Thư gửi người bạn trẻ: Quay về cội nguồn
Nếu đối với L.C.A, đó là tìm cách vượt qua khoảng cách văn hóa, T.B.U là một phát hiện và xác định chính bản sắc mình. Nhưng A.N.L thì dứt khoát cho rằng mình phải quay về cội nguồn dân tộc.
Vào giữa năm 1997, cuốn tiểu thuyết đầu tay viết bằng tiếng Anh của cô L.C.A đã được chọn là một trong các tác phẩm xuất sắc và được đề cử cho nhiều giải thưởng văn học ở Hoa Kỳ. Cô tâm sự rằng mình muốn sử dụng tập truyện để nói lên tâm trạng giới trẻ Việt trên đất Mỹ đang chông chênh và lúng túng giữa hai nền văn hóa Mỹ-Việt, tìm kiếm một phương cách để tự mình vượt qua khoảng cách văn hóa đó.
Qua nhân vật nữ 17 tuổi ở ngưỡng cửa vào đại học trong truyện, cô giãi bày cuộc hành trình tìm về nguồn cội văn hóa của mình cũng như những xung đột già trẻ trong cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ ngày nay. Nguồn gốc xuất xứ gia đình, hoàn cảnh đào tạo hoàn toàn kiểu Mỹ lẫn khung cảnh cộng đồng Việt trên đất Mỹ (còn không ít người bảo thủ, nhiều thành kiến)… không dễ dàng giúp cho một trí thức trẻ như cô xác định được bản sắc. L.C.A mạnh dạn tự mình đi tìm hiểu vấn đề và tìm lời giải đáp. Ở Hoa Kỳ, cô không thể thỏa mãn với những gì đã được nói về đất nước và dân tộc Việt Nam, do cựu binh Mỹ hoặc lớp người già trong cộng đồng Việt viết ra, nên cô đã quyết định tìm cách về Việt Nam. Và cô nghĩ rằng việc tìm kiếm bản sắc phải được giải quyết ngay chính trong nội tâm hoặc cá nhân mỗi người. L.C.A đã chọn: “Giải pháp với tôi là tự mình vượt qua chiếc cầu khỉ” (chông chênh và mong manh) trong thế cân bằng cao. Có vượt qua được khoảng cách văn hóa đó mới cho phép việc khẳng định được mình và vững vàng hướng về tương lai. L.C.A viết một cuốn tiểu thuyết mà cô cho là đã có tác dụng dung hòa được với thế hệ cha mẹ mình cũng như tìm ra câu giải đáp cho mối xung đột văn hóa trong chính bản thân mình.
T.B.U lớn lên trên đất Mỹ, lao vào một lĩnh vực hoạt động rất khó thành đạt với cả người nước ngoài là điện ảnh. Tuy vậy, anh là một đạo diễn trẻ đoạt được một số giải thưởng cao. Anh thú thật là chỉ do một dịp quay về Việt Nam thăm bà nội ốm nặng vào năm 1992, anh mới bắt đầu bị cuốn hút về quê hương, như là một hình ảnh khác. Hỏi về ý niệm của anh về Việt Nam, anh thành thực thú nhận: “Trước đó, tôi hầu như không biết gì về đất nước… nhất là di sản và văn hóa Việt…”. Tuy vậy những lần đi về sau này, học nói lại tiếng mẹ đẻ, phong tục, văn hóa Việt đã giúp anh “tìm lại linh hồn của chính mình”, như lời thổ lộ của anh. Anh đã nhìn thấy và cảm nhận Việt Nam là một đất nước chứ không phải là hình ảnh bị bóp méo ở Hoa Kỳ từ lâu nay.
Quay về nguồn cội đối với A.L.A là một sự khẳng định. Anh nói: “Điều quan trọng là (cộng đồng Việt Nam ở Mỹ) cần tiến hành mối quan hệ chính thức hoặc dưới một hình thức nào đó với đất nước gốc Việt Nam, vì nếu một khi tách khỏi quê hương mình, thì khó mà biết mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Hội nhập vào đời sống Mỹ có nhiều mặt lợi của nó, nhưng nếu không có lịch sử, quá khứ hoặc văn hóa, chúng ta sẽ không còn gốc rễ của mình nữa. Đó là ý nghĩ của A.L.A, một người khá nổi tiếng trong giới truyền thông Mỹ ở vùng California trong những năm gần đây. Anh cho rằng người Việt không nên dễ dãi chấp nhận nền văn hóa Việt qua những gì bày ra tại các cửa hàng khu “Sài Gòn nhỏ”, hoặc theo kiểu các băng nhạc Paris by Night. Theo A.L.A, nếu lớp trẻ gốc Việt ở Mỹ không học tiếng Việt, không tìm biết đất nước hoặc lịch sử Việt thì sẽ nhanh chóng trở thành “người mất gốc”. Anh giải thích rõ: “Không am hiểu lịch sử của mình thì làm sao thấu hiểu được lịch sử của người”.
Hoa Kỳ, những ngày đầu năm 2005
Nguyễn Hữu Thái/ Theo Thanh niên