A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa nối kết cộng đồng người Việt tại châu Âu

Sau chuyến gặp gỡ, giao lưu tại Copenhagen, ngày 2/7 vừa qua, đại diện các "chiến sĩ Trường Sa" khu vực châu Âu (gồm Anh, Ba Lan, Bungarie, Đức, Hungary, Israel, Nga, Pháp, Rumanie, Séc, Slovakia và Ý) đã họp và thống nhất, quyết định thành lập Ban liên lạc người Việt châu Âu "Vì biển đảo Việt Nam" với mục đích "kết nối, lan tỏa và đồng hành". 

Hàng năm, những chuyến tàu tổ chức cho kiều bào đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 diễn ra vào lúc trời yên biển lặng, thường là khi vẫn còn tiết xuân ở Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, cảm xúc vẫn dâng trào mãi trong lòng người đi. 

Nhân dịp có ý tưởng thành lập Ban Liên lạc Hoàng Sa-Trường Sa châu Âu, một số anh chị em từng đi Trường Sa đã hẹn nhau gặp mặt ở Copenhagen, Đan Mạch. 

Điểm hẹn là Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch - nơi ông Lương Thanh Nghị làm Đại sứ. Đại sứ Nghị là người đã từng cùng anh chị em Việt kiều tham gia một số chuyến công tác thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. Ông cũng là người nhiệt tình ủng hộ ý tưởng thành lập Ban liên lạc nhằm kết nối các "chiến sĩ Trường Sa" khu vực châu Âu. 

Và chúng tôi đã có mặt tại Copenhagen, Đan Mạch. Nhiều người lần đầu tiên gặp mặt nhưng đã hòa vui như anh chị em một nhà vì cùng điểm chung đã từng đến với Trường Sa; và đặc biệt, nhờ sự đón tiếp nhiệt tình của Đại sứ Lương Thanh Nghị - một Đại sứ dân dã, giản dị hiếm có. Ông hòa chung cùng mọi người như đã từng trên chuyến tàu đi thăm đảo hôm nào, cùng mọi người vui vẻ hát về biển đảo thiêng liêng. Trong khoảnh khắc đó, thời gian dường như quay trở lại. Tất cả đều vui hòa cùng một nhịp. 

Những thước phim kỷ niệm xưa của các chuyến đi đến với Trường Sa làm mọi người cảm động, nhiều người đã không kìm được nước mắt. Nhớ lắm những ngày cùng nhau trên tàu ra thăm đảo. Hình ảnh những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời, hy sinh tình cảm gia đình để ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc lại ùa về. 

Chị Minh - một "chiến sĩ Trường Sa" ở Đức - bùi ngùi kể lại một kỷ niệm khi gặp chiến sĩ ở Trường Sa. Chiến sĩ đó đã ôm chị vào lòng và nói: "Nhìn bác cháu nhớ mẹ cháu quá! Cháu ra đảo 1 năm rồi, chưa được về thăm mẹ. Lần đầu tiên cháu xa mẹ bác à. Bác có nụ cười giống hệt mẹ cháu... ". Chị đã bật khóc. Chị Minh cũng là một trong những người lớn tuổi lần đầu tiên ra đảo, trở về, chị đã tích cực hoạt động vì Hoàng Sa, Trường Sa, gây quỹ để giúp các chiến sĩ như những người thân yêu của mình. 

La Đức Trung, kiều bào tại Ba Lan, tâm sự : "Đi về mới thấy trách nhiệm lớn lao. Chuyến đi không phải là một chuyến du lịch, mà là chuyến đi trọng trách trở về "… 

Mắt thấy tai nghe, bà Kim Dung - kiều bào tại Ba Lan - cũng nói, chuyến đi thăm đảo đã nối kết cộng đồng. Bà con không còn chia rẽ vì trình độ, nghề nghiệp, xuất thân. Tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo đã gắn kết mọi người con sống xa Tổ quốc. Lòng tin rất quan trọng. Hoàng Sa, Trường Sa chính là điểm nhấn của lòng tin!

Sóng biển Trường Sa đã xóa đi bao nghi ngại, ngờ vực, rụt rè trong quan hệ giữa mọi người. Những chuyến đi đó, không chỉ nối kết cộng đồng người Việt, còn nối kết với cả người đang công tác ở Việt Nam. 

Năm 2019, bão lụt đã  gây nhiều thiệt hại cho bà con ở miền Trung. Nhiều thiết bị trường học bị hỏng. Hội người Pháp gốc Việt cùng Hội Aurore Ánh Sáng, Hội Nha sĩ, Hội cựu học sinh JJ Rousseau ở Pháp đã quyên góp giúp 12 trường ở Hà Tĩnh, Quảng Trị mua thiết bị máy photocopie, máy vô tuyến thông minh… Do Covid, mọi chuyến bay đều bị hủy, may nhờ những mối quan hệ có được qua chuyến đi Trường Sa, chúng tôi kết nối được với Sở Ngoại vụ của 2 tỉnh; bạn bè ở Việt Nam cũng nhiệt tình giúp đỡ đưa thiết bị đến tận trường. 

Những chuyến đi  thăm quân dân huyện đảo Trường Sa đã tạo nên những gắn kết vô hình mà ấm tình người. Ông Lương Thanh Nghị như "người cầm lái" kết nối các kiều bào - "chiến sĩ Trường Sa" khắp nơi trên thế giới trên con tàu đoàn kết, gắn kết tình đồng hương, ngay cả trước khi ông được bổ nhiệm chức Đại sứ Đan Mạch. Ông nhớ từng người trong mỗi chuyến đi. Ông lên Facebook với một bí danh bí ẩn là Hoàng Trường - tức là Hoàng Sa Trường Sa. Bí danh đã nói lên tình cảm đặc biệt ông dành cho các quần đảo Việt Nam. Buổi gặp gỡ các "chiến sĩ Trường Sa" tại Đan Mạch do ông kết nối đã giúp sự gắn kết đó thêm khăng khít. Mọi người khi biết thông tin về đời sống cán bộ chiến sĩ đều mong muốn ủng hộ, từ việc xây dựng nhà văn hóa ở đảo Trường Sa, đến giúp cải thiện cuộc sống của các lính đảo. 

Tại xứ sở của Nàng Tiên Cá, chúng tôi vinh dự được Đại sứ Nghị làm "hướng dẫn viên du lịch" kiêm "thợ chụp ảnh", đưa đoàn đi thăm một số danh lam thắng cảnh. Thăm Trung tâm Thủ đô Copenhagen, chị em chúng tôi thống nhất mặc áo dài. Thật bất ngờ với trang phục truyền thống đa sắc màu, chúng tôi đã thu hút sự chú ý của người dân Đan Mạch và khách du lịch. Nhiều người xin chụp ảnh kỷ niệm cùng. Chúng tôi rất vui sướng và cảm thấy mình như mang màu sắc văn hóa quê hương Việt Nam tới bạn bè. 

Sau buổi họp mặt cùng vợ chồng Đại sứ, mọi người sẵn sàng đóng góp cùng chung tay vì biển đảo quê hương, và rất nhanh đã đóng góp được khoảng 60 triệu để chuẩn bị mua quà Tết cho các chiến sĩ. Trời hè nóng chang chang, Tết còn xa, nhưng mọi người đã lo nghĩ cái tết xa nhà của những anh lính đảo.
 
Sau chuyến gặp gỡ, giao lưu tại Copenhagen, ngày 2/7 vừa qua, đại diện các "chiến sĩ Trường Sa" khu vực châu Âu (gồm Anh, Ba Lan, Bungary, Đức, Hungary, Israel, Nga, Pháp, Romania, Séc, Slovakia và Ý) đã họp và thống nhất, quyết định thành lập Ban liên lạc người Việt châu Âu "Vì biển đảo Việt Nam" với mục đích "kết nối, lan tỏa và đồng hành". 

Trong nhiệm kỳ 2 năm đầu tiên, chị Cao Hồng Vinh, kiều bào tại Ba Lan, làm Trưởng ban Liên lạc; các Phó Trưởng ban gồm đại diện các quốc gia nói trên. Thời gian tới, Ban liên lạc sẽ tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa, thiết thực hướng về biển đảo quê hương.

Trần Thu Dung (Pháp)
 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu