A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào vì có Bác

Vậy là từ bốn năm nay, công viên “Tự do cho các dân tộc” và tượng Bác đã trở thành một địa danh luôn được cộng đồng người Việt bé nhỏ ở đây hay lui tới viếng thăm, là niềm tự hào của những người con xa quê hương mà vẫn luôn có Bác ở gần bên...

Tháng năm, thủ đô Mê-hi-cô đã bước vào mùa mưa. Những cơn mưa chiều mát lạnh mang đến cho cây cối của thành phố vốn bị coi là ô nhiễm nhất thế giới một màu xanh tươi, trẻ trung. Màu xanh ấy trải dài trên những công viên, những khu vườn, trên những đại lộ rộng lớn ở thủ đô và nhất là ở công viên “Tự do cho các dân tộc”, nơi đặt tượng Bác Hồ kính yêu.



 Tượng Bác trong công viên “Tự do cho các dân tộc”


Được khánh thành vào dịp đầu năm 2009, công viên “Tự do cho các dân tộc” và công trình tượng Bác là món quà mà chính quyền thủ đô và những người bạn Mê-hi-cô dành tặng Việt Nam, nhằm vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Công viên nằm ngay ở trung tâm lịch sử cổ kính của thủ đô Mê-hi-cô nên luôn có nhiều du khách qua lại, viếng thăm, chụp ảnh. Có lẽ, nhiều người sẽ ngạc nhiên và lạ lẫm vì ở mảnh đất xa xôi, nơi cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất, công viên “Tự do cho các dân tộc” lại có một không gian đẹp, mang đậm hình ảnh Việt Nam đến vậy. Nào những bụi tre, cây cam, cây bưởi, bèo xanh, hoa súng, những cây thảo dược nhiệt đới thân thương như ở quê nhà. Nổi bật trong không gian ấy là bức tượng Bác ung dung thư thái, ngồi trên ghế mây, duyệt công văn. Tượng được đúc bằng đồng với kích cỡ bằng người thật, dựa theo bức ảnh nổi tiếng của tác giả Đinh Đăng Định chụp Bác ngồi làm việc trong khu vườn Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Phía sau tượng là bức tường ốp đá trắng với dòng chữ mạ vàng bằng tiếng Tây Ban Nha “Không có gì quý hơn độc lập tự do” cùng chữ ký của Người.

Người tạc bức tượng Bác là nhà điêu khắc trẻ tài ba Pedro Ramirez Ponzanelli, đã từng nhận được nhiều giải thưởng cao quí về điêu khắc ở Mexico. Chưa từng tới Việt Nam, mới chỉ biết đến Bác Hồ qua những tấm ảnh, tư liệu về Bác do Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô cung cấp và những thông tin tự tìm hiểu trên trên sách báo và Internet, sau hơn hai tháng miệt mài làm việc, Ponzanelli đã khắc họa nên hình ảnh Bác rất có hồn, gần gũi, giản dị mà thanh cao. Và cũng chính ông là người đã có ý tưởng tạo thêm một chiếc ghế mây nữa bên cạnh tượng Bác, để mọi người đến thăm Bác có thể ngồi bên Bác, được gần Bác hơn.



 Lễ khánh thành công trình tượng Bác Hồ và công viên “Tự do cho các dân tộc” tháng 1/2009


Tôi còn nhớ, một ngày đầu Xuân Kỷ Sửu, không lâu sau Lễ khánh thành tượng Bác, tôi cùng mấy người bạn mới từ Việt Nam qua thăm công viên. Ai cũng cảm thấy thích thú và ngỡ ngàng: “Chưa bao giờ mình được ở gần Bác đến thế”, “Cứ như đang đi thăm Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vậy”, hay “Giữa thủ đô Mê-hi-cô mà mình cảm thấy như đang ở quê hương”… Hôm đó, tôi cũng đã gặp nhiều người dân Mê-hi-cô, trong số họ có những người không biết nhiều về lịch sử dân tộc ta cũng như về Bác. Thấy tôi là người Việt Nam, ai cũng tò mò, hỏi han tỉ mỉ về lai lịch của bức tượng, về quê hương cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Bác, bởi họ đoán người được tạc tượng, đặt ngay ở khu vực trung tâm cổ kính của thủ đô chắc chắn phải là một vị anh hùng nổi tiếng ở một đất nước xa xôi nào đấy và đã có nhiều đóng góp cho nhân loại. Vào thời điểm ấy, với vốn tiếng Tây Ban Nha còn rất khiêm tốn của mình, tôi đã cố gắng để giới thiệu cho những người dân dễ mến đó biết thêm về truyền thống văn hóa, về lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Và dường như “trách nhiệm” giới thiệu của tôi đã được hoàn thành một phần nào, bởi sau câu chuyện của tôi kể về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai nấy đều trầm trồ thán phục. Nhiều người giơ hai ngón tay thành hình chữ V và nói: “Vietnam-Hochiminh-Victoria” (Việt Nam - Hồ Chí Minh - Chiến thắng). Vài vị khách còn ngỏ ý chụp ảnh chung cùng chúng tôi bên tượng Bác. Một người phụ nữ Mê-hi-cô có khuôn mặt phúc hậu tên là Mariana, tầm năm mươi tuổi, sống ở căn hộ gần công viên này kể với chúng tôi rằng, thường ngày vợ chồng bà vẫn đi bộ tới đây dạo chơi, ngắm cảnh nhưng cũng chưa biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau những giới thiệu của chúng tôi, bà thực sự khâm phục dân tộc Việt Nam anh hùng, khâm phục tài năng của vị lãnh tụ đáng kính. Bà đã tháo chiếc nhẫn đang đeo trên tay và tặng chúng tôi làm quà kỷ niệm. Mặc dù đã từ chối và chỉ xin nhận lấy tấm lòng tốt đẹp của bà, nhưng Mariana đã không đồng ý, kiên quyết bắt chúng tôi phải nhận với lý do, bà không tặng cho riêng ai cả, bà muốn dành tặng cho Hồ Chí Minh và cho Việt Nam. Khi ấy, trong lòng tôi đã trào dâng một niềm tự hào và xúc động thật khó tả.


Vậy là từ bốn năm nay, công viên “Tự do cho các dân tộc” và tượng Bác đã trở thành một địa danh luôn được cộng đồng người Việt bé nhỏ ở đây hay lui tới viếng thăm, là niềm tự hào của những người con xa quê hương mà vẫn luôn có Bác ở gần bên. Vào trước những ngày lễ trọng đại của dân tộc, sinh nhật Bác, dịp Tết đến Xuân về, Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại thủ đô đến công viên, lau chùi, dọn dẹp để khu vực quanh tượng Bác được sạch đẹp hơn. Sáng ngày mồng Một Tết âm lịch, mọi người cùng nhau đến thăm Bác, đặt hoa tưởng nhớ Bác.

Có lẽ dù đi đến đâu, lưu lạc nơi phương trời nào thì mỗi người con của mảnh đất hình chữ S sẽ luôn cảm thấy thật tự hào, hạnh phúc khi được bạn bè quốc tế nhắc đến hai tiếng “Việt Nam”, “Bác Hồ”, đến lịch sử hào hùng của dân tộc. Và chắc hẳn sẽ có rất nhiều người Việt đang sống xa quê luôn mong muốn giới thiệu thật nhiều hơn nữa với bạn bè khắp năm châu về cội nguồn dân tộc, về các vị anh hùng dân tộc vĩ đại đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước Việt Nam tươi đẹp  hôm nay.

Hiện nay tại Mê-hi-cô có ba công trình văn hóa vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là: Tượng Bác đặt trong công viên “Tự do cho các dân tộc” ở thủ đô Mê-hi-cô, bức tượng bán thân Bác đặt trên đại lộ Miguel Aleman ở thành phố du lịch Acapulco nổi tiếng và giảng đường mang tên Hồ Chí Minh tại Đại học UNAM - một trong những trường đại học hàng đầu của Mê-hi-cô và các nước Mỹ Latinh.

 

Thanh Tâm / Mê-hi-cô


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu