A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng 5 nhớ Bác: Người Nga với những kỷ niệm về Bác Hồ

Những ngày này, tiết trời tại Hà Nội và Matxcơva sao thật đồng điệu: những giọt nắng lung linh, những làn gió mát thổi vào tâm hồn những người con Nga-Việt. Chúng tôi cùng hướng về Người- Bác Hồ kính yêu của chúng ta- Người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung và bền chặt giữa nhân dân hai nước Việt Nam và LB Nga.

Tại Matxcơva, ngôi nhà số 32 đường Nakhimovsky prospect đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của tình hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác gắn bó giữa giới khoa học và hoạt động xã hội nói riêng, cũng như giữa nhân dân hai nước LB Nga và Việt Nam nói chung.
Nơi đây tọa lạc một Viện nghiên cứu lâu năm về phương Đông và về Việt Nam, nơi hội tụ của các nhà khoa học Nga chuyên nghiên cứu về Việt Nam - Viện Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga.

Vào một ngày xuân Matxcơva, trong tiết trời thật đẹp - trời xanh trong, gió hiu hiu thổi, nắng vàng nhè nhẹ - chúng tôi đến Viện Viễn Đông để gặp gỡ ông Kobelev- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN và Việt Nam, ông Voronhin - cộng tác viên hàng đầu của trung tâm. Đây là những con người đã gắn bó cả cuộc đời mình với Việt Nam, đã gặp gỡ và làm việc với Bác Hồ, Người mà những kỷ niệm với họ đã trở thành những ký ức không thể nào quên.

Chúng tôi đến trước giờ hẹn nửa tiếng. Bước vào căn phòng làm việc nhỏ nhưng ấm cùng, điều đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là ngay trên bàn làm việc của ông Kobelev có một bức tượng nhỏ hình Bác Hồ ngồi khoan thai đọc sách. Đó là phiên bản của bức tượng lớn đặt trong khuôn viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Phiên bản này đã được ông Lê Hữu Nghĩa, lúc đó là Giám đốc Học viện, tặng ông Kobelev và các cộng tác viên của Viện Viễn Đông trong thời gian ông sang thăm và làm việc với Học viện.



Tác giả Quốc Hùng và ông Kobelev trên tay là cuốn sách
"Người Nga viết về Hồ Chí Minh"

Ông Kobelev và ông Voronhin bồi hồi lật giở cho chúng tôi xem những bài viết của hai ông trong tập sách mới được xuất bản nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác. Tập sách có tên gọi “Người Nga viết về Hồ Chí Minh”, được in màu, bìa cứng, rất đẹp và trang trọng. Khi giở những trang sách trong tập sách này, tôi đã thấy hình ảnh của bác Xuân Phương - bác ruột của tôi, người từng nhiều năm có hạnh phúc được phiên dịch và đi công tác nhiều nơi trên nước Nga với Bác Hồ. Khi kể về điều này với ông Kobelev và ông Voronhin, tôi cũng không ngờ được rằng ông cũng biết bác tôi cũng như những người cùng thời với bác như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Người phát ngôn Bộ ngoại giao Hồ Thể Lan- những con người đã góp phần nhỏ bé của mình vào việc vun đắp cho tình anh em Nga- Việt.  

Những hồi ức về Bác Hồ đã đưa ông Kobelev ngược thời gian trở về với những năm tháng tuổi trẻ của mình. Ông kể, năm 1957, trong cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo cấp cao của Liên Xô, Bác Hồ có đưa ra ý kiến là tại sao số sinh viên Việt Nam được cử sang học tại Nga rất nhiều (3000 người), mà Liên Xô không cử sinh viên của mình sang Việt Nam học. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển quan hệ hai nước. Và ngay sau đó, năm 1958, chàng thanh niên 20 tuổi đầy nhiệt huyết Kobelev đã hăm hở lên đường trong lứa sinh viên Liên Xô đầu tiên được cử sang Việt Nam học. Ông Kobelev đã học tại Khoa Văn-Triết, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, trong suốt thời gian từ năm 1964-1968, trên các cương vị khác nhau như phóng viên Thông tấn xã Liên Xô TASS, trưởng cơ quan thường trú báo Pravda tại Đông Dương, phụ trách quan hệ với Việt Nam, Lào, Campuchia trong Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ông đã nhiều lần được tiếp xúc và phiên dịch cho Bác Hồ. Ấn tượng mạnh nhất về Bác đọng lại trong ông Kobelev, đó là sự kết hợp hài hòa trong Bác một trí tuệ thông thái với một tâm hồn giản dị, gần gũi yêu thương con người vô bờ bến. Ông Kobelev nói, hiếm có lãnh tụ nào như Bác, có thể vừa nói chuyện với lãnh đạo của các nước về những chủ đề quan trọng liên quan đến các vấn đề thế giới, đến vận mệnh của cả dân tộc, lại vừa có thể nói chuyện với những con người bình thường như những người lao động, các em thiếu nhi. Và tất cả những người đối thoại với Bác dù có các vị thế xã hội khác nhau nhưng đều cảm nhận được ở Người sự gần gũi,  quan tâm, hiểu biết của một trí tuệ siêu việt.  

Ông Kobelev nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông về Bác. Đó là thời gian diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1964. Tại các Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô trước, Đoàn đại biểu Việt Nam được nghe phiên dịch sang tiếng Pháp. Đây là Đại hội đầu tiên mà phía Nga quyết định dịch những sự kiện trong Đại hội sang tiếng Việt và ngược lại. Ông Kobelev được vinh dự nhận trách nhiệm dịch sang tiếng Nga phát biểu của Bác Hồ tại Đại hội. Ông cho biết, Hồ Chủ tịch nắm tiếng Nga rất tốt, thường trong các bài phát biểu của mình, Người dành những câu cuối cùng để nói bằng tiếng Nga. Vì quá xúc động và hồi hộp trước trọng trách lớn lao của mình, nên khi Bác Hồ nói tiếng Nga, ông Kobelev đã dịch lời của Người sang tiếng Việt trước toàn thể Đại hội.

Những hồi ức về Bác của ông Kobelev đã được ông Voronhin tiếp nối đầy cảm xúc. Trong thời gian làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, ông đã vinh dự nhiều lần được phiên dịch cho Bác Hồ. Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của ông về Bác gắn liền với bông hồng đỏ thắm. Ông xúc động kể lại với chúng tôi về buổi làm việc của Bác với các lãnh đạo của ông. Khi kết thúc buổi làm việc, mọi người lên tặng hoa cho Bác và các đồng chí lãnh đạo, không ai để ý đến một người phiên dịch có tên là Voronhin cả. Bác Hồ đã đột ngột đến bên ông và tặng cho ông bông hồng của Người. Bác Hồ cảm ơn ông và nói với tất cả mọi người, nếu không có người phiên dịch này thì buổi làm việc của chúng ta không thể thành công được. Ông Voronhin nói, đó là phần thưởng lớn nhất trong những lần phiên dịch của ông. Ông bảo, Bác Hồ dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người luôn quan tâm đến tất cả mọi người, luôn trân trọng và đánh giá thành quả lao động chân chính. 

Nói về tầm vóc của Bác Hồ, ông Voronhin nhớ lại, vào những năm 1957, Hồ Chí Minh đã cử sinh viên Việt Nam sang học về khoa học nguyên tử, có những người sau đó đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng như Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Người rất quan tâm đến khoa học Nga, đến những ngành khoa học mũi nhọn như nguyên tử và vũ trụ. Hồ Chí Minh từ những năm đó đã đề nghị Nga giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghệ này. Ông Voronhin nói, không phải ngẫu nhiên mà anh hùng vũ trụ- nhà du hành vũ trụ số hai thế giới German Titov đã trở thành Chủ tịch Hội hữu nghị Xô- Việt. Ông Voronhin vô cùng khâm phục tầm nhìn xa trông rộng xuyên thế kỷ của Bác Hồ, những suy nghĩ, tư tưởng của Bác vẫn còn mang tính thời sự cho đến ngày nay- đó chính là tư tưởng, là tầm nhìn Hồ Chí Minh mà các thế hệ chúng ta hôm nay vẫn đang học tập và tiếp nối…
Những câu chuyện, hồi tưởng, suy tư, cảm xúc… về Bác Hồ như những dòng chảy tuôn trào tưởng như không bao giờ dứt. Nhưng rồi chúng tôi cũng vẫn phải bịn rịn chia tay với nhau. Các nhà khoa học Nga- những con người mà cả cuộc đời mình đã cống hiến, đã yêu Việt Nam bằng cả trái tim mình - bồi hồi chia tay với chúng tôi.

Những ngày này, tiết trời tại Hà Nội và Matxcơva sao thật đồng điệu: những giọt nắng lung linh, những làn gió mát thổi vào tâm hồn những người con Nga-Việt. Chúng tôi cùng hướng về Người- Bác Hồ kính yêu của chúng ta- Người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị thủy chung và bền chặt giữa nhân dân hai nước Việt Nam và LB Nga.

Matxcơva những ngày tháng 5.

Quốc Hùng (LB Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu