Tiếng Việt ở đâu ?
Wenn unsere Sprache verloren geht, verlieren wir alles.
Sidney Baca, Medizinmann der Apachen
Hàng ngày viết tiếng Việt, không để ý, không chú ý, hay không ý thức…người viết tiếng Việt năm 2010 vẫn còn sử dụng rất nhiều các khái niệm Hán-Việt.
Nguồn gốc chữ Nôm và nguồn gốc của tiếng Việt đã được nhiều nhà ngôn ngữ học có uy tín đề cập và dẫn giải (1). Chủ quan, tôi chỉ chú ý hai điểm, thực ra là „lạm bàn“ về hai điểm. Thứ nhất, mục đích sáng tác chữ Nôm, dù vẫn còn phải dựa trên nền chữ Hán, cổ nhân đã nêu rõ nguyện vọng, sáng tạo và gìn giữ một ngôn ngữ, viết và nói, riêng biệt của dân Việt, cũng như để "sáng tác" những chữ không có trong tiếng Hán. Thứ hai, cho dù nhiều người "sĩ" chỉ trích bài bác chữ quốc ngữ là cái chữ "con nòng nọc", chữ của "nhà chung", sự kiện các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Pháp và một thành phần học giả Việt Nam thời ấy chuyển ngữ tiếng Việt nói sang mẫu tự La tinh là một cái may của thế kỷ cho người Việt. Có ai tưởng tượng được không, bây giờ mình đi giật lùi, hoàn toàn dùng chữ Hán, hay chữ Nôm là "quốc ngữ" ? (2)
Các ngôn ngữ sống đều có chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ khác, vừa là kết quả vừa là hậu quả của một sự giao lưu giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác, chịu ảnh hưởng của trào lưu xã hội mình luôn cả ảnh hưởng ngôn ngữ các nước ngoài.
Trong giao tiếp hàng ngày, nhiều người sống tại Pháp phải nhăn mũi, khi nghe những người Pháp khác sử dụng các khái niệm tiếng Anh, hay tiếng Đức, tiếng Việt, như thể họ quên rằng tiếng Pháp không diễn tả được những khái niệm ấy, thí dụ như: sáng nay có briefing (ce matin nous avons un briefing), đem cái áo này đi pressing (emmener cette veste au pressing), phải làm một chút forcing thì mới được (il faut faire un peu de forcing), góc đằng kia có cái dancing….(le dancing est au coin de la rue), đây là đồ Ersatz (c’est un Ersatz), đó là những "cái nhà" (ce sont des cagnas), họ là "congai" (les congaïs) …(3)
Thêm vào đó, trong thời đại của Internet, SMS…ngôn ngữ Pháp có thêm nhiều từ ngữ mới, cho dù Hàn Lâm Viện Pháp có chun mũi hay không. Tiếng Pháp hiện đại được phát triển từ sắc lệnh của vua François 1er ban hành tại Villers-Cotterets vào tháng 8 năm 1539, tức là cách đây chưa đến 500 năm, nâng tiếng Pháp lên hàng "quốc ngữ", do vua đã nhận thấy tầm mức quan trọng của một ngôn ngữ chính thống, rộng rãi, là nền tảng của công việc xây dựng một quốc gia, một xã hội có gắn bó đồng nhất. Năm 2039 tới đây sẽ là năm kỷ niệm 500 năm tiếng Pháp. Hàn Lâm Viện Pháp được thành lập bởi Hồng y Richelieu từ năm 1635 dưới thời vua Louis XIII, xuất xứ từ sự việc có 9 văn sĩ gặp nhau hàng tuần từ năm 1629, chung quanh nhân vật chính là văn sĩ Valentin CONRART (1603-1675), để bàn luận với nhau về tiếng Pháp. Hồng y Richelieu nhận ra tầm quan trọng của công việc này, cho nên ông đứng ra tổ chức và bảo trợ một cơ quan đặt tên là Académie Française (Hàn Lâm Viện Pháp), đồng thời ấn định một con số tham dự là 40 người. Quan trọng đến nỗi, những người được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp được gọi là những người "bất tử" (les Immortels). Từ khi thành lập đến nay đã có 719 nhân vật "bất tử" và con số thành viên vẫn là 40 người không thay đổi. Trong thế kỷ thứ 21, có hai phụ nữ được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp (Assia Djebar và Simone Veil), nhưng tuyệt đại đa số thành viên vẫn là quý ông.
Theo thông tin mới nhất của Hàn Lâm Viện Pháp cho biết, tự điển dành cho học sinh gồm có từ 2.000 đến 20.000 chữ , tự điển tiếng Pháp thông dụng Larousse contemporain có khoảng 25.000 chữ, các bộ tự điển bách khoa chứa đựng khoảng 200.000 từ ngữ (kể luôn cả tên các cá nhân). Riêng cuốn tự điển của Hàn Lâm Viện Pháp xuất bản lần thứ 9 gồm có 11.500 chữ, mà trong số đó có đến 4.000 chữ mới. Các cuốn tự điển lớn về tiếng Pháp thông dụng chứa đựng khoảng 60.000 chữ, trong số đó có những chữ nước ngoài đã được du nhập, sử dụng thông dụng trong tiếng Pháp, thí dụ như Bretzel (tiếng Đức), baby-foot (tiếng Anh), alaouite (tiếng Ả Rập), ginseng (tiếng Trung Hoa), aficionado (tiếng Tây Ban Nha), kibboutz (tiếng Do Thái), gourou (tiếng Ấn Độ), aggiornamento (tiếng Ý), bonzai (tiếng Nhật), amok (tiếng Mã Lai), blini (tiếng Nga), lama (tiếng Tây Tạng), fado (tiếng Bồ Đào Nha)…, ngược lại, đã loại bỏ đi một số từ ngữ cổ, ít được sử dụng. (4)
Cuốn tự điển gối đầu giường tiếng Đức của tôi, Wahrig Deutsches Wörterbuch, cũ mèm, bìa cứng đã bị rách, xuất bản từ năm 1968 gồm có 4.319 trang, mà trong số từ ngữ đó đã có hơn 10.000 từ ngữ mới. Sự thâm nhập các từ ngữ mới được các nhà ngôn ngữ học chia làm hai tiêu chuẩn "tốt" và 'xấu", thí dụ như những tiếng chửi rủa tục tĩu được xếp loại là ảnh hưởng xấu.
Lịch sử về sự phát triển của tiếng Đức được lần tìm về từ năm 750 sau Thiên Chúa. Gần đây, đã có ba giai đoạn tu chỉnh lại cho đồng nhất vào những năm 1996, 2004 và 2006, tuy thế, nhiều người vẫn sử dụng tiếng Đức theo thói quen đã học được từ lâu. Ước tính hiện nay có khoảng 105 triệu người sử dụng tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ, cộng thêm khoảng 80 triệu người trên thế giới sử dụng tiếng Đức (trong số đó có tôi chẳng hạn). Khác với cách tổ chức ở Pháp, tiếng Đức không được bảo vệ bởi một Hàn Lâm Viện nhà nước duy nhất, mà công việc này được thực hiện bởi nhiều tổ chức có tính chất pháp lý tư nhân với sự tham dự của các nhà giáo, văn thi sĩ, nghệ sĩ…thí dụ như Allgemeine Deutsche Sprachverein (ADSV, từ 1885 đến 1940, bị chấm dứt bởi Hitler), Gesellschaft für deutsche Sprache (GfdS) thành lập từ năm 1947 để nối tiếp công việc của ADSV,Deusche Akademie für Sprache und Dichtung, Institut für Deutsche Sprache, Verein Deutsche Sprache e.V….
Tiếng Đức mang nhiều ảnh hưởng của tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, các tiếng Bắc Âu, tiếng Do Thái và ngay cả tiếng Ả Rập. Nhưng hiện nay, các nhà bảo vệ tiếng Đức đang bức xúc bảo vệ tiếng Đức trước sự xâm lấn của tiếng Anh, Mỹ kể từ thời gian đại chiến thứ hai. Xin trích một đoạn mở đầu tiêu biểu và dí dỏm của nhóm làm việc Arbeitsgruppe Denglisch trong tổ chức Verein Deutsche Sprache e.V….như sau: (5)
Deutsch oder Denglisch?
1. Das Ärgernis:
Die deutsche Sprache wird zurzeit von einer Unzahl unnötiger und unschöner englischer Ausdrücke überflutet. Die Werbung bietet hits for kids oder Joghurt mit weekend feeling. Im Fernsehen gibt es den Kiddie Contest, History, Adventure oder History Specials und im Radio Romantic Dreams. Wir stählen unseren Körper mit body shaping und power walking. Wir kleiden uns in outdoor jackets, tops oder beach wear. Wir schmieren uns anti-ageing-Creme ins Gesicht oder sprühen styling ins Haar. Bei der Bahn mit ihren tickets, dem service point und McClean verstehen wir nur Bahnhof.
Manche Leute finden das cool. Andere - die Mehrheit der Menschen in Deutschland - ärgern sich über die überflüssigen englischen Brocken und sehen darin eine verächtliche Behandlung der deutschen Sprache. Es ist in der Tat albern - und würdelos! -, Wörter wie "Leibwächter", "Karte", "Fahrrad", "Nachrichten" oder "Weihnachten" durch body guard, card, bike, news oder X-mas zu ersetzen.
Tôi xin dịch như sau:
Tiếng Đức hay ĐANH ?
1. Nỗi tức bực:
Tiếng Đức hiện nay đang bị tràn ngập bởi một số lượng lớn những từ ngữ không cần thiết và không đẹp của tiếng Anh. Quảng cáo thì nói về hits for kids hay là Joghurt mit weekend feeling. Trên đài truyền hình thì có những Kiddie Contest, History, Adventure hay History Specials và trên đài truyền thanh Romantic Dreams. Chúng ta chăm sóc thân thể của chúng ta với body shaping và power walking. Chúng ta ăn mặc với outdoor jackets, tops hay beach wear. Chúng ta bôi lên mặt anti-aging-Creme hay xịt styling lên tóc. Ở nhà ga xe lửa thì với những từ ngữ của họ như tickets, chỗ service point và McClean làm cho chúng ta chỉ có thể hiểu Bahnhof (có nghĩa là không hiểu gì cả).
Nhiều người cho đó là cool. Những người khác – đa số người trên nước Đức – bực tức về những "mảnh" tiếng Anh không cần thiết và thấy đó là một sự nhục mạ cho tiếng Đức. Đúng là như thế, thật là vô duyên và không biết tự trọng khi thay thế những chữ như "Leibwächter", "Karte", "Fahrrad", "Nachrichten" hay "Weihnachten" bằng body guard, card, bike, news hay X-mas!
Đó là tạm nói qua về người ta. Còn mình thì sao ?
Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cần thiết là phải biết tiếng Hán, vì ngoài các tài liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, lịch sử Việt Nam được viết bằng tiếng Hán, suốt thời Nguyễn chữ Hán được đặt là "quốc ngữ", các châu bản, mộc bản đều bằng tiếng Hán, các hiệp ước ký kết với Pháp đều được viết bằng hai thứ tiếng Hán-Pháp.
Người dân bình thường cho đến thế hệ cha mẹ tôi thì học và sử dụng Hán-Việt, tiếng Pháp chỉ được phổ biến cho một thượng tầng xã hội. Tôi còn nhớ chính đứa con nít là tôi còn ngồi trong nhà bếp, cuốn sách trải rộng trên bàn ăn, ê a học thuộc lòng bài học Hán Việt (còn gọi là học chữ Nho) đầu tiên trong buổi trưa nóng ran người, sau giờ cơm: "…thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã ngựa, cự cựa, nha răng, vô chăng, hữu có, khuyển chó, dương dê, qui về, tẩu chạy, bái lạy quỵ quỳ, khứ đi lai lại, nữ gái nam trai, đái đai, quan mũ, túc đủ đa nhiều, ái yêu tăng ghét, thức biết tri hay, mộc cây căn rễ, dị dễ nan khốn, chỉ ngon cam ngọt …(trong Tam tự kinh)".
Nhưng nếu bây giờ tôi phải học tiếng Hán ?!
Số lượng chữ Hán sử dụng trong tiếng Việt, viết và đọc theo tiếng Việt bằng chữ la tinh, còn rất lớn, có thể có đến 70% theo anh Nguyễn Phụng. Người Việt vẫn viết nửa Việt nửa Hán hay toàn Hán: tẩu hỏa nhập ma, an cư lạc nghiệp, ôn cố tri tân, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Đừng làm cho người khác những gì mình không muốn), hồn phi phách tán, hữu danh vô thực…., trên các biển chỉ vào nhà đi cầu (nhà vệ sinh) vẫn đề: nam, nữ, không đề trai, gái, hoặc đàn ông, đàn bà.
Nhất là khi phiên dịch, khi phải tìm kiếm, sáng tạo từ ngữ mới, khái niệm mới, sử dụng trong triết học, khoa học thiên nhiên, kỹ thuật…các tác giả hiện nay của năm 2010 lại nghiêng về việc sử dụng tiếng Hán làm căn bản. Đọc trên mạng các bài viết với các khái niệm chuyên ngành dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, thí dụ như kinh tế vĩ mô, vi mô, gói kích cầu, hàm cầu tiền, ngành âm vị học, bản thể học, dụng học, tri thức luận chứng, định lượng hữu hình…. thì tôi không hiểu gì ráo, luôn phải tìm đọc và tìm hiểu khái niệm gốc. Đọc các tác phẩm triết học, khoa học viết hay dịch bằng tiếng Việt lại càng thấy mình sao dốt nát thậm tệ.
Chữ "khái niệm" đang dùng cũng là chữ Hán. Nhiều người vẫn thích trích Nguyễn Công Trứ "Tri túc thiện túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn hà thời nhàn"! Nhiều người vẫn rất thích được làm kẻ sĩ: sĩ phu Bắc Hà, bác sĩ, nha sĩ, nho sĩ, tiến sĩ… trong thời đại này.
Ngay cả ông Tú Xương, quê ở Nam Xịnh con tâu tắng nằm tong bụi te (Nam Định, con trâu trắng nằm trong bụi tre), một cây bút tài hoa rất mực, cũng phải mượn một số chữ nước lạ để diễn tả tình ý của mình, huống hồ một cây bút quèn là tôi:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau: Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu, Phen này ông quyết đi buôn cối, Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu: Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu? Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc, Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang: Đứa thì mua tước, đứa mua quan, Phen này ông quyết đi buôn lọng, Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con: Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn, Phố phường chật hẹp, người đông đúc, Bồng bế nhau lên nó ở non.
Bắt chước ai ta chúc mấy lời: Chúc cho khắp hết ở trong đời, Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước, Sao được cho ra cái giống người.
Anh bạn Nguyễn Phụng làm tôi bật cười khi anh ấy gởi cho tôi một lá thơ với những nhận định rất dễ thương như sau: (kèm theo một lời năn nỉ, cũng dễ thương, chị đừng đăng, vì tôi không dám múa rìu qua mắt thợ)
Tiếng Việt có vô số từ Nôm mà tiếng Hán không có. Dĩ nhiên họ có từ khác để thay thế.
Thí dụ: con chó, con mèo, con dê, cái bàn, cái ghế, cái nồi, trứng gà, con cá, đôi đũa, cái thùng, giàu có, nghèo, trái banh, ăn cơm, uống nước, hớt tóc, hộp quẹt, có chửa, có bầu, nợ nần, son chảo, mần ruộng vv..
Người Trung Quốc dùng chữ cẩu (狗) để chỉ con chó, chữ miêu (猫) để chỉ con mèo, giàu có bằng chữ phú quí (富 贵), nghèo bằng chữ bần (贫) hay cùng (穷) vv...
Người Việt Nam có thể dịch hết tiếng Hán ra tiếng Việt nhưng ngược lại người Trung Quốc rất «khổ tâm »khi dịch tên người Việt vì chữ ….Nôm (và tiếng Việt!).
Thí dụ:
Chẳng hạn dịch tên ông Đỗ Mười. Đỗ là họ thì không có vấn đề. Chữ Mười, tiếng Hán là thập (十). Nếu dịch đúng ra thành Đỗ Thập thì không ổn. Họ phải mượn chữ Mai (梅) để dịch chữ Mười vì chữ Mai đọc trài trại thành Mười. Mai là cây Mai. Thành ra tên ông Đỗ Mười thành Đỗ Mai (杜梅) mà thật sự ông ta không có tên đẹp như thế.
Còn tên Tô Huy Rứa nữa. Chữ Rứa cả người Việt không hiểu là gì ! làm sao họ dịch được. Họ viết chữ Rứa thành chữ Rui (锐), mà rui có nghĩa là Nhuệ (nghĩa bén nhọn). Tô Huy Rứa thành Tô Huy Nhuệ hay Tô Huy Bén Nhọn!.
Tên ông Trương Tấn Sang bị đổi thành Trương Tấn Sáng (创), Nguyễn Văn Son thành Nguyễn Văn Sơn (山), Trần Văn Giàu thành Trần Văn Gia (家) vv..Những chữ Sang, Son, Giàu, họ không có.
Người ta tò mò muốn biết họ phải dịch thế nào những tên Rinh, Ry, Răng, Rắn, Rích, Rốp, Riều, Ổi, Xoài, Mận, Mít, Búa, Liềm vv...
Tôi vẫn đăng, anh Phụng thấy chưa, nhưng đừng giận nhé, vì chờ đến khi nào mình mới thành nhà vĩ nhân bác học có dăm bẩy bồ chữ của thiên hạ, để mới dám thổ lộ những điều ấm ức trong lòng, không lẽ cứ ngậm bồ hòn xuống lỗ, thì có ai biết, ai nghe, ai thấy ?
Khi chuyển âm tiếng Việt qua mẫu tự La tinh từ thế kỷ thứ 17, A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) và những học giả Bồ Đào Nha, Việt Nam thời ấy đã để lại cho chúng ta một dụng cụ vô giá: các dấu trong tiếng Việt!
Tiếng Pháp cũng có dấu: sắc (é), huyền (è), dấu mũ (ê) và dấu hai chấm (ï) để diễn tả nhạc điệu, cấu trúc tiếng Pháp cũng chứa đựng nhiều nhạc điệu, nhất là trong thể thơ.
Để chuyển âm tiếng Việt, các học giả đã phải dùng đến 7 thanh điệu, ngoài thanh điệu không có dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và dấu đôi: ma, má, mà, mả, mã, mạ, mớ, mợ, chứng tỏ tiếng Việt giàu tính chất âm nhạc, người nước ngoài muốn học và nói được tiếng Việt phải có tai nghe nhạc.
Tiếng Hán chỉ có 4 giọng: ma, má, mă, mà(Nguyễn Phụng)
Có dịp gặp gỡ một vài ca sĩ chuyên nghiệp trong Sài Gòn, tôi thường, ban đầu là giật mình, sau là để ý lắng nghe, vì họ có một khả năng nghiệp vụ, có thể gọi là có căn bản, bài bản, họ phát âm giọng thật khi họ nói hàng ngày hoàn toàn không giống với khi họ hát trên sân khấu, khác nhau rất xa, có duyên hay không có duyên lại là chuyện khác. Vì thế, khi nghe một vài người nước ngoài hát tiếng Việt tôi không ngạc nhiên lắm vì cách phát âm tiếng Việt đã được chuyên chở theo những nốt nhạc. Muốn nghe cho rõ, cho thấm nhạc điệu, cách phát âm của tiếng Việt thì phải nghe hát chèo, hát quan họ, hát cải lương miền Nam…nói chung, các nghệ sĩ thuộc lãnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam, với những kỹ thuật luyến, láy, nhấn, ngân nga, cách điệu…là những người phát âm tiêu biểu nhất cho tiếng Việt.
Giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn, giọng Huế, giọng Quảng…và các giọng địa phương khác nghe rất dễ thương, nhưng không chuẩn đúng âm tiếng Việt. Có nhiều xướng ngôn viên đài truyền hình phát âm ngọng ngịu, nghe mà thấy xấu hổ, đáng lẽ ra họ phải được huấn luyện chuyên nghiệp để giữ màu sắc địa phương trong chất giọng nhưng phải phát âm đúng tiếng Việt.
Theo thiển ý của tôi, mình có nhiều phương cách để duy trì, phát triển và phổ biến tiếng Việt, học theo kinh nghiệm thực hành của những nước khác, đó là:
Phải có một cơ sở thí dụ như một thông báo ngôn ngữ để chuyển thông tin thường xuyên về mọi thay đổi trong tiếng Việt: sáng tạo chữ mới, các chữ mới hội nhập, chính tả, cấu trúc, văn phạm…Nhưng ở đây tôi tha thiết kêu gọi là nên viết dễ hiểu cho "quảng đại quần chúng" đọc được và học được, vì học giả Việt Nam thường tự bọc mình trong cái kén vàng của tháp ngà kẻ sĩ, viết rất thâm thúy, lằng nhằng, khó hiểu.
Phải có một nhóm làm việc, gồm các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ âm nhạc… thường xuyên trao đổi về sáng tạo, dịch thuật, sàng lọc…cho tiếng Việt.
Phải giảm bớt ảnh hưởng quá to lớn của Hán văn trong tiếng Việt. Công việc này kêu gọi sự chú ý và thiện chí của các người đang viết tiếng Việt (nhà báo, nhà văn, nhà thơ, người dịch thuật…) cũng như các người có trách nhiệm trong lãnh vực xuất bản như chủ bút, chủ nhiệm, nhà xuất bản…
Người Việt ở nước ngoài, (thay vì mất thì giờ bút chiến, chê bai dè bỉu nhau) nên thành lập một "Hội" tiếng Việt để trao đổi và hỗ trợ nhau.
Nếu đã có nhiều những hoạt động như thế ở trong và ngoài nước Việt Nam mà tôi "ếch ngồi đáy giếng" không biết, không nghe và không thấy thì xin vui lòng chỉ giáo, đời luôn là một bể học, phải không?
Mathilde Tuyet Tran, France 2010
www.tuyettran.de
Chú thích:
(1) Xin tham khảo các thông tin trên mạng về ngôn ngữ và tiếng Việt
(2) Xin tham khảo "Dấu xưa…Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn", chương III, Mathilde Tuyet Tran, xuất bản tại Pháp, 2-2010
(3) Xin xem bài „Parlez-vous française ? Mais, pourquoi ? www.tuyettran.de/index.php
(4) Xin tham khảo Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Française)
Chú thích của tác giả Nguyễn Phụng: Chữ Ginseng không phải tiếng Hán. Tiếng Hán viết là renshen 人 参 hay nhân sâm. Người Âu họ viết một cách biến thể để gọi là sâm.
(5) Thông tin của Verein Deutsche Sprache – Arbeitsgruppe Denglisch.