A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ Matxcơva đến Matxcơva hay là cuộc hành trình qua châu Âu

Mang nặng trong lòng bao ý nghĩ ngổn ngang về những miền đất đi qua suốt chuyến bay quay trở lại nước Nga, dẫu suốt đêm qua không ngủ, nhưng tôi không thể nào chợp mắt...

Một thấy bằng mấy trăm nghe

Cùng với một người bạn đường, tôi rời nước Nga trong một buổi chiều Thu muộn. Sân bay Quốc tế Seremetievo 2, nơi hàng chục năm trước đây là điểm đến, điểm đi duy nhất của người Việt Nam, giờ đây trở thành thứ yếu sau sự lên ngôi của sân bay tư nhân Đômôđeđôvô ở phía Tây Nam thành phố.


Khu vực Quảng trường Đỏ - Liên bang Nga

Chúng tôi hòa vào dòng người châu Âu chờ làm thủ tục quá cảnh. Hàng hóa gọn nhẹ, áo quần nghiêm chỉnh, chiếc vali và chiếc cặp da có vẻ sang trọng, không đến nỗi úi xùi về mặt hình thức, làm cho chúng tôi tự tin hẳn lên.Tôi đếm đồng hồ, mỗi hành khách Tây Âu sau nửa phút chờ nhân viên biên phòng soi máy và đóng dấu là có thể ung dung buớc qua rào chắn đi vào khu phòng chờ.

Đến lượt tôi, một trong hai người châu Á duy nhất đứng xếp hàng, anh thiếu úy biên phòng còn trẻ, để ria mép, cầm lấy hộ chiếu, nhìn tôi chằm chằm như chưa được thấy người phương Đông bao giờ.
Không nói nửa lời, anh ta đóng cửa lại, đi tới gõ cửa căn phòng có chữ “Ntralnik” (chỉ huy). Một viên sĩ quan quân hàm đại úy khệnh khạng bước ra, cầm lấy quyển hộ chiếu của tôi đưa vào máy soi quang học: không phải hộ chiếu giả! Anh ta tiếp tục soi visa Schengen màu xanh có in ảnh: không phải visa giả! Động tác cuối cùng của viên chỉ huy là bấm máy dò tên tuổi của tôi đối chiếu với visa Nga đi lại nhiều lần: không phải đồ giả! Hết bài. Và không nói lấy một phần hai lời, anh thiếu úy gõ gõ vào máy tính, dập mạnh cái dấu sắt sáng loáng như thụi vào trang cuối cùng của quyển hộ chiếu. Xong. Tôi xách cặp bước qua cánh cửa biên phòng, lọt vào phòng đợi.

Sau hai tiếng rưỡi, chưa kịp đọc xong một tờ báo ngày, máy bay đã tiếp đất xuống Thủ đô Berlin.

Sải bước theo đoàn người, thò tay vào túi comlê cầm hộ chiếu với tư thế xuất trình, một động tác thuần thục thành phản xạ có điều kiện trong suốt cuộc hành trình hơn hai chục năm có lẻ, tôi chăm chú dõi theo từng động thái của các nhân viên kiểm tra sau ô cửa.

Biên phòng sân bay Đức có hai lối vào, một lối dành cho công dân các nước châu Âu (EU), còn một lối dành cho công dân các nước còn lại.

Tôi xem đồng hồ, mỗi công dân châu Âu phải tiêu tốn cho cuộc kiểm tra chừng 10 giây đến 20 giây. Nhân viên biên phòng đặt hộ chiếu lên máy và bấm nút. Cửa mở, họ cứ thế mà đi, như chưa hề có một cuộc kiểm tra!

Còn lối dành cho các vị khách không phải hoặc là chưa phải công dân châu Âu thì mỗi người bỏ ra chừng nửa phút đến một phút, hầu như không một ai bị hành, bị hỏi, bởi vì Lãnh sự đã cấp visa, có nghĩa là có quyền nhập cảnh.

Đang kéo vali theo hành lang ra bãi đậu xe, tôi bị gọi giật lại. Một vị hải quan to lặc lè, nhưng cực kỳ nhũn nhặn: “Xin ngài cho kiểm tra hàng hóa”.

Tôi mở khóa vali và trân trọng kính mời người có thẩm quyền xem xét, bởi vì ngoài mấy đồ dùng cá nhân, mấy chai rượu Nga mua trong cửa hàng miễn thuế và mấy cây giò hun khói ra, tôi không có cái gì đáng để bận tâm.

Trả lại đồ dùng, quần áo của tôi cho vào vali, anh hải quan gạt bốn chai rượu Nga và năm cây giò Vlađimia hảo hạng sang một bên và lại vô cùng nhũn nhặn: “Chúng tôi tịch thu số hàng này của ngài vì luật không cho phép”.

Thế là thế nào? Khi tôi chuẩn bị lên đường, điện cho ông bạn mới cùng vợ và con cái sang đây, ông ta cho hay là đưa sang Đức cái gì cũng quý, ví dụ dăm ba chai rượu, vài chục con cá khô vôbla, mấy cây giò hun khói chẳng hạn. Tôi nghe và thực hành, không chú ý đến một điều kiện mang tính tiên quyết là ông ta có hộ chiếu ngoại giao đỏ thẫm, còn tôi thì hộ chiếu dân thường xanh lét.

Tôi cũng được chỉ giáo rằng, sang Đức thì cấm xin và cấm cãi. Muốn cãi, xin mời đến Tòa án, còn việc cười cầu cạnh, dúi tiền vào tay người làm công vụ thì thậm chí còn mang họa vào thân.

Chưa hết, ông "nhũn nhặn" yêu cầu tôi để lại vali lên bàn, cầm lấy bốn chai vôtka và bảo tôi đi theo đến phòng làm việc ở đầu hành lang. Tôi im lặng bước đi như bị thôi miên. Đến đây, một cô nhân viên cao nhỏng, tóc đỏ quạch, gõ gõ vào bàn phím computer một biên bản dạng làm sẵn, nội dung là, công dân này, số hộ chiếu này, phải nộp phạt vì mang rượu trái phép vào Đức, số lượng là bốn chai.
Đến lúc này, tôi mới vô phép mở mồm giải thích với họ rằng, chúng tôi được mang số rượu này khỏi Nga bình thường, không biết Luật ở Đức cấm, nếu biết thì có họa là dở hơi mới mang sang, đã xách nặng, bị tịch thu lại còn bị phạt?

Để đáp lại, cô "đỏ quạch" đưa tôi một văn bản bằng tiếng Đức dài lê thê thay cho lời giải thích, làm như tôi thông thạo thứ tiếng này lắm. Kết cục đơn giản là tôi phải nộp vạ bốn chai vốtka, mỗi chai 24 euro, nghĩa là 96 đồng bạc trắng châu Âu.

Cực chẳng đã, tôi rút ví ra hai tờ một trăm đô, cô ta mím môi, lắc đầu. Ông "nhũn nhặn" khoát tay, ra hiệu dẫn tôi đi đến chỗ đổi tiền phía cuối nhà ga. Ký tên nộp phạt, trả học phí xong, tôi rút ra được một bài học nhỏ là, đã rời nước Nga rồi thì mọi việc cứ theo Luật mà làm!

Đây là châu Âu!

Ở Berlin được mấy hôm, tôi khăn gói bay về Tây Đức. Đã điện trước, một người bạn của tôi lái xe ra tận sân bay Frankfurt đón. Từ sân bay về nhà anh ở Karlshruhe khoảng 350km, tôi chắc mẩm phải gần sáng mới đến nơi, bởi vì lúc đó đã gần mười một giờ đêm rồi, nhưng anh ta bảo, chỉ sau hai tiếng nữa là chúng ta sẽ có mặt. Để củng cố trọng lượng lời nói của mình, anh ta gọi điện cho vợ thông báo là đã gặp được khách rồi, làm cơm sẵn đi, xe bắt đầu xuất phát.
Ra đường lớn, xe chạy với tốc độ 150 đến 160 km/ giờ theo quy định. Là dân lái xe, mặc dù trong đêm, tôi vẫn nhận ra chất lượng đường phẳng lỳ, nhưng độ bám rất cao. Nếu đường trơn, thì với tốc độ này, bị chệch lái một li, xe chỉ còn là đống sắt vụn, và người cũng sẽ bê bết như nguyên liệu làm giò chả. Hai bên đường, tuyệt nhiên không có lấy một biển quảng cáo gây ra sự phân tán, làm mất sự chú ý cho người cầm lái; không một gốc cây, không một hè nhà che khuất tầm nhìn, bên đường xe không được đỗ lại mà cứ 50 km, đường có một chỗ phình ra bằng hai làn cho xe đỗ, dài chừng 300m, do đó đường phong quang, xe chạy rất an toàn. Và quả thật, chỉ sau hai giờ, tôi đã có thể an tọa trên salon trong phòng khách với một cốc trà nóng hổi.



Tòa nhà Quốc hội Đức
 

Bạn tôi đang làm công tại nhà máy sản xuất xe Mercedes, buổi sáng anh đưa tôi đến thăm khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Tôi là con nhà cầm bút, nhưng mê xe lắm. Cho tôi hoặc đi xem triển lãm xe hoặc đi dự thi hoa hậu hoàn vũ có thưởng, thì tôi không ngần ngại trả lời ngay, là cho tôi đến bãi xe!
Những chiếc xe ở khu trưng bày đẹp đến mức tôi phải chùi tay vào áo rồi mới dám sờ lên vỏ xe bóng lộn. Còn giá cả ghi trên kính tôi nhẩm tính thì gần bằng một phần hai giá bán ở Hà Nội. Taxi ở Đức chủ yếu là xe hạng sang giống như một số loại xe ở Hà Nội hay Sài Gòn dành cho các đại gia, chỉ có các vị ấy mới đầy đủ phẩm chất được cưỡi, còn ở đây thì chỉ việc trả mỗi cây số hai euro là có thể ngồi cả tháng. Các báo của ta ngộ chữ hay gọi là siêu xe; hơi dốt về Hán ngữ, nhưng tôi trộm nghĩ nên viết là siêu xa mới đúng hay sao ấy. Cũng như trước ngày 2/9, máy bay khổng lồ A380 đáp xuống Nội Bài, các báo đồng loạt đăng là siêu máy bay, không dùng siêu phi cơ, chắc là để góp phần chuẩn hóa tiếng Việt!

Người Đức không câu nệ dùng xe cũ hay mới, miễn là chạy tốt. Có những xe sản xuất từ năm 1990, nhưng trông ngon lắm, bởi chủ xe hết sức gìn giữ, bảo dưỡng. Hình như ở ta thì có khác một chút, anh nào trúng mánh, kiếm được miếng đất, vào cầu chứng khoán... là ngay lập tức phải đổi xe để lên chân kính về thế vị. Xe càng mới, càng hộp, thì chủ nhân càng cao điểm, càng dễ đặt chân vào chốn thượng lưu.

Tôi vượng về cung Di, nên ngồi chưa nóng chỗ đã nhấp nhổm ra đi. Nể tôi, anh bạn đành cho xe đưa tôi qua Strasbourg, một thành phố cổ kính ở miền trung Pháp. Đang vào kỳ giữa Thu, những cánh đồng ngô bát ngát chuẩn bị mùa thu hoạch; phía xa xa, những rừng cây vừa mới lấm tấm vàng, gợi nên những nỗi niềm cố hương da diết. Các thị trấn dọc đường thường là những ngôi nhà hai tầng, tường quét vôi trắng xóa, trông xa như những hộp diêm xếp hình đều đặn, nói lên tính căn cơ và ngăn nắp của người Đức.

Qua sông Rhein chừng năm chục cây số, anh bạn lái xe cho tôi biết là chuẩn bị tới biên giới nước Pháp. Theo thói quen cố hữu, tôi thò tay vào túi áo comlê với tư thế chuẩn bị thò ra hộ chiếu màu xanh của công dân Việt.

Xe chạy tiếp chừng mười lăm phút và đỗ xịch ven đường. Trước mặt tôi hiện lên một tấm biển màu xanh với một hàng chữ quá mức khiêm tốn: PARIS 320 KM. Có nghĩa dưới chân tôi đã là đất Pháp. Vậy thì biên phòng ở đâu? Barie ở đâu? Hải quan ở đâu? Anh bạn lái xe nhìn tôi như gái cấm cung Hà thành nhìn khách đến từ Mù Căng Chải: “Thưa anh! Đây là châu Âu. Khi anh đã vào châu Âu rồi, anh có quyền đến bất cứ một nước nào theo visa Schengen mà không phải làm bất cứ một thứ thủ tục nào!”.

Đúng thế thật, trong cuộc du hành dằng dặc qua Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... tôi chưa hề được một chú công an nào thăm hỏi, họa hoằn lắm tôi mới được chiêm ngưỡng một vài cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra khu vực đậu xe.

Những chuyến đi dài, tôi thích ngồi tàu hỏa cao tốc, vừa rẻ, vừa nhanh và an toàn. Buồn cười nhất, lần đầu tiên tới Paris, tôi không nhờ người ra đón, xuống tàu, tôi  rảo bước qua đường ra vẻ dân thổ công và giơ tay ra vẫy taxi. Tay cứ khua khoắng như tập thể dục chừng ba chục phút, mỏi nhừ, nhưng không có lấy một xe nào dừng. Hỏi ra mới biết mình quê trời ạ! Ở Pháp, đặc biệt là ở Bỉ, muốn bắt xe, thì phải đến bến dành cho taxi. Về khoản này, thì ở Nga tiện lợi muôn phần. Cứ đứng bên lề đường, thò tay ra khỏi túi áo, ngoắc ngoắc vài cái như tập nhu quyền là tắp lự có một, có khi là hai chiếc trờ tới, ngã giá và lên đường.



Cung điện Hoàng gia Bỉ
 

Do chủ quan, nói đúng hơn là ngố, ba lần tôi suýt bị qua đêm ở vỉa hè. Căn bản cứ nghĩ các thành phố Tây Âu cũng như Hà Nội của chúng ta, không việc gì phải đặt phòng khách sạn trước. Cái kiểu xuống tàu, cứ thỉnh taxi đến bất cứ một khách sạn nào là có lễ tân ra chào Thượng đế và sắp sẵn chỗ cho Thượng đế nghỉ ngơi. Quên đi, đến Paris, Bruxelles.. mà không đặt chỗ trước, thì trở thành dân lang thang trong nháy mắt. Tôi đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền taxi đi tìm chỗ ở Pháp, đến khách sạn nào cũng được biết là kín chỗ. Khách tứ phương đến du lịch đông như kiến. Đang lúc ngán ngẩm, đang tính trở lại ga tàu ngồi phòng đợi chờ sáng ra hãy tính, thì một ông lễ tân người Ấn Độ đội khăn xếp, thương tình, gọi điện loạn lên khắp nơi giúp tôi. Cuối cùng, tôi có được một phòng đơn ở một khách sạn bốn sao giá đắt một cách dã man, nhưng đành phải cắn răng, cắn lợi mà chịu trận.

Ngắn gọn là muốn đi đến bất cứ một thành phố nào, thì tốt nhất là vào mạng đặt chỗ, trả tiền trước là yên chuyện nhất.

Lại nói chuyện trả tiền. Qua các nơi, quan sát mới thấy rằng, hình như chỉ có mỗi mình là không có thẻ tín dụng. Vợ trao cho đồng nào là lấy kim băng khâu mép túi, khi mua bán gì là mới moi ra trả, cổ lỗ vô cùng tận. Người ta ăn, cũng dùng thẻ; mua vé máy bay, cũng dùng thẻ; vào cửa hàng mua mỗi cái bàn chải và thuốc đánh răng cũng dùng thẻ! Ở Roma, tôi tìm thấy một đôi giày hạ giá, rẻ bất ngờ, đi rất vừa vặn, trong khi đôi giày của tôi khí chật, đi lại cọ vào gót đau như bị tùng xẻo. Tôi vạch túi, kín đáo mở kim băng bảo mật lấy gói giấy báo có mấy tờ đôla bọc kỹ để đổi lấy đôi giày. Chủ nhà hàng mỉm một nụ cười xót xa thưa với tôi rằng, ở đây, người ta chỉ dùng có mỗi euro thôi, ông chịu khó đi đổi vậy. Điểm rút tiền thì san sát ở các phố, còn chỗ đổi tiền Mỹ sang tiền Âu thì phải đến nhà băng. Tôi đành nén đau tha đôi giày chật đi như người dị tật hơn một cây số mới đến được chỗ đổi tiền.

Hơn chục lần qua lại các nước Xlavơ vành đai phía Tây của Liên Xô cũ, trong tay có mỗi tiếng Nga là tôi đã có thể tung hoành, vi vu khắp chốn. Nhưng hỡi ôi, vốn tiếng Nga này với một chút đỉnh tiếng Pháp sang châu Âu thì tôi chẳng khác gì anh ngọng, vì không ai thèm biết tiếng Đại Nga, còn tiếng Pháp thì cũng chỉ dùng ở xứ Gaulois mà thôi.
Hôm tôi mua vé từ Amsterdam đi Italia, tôi líu la, líu lô, chỉ trỏ mãi mà cô bán vé vẫn cứ căng tai ra bất lực. Cô ta không thể nào hiểu được cái nguyện vọng tí hon của tôi là cần một tấm vé một chiều đến Italia, sau ba ngày thì rơtua về Tây Đức. Thốt nhiên đầu óc nặng nề, mụ mị của tôi bỗng khôn ra, tôi bấm máy về Berlin cho anh bạn sành sỏi tiếng Anh và dí điện thoại vào tai cô gái. Thế là mắt cô ta bừng sáng như bóng đèn pin, và sau hai phút tôi đã cầm trong tay hai tấm vé.
Chung quy lại, chỉ biết tiếng Nga, ít tiếng Pháp bập bẹ như tôi, sang châu Âu cũng bị liệt vào dạng câm điếc. Không có tiếng Anh thì tháo vát, nhanh nhẹn bao nhiêu cũng trở thành ngơ ngáo và ý nghĩa của chuyến đi sẽ giảm đi hơn một nửa.

Người Việt thèm nghe tiếng Việt

Hôm tôi ở Berlin, anh em Sứ quán biết tôi sang, nhân ngày chủ nhật bèn mời tôi một bữa rượu nhạt tẩy trần tại một nhà hàng trong chợ Đồng Xuân. Ở Nga, tôi từng được nghe nói về khu chợ danh tiếng này, thậm chí cũng đã mấy lần được xem qua tivi nữa. Đến nơi, tôi mới hiểu đây thực sự là thủ phủ của ta giữa trời Tây, do người Việt làm chủ và quản lý.

Cũng như ở Nga, Tiệp và Ba Lan, các dịch vụ điện thoại, chuyển ngân… ở đây có thể nói là phong phú và tuyêt hảo. Dọc hành lang chợ đông nghìn nghịt người mua bán và luôn vang lên ngôn ngữ đồng hương.

Nhưng khi về Tây Đức làm khách một gia đình Việt kiều, tôi vừa thương vừa cảm phục. Bốn đứa con trong nhà, đứa lớn chừng mười lăm, đứa nhỏ nhất lên hai, hầu như chỉ nói được tiếng Đức; còn tiếng Việt nói ra các cháu đều hiểu, nhưng diễn đạt thì rất khó khăn. Bọn trẻ đến lớp từ sáng sớm, học ở trường, ăn ở trường, đến tối mới về nhà. Bố mẹ bận túi bụi, ít khi ngồi được với con cái, thế là các cháu cứ tiếng Đức mà giã. Hàng xóm thì chỉ toàn Tây là Tây, còn người Việt thì sống cách nhau dăm ba chục cây số, năm thì mười họa mới có dịp gặp nhau, ai cũng chăm chăm vào cuộc mưu sinh. Gặp chúng tôi, anh chị nói rất thật thà: “Chúng tôi thèm nghe tiếng Việt lắm
Anh chị cho biết, khi sang Đức khai hoang, không hề biết lấy một chút ngoại ngữ làm vốn, trong túi không có nổi năm trăm đô, lại rơi vào vùng sâu, vùng xa, cách thủ đô gần một ngàn cây số. Thế mà chỉ hơn chục năm, anh chị đã có quốc tịch Đức, có nhà hàng, có chút đỉnh vốn liếng dành cho tương lai.

Khi chia tay, có một chuyện xúc động vô cùng, thay vì mua ở kiôt cho tôi một chiếc bánh mì kẹp thịt để đi đường, thì anh chị lúi húi từ sáng sớm thổi xôi, gói cho tôi thịt gà rang và muối lạc giống hệt gia đình ở nông thôn tiễn đưa con cháu.  Đã lâu, lâu lắm rồi, tôi mới gặp lại hình ảnh thân thương này, nhất là giữa quê người, cách xa Tổ quốc hàng vạn dặm, làm cho tôi nghẹn ngào rơi nước mắt.

Tôi còn nhớ sau buổi chiều lạnh tại Bỉ đi thăm tháp kỷ niệm Liên minh Thép các nước châu Âu, tôi đề nghị với ông lái taxi cho chúng tôi đến một quán Việt Nam nào đó. Bấm đúng huyệt, ông lái taxi là thực khách hâm mộ món ăn Việt Nam, ông chạy thẳng một mạch tới một nhà hàng ở hẻm phố mà không cần tra cứu bản đồ. Tại đó, chúng tôi chỉ đặt một vài món ăn thuần Việt, quê kiểng mà chắc bụng.
Chủ nhà hàng vốn là một sinh viên Sài Gòn du học trước thời giải phóng, rồi ở lại, mở hàng ăn kiếm sống. Trong khi chúng tôi ngồi ăn, ông nói chuyện và hỏi rất nhiều. Ông còn khoe những thức phương Đông chỉ ở cửa hàng ông mới có. Ông ngỏ ý muốn tự lái xe đưa tôi đi thăm Bruxellesl suốt buổi tối. Nói thật là lúc đó tôi có một ý nghĩ cực kỳ đen tối, tôi đồ rằng ông chủ muốn làm thêm một cua taxi để cải thiện thêm trong ngày. Dĩ nhiên điều ông đề nghị phù hợp với nguyện vọng của tôi, đi xe của ông còn hơn là bắt taxi, cũng là trả tiền, nhưng trả cho người Việt thì vẫn tốt hơn, tôi hào hứng nhận lời. Khi kết thúc cuộc du ngoạn đêm thành phố, tôi mở ví trả tiền, ông giật nẩy mình như bị xúc phạm, tôi xấu hổ như gã móc túi bị bắt quả tang. Ông nói với tôi một câu rất thành thật là: “Muốn đưa anh đi để được cùng ngồi lâu nói tiếng Việt với anh. Nhớ tiếng Việt quá chừng!”

Mỗi khi chuẩn bị đi đâu, trong sổ Nam tào của tôi cũng luôn có một loạt địa chỉ phòng thân, khi bình thường thì dùng để giao lưu, khi gặp khó khăn thì nó là cứu cánh. Trong buổi yến ẩm ở chợ Đồng Xuân tại Berlin, trước khi chia tay, một người bạn tôi đưa cho tôi địa chỉ, số điện thoại một gia đình người Việt định cư ở Pháp, đại ý là khi nào có việc cần thì cứ gọi.

Để tránh làm phiền gia đình mà tôi chưa hề quen biết, hơn nữa, cũng không có ý định nhờ vả gì, mãi đến buổi chiều ngày cuối cùng chuẩn bị rời Paris, tôi mới gọi.

Cả hai vợ chồng nói là chờ tôi suốt cả mấy ngày nay mà không thấy tôi gọi điện. Vì đường tắc, xe đến muộn, tôi ngỡ ngàng và có chút e ngại vì sự đón tiếp hồ hởi và nồng hậu của hai anh chị. Suốt cả buổi chiều, anh dẫn tôi đi thăm thú và mua sắm ở khu thương mại mới gần sân bay Charles de Gaulle. Có phần giữ ý, tôi thoái thác bữa cơm tối của anh chị bằng cách nói với anh rằng, từ khi qua Pháp, tôi chưa được ăn một bữa ăn Pháp chính hiệu nào, nên tôi muốn hai anh em cùng đến một nhà hàng dân tộc của họ.

Anh ra chiều hưởng ứng, bảo tôi cứ về nhà cất đồ đạc xong và sẽ bắt xe đi. Về đến nhà, anh khóa béng cổng lại và cho hay rằng: “Bữa cơm Pháp của em, chị đã chuẩn bị sẵn rồi!”. Tôi chỉ còn mỗi nước là tuân thủ một cách vô điều kiện ngồi vào bàn dùng cơm với gia đình anh chị. Nửa như phê bình, nửa như bộc bạch, chị tâm sự: “Chú đừng khách sáo, nhà này như câu lạc bộ, người Việt nào sang Pháp, anh chị cũng cố mời về. Xa quê hơn ba chục năm rồi, anh chị muốn luôn có khách, muốn được sống trong khung cảnh Việt Nam đầm ấm, muốn được nói tiếng Việt cho đã”.

Người Việt ta, dù cho lưu lạc đến tận chân trời, góc biển, dù xa cách bao nhiêu năm tháng, nhưng khoảng cách và thời gian cũng như văn minh vật chất dường như bất lực, không thể nào xóa nhòa được những gì tổ tiên đã chắt lọc suốt từ đời này sang đời khác. Càng đi xa, tôi mới thấm hết nỗi lòng nhớ nước, thương nòi của người Việt sâu nặng biết nhường nào.

Tôi rời châu Âu về Nga  từ sân bay Frankfurt. Mọi thủ tục qua biên phòng nhanh chóng, diễn ra chưa đầy nửa phút.

Mang nặng trong lòng bao ý nghĩ ngổn ngang về những miền đất đi qua suốt chuyến bay quay trở lại nước Nga, dẫu suốt đêm qua không ngủ, nhưng tôi không thể nào chợp mắt. Mặc dù ở sân bay Quốc tế Seremetievo 2- Matxcơva hoàn tất thủ tục nhập cảnh, kể cả xếp hàng chờ đợi, cũng như bao hành hành khác, tôi bị hành hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng tôi có thể nói theo ngôn ngữ báo chí ngoại giao là “đã kết thúc chuyến đi một cách tốt đẹp”.

Nguyễn Thao (Liên bang Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu