A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vinh dự cuộc đời

Năm 15 tuổi, tôi còn là chàng trai mới lớn, vừa đi học vừa sửa chữa xe đạp ở ngã ba chợ Bãi (bây giờ là ngã tư), 17 tuổi đi bộ đội, gần chục năm làm lính, tưởng là phục viên về nhà kiếm cô vợ quê, làm xã viên hợp tác xã, dong trâu ra đồng, làm bạn với điếu cày… Thế rồi đánh đùng một cái… tôi sang Đức.

Những năm đầu của thập niên 80, chúng tôi ở Berlin, nước bạn lúc đó có thể còn khó khăn, nhưng với tôi là thiên đường, lần đầu được đi cầu thang máy, lần đầu thấy cửa hàng bách hóa rộng mênh mông, hàng bày ngập trời, tha hồ lựa chọn. Ngày mới sang đã được thưởng thức gà quay cả con, táo tây, bia, thịt… ngập chân răng. Nhưng đời sống tinh thần thì quả là “đói” thật, ngoài tờ báo Nhân Dân sang muộn 2 tuần, không có tin tức gì từ Việt Nam. Có anh bạn cùng đơn vị có cái đài, thi thoảng thời tiết đẹp mới bắt được Đài Tiếng nói Việt Nam, nghe cứ xoẹt xoẹt câu được câu chăng, nhưng lúc đó được như vậy cũng quý lắm rồi.

Những đêm giao thừa, phòng của anh có đài nên chật cứng, gần như cả đội đến đây nghe Chủ tịch nước chúc Tết… Từ nơi xa xôi vạn dặm, tiếng Chủ tịch nước vang lên: “Thưa đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài…”, mới nghe đến đây thôi, đứa nào cũng khóc, nước mắt cứ tràn ra giàn giụa, lăn dài trên má…

Có lẽ chỉ có ai sống xa Tổ quốc, đã một lần đón giao thừa ở châu lục khác, mới hiểu hết nỗi buồn xa quê, nỗi nhớ nhà, nhớ Tết cứ cuộn lên như cơn sóng ngầm! Nỗi nhớ không hẳn là nồi bánh chưng, không hẳn là phiên chợ Tết, mà cũng không phải là được ăn ngon… Nỗi nhớ, mà chỉ có ngày Tết, chỉ có lúc giao thừa mới có tâm trạng đặc biệt ấy.

Sau này xã hội Đức thay đổi, và sau này nữa nhà nào cũng có kênh VTV4 bắt được sóng Việt Nam. Ngày Tết, lúc giao thừa tình cảm với quê hương vẫn vậy, dù làm gì, ở đâu, khoảnh khắc giao thừa ai ai cũng về nhà, thắp hương và nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Vẫn là câu muôn thuở: “Thưa đồng bào, chiến sỹ cả nước, và kiều bào ta ở nước ngoài…”, mà lòng cứ nghẹn lại, tự nhiên nước mắt vẫn ứa ra vì cảm động, như Tổ quốc không quên mình, Tổ quốc vẫn gọi tên mình…

Thế rồi có điều bất ngờ đến với tôi. Năm 2008, tôi cùng đoàn kiều bào từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ về thăm quê hương, vào một buổi sáng chị Bích Thảo (nay là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức) thông báo sáng nay đoàn Việt kiều vào Phủ Chủ tịch và được Chủ tịch nước gặp mặt, tôi không tin ở tai mình nữa... Lát sau chị nói thêm về công tác an ninh, trang phục và nhấn mạnh: Hôm nay, Chủ tịch nước đi công tác đột xuất, đón tiếp là Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan. Dù cấp nào thì với tôi đây vẫn là niềm vui bất ngờ.

Sáng sớm hôm ấy đúng giờ, xe đón đoàn Việt kiều đến nơi, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan đã có mặt trong Phòng Khánh tiết… Sau khi bắt tay từng thành viên, bà nói chuyện khoảng 50 phút không nghỉ, giọng nói cũng như sự truyền đạt của bà thật tuyệt vời… Sau đó có 4 thành viên của đoàn Việt kiều được phát biểu ý kiến, điều đặc biệt bất ngờ, tôi cũng là một trong 4 người phát biểu. Từ trước đến giờ, nghĩ mình được vào phòng trang trọng bậc nhất của quốc gia là giấc mơ, mà giờ thành sự thật, mà mình lại được phát biểu thì đó là điều không tưởng! Và nữa, tôi lại được vinh dự đứng lên nhận Kỷ niệm chương của Chủ tịch nước, tôi đang được ở nơi mà thời khắc giao thừa Chủ tịch nước đọc thông điệp đầu năm, chúc mừng năm mới.

Và rồi, cách đây vài ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước gặp mặt thân mật đại diện kiều bào tại Đức. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam sau 40 năm thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức. Không khí trong hội trường đầm ấm mà trang nghiêm. Có 7 ý kiến đại diện cộng đồng người Việt định cư tại Đức phát biểu với Chủ tịch (3 đại diện doanh nghiệp, 2 đại diện hội đoàn, 2 đại diện sinh viên). Sau khi đã lắng nghe ý kiến phát biểu, Đại sứ nước ta tại CHLB Đức nói: Bây giờ là ý kiến cuối cùng với Chủ tịch nước, ai có ý kiến gì khác xin mời. Chờ 4-5 giây không có ai giơ tay, tôi nói: “Tôi có ý kiến”. Sau khi kính thưa ngắn gọn, tôi nói: “Cộng đồng người Việt tại Đức ngoài việc hội nhập tốt vào nước sở tại, thì luôn luôn hướng về quê hương. Chúng tôi vui mừng trước sự phát triển đi lên của đất nước, chúng tôi buồn khi nghe tin một tai nạn giao thông, chúng tôi lo cơn bão đổ bộ vào nước mình... Nếu được, xin Chủ tịch nước cho chúng tôi biết thêm về tình hình Biển Đông để chúng tôi thêm yên tâm được không ạ?”. Nói xong tôi nghe tiếng vỗ tay hội trường vang lên...

Không ngờ ý kiến của tôi lại được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quan tâm, dành thời gian giải thích cặn kẽ nhất. Cuối buổi gặp măt, tôi lên bắt tay và cảm ơn Chủ tịch nước đã giải thích thỏa đáng những câu hỏi, băn khoăn, cũng như những kiến nghị với Nhà nước Việt Nam của kiều bào ta đang định cư tại Đức. Chủ tịch nước bắt tay tôi rất chặt, tôi nhìn xuống phía dưới thấy các máy ảnh nháy lia lịa…

Với tôi đó là vinh dự của cuộc đời!!!

Berlin, tháng 11/2015

Thế Sáng (CHLB Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu