A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí ẩn cây ngân hạnh hơn 1.400 tuổi ở Trung Quốc

Cây ngân hạnh sống hơn một thiên niên kỷ ở Thiểm Tây (Trung Quốc) được các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu, giải mã bí ẩn.

Cây ngân hạnh nghìn năm ở tỉnh Thiểm Tây là điểm du lịch thu hút đông du khách Trung Quốc vào mùa thu. Hàng năm, cứ tới tháng 11, dân du lịch từ khắp nơi, trong đó không ít là khách nước ngoài, lại đổ xô tới ngôi chùa cổ trên dãy núi Trung Nam để chiêm ngưỡng khung cảnh cây ngân hạnh nhuộm vàng một khoảng trời. Cây cao hàng chục mét, mọc bên cạnh chùa có pho tượng Phật Quan Âm uy nghi.

Cây ngân hạnh có nhiều tên gọi khác như bạch quả, rẻ quạt. Người Trung Quốc gọi loại cây này là "tiên nữ" vì vẻ đẹp thần tiên, thoát tục của nó. Ngân hạnh cũng được xem là "hóa thạch sống" vì bất chấp biến đổi khí hậu khắc nghiệt, cậy ngân hạnh không thay đổi hình dáng trong hơn 200 triệu năm qua, được xem là liên kết sống động với thời tiền sử.

Vì thế, sự tồn tại hơn 1.400 năm của cây ngân hạnh ở Thiểm Tây không phải điều kỳ lạ. Các nhà khoa học đã lý giải dưới góc độ chuyên môn về "cây thần" sống qua hơn một thiên niên kỷ. Một nghiên cứu cho thấy, cây ngân hạnh có thể tiết ra các chất chống lại bệnh tật và hạn hán. Đó là lý do vì sao qua hơn một nghìn năm với bao biến động lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh, gốc cây vẫn sừng sững, hiên ngang.

Theo các nhà khoa học, cây ngân hạnh có khả năng đặc biệt, không giống các loài thực vật khác. Khi cây đạt tuổi trưởng thành và bắt đầu già đi, các chức năng trao đổi chất của cây hầu như không thay đổi, khiến nó phát triển khỏe mạnh, ra lá đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi năm mà không hề có dấu hiệu của sự lão hóa.

Các nhà nghiên cứu ở cả Mỹ và Trung Quốc đã tập hợp những cây ngân hạnh ở độ tuổi từ 15 năm đến 667 năm, tiến hành phân tích tế bào vỏ cây, lá và hạt. Kết quả cho thấy, dù là cây non hay cây cổ thụ, chúng đều sản sinh ra những chất cần thiết giống như "vòng bảo vệ" khiến chúng gần như miễn dịch với các mầm bệnh. Tuy nhiên, những cây ngân hạnh hoang dã, trồng trong tự nhiên đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn khai thác gỗ, phá rừng.

Cây ngân hạnh là biểu tượng mùa thu không chỉ của Trung Quốc mà còn ở nhiều khu vực Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Bắc Mỹ. Du khách đến các quốc gia này vào mùa thu không thể bỏ qua trải nghiệm ngắm lá vàng rực rỡ. Nổi tiếng nhất với du khách Việt là hàng cây ngân hạnh ở đảo Nami (Hàn Quốc).

(theo ngoisao.net)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu