A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xem tranh và hiểu tranh

Nhân có sự kiện bán đấu giá bức tranh ”Déclin du jour” (Ngày tàn) của vua Hàm Nghi, một người bạn gởi thơ hỏi tôi về việc xem tranh có như ông mù sờ voi không, mỗi người một ý, một góc cạnh thưởng thức khác nhau.


 
Bức tranh ”Déclin du jour” (Ngày tàn) của vua Hàm Nghi


Người thưởng thức tranh quý giá nhất đối với một họa sĩ là người đang đứng trước bức tranh, tròn con mắt, lặng thinh chiêm ngưỡng hay thốt ra bộc phát:

Thích quá !

Tại sao “thích quá” mà không phải là lời khen “đẹp quá”?

Câu khen “đẹp quá” không phải là lời khen quý giá nhất vì nó mang ngụ ý “đẹp thì thật là đẹp, nhưng mà... có lẽ không hợp với khẩu vị của tôi”, cũng như khen một phụ nữ hay một người đàn ông tuyệt đẹp. Đẹp đến nỗi không muốn đến gần, chỉ đứng xa mà nhìn. “Thích quá” phản ánh một tình cảm chủ quan của người xem tranh, mà cái thích ấy nó dài lâu hơn là một cái nhìn chốc lát rồi quên. Một bức tranh vừa ý mình là bức tranh mình nhìn đi nhìn lại, nhìn mỗi ngày trước mắt mà không chán, không bị khó chịu, bực dọc, treo cả đời một chỗ mà không muốn thay đổi. Con mắt chỉ là dụng cụ để nhìn, nhưng chính cái tâm mình, cái lòng mình mới là kẻ ngắm tranh. Có cảm được cái ý cái lòng của người vẽ gởi gấm qua hình ảnh hay không ?

Có người rất giầu, rất nhiều tiền để sưu tập tranh, nhưng thật ra họ dùng tiền của để mua cái danh đích thị là nhà giầu, nhưng không phải vì thế mà họ biết ngắm tranh và yêu tranh.

Tranh là người, cũng như văn là người. Qua một bức tranh, cũng như qua một bản văn, một bài thơ, một bản nhạc, con người sáng tạo bộc lộ bản chất “thật” và sâu lắng của mình. Trong văn, có cái nhân cách, có cá tánh, có trình độ tri thức, có điệu nhạc, có tình cảm, thì trong tranh cũng thế. Bản chất con người như thế nào thì vẽ ra thế ấy, như một cái dấu ấn, không thể sáng tác hay vẽ khác đi được. Có nhiều bức tranh nó níu mình dừng chân lại, nhưng cũng có những bức tranh nó đuổi mình đi, khỏi mất thì giờ quý báu của đời người ngắn ngủi.

Các nghệ sĩ dùng tranh, điêu khắc, âm nhạc, thơ, văn… là những phương tiện, những cầu nối để trao đổi với đời với người, mua vui cũng được một vài trống canh.  Chính vì tính chất chủ quan sáng tạo mà một người nghệ sĩ chân chính, không ai tự phê bình tác phẩm của mình, có nghĩa là không tự khen, hay, phê bình (xấu) tác phẩm của những người khác. Sáng tạo và cho ra đời những đứa con tinh thần của mình tức là chia sẻ tình cảm, chia sẻ vốn sống, chia sẻ một phần đời của mình với người lạ không quen, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của mọi người, ngoài mình, dù khen hay chê.

Trên thực tế có những nhà phê bình văn học nghệ thuật có khả năng đưa một tác giả lên bậc thang thành công cao nhất hay “phê bình” cho chết luôn ngay tại chỗ, ngay lập tức! Trong khi làm việc trong các bảo tàng viện bên Đức, tôi thường bắt gặp những người ngồi yên lặng rất lâu trước một bức tranh, hay đứng nheo mắt (thật đấy) hồi lâu trước một bức tranh, họ muốn quên khung cảnh chung quanh để có thể “nhập” vào vai người họa sĩ đang vẽ bức tranh, ngắm tranh để hiểu người vẽ tranh. Đó chính là một phần thưởng quý giá cho người sáng tạo nghệ thuật.

Vẽ tranh, khó nhất là vẽ người. Người vẽ phải làm sao cho lộ cái hồn của nhân vật trong tranh lên, như thể là bức tranh biết nói. Vẽ cảnh, cũng khó nhất là níu lại được không gian và thời gian trong tranh. Cùng một cảnh nhưng ánh sáng ban mai khác ánh sáng giữa trưa, lúc tàn ngày, lúc chiều buông hay sắp về đêm. Mầu sắc trong tranh là để diễn tả chiều sâu của tranh và ánh sáng của tranh. Tranh sáng đều trên toàn khung vải, hay điểm sáng được “nhấn” qua một chi tiết nào đó, như ánh sáng xa xa cuối chân trời, ánh sáng xuyên qua kẽ lá, xuyên qua một khung cửa, sáng góc này, tối góc kia… những điểm sáng là những chỗ “bắt mắt” trên bức tranh, con mắt người ngắm tranh sẽ bị điểm sáng đó thu hút ngay sự chú ý. Vẽ tĩnh vật, hoa, lá… cũng khó nhất là níu lại khung cảnh sống của những vật ấy, hoa mong manh dịu dàng, lá rung nhẹ theo gió trên cành, một cây đàn bỏ quên, đầy bụi bặm, giây đàn đứt… Vẽ một sự kiện, cũng khó nhất là làm sao như là sự kiện ấy đang diễn ra trước mắt… Không có cái vẽ nào lại dễ cả.

Những ai theo học khoa học “Lịch sử nghệ thuật” đều có học phân biệt những trường phái vẽ nổi tiếng từ xưa đến nay. Các trường phái hội họa đều xuất phát từ hoàn cảnh xã hội mà trong đó suốt cuộc đời người nghệ sĩ đã trải qua. Bài viết này không thể kể ra tất cả, mà chỉ có thể đưa ra một số trường phái yêu thích của cá nhân người viết.

Nền hội họa cổ điển là một “nghề nghiệp” phục vụ cho thành phần quân, quyền và trưởng giả, các họa sĩ vẽ chân dung vua chúa, hoàng hậu, người nhà giầu, vẽ những cảnh chiến trận, những lễ đăng quang, lễ cưới, cảnh các cung điện, các nhà thờ nguy nga, đề tài tôn giáo, huyền thoại... Nền hội họa cổ điển của Hòa Lan nổi tiếng ở chỗ các họa sĩ vẽ trên một nền rất đậm, thường là nâu đen nhưng chưa hẳn là đen, và “nhấn” những điểm sáng rất ít, rất tương phản bằng mầu trắng, trắng ngà hay vàng óng, các mầu này trở thành tâm điểm của bức tranh.

Bố cục của tranh cổ điển phải thể hiện cái đẹp, cái sang trọng, quần áo của các nhân vật được vẽ rất tỉ mỉ, rất nổi, rất tượng hình. Nét vẽ phải rất nhuyễn, rất trơn tru, không được thấy nét cọ. Thí dụ như những cổ áo đăng ten trắng của các bà quý phái, hay bộ quần áo vàng óng, làn da làn ngực có mầu trắng như sữa như bột, hoa trắng nổi bật lên trong một bình hoa… điển hình nhất là các bức tranh của Rembrandt (1606-1669) như bức “Đội gác đêm” (Die Nachtwache) vẽ năm 1642, bức “Judith” vẽ năm 1625 của Johann Liss, bức chân dung bà von Cotta của Gottlieb Schick vẽ năm 1802, bức chân dung hoàng hậu Marie-Louise của họa sĩ Jean-Baptiste Isabey vẽ năm 1810, hay chân dung cô Caroline Rivière của họa sĩ Jean Auguste Dominique Ingres vẽ năm 1805, hay bức tranh “La Liberté” của Eugène Delacroix vẽ năm 1830. Những bức tranh rất to, thời xưa để treo trong các cung điện rộng mênh mang, trần cao nhìn mỏi cổ, người họa sĩ hẳn phải mất nhiều tháng trường mới vẽ xong được một bức.

Những họa sĩ sáng tạo ra trường phái Ấn tượng (Impressionnisme) muốn đi khác hoàn cảnh xã hội thời ấy, vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, và đi khác nền hội họa cổ điển. Khác ở nhiều điểm lắm. Thứ nhất là họ không ngồi vẽ trong nhà với mẫu đã có, mà họ xách giá vẽ, thùng đựng mầu, cọ, nùi giẻ, thuốc tẩy…, ghế xếp và khung tranh đi ra ngoài thiên nhiên, ngoài đồng, chân núi, bờ biển để vẽ cảnh thiên nhiên. Điểm khác thứ hai là họ vẽ nhanh theo cách à la prima, vẽ một cảnh trong vài tiếng đồng hồ, một ngày là xong bức tranh. Điểm khác thứ ba là họ dùng cọ to, lông cọ cứng, bản thẳng và vẽ rõ nét cọ, hay dùng những dụng vụ gọi là “dao” vẽ, có nhiều hình dáng, to hay nhỏ, để “trét” mầu sơn dầu lên khung vải, và cố ý để lại dấu cọ, dấu dao. Điểm khác thứ tư là các họa sĩ đưa các chủ đề mang tính chất dân chủ, xã hội như cảnh hội hè làng quê, cảnh một toán nô lệ quần áo rách rưới dơ bẩn còng lưng kéo thuyền, cảnh đồng hoa, đồng lúa mì (không có nông dân trồng trọt cầy cấy thì ai cũng đói), các chân dung phụ nữ “thật” hơn, “gần gũi” hơn, lên thành một bức tranh nghệ thuật. Dù vẽ những đề tài xã hội, nhưng nét vẽ thí dụ như vẽ người nô lệ vẫn là phong cách vẽ đẹp. Điểm khác thứ năm là họa sĩ vẽ không cần rõ nét, chỉ cần gây một “ấn tượng”, cái hay ở chỗ là nét cọ rất đơn giản nhưng lại tượng hình và có chiều sâu. Điểm khác thứ sáu là họa sĩ không vẽ ánh sáng trong phòng, trong nhà mà vẽ lại trên khung vải ánh sáng thiên nhiên, một điểm thật là mới mẻ. Vẽ như thế nào thì ra ánh sáng thiên nhiên? Đó là sự huyền diệu của trường phái Ấn tượng vì họ sử dụng bảy mầu của cầu vồng để tạo nên ánh sáng thiên nhiên trong tác phẩm.

Những sự khác biệt ấy đã đem lại thành công cho trường phái Ấn tượng, mà những họa sĩ nổi tiếng là Claude Monet, Camille Pissarro, Pierre Auguste Renoir, Édouard Manet, Degas và Sisley. Trường phái Ấn tượng đạt đỉnh cao trong hai năm từ 1874 cho đến 1876, nhưng cho đến ngày hôm nay vẫn còn người muốn vẽ theo phong cách của trường phái này.

Cuối thế kỷ thứ 19 xuất hiện trường phái “Pointillisme” , các họa sĩ chỉ dùng ngọn cọ để chấm từng chấm mầu lên tranh, thí dụ như bức tranh “Cảnh nhìn về Saint-Tropez” của Paul Signac vẽ năm 1896. Trường phái Pointillisme được xem là tiếp nối của trường phái Ấn tượng, còn được gọi là Neo-impressionnisme. Cái mới hơn nằm ở chỗ, các họa sĩ cho rằng con mắt thâu nhận tất cả sự vật như những chấm mầu liên kết với nhau, nên đặc biệt họ chỉ sử dụng những mầu căn bản chính như vàng, đỏ, xanh… để cho con mắt “tự động” nhìn thấy những mầu liên kết, thí dụ như chấm đỏ cạnh chấm vàng sẽ “tạo” mầu cam, chấm xanh cạnh chấm đỏ sẽ “tạo” ra mầu tím, chấm xanh cạnh chấm vàng sẽ “tạo” ra mầu xanh lá cây… Kết quả sẽ là một ảo tưởng thị giác, đứng gần bức tranh thì chỉ thấy… chấm, đứng xa thì mới thấy hình. Nhìn lại những bức tranh Pointillisme tôi rất ngạc nhiên vì sức tưởng tượng của những họa sĩ cách chúng ta cả thế kỷ, vì cách vẽ này giống như các pixels trong vi tính hiện nay, càng nhiều pixels (chấm) thì càng rõ, càng ít thì càng mờ. Nhưng Pointillisme không được các họa sĩ và người thưởng lãm yêu chuộng nhiều, vì nhìn tranh thấy “mệt” mắt, như nhìn màn hình vi tính hiện nay vậy.

Có người so sánh phong cách vẽ của vua Hàm Nghi với Paul Gaughin. Tôi chỉ mới được nhìn tận mắt bức tranh “Déclin du jour nên không thể xác nhận ý so sánh đó được.

Paul Gaughin là học trò của Camille Pissarro, được xếp vào trường phái Post-impressionnisme, một giai đoạn giao thời chuyển từ Impressionnisme sang Expressionnisme. Mầu sắc của Gaughin rất tươi, rất nổi, chủ đề tranh của Gaughin hướng về cảnh thiên nhiên và con người.

Cũng có người cho rằng bức tranhDéclin du jour thuộc trường phái Nabis. Nabis hay nebiim là tiếng Do Thái, có nghĩa là “trí thức” (intellectuel), xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ XIX, sau trường phái Impressionnisme. Nhóm họa sĩ Nabis (les Nabis) vẽ những chủ đề tôn giáo, tiên tri, huyền bí. Paul Gaughin có quan hệ với nhóm họa sĩ Nabis, nhưng không thuộc vào nhóm này.

Sau này, nếu đã được nhìn thấy một số tranh của vua Hàm Nghi thì mới “bình loạn” được là phong cách vẽ của nhà vua thuộc trường phái nào.

Trường phái tranh “Fauvisme”“Expressionnisme” vào đầu thế kỷ thứ hai mươi mang lại hai điều thật mới mẻ cho nghệ thuật. Mang ấn tượng sâu sắc của cả hai trận đại chiến thế giới, mầu sắc của “Fauvisme” và “Expressionnisme” dữ dội hơn, đỏ như máu, vàng thật vàng hoe, xanh thì xanh thẫm… Nhưng quan trọng nhất là các họa sĩ thuộc trường phái này vượt ra khỏi khuôn khổ cũ, khuôn khổ của “cái đẹp”, “vẽ đẹp”, không muốn vẽ cái gì cũng thành đẹp hết, mà đưa cái xấu, cái vượt ra khỏi khuôn khổ “bình thường”, như hình ảnh phụ nữ xấu xí, dữ dằn, góc nhìn méo mó xẹo xọ, một tình cảm đau khổ (Le Cri)… lên thành một tác phẩm nghệ thuật. Hơn thế nữa, trường phái “Expressionnisme” dẫn dần đến con đường của trường phái trừu tượng.

Ba họa sĩ, Vincent Van Gogh (1853-1890), Paul Gauguin và Paul Cézanne, mở đầu cho trường phái này. Thế giới tranh có nhiều đột phá bất ngờ, nhưng có họa sĩ có may mắn như Picasso và có họa sĩ không có may mắn như Vincent Van Gogh. Van Gogh có một quan điểm nghệ thuật đi trước thời đại của mình, người tiêu thụ đương thời không thích tranh của Van Gogh. Không bán được tranh, sống một cuộc đời nghèo nàn, eo hẹp, nhiều sóng gió, mỗi khi đau yếu cần đi bác sĩ, thuốc men thì trả bằng tranh, rồi vì uống quá nhiều cồn (absinthe) Van Gogh trở nên điên loạn, sau cùng tự bắn vào ngực chết. Cuối cùng, sau khi Theo Van Gogh, người em được hưởng thừa kế của Vincent Van Gogh cũng qua đời vì bạo bịnh vài tháng sau đó, thì vợ và con của Theo Van Gogh hưởng được một đống tranh mà không có người mua.

Trong trường phái “Expressionnisme” có thêm một số họa sĩ nổi lên như Edvard Munch, Otto Dix (1891-1969), Ernst Ludwig Kirchner, Oskar Kokoschka, Emile Nolde, Alexej von Jawlensky, Franz Marc, August Macke, Max Beckmann… mà tranh của họ như những lời kêu gào phản đối những tiêu cực của xã hội.

Nền hội họa đem đến cho thế kỷ 20 thêm một trường phái rất quý giá, đó là trường phái Réalisme, xem như một sự trả lời của hội họa đối với sự phát triển của nghệ thuật làm phim và ảnh chụp.

Trường phái Réalisme (Hiện thực) có nhiều sắc thái: phantastique Réalisme, nouvelle Réalisme, Photoréalisme, Surréalisme (Siêu hiện thực)… Các họa sĩ của trường phái này có một phong cách vẽ rất chính xác, rất nhuyễn và rất mịn, vẽ không thấy nét cọ, và độ sâu của tác phẩm mang tính chất như ảnh chụp 3D, họ vẽ như là có ba lớp tranh chồng chất lên nhau trên một mặt phẳng, hay bức tranh vẽ giống như một hình chụp, nhưng lại chuyên chở theo một không khí rất lạ lùng, giữa cái thật và cái ảo. Chủ đề của trường phái Réalisme hoặc là những gì rất đời, rất sống, rất thường nhật, hoặc mang tính chất triết lý về sự hiện hữu, ảo tưởng về tình yêu, sự phai tàn của thời gian, sự sống và sự chết, Thiên đàng và Địa ngục... Tiêu biểu nhất cho trường phái này là các họa sĩ rất danh tiếng như Ernst Fuchs, Salvador Dali, Magritte, Gerhard Richter, Don Eddy, Richard Estes.

Ngoài ra, có một số họa sĩ không theo một trường phái nào rõ rệt cả, mà họ vẽ trung thực với chính con người của họ, chính cuộc đời của họ, như Modigliani, Edward Hopper... Điểm đặc biệt nữa, là có rất ít nữ họa sĩ có thành công, mà hai nữ họa sĩ Georgia O’Keeffe và Tamara Lempicka là hai trường hợp ngoại lệ.

Đến đây bạn đọc sẽ thấy tôi không viết về trường phái trừu tượng, vì tôi không thích tranh trừu tượng một chút nào cả. Thế giới người yêu tranh, trên thực tế, cũng bị chia ra làm hai, hoặc thích tượng hình, hoặc thích trừu tượng.

Trong số các họa sĩ Việt Nam, riêng tôi thích nhất tranh của Mai Thứ, Hồ Thành Đức và Bé Ký. Phong cách của ba họa sĩ này rất đặc biệt, rất riêng biệt. Mai Thứ dịu dàng vui tươi mơ mộng, Hồ Thành Đức nặng chất thiền, mang đầy đau khổ, Bé Ký dân dã gần gũi với người với xã hội. Điểm đáng tiếc là những người Việt Nam vẽ tranh không được giúp đỡ, không được đánh giá đúng mức, vì xã hội Việt Nam, có lẽ còn cho rằng, tranh hay hội họa là một thứ xa xỉ phẩm, không cần thiết và cũng không đáng trân trọng. Ước chi có một cuộc triển làm chung của người vẽ trong nước và người vẽ ngoài nước, nhất là không "kỳ thị" rằng nam vẽ hay nữ vẽ.

Mathilde Tuyet Tran, 12/2010 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu