A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam có nên xây dựng các nhà máy điện hạt nhân? (*)

Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được triển khai xây dựng và vận hành vào năm 2015 thay vì vào năm 2020 như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay đối với nhà máy điện hạt nhân là sự an toàn của các lò phản ứng... Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam có nên xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Quê Hương xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Trần Văn Bình, Giám đốc Văn phòng Tư vấn DVT (Dr Van Tran & Partner Consulting Co.), CHLB Đức về vấn đề này.

LTS: Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức phải đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để hỗ trợ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, và một trong những dạng năng lượng mà Việt Nam hướng tới có hạt nhân. Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được triển khai xây dựng và vận hành vào năm 2015 thay vì vào năm 2020 như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay đối với nhà máy điện hạt nhân là sự an toàn của các lò phản ứng, đặc biệt từ khi xuất hiện một số sự cố hạt nhân, mà tiêu biểu là Biến cố Tchernobyl năm 1986 (Liên Xô cũ) và Biến cố Harrisburg năm 1979 (Mỹ) đã gây nên những hậu quả khủng khiếp cho con người và môi trường xung quanh. Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam có nên xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Quê Hương xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Trần Văn Bình, Giám đốc Văn phòng Tư vấn DVT (Dr Van Tran & Partner Consulting Co.), CHLB Đức. Hiện nay ông là hội viên của Hiệp hội Tư vấn & Sử dụng các dạng Năng lượng mới EUROSOLAR (thành viên của World Council for Renewable Energies (WCRE) do Ts Herrmann SCHERE làm Chủ tịch), ông cũng là thành viên trong Chủ tịch Đoàn của Hiệp hội Kỹ nghệ gia Đức – Á Châu (DAW) tiểu bang Hessen, CHLB Đức.



 Với địa hình của đất nước ta, việc xây dựng
các nhà máy thủy điện là phương án mang
tính chất - tương đối tối ưu - của chính sách năng
lượng, điện lực ít nhất là cho vài thập niên tới đây

Thời gian gần đây đọc lại tờ báo cũ, được biết lời tuyên bố của người lãnh đạo Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam: Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta, nếu không có gì trở ngại, sẽ vận hành vào năm 2017 – 2018 (thay vì dự định vào năm 2020). Nhà máy sẽ có 2 hoặc 3 lò với công suất của mỗi lò là 600 Megawatt. Tổng kinh phí dự trù từ 1,80 đến 2,00 tỉ USD. Nhưng theo đánh giá của chuyên gia trong ngành, thì với giá hiện tại ở Châu Âu, kinh phí sẽ lên quá con số 3 tỉ USD, vì lò có công suất 600 Megawatt tương đối nhỏ, bởi thế giá đầu tư xây dựng cho mỗi MW càng cao. Chỉ nhìn về khía cạnh kinh tế mà thôi, thì so với kinh phí đầu tư cho một nhà máy thủy điện như SƠN LA (với công suất 2.400 MW, khoảng 2,5 tỉ USD) thì đã thấy giá thành của một KWh của nhà máy điện hạt nhân này là không kinh tế rồi!!! Ấy là chưa nói đến yếu tố tác hại đối với môi trường sinh sống con người, lời giải cho bài toán xử lý chất thải và nếu có biến cố, tai nạn sảy ra, thì hậu quả không thề lường hết được!!

Gần đây lại có hiện tượng động đất ở vùng Biển Đông và ở khu vực các tỉnh phía nam Việt Nam với con số ghi nhận từ 5.5 đến 6.0 độ Richter thì ai dám bảo đảm rằng tại khu vực các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận sẽ hoàn toàn không có những hiện tượng động đất sau này? Đây là ẩn số mà các nhà khoa học từ lâu nay đã và đang nhức đầu vì chưa tìm ra được lời giải cho bài toán khi thiết kế xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trước thách đố của các hiện tượng thay đổi môi trường, của tai họa, các biến thiên của thiên nhiên, của khí hậu, thời tiết ..v…v....

Với địa hình của đất nước ta, tại các vùng núi cao với sông ngòi, thác ghềnh như ở vùng Tây Nguyên, chẳng hạn như việc xây dựng các nhà máy thủy điện theo bậc thang trên dòng sông Sêsan với các nhà máy thủy điện Yaly, Sêsan 3, Sêsan 4, Dakglei và Pleikrông, trên dòng sông Sêrêpok với nhà máy thủy điện Buôn-Kuốp... tỉnh Daklak, nhà máy thủy điện A-Vương ở Quảng Nam, rồi nhà máy thủy điện Quảng Trị trên sông Rào Quán; ở phía bắc, vùng Tây Bắc trên sông Đà với các nhà máy thủy điện Hòa Bình, rồi Sơn La, bên cạnh các nhà máy Nậm Mu, Thác Bà .v..v... lại thêm các nhà máy nhiệt điện Cái Lân ở Quảng Ninh, Phú Mỹ Vũng Tàu là phương án mang tính chất - tương đối tối ưu - của chính sách năng lượng, điện lực ít nhất là cho vài thập niên tới đây.

Có dịp nhìn lại kinh nghiệm chính sách về năng lượng của CHLB Đức, thời gian qua với sự đồng ý của hơn 2/3 dân chúng, chính phủ CHLB Đức đã quyết định sẽ đóng cửa các lò hạt nhân từ nay cho đến năm 2020 và bắt đầu từ thời điểm 01/07/2005 cấm gửi nhiên liệu, chất thải hạt nhân ra nước ngoài để xử lý. Câu hỏi được đặt ra: Một quốc gia với nền khoa học tiên tiến như Đức, tại sao chính quyền lại có một quyết định thay đổi đột ngột chiến lược như vậy? dám can đảm hy sinh cả một ngành công nghệ phục vụ xây dựng điện hạt nhân như vậy? Câu trả lời không phải là khó lắm: có thể nói, đó là chính phủ Đức đã làm cái việc thuận lòng dân, thỏa lòng người, đi đúng trào lưu suy nghĩ tiến bộ của nhân loại, đó là lòng yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh, chống những hành động, chính sách gây nên hoặc tạo ra bạo lực thù hận, yêu thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ môi trường sống. Điều quan trọng bên cạnh đó là chính quyền Đức đã chuẩn bị sẵn một chương trình tài trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho giới kỹ nghệ và cả người dân tích cực khai thác nguồn năng lượng mới: năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Riêng về nguồn năng lượng từ gió Đức đã đi hàng đầu ở Âu Châu, những năm qua cứ mỗi năm Đức đã tăng công suất năng lượng gió lên hơn 6000 Megawatt. Chả thế mà một nhà lãnh đạo của tổ chức Greenpeace, ông Vande Putte đã tự hào tuyên bố: “Chúng ta đã có một nền kỹ thuật trong lành để đi vào thế kỷ 21. Và chúng ta chẳng cần loại năng lượng hạt nhân nguy hiểm kia nữa”.

Rất mừng là thời gian qua, ở nước ta đã hình thành một vài dự án trong lãnh vực này, như Chính phủ đang có kế hoạch xây dựng những Công Viên Cánh Quạt Gió (Wind Parc/Wind Farm) ví dụ như phong điện Phương Mai ở khu vực các tỉnh dọc duyên hải miền Trung, giai đoạn thí điểm đầu tiên với 10 hệ thống cánh quạt gió, công suất tổng cộng là 15 Megawatt.

Tôi rất tâm đắc và chia sẻ với suy nghĩ, tâm tư của GS Ts. Nguyễn Khắc Nhân, Giáo sư Viện Kinh tế, Chính sách Năng lượng Grenoble, Pháp, một chuyên gia, đã từng có thời làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Pháp, trong một bài phúc trình, được nghiên cứu rất công phu với nhiều số liệu dẫn chứng rõ ràng của Giáo sư “Tại sao Việt Nam nên thận trọng đối với điện hạt nhân” đã nói giùm lên suy nghĩ của rất nhiều người, trong số đó có người viết bài này, “không có một lý do gì cho phép chúng ta tặng món quà rác thải phóng xạ độc hại, nguy hiểm cho con cháu chúng ta và cho hàng chục thế hệ sau này”. Phải chăng đó là lời khẳng định trách nhiệm và bổn phận của thế hệ chúng ta, đồng thời cũng là một tiếng chuông, một lời cảnh báo với tất cả những ai có trách nhiệm dù trực tiếp hay gián tiếp đến công tác này. Và vì thế chúng ta cũng hy vọng rằng đây cũng là lời nhắn gửi chân tình đến những ai đang nắm vai trò quản lý, có trách nhiệm đề ra chính sách, chương trình, thiết kế chính sách năng lượng ở tầm cỡ quốc gia hãy cân nhắc, thận trọng trước khi đến một quyết định mà hậu quả sẽ có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, đến đời con đời cháu của chúng ta sau này. Đứng trước một quyết định khó khăn và quá lớn như thế thì việc trao đổi, hội ý và tham khảo, thăm dò ý kiến của nhiều phía, nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước là cần thiết. Nếu cần dưới hình thức của một “Hội nghị Diên Hồng Khoa học”, là thái độ thông minh và sáng suốt để tìm đáp số và lời giải cho sự việc!

Gần đây một tổ chức của Chính phủ nước ta đã mời ngài dân biểu quốc hội CHLB Đức, Tiến Sĩ Herrman Schere đã sang Việt Nam trao đổi va góp ý cho các cơ quan có trách nhiệm về chính sách năng lượng của ta. Ts. Herrmann Schere đã không ngần ngại và khẳng định lời tư vấn của ông là: Việt Nam không nên đi vào hướng xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân!

Ts. Trần Văn Bình (CHLB Đức)

(*) Tiêu đề do Quê Hương đặt.

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu