Triển lãm " 30 tháng 4" tại Na Uy
Triển lãm do Hội Mỹ thuật Baerum Kunstforening tổ chức dưới tiêu đề giản dị “30 tháng 4” – ngày kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm ở một đất nước rất xa Na Uy về địa lý, văn hóa… và đã để lại dấu ấn sâu đậm, tình cảm thân thiết trong lòng những người bạn Na Uy, cũng là ngày thống nhất Việt Nam. Mục đích của những người tổ chức triển lãm là giúp người xem “nhìn về phía trước, thấy tiềm năng và viễn cảnh của Việt Nam hôm nay”, đồng thời “không thể không nghĩ đến phần lịch sử gần đây và những ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam đã để lại trên hoàn cầu”. Triển lãm kéo dài đến ngày 3/5 và cũng là hoạt độngvăn hóa chào mừng những thành quả tốt đẹp trong sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và Na Uy trên mọi lĩnh vực.
Trong hơn 3 tuần triển lãm, bạn bè Na Uy, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Na Uy có dịp thưởng thức các tác phẩm của 8 họa sỹ, trong đó họa sỹ Na Uy Hans Normann Dahl là người đã có nhiều ký hoạ và tác phẩm về đề tài chiến tranh Việt Nam, về phong cảnh, con người và cuộc sống ở Việt Nam qua những lần đến thăm và triển lãm tranh ở một đất nước mà ông rất yêu mến. Hai họa sỹ gốc Việt – Đặng Văn Tỷ ở Oslo và An Đoàn ở Fredrikstad – đều là nạn nhân của chiến tranh. Đặng Văn Tỷ sang Na Uy năm 1968 từ miền Nam Việt Nam lúc 12 tuổi, khi chiến tranh làm cho cả hai chân anh bị liệt hoàn toàn. Anh đã tốt nghiệp hai trường đại học mỹ thuật và là họa sỹ có tên tuổi trong làng hội họa Na Uy. An Đoàn là nạn nhân trong chiến dịch vượt biên sau chiến tranh, từ lúc còn rất nhỏ đã ra đi cùng cha mẹ - những “boat people” thời đó. Anh tốt nghiệp ngành hội hoạ tại Anh, nay định cư ở Na Uy và cũng là một hoạ sĩ có vị trí thân thiết trong lòng những người yêu cái đẹp. Các họa sỹ đến từ Việt Nam – Cao Quý, Lê Huy Tiếp và Nguyễn Văn Cường ở Hà Nội, Nguyễn Quân ở thành phố Hồ Chí Minh và Bùi Nguyên Trường ở Hải Phòng – đều đã tham gia nhiều hoạt động giới thiệu nghệ thuật hội họa ở trong nước và quốc tế, có tác phẩm trong sưu tập cá nhân ở nhiều nước.
Nhiều tác phẩm trưng bày trong triển lãm “30 tháng 4” lần này thuộc bộ sưu tập cá nhân của kiến trúc sư, nhà văn kiêm nhà sưu tầm mỹ thuật Lệ Tân Sitek và người bạn đời Ryszard. Bà Lệ Tân đến Na Uy sinh sống theo một con đường khác với hơn 20 nghìn đồng bào Việt Nam - những người ra đi vội vã trong chiến dịch di tản những ngày chiến tranh sắp kết thúc hoặc vượt biên trong những năm tiếp theo - hiện đang là công dân của quốc gia Bắc Âu này. Sau khi tốt nghiệp đại học kiến trúc ở Gdańsk, bà kết hôn với ông Ryszard Sitek – một chuyên gia kinh tế hàng hải người Ba Lan, và từ năm 1967 ông bà chuyển đến thủ đô Oslo, lúc đầu chỉ dự định làm việc vài ba năm nhưng rồi sau đó định cư tại đây. Trong những lần cùng đại gia đình Việt Nam – Ba Lan – Na Uy của mình về thăm cố hương, bà Lệ Tân đã sưu tầm khá nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đương đại, đặc biệt là tranh lụa, và từ năm 1980 tổ chức trưng bày tại nhiều địa phương ở Na Uy, góp phần giới thiệu văn hóa nước ta và giúp những người yêu nghệ thuật Na Uy biết đến các nghệ sỹ, họa sỹ Việt Nam. Bà còn tranh thủ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội tổ chức triển lãm giới thiệu các tác phẩm hội họa nước nhà với công chúng trong và ngoài nước. Năm 2004, bà chuẩn bị hai gallery tư nhân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đón hoàng hậu Na Uy đến thưởng lãm tranh Việt Nam trong thời gian hoàng hậu cùng đoàn cấp cao Vương quốc Na Uy thăm nước ta. Năm 1997, ông bà Lệ Tân – Ryszard tổ chức triển lãm tranh của họa sỹ tự học Bùi Nguyên Trường tại 29 Hàng Bài, Hà Nội rồi sau đó đưa triển lãm của anh sang giới thiệu với công chúng Na Uy, góp phần làm nên tên tuổi họa sỹ.
Cuộc triển lãm “30 tháng 4” ở thủ đô Oslo ghi nhận vai trò trực tiếp và hiệu quả của kiều bào trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam, góp phần hỗ trợ duy trì bản sắc văn hóa Việt, quy tụ bà con trong nỗ lực vượt qua khác biệt về chính kiến, thực hiện hòa giải trên thực tế để xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở Na Uy thành đạt và gắn bó với quê hương.
Dù trước đó có những tiếng nói đe dọa tẩy chay, nhưng triển lãm “30 tháng 4” đã khai mạc trong không khí thân ái giữa những người cùng tôn vinh cái đẹp, cùng nghiêm túc suy ngẫm về những trải nghiệm của từng cá nhân, của từng gia đình và của cả một dân tộc qua nhiều năm chiến tranh ác liệt rồi sau đó là 40 năm từng bước xóa bỏ cách biệt khi nhìn nhận thực tại. Phòng triển lãm không đủ chỗ cho mọi người cùng vào một lúc nhưng đủ rộng cho những tấm lòng Việt Nam, Na Uy và bạn bè quốc tế gặp gỡ, giao lưu, chiêm ngưỡng vẻ đẹp bao dung của tâm hồn Việt Nam qua bút vẽ của các nghệ sỹ - họa sỹ./.
Phương Linh (từ Oslo, Na Uy)