A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ Paris nhớ trẻ thơ trên đảo Trường Sa

Qua sự ngây thơ, hạnh phúc của trẻ Việt và gốc Việt trên sân khấu ở Paris, tôi chạnh lòng nghĩ đến trẻ trên quần đảo Trường Sa. Các cháu theo cha mẹ đi lập nghiệp ở đảo xa để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Chúng ngây thơ lớn lên ở đảo tưởng chừng như bình yên...

 

 Các cháu học sinh Hội Âu Việt biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại buổi lễ kết thúc năm học

Hôm 9/6 vừa qua, tôi được mời đến tham dự lễ kết thúc năm học của các cháu sinh ra và lớn lên ở Paris trong Hội Âu Việt. Buổi lễ cũng chính là buổi gặp gỡ giữa các thiếu nhi sinh ra lớn lên ở Hà Nội đang theo học lớp song ngữ Đoàn Thị Điểm và lớp học sinh học nhạc dân tộc do Hội Âu Việt tổ chức trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Quan sát các cháu, tôi thấy các cháu thật hồn nhiên. Các cháu sinh ra bên Pháp nên tiếng Pháp rất thạo nhưng tiếng Việt lúng búng còn các cháu sinh ở Hà Nội thì ngược lại. Mở đầu chương trình, dàn đồng ca bài hát Thương ca tiếng Việt, để nói lên mục đích của Hội Âu Việt luôn khuyến khích các em nhỏ học tiếng Việt nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa ngôn ngữ dân tộc dù sinh ra ở Pháp. Học sinh trường Đoàn Thị Điểm hát bài tiếng Pháp Chúng tôi viết trên tường, một bài hát nổi tiếng với thông điệp tự do và khát vọng hòa bình. Và tất cả cùng hát chung bài Chào Việt Nam
 

Học sinh Trường Đoàn Thị Điểm hát cùng học sinh Hội Âu Việt  

Để chương trình thêm chất lượng vì sự không chuyên và lúng túng đáng yêu của học sinh nhí, các thầy cô như Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sơn, nghệ sĩ Thanh Ngọc, Daniel, Jaqueline -những người thầy cô hết lòng truyền âm nhạc dân tộc trên đất Paris nhiệt tình tham dự cùng các em. Kết thúc chương trình là bữa tiệc nhỏ do chính các phụ huynh học sinh trổ tài cũng đậm màu sắc dân tộc như nem, bánh cuốn, bánh chưng, bánh bao…
 

Các em thiếu nhi ở Trường Sa tham gia giao lưu văn nghệ chào mừng Đoàn công tác đến thăm Đảo

Qua sự ngây thơ, hạnh phúc của trẻ Việt và gốc Việt trên sân khấu ở Paris, tôi chạnh lòng nghĩ đến trẻ trên quần đảo Trường Sa. Các cháu theo cha mẹ đi lập nghiệp ở đảo xa để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Chúng ngây thơ lớn lên ở đảo tưởng chừng như bình yên. Trẻ cũng đến trường, nhưng trường chỉ có một thầy. Trẻ được cả nước quan tâm, các đoàn đến thăm đảo đều ghé thăm. Và trong chuyến thăm Trường Sa tháng 4/2018, tôi may mắn được đến thăm các em, được nghe các em cùng với các nghệ sĩ theo đoàn vui hát. Tiếng hát ngây thơ, bồng bềnh trên sóng. Đó là những ngày biển yên sóng lặng, tàu cập bến dễ dàng…

Giữa tháng Sáu, Paris nóng như Trường Sa. Cơn nóng oi bức, không có gió biển thổi vào, báo hiệu những cơn giông. Nha khí tượng đã thông báo khẩn về cơn bão sắp qua một số vùng ở Pháp. Giông bão ở Paris mọi việc vẫn bình thường. Trẻ vẫn đến tham dự biểu diễn. Cha mẹ đưa con đến bằng ô tô, hoặc có phương tiện công cộng an toàn như tàu điện ngầm, xe buýt. Trong khi ở Trường Sa, nghe tin bão, là báo động thực sự. Hàng năm, trẻ phải nghe tiếng sóng đập dữ dội. Sóng đánh cao hơn đảo. Sóng biển có lúc cao hơn 15m. Sóng biển nào có thương ai. Nhiều cơn bão hung dữ quét qua đảo, gần như toàn bộ cây cối đổ ngổn ngang. Sau cơn bão, tất cả như một chiến trường đổ nát. Cây đổ ngổn ngang. Những vườn rau xanh bị bão cuốn đi. Lính đảo và người dân phải ra kịp thời cứu trồng lại toàn bộ cây để giữ mát cho đảo. Nước ngập đảo vài tiếng, rồi mới rút đi. Trẻ em ở Trường Sa lớn lên không phải chỉ suốt ngày học và ca hát như những đứa trẻ đang vui ca hát ở Paris. Chúng suốt ngày nhìn thấy các chú lính tập luyện dưới nắng mưa, lao đi bất kể ngày đêm cứu người bị nạn khi gặp bão hoặc tàu thuyền bị nạn. Chúng phải quen tiếng hú tập báo động của các chú lính vang vang trên đảo. Bù lại, trẻ thơ không phải lo đi học thêm vất vả như trẻ ở đất liền. Thầy giáo và các chú bộ đội sẵn sàng truyền kiến thức cho các em. Trên đảo thanh bình, không ô nhiễm xăng, khói, không ồn ào tiếng động cơ xe máy, ô tô như ở Paris hay Hà Nội. Tất cả như một đại gia đình trên đảo. Mọi người ai ai cũng biết nhau. Một chút máu đồng hương là thành nhóm bạn đầy kỷ niệm.

Tác giả (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng các em thiếu nhi tại đảo Song Tử Tây

Nhưng ở Trường Sa thiếu những cửa hàng đầy hoa, những vườn đầy trái chín. Đoàn chúng tôi cùng các nghệ sĩ đến thăm đảo, ở đảo nào cũng tổ chức giao lưu văn nghệ. Các cô văn công xinh đẹp hát múa hay quá, các cháu trên đảo không đủ hoa để tặng. Đảo chỉ có hoa rau muống dại, hoa hiếm nên không ai hái hoa trồng trong chậu. Hoa tặng chỉ là mấy vỏ ốc nhỏ gắn lên dây điện. Các cháu hồn nhiên xin lại hoa của các chú lính để tặng các cô ca sĩ trong khi các chú cũng muốn tặng các cô gái xinh đẹp. Các chú nhường các cháu. Vui và vô cùng cảm động. Ở đảo xa, thiếu thốn nhưng có những bông hoa đấy ý nghĩa. Một nếp sống văn hóa đáng trân trọng.

Đất nước hòa bình, nhưng nước vẫn chưa yên, biển chưa lặng. Tất cả vì biển đảo, vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trẻ em ở quần đảo Trường Sa được Nhà nước và đồng bào trong và ngoài nước quan tâm nhưng các cháu vẫn còn phải chịu thiệt thòi. Những phòng học còn đơn sơ, những thư viện sách với các đầu sách còn hạn chế. Trong khi ở Paris nơi tôi sống, trẻ em quá đầy đủ, sách tràn ngập trong thư viện và tiệm sách. Mỗi cháu có đàn riêng để tập, từ nhạc cụ dân tộc Việt đến dụng cụ nhạc phương Tây như Piano, ghi ta điện, chưa kể máy móc hiện đại đi kèm như tăng âm…

Đêm đã khuya, lướt qua mạng internet thấy thông tin Trường Sa gặp bão, tôi thầm cầu nguyện cho bão đừng đi qua đảo, mong cho sóng lặng, biển bình yên, đất nước hòa bình mãi mãi để các cháu có một tuổi thơ như các cháu ở trường Đoàn Thị Điểm, hay trong Hội Âu Việt.

Trần Thu Dung (CH Pháp)


Các tin khác

Tin tiêu điểm