Tết quê tôi
Quê tôi miền sơn cước, thuộc một huyện miền núi vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An, vì vậy chúng tôi đón Tết về trong cái lạnh cuối Đông, lá trên cành còn vẩn vương sương muối, cả những nụ đào, mận chúm chím e ấp trong hơi sương của núi rừng.
Tết về như nhuộm sắc màu lên khung cảnh vốn trầm mặc, ưu tư. Phố núi khoác áo mới, ánh cười hiện rõ trên khuôn mặt trẻ ngây thơ. Những ngày giáp Tết, chợ huyện bỗng tấp nập, đông vui hơn hẳn, bà con từ các bản xa đổ về trung tâm thị trấn, ai cũng muốn sắm sửa mừng Xuân, đưa hương vị Tết về nhà.
Dọc đường, những cành đào phai được cắt tỉ mẩn, cả năm chăm bón chỉ để lấy lộc mấy ngày đầu Xuân. Người đi chọn đào, chọn theo dáng, theo nụ, theo màu hoa…, những khuôn mặt đắn đo vì không biết nên chọn cành nào phù hợp với phòng khách nhà mình. Rồi màu xanh của lá dong mướt cả một đoạn đường, màu đỏ của những cửa hàng bày câu đối Tết, hòa với màu quần áo, màu hàng hóa làm rực lên phố núi yên bình. Đây đó ánh lên mắt cười rạng rỡ của em nhỏ vì mẹ mới sắm cho em bộ quần áo mới, để dành mấy ngày Tết đi chơi cùng chúng bạn, cùng gia đình. Ôi hạnh phúc trẻ thơ sao mà đơn sơ đến lạ!
Chợ Tết tấp nập. Chợ vùng cao đạm bạc nhưng không nghèo nàn. Người ta dắt theo lợn cỏ, giống lợn chỉ có ở miền núi, được chăn thả tự nhiên, thân bé nhưng khỏe mạnh và thịt thì đặc biệt thơm ngon. Rồi những lồng gà đủ loại. Ngày Tết rau củ cũng nhiều. Tôi và mẹ chen chúc mãi mới chọn được đôi gà trống ưng ý cho nhà mình. Gà để thắp hương Tất niên nên mẹ tôi chọn rất kĩ, nhìn mào gà, dáng chân để đảm bảo gà khỏe mạnh, dáng đẹp. Ngày Tết phải chuẩn bị rất nhiều thứ nên mẹ tôi thường lên danh sách, còn công việc ưa thích của tôi là kiểm tra xem đã mua đủ đồ được liệt kê hay chưa. Tôi như là kế toán riêng bé nhỏ của mẹ tôi vậy.
Tết, mẹ tôi ít mua bánh kẹo mà thường tự chuẩn bị những món mộc mạc làm từ nguyên liệu nhà trồng được để mời khách tới chơi nhà. Nào mứt bí, mứt chanh, mứt cà rốt… rồi sáng tạo bằng cả mứt khoai tây, khoai lang… Tôi thường đùa, mẹ có thể viết cả một cuốn sách dạy những món mẹ tự nghĩ ra cách chế biến. Mẹ chỉ cười hiền… Tôi hiểu, mẹ muốn tự tay tạo nên hương vị Tết riêng cho gia đình mình và những người thân quen. Chính vì thế, năm nào bạn bè tôi cũng háo hức xem năm nay mẹ lại có món mứt gì mới để cả lũ chúng tôi cùng thưởng thức, bình phẩm, xuýt xoa.
Tôi thích nhất là chọn hoa về trồng và cắm trưng bày ngày Tết. Chẳng bao giờ tôi với mẹ chọn mua ở những nơi bán hoa tại chợ, mà hay vào những vườn hoa mà người ta trồng chỉ phục vụ cho dịp Tết ở ven sông. Ở đó, có nhiều hoa cúc, cúc đủ màu… từ những bông cúc vàng đại đóa với màu vàng kiều diễm, cho đến những khóm cúc tím nhỏ li ti hay e thẹn… Tôi thích trong nhà trưng một chậu cúc, vì nó hợp với cành đào chúm chím hồng, với bàn thờ ngũ quả luôn sáng đèn ngày Tết, và hơn cả là sự hòa quện nhẹ nhàng và sâu lắng với vị hương trầm ngai ngái, nồng nồng… mùi hương thơm đặc sắc của quê tôi.
Công việc dọn dẹp nhà cửa là của hai chị em. Trước hết, ban thờ phải được lau sạch sẽ, lư hương đồng chùi cho thật sáng bóng; sau đó là lau chùi nhà cửa, giặt mùng, mền, chiếu, gối… Cây cối xung quanh nhà được tỉa cắt lại gọn gàng đẹp mắt. Cổng ngõ sân vườn chỗ nào cũng phải tinh tươm. Thế nhưng năm nào đến 30 Tết, mẹ cũng phải dọn dẹp lại một lượt. Hai chị em lắc đầu lè lưỡi, sao mẹ tài thế, có tay mẹ vào, đường như gọn hơn, cổng ngõ cũng sáng sủa hơn thì phải.
28 Tết, bố với em trai tôi sửa soạn gói bánh chưng. Quê tôi thường gói bánh chưng và bánh tét. Bánh tét cũng có những nguyên liệu như bánh chưng nhưng gói thành từng đòn dài, bảo quản được lâu hơn, khi bày trên mâm được cắt thành từng khoanh rất đẹp mắt. Người dân tộc Thái sinh sống ở đây còn có một loại bánh đặc sắc nữa gọi là bánh sừng trâu. Sở dĩ có tên như vậy vì người ta cuốn lá dong lại thành hình cái phễu, đổ gạo nếp vào rồi đùm lại mà thành. Bánh này không có nhân, là quà tặng của các gia đình người Thái cho các em nhỏ khi tới nhà chơi. Nếp người ta dùng cũng không phải nếp trắng thông thường mà là nếp cẩm, nên mặc dù không có nhân, bánh vẫn ngon vì gạo nếp cẩm chin thành làm bánh rất thơm và dẻo. Tôi cũng có nhiều bạn bè thân thiết là người dân tộc Thái, thuở nhỏ vào nhà các bạn chơi, được tặng quà là bánh sừng trâu trong lòng rất vui và thú vị. Hai chiếc bánh nối bằng sợi dây dài, quàng qua cổ, lúc la lúc lắc rất ngây thơ, đáng yêu.
Trong lúc bố và em tôi gói bánh thì tôi và mẹ chuẩn bị nấu thức ăn cho những ngày Tết, những món không thể thiếu là nồi thịt đông, thịt kho tàu, nồi cá kho, dưa món, măng muối… Thông thường thì mẹ tôi sẽ vừa cắt thịt, ướp thịt vừa giảng giải cho tôi cách nêm nếm ra sao, đun nấu thế nào để nồi thịt dậy hương vị và màu sắc cần thiết; tôi ngồi gọt rửa su hào, cà rốt rồi tỉ mỉ thái, ướp gia vị. Mẹ dạy tôi phải thạo nữ công gia chánh, tôi toàn cười khì rồi làm trò với mẹ: “Mẹ ở với con suốt đời, Tết nào mẹ cũng nấu cho con ăn là được rồi”… mẹ lại cười thân thương. Với tôi, khoảnh khắc mẹ cười, là Tết!
Khoảnh khắc khiến tôi muốn lưu giữ nhất trong những ngày Tết có lẽ là giây phút chờ đón Giao Thừa. Sau khi soạn mâm cúng Tất niên, cả nhà chúng tôi quây quần trước ti vi chờ đợi phút giây đồng hồ đếm từng nhịp kết thúc năm cũ. Rồi thưởng thức màn pháo hoa tuyệt diệu, như hòa vào không khí khẩn trương, sôi động của cả nước mình. Cái cảm giác lâng lâng khi kim đồng hồ dịch chuyển, là lúc tôi đang hạnh phúc trong tiếng cười giòn giã của bố, của mẹ và em trai tôi.
Xa quê đi lập nghiệp ở Thủ đô đã lâu, những dịp về quê ngày càng ít ỏi. Chính vì thế, tôi lại càng thêm trân trọng những ngày Tết bên gia đình. Tết không chỉ là một phong tục truyền thống, Tết còn là tình người, là nguồn cội, là quê hương trong trái tim tôi!
Trang Thanh