Việt Nam cần gì ở VK trong giai đoạn phát triển kinh tế của mình
|
Theo tôi khó khăn chính mà VN đang và sẽ gặp phải trong sự hội nhập kinh tế toàn cầu của mình là nhân sự. Nhân sự thiếu ở đây là nhân sự có thể làm việc được đúng nghĩa để có thể so sánh với thế giới, chứ không phải nhân sự cho đủ chỗ. Hiện tại tiền lương thấp không khuyến khích nhiều người làm việc một cách có hiệu quả. Song nếu làm việc có hiệu quả thì có thể có tiền lương cao. Vậy chúng ta thiếu nhân sự gì là chính? Theo tôi chúng ta là những người làm việc một cách chuyên nghiệp. Từ người giúp việc đến người lãnh đạo. Người lãnh đạo ở đây tôi muốn nói cả ở trong và ngoài Quốc doanh. Nếu như công ty tư nhân có lãnh đạo kém thì công ty không thể phát triển được, công ty đó sẽ bị phá sản. Song nếu là lãnh đạo một đơn vị nhà nước thì nó sẽ gây đình trệ công việc, mất lòng tin trong quần chúng, gây tổn thất cho nhà nước.
Vậy nguồn nhân lực đó lấy ở đâu ra? Chúng ta phải đào tạo hay đang nỗ lực đào tạo, hoặc tìm nhân lực có sẵn. Và việc muốn đào tạo được những người đầu ngành không phải chỉ có thể đào tạo trong ghế nhà trường, và cũng không thể đào tạo trong 2-5 năm như đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ. Những người đó cần có thời gian tích luỹ kinh nghiệm trong môi trường tốt.
Vậy tốt nhất cho Việt Nam, trong thời gian chờ đợi việc đào tạo, chúng ta cần tận dụng lực lượng VK có chuyên môn, có kinh nghiệm làm việc ở các nước tiên tiến, có ngoại ngữ tốt. Lực lượng VK về hưu và sắp về hưu là lực lượng dồi dào, chi phí thấp. Song họ có nhược điểm là ít năng động. VK thế hệ trẻ họ năng động nhưng ngược lại họ cần được trả lương đầy đủ để họ có thể sống và làm việc với điều kiện tương đồng với bên nước sở tại. Tất nhiên không phải VK nào cũng có thể đảm trách được những công việc mà VN đang cần. VN cần những con chim đầu đàn trong lĩnh vực khoa học, những người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, những người này có tầm quan trọng chiến lược cho nền kinh tế.
Nếu chúng ta không mở rộng thu nhận nhân tài này thì chúng ta sẽ phải trả giá bằng thời gian. Nước Mỹ đã tận dụng tốt những người nhập cư tài giỏi trong những thế kỷ trước cho nên họ đã phát triển nhanh. Singapore hiện tại cũng đang thực hiện chính sách này và họ đã phát triển nhanh. VN ta có lực lượng VK rất đông đảo ở nước ngoài có thể trở về làm việc ở trong nước, đó là nguồn tài nguyên lớn nhất mà VN nên khai thác càng nhanh càng tốt. Nói như vậy không có nghĩa là người ở trong nước không có người giỏi. Có rất nhiều người giỏi nhưng so với số chúng ta cần thì còn quá ít. Mặt khác, khó có thể có được một chính sách đúng phân biệt người tài trong nước để trả lương xứng đáng cho họ. Thường những người này hoặc làm việc cho các công ty nước ngoài hoặc mở công ty riêng.
Những ý tưởng trên không phải là mới, Chính phủ đã có nhiều chính sách để thực hiện song có cái gì đó vẫn lấn cấn chưa thể triển khai được một cách thông suốt. Theo tôi, vấn đề chính là chúng ta cần ai cụ thể? Theo kinh nghiệm mà tôi có được ở trong nước là VN đang cần những người có kinh nghiệm, kỹ thuật cao, những người quản lý đầu ngành. Không những vậy, những người này cần am hiểu tốt điều kiện, khả năng hiện tại của VN để đưa ra những tư vấn, những chiến lược, những dự án khả thi cho VN.
Những dự án giải quyết vấn đề vướng mắc trong nền kinh tế hiện tại. Và họ còn cần có cả chiến lược đào tạo những cán bộ nòng cốt thật sự có năng lực tạo hiệu quả khả thi cho các dự án đó, họ sẽ là những người làm việc tại chỗ và có thời gian làm việc khá lâu dài với VN.
Tất nhiên điều kiện tiên quyết để những người này thành công là phải có một cơ chế thoáng, đặc biệt cho họ và họ phải được hỗ trợ tối đa của những người lãnh đạo trong nước. Và điều quan trọng nữa là không nên đặt những người này dưới những người không có năng lực trong nước kiểm soát. Vì như vậy họ không thể phát huy được tài năng của họ.
TS Nguyễn Quốc Bình
PGĐ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM