ không có thời gian dạy con mình tiếng Việt, môi trường giao tiếp của các em chủ yếu với người nước ngoài trông nom, chăm sóc, vì vậy, ít có thời gian nói tiếng Việt. Điều này dẫn tới một thực tế là mặc dù có thể hiểu được, song các em hầu như không nói được tiếng Việt.

Thêm vào đó, bộ sách giáo khoa mà chúng ta biên soạn vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn yêu cầu cũng như chưa hoàn toàn thích hợp với đặc thù về giảng dạy ngoại ngữ ở từng quốc gia trên thế giới. Bộ sách giáo khoa biên soạn có thể phù hợp với các quốc gia châu Á nhưng lại chưa phù hợp với các quốc gia châu Âu và ngược lại… Thực tế này đòi hỏi cần phải tiến hành nghiên cứu bổ sung để chúng ta có thể đưa ra một giáo trình hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu học tập tiếng Việt của bà con kiều bào trên nhiều địa bàn khác nhau.

Ngoài ra, tại hầu hết các quốc gia, lực lượng giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào hiện vẫn còn đang rất thiếu, chủ yếu các giáo viên tình nguyện dạy thêm miễn phí cho con em vì muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng về cội nguồn, nhằm củng cố và nâng cao trình độ tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào trẻ đang sinh sống tại nước ngoài.

P.V: Theo chị, nên áp dụng phương thức nào để việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN hiệu quả hơn?

Chị Lê Hồng Nhung: Để việc vận động đưa tiếng Việt vào cộng đồng đạt hiệu quả, chúng ta nên động viên con em nhận thức được ý nghĩa của việc học tiếng mẹ đẻ để đăng ký hoặc chủ động đề xuất nguyện vọng học tiếng Việt, tích cực tham gia, tạo ra một phong trào học tập và gìn giữ tiếng Việt cũng như văn hóa Việt trong các thế hệ nối tiếp của cộng đồng. Ở các trường có nhiều học sinh Việt và gốc Việt, các phụ huynh nên thành lập hội phụ huynh hoặc ban liên lạc để có thể thảo luận về việc chủ động đề nghị nhà trường đưa tiếng Việt vào chương trình như một ngoại ngữ chính khóa.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn và kiến nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ có chế độ đãi ngộ hợp lý để có thể tuyển được một đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào, trước hết là ở trình độ cấp I phổ cập để các em có thể nâng cao và củng cố được vốn tiếng Việt ban đầu.

Tôi hy vọng, bằng sự nỗ lực của từng người tâm huyết với công cuộc truyền lửa tiếng Việt cho con em kiều bào sẽ góp phần nhỏ bé của mình vào việc duy trì văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam tại nước ngoài.

Ngọc Ánh


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm