Vài ý kiến về vấn đề thoát nước và xử lý nước thải ở Hà Nội
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong một cuộc phỏng vấn với báo chí gần đây, cho rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do "thời tiết cực đoan". Ông cho rằng mưa lớn và dồn lại một điểm như vậy thì đến cả những nơi có cơ sở hạ tầng tốt như Mỹ và châu Âu cũng không tránh được việc bị ngập.
Học hỏi từ cách làm của Hà Lan
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong một cuộc phỏng vấn với báo chí gần đây, cho rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do "thời tiết cực đoan". Ông cho rằng mưa lớn và dồn lại một điểm như vậy thì đến cả những nơi có cơ sở hạ tầng tốt như Mỹ và châu Âu cũng không tránh được việc bị ngập.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng ngập lụt ở Hà Nội, nguyên nhân khách quan như Bộ trưởng đã nói nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Thành phố chưa có kế hoạch thoát nước tổng thể mà chỉ làm vài dự án lẻ tẻ như để đối phó với dư luận.
Đường ống dẫn nước cũ bị tắc do các công trình xây dựng mới lấp, người dân vứt rác làm lấp miệng cống và tắc cống, không còn liên thông tạo nên hệ thống thoát nước thống nhất cho thành phố. Rồi các vỉa hè hay đường vào nhà hay vườn đều bị bê-tông hóa nên mưa xuống là nước tràn ra đường...
Tuy vậy, để làm được việc quy hoạch tổng thể cần có bản đồ độ cao, tỷ lệ 1:2000 để biết được nước chảy về chỗ trũng nào khi mưa, bản đồ loại đất để biết khả năng thấm nước của từng khu vực, bản đồ tỷ lệ 1:500 về hiện trạng hệ thống thoát nước bao gồm cống rãnh, máy bơm, hồ điều hòa, sông hồ tự nhiên..., số người dân sống trong từng lưu vực và nhật ký lượng mưa trong thành phố khoảng 100 năm mà Hà Nội không có.
Bản đồ số là một trong những bài toán cơ bản giúp vấn đề quy hoạch, thiết kế và xây dựng... nhưng của ta còn rất sơ sài, các ban ngành tự mình làm, rồi không có tích hợp trở thành bản đồ số toàn quốc. Kinh phí cũng không có để cập nhật những bản đồ có sẵn và làm bản đồ mới.
Tuy vậy, cách làm của nước bạn Hà Lan thì không nhất thiết tất cả đường ống dẫn nước mưa hay nước thải phải lắp theo chiều dốc mà lắp ngang, rồi dùng máy bơm nước hút về các hồ điều hòa và đổ ra sông. Cách làm này không cần bản đồ độ cao, không phải đào sâu, tạo dốc nghiêng cho nước chảy, có thể làm nhanh được và không tốn kém đào hay diện tích ống phải làm to dần đoạn cuối nhưng sẽ tốn năng lượng bơm nước.
Hàng trăm năm trước, Hà Lan đã dùng các cối xay gió để bơm nước ra khỏi khu vực trũng. Hiện nay, họ dùng máy bơm điện để bơm nước ra, dùng điện gió và điện mặt trời cộng với máy bơm thông minh giảm hay tăng công suất nhờ những cảm biến đo lượng nước trong cống và tự động điều chỉnh công suất máy bơm. Thiết nghĩ, cách làm này có thể áp dụng cho địa hình đồng bằng trũng như Hà Nội, có thể xây dựng nhanh và giảm bức xúc của người dân trong những ngày "khí hậu thất thường".
Các đường phố và vỉa hè ở Hà Lan đều lót gạch hay đá trên nền cát, không có bê-tông, sẽ thấm được một phần nước mưa và dễ thay các đường ống khi có sự cố.
Trả lại mầu xanh cho sông Tô Lịch
Khi làm việc tư vấn kiến trúc CNTT cho Mobifone, tôi sống ở trong một khu căn hộ cao cấp nhưng bước ra ngoài là mùi hôi cống rãnh đập vào mũi rất khó chịu và tôi bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân thì biết tất cả nước thải được dẫn ra con mương sau khu đó, rồi ra sông Tô Lịch. Tôi thật sự ngạc nhiên và hoàn toàn bị sốc khi biết tất cả nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông hồ nên đều có màu xanh đen và mùi hôi thối.
Buồn nhất là con sông Tô Lịch nước đen kịt, sủi bọt, rác đủ loại trôi lềnh bềnh, tôm cá không sống nổi... và mùi hôi nồng nặc bốc lên. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xả rác xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường nặng nề và mất mỹ quan đô thị.
Trên thế giới, khi xây dựng thành phố, người ta đã quy hoạch đường dây điện, ga, nước uống, nước mưa, nước thải... vào các mương, cống dẫn riêng dựa trên số người dân sẽ về sống trong khu vực đó. Các kỹ sư xây dựng thường dùng phần mềm Mô hình số (DTM - Digital Terrain Model) 3D để thiết kế các đường cống dẫn nước thải theo độ dốc nhất định để nước chảy về nhà máy xử lý xử lý nước thải.
Tuy vậy, ở những nước đồng bằng hay có vùng dưới mặt nước biển như Hà Lan người ta chỉ để ống dẫn nước thải thấp hơn nền nhà khoảng 1 mét, chứ không đào sâu để tạo độ nghiêng và dùng máy bơm hút về các nhà máy xử lý nước thải. Rác được lọc ra qua các lưới chặn, bùn cát được lắng trong các hồ, nước thải được xử lý bằng nhiều phương pháp: lý học, hóa học, sinh học... đến khi hoàn toàn sạch rồi mới thải nước ra môi trường.
Có nhiều nơi đã có phần mềm với các thuật toán AI - trí tuệ nhân tạo, dự đoán mức độ dòng chảy trong thời tiết khô hạn và tải trọng đầu vào cũng như sản xuất bùn. Những dự đoán này có thể hoàn toàn tự động hóa và kiểm soát dòng chảy qua mạng, tối đa hóa việc sử dụng mạng lưới cống và tối ưu hóa đường dẫn bùn, để giảm sự cố ô nhiễm và biến chất thải thành năng lượng tái tạo.
Thành phố Hà Nội đã dùng nhiều phương pháp xử lý nước thải nhưng chưa có phương pháp nào giải quyết tận gốc. Thứ nhất nói về dùng hóa chất Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội tốn nhiều tiền, kết quả rất khiêm tốn, mùi vẫn còn nhiều, chưa kể đến hóa chất giết chết môi sinh trong nước. Bùn, rác vẫn còn nguyên trong sông hồ.
Thứ hai về phương pháp vi sinh của người Nhật, đạt được một số kết quả nhất định nhưng chỉ giải quyết một phần nước thải chung quanh sông Tô Lịch, nhưng những chỗ khác vẫn ô nhiễm, bùn, rác vẫn còn đó và chỉ là công đoạn cuối trong giải pháp tổng thể như đã nói ở trên.
Đầu tháng 10/2016, thành phố Hà Nội khởi công Dự án Hệ thống Xử lý nước thải Yên Xá, bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874ha.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16,3 nghìn tỷ đồng. Đường ống nằm dọc sông là ý tưởng rất hay vì không đào bới trong khu dân cư nhưng rất tốn kém và mất thời gian.
Sông Tô Lịch đã có được bờ kè đẹp nhưng nay lại đang bị phá đi để làm cống dẫn nước thải. Như trình bày ở trên, 300 cống dẫn nước thải vào sông Tô Lịch là cống hỗn hợp dẫn nước mưa và nước thải nên lượng nước sẽ lớn nếu không tách riêng ra, chu vi của các cống khổng lồ, rồi âm sâu xuống, tạo độ dốc tới 19m, tốn kém mất thời gian, chưa kể công suất của nhà máy phải vận hành với lượng nước mưa trộn lẫn nước thải sẽ lớn, tốn năng lượng và các phụ liệu khác.
Khi mưa nhiều, nước ở tuyến cống sẽ lại tràn ra sông hay khu phố và vẫn bị ô nhiễm. Khi không có mưa hay mưa ít thì sông sẽ trơ đáy trông rất xấu vì nước chui hết vào tuyến cống mới.
Vì vậy, xin kiến nghị một số điểm như sau:
Cần có quy hoạch tổng thể về phát triển thành phố, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, minh bạch hóa cho người dân biết và đóng góp ý kiến.
Thiết kế và xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng và hệ thống cống gom tất cả nước thải riêng về nhà máy để xử lý, trước khi trả về sông hồ.
Đặt tuyến cống thu nước thải hay nước mưa nằm ngang và dùng bơm hút như Hà Lan đã làm, trường hợp tuyến cống dọc theo các sông chỉ cần đăt mặt đáy lòng sông là đủ. Nếu cần thiết, Hội Tri thức Việt Nam tại Hà Lan mà tôi làm trong ban quản trị, có thể làm cầu nối cho thành phố và doanh nghiệp xây dựng Hà Lan.
Thu phí thoát nước và xử lý nước thải như trên thế giới đã làm vì việc đầu tư tuyến cống dẫn nước thải, nước mưa riêng biệt và các nhà máy xử lý nước thải sẽ tốn nhiều tiền và cần kinh phí vận hành nhà máy, phí tính theo lượng nước sạch đã dùng theo chỉ số đồng hồ nước.
Quốc hội cần có luật bắt buộc những cơ quan xây dựng căn hộ hay cơ quan trong khu vực đã có dân cư đông đúc trả tiền mở rộng hệ thống thoát nươc và dẫn nước thải. Còn trong khu vực mới thì tất cả các doanh nghiệp và công ty như xây dựng, điện lực, viễn thông, cung cấp nước và thoát nước đều phải tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng trước, theo quy hoạch của thành phố vì họ là những người bán dịch vụ cho người sống và làm việc ở đó sau này.
Quốc hội cần có điều luật quy định rõ ràng trách nhiệm và phạt hành chính người dân trong việc ném rác bừa bãi, lấp các cống rãnh thoát nước hay doanh nghiệp xây dựng san lấp bít cống thoát nước, phạt tù thật nặng các công ty cố tình đổ nước thải ra môi trường cùng với cơ quan chức năng kiểm tra tại khu vực đó.
Nước thải công nghiệp có thể phải xử lý riêng tùy theo là loại gì, trước khi đẩy vào hệ thống cống thoát nước mưa chung. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có danh sách công khai những công ty có chất thải công nghiệp nguy hại đến môi trường để người dân giúp giám sát và kiểm tra.
Tôi tin rằng, nếu lãnh đạo thành phố Hà Nội có quyết tâm chính trị cao và vào cuộc quyết liệt thì sẽ làm được, trả lại mầu xanh cho sông Tô Lịch huyền thoại một thời.
Lâm Việt Tùng (Hà Lan)
Chuyên gia tư vấn kiến trúc giải pháp CNTT