A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết quê hương đầu tiên sau những năm xa xứ

Tháng Giêng năm 2011, nhờ một cơ may tôi đã về Việt Nam làm một phóng sự cùng với Việt Weekly và Phố Bolsa TV. Tôi trở về ăn một cái Tết quê hương đầu tiên sau 36 năm ly hương...



Tác giả Nguyễn Phương Hùng cùng Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Lê Thành Ân dịp Xuân 2012

Người Mỹ có câu nói rất ngắn và giản dị: "No place better than home" (Không nơi nào bằng tổ ấm nhà mình). Điều này thật đúng dù đó là một căn nhà khiêm nhường, nghèo nàn hay sang trọng. Đến nhà ai dù rộng rãi, sang trọng nhưng khi về đến nhà vẫn thở phào nhẹ nhõm khi được ngả lưng thoải mái trên ghế sa-lông hay giường ngủ. “Home” tiếng Mỹ ngoài ý nghĩa là “nhà”, còn mang ý nghĩa là “quê hương”, “đất nước”.

Đối với người Việt Nam vì phong tục tập quán, tình cảm Á đông truyền thống nhiều ngàn năm nên tình nghĩa quê hương càng đậm đà, gắn bó với nhiều ý nghĩa. Dù giàu hay nghèo thì ngày Tết theo phong tục mọi người cần phải đoàn tụ, sum họp, quây quần dưới mái đại gia đình.

Tết xa quê đau lòng người tha phương

Hồi tưởng lại những lần đón Tết ly hương, tôi vẫn chưa quên được Tết những năm đầu trên đất Mỹ sau ngày 30/4/1975 với tâm trạng buồn của người thua trận – tâm trạng từng được ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời nhắc đến trong bài trả lời phỏng vấn báo Quốc tế dịp 30 năm ngày Việt Nam liền một dải.

Cuộc đổi đời ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã đưa đất nước vào bước ngoặt mới lịch sử và cuộc đời tôi cũng đi vào khúc quanh cuộc sống lưu vong.

Những năm đầu đến Mỹ hình như không còn biết Tết là gì nữa. Hương vị quê hương hoàn toàn không có những chiếc bánh chưng, tràng pháo, cây nêu và tiếng trống múa lân. Hai năm đầu tôi đã sống âm thầm trong cuộc sống bươn chải, vật lộn mưu sinh bằng tiếng Mỹ bẻ đôi. Đến trại Pendelton ngày 6/5/1975 và ngày 5/6 tôi đã rời trại ra ngoài làm kiếp lao động đời lưu vong. Một tuần lễ sau khi xuất trại và tạm trú tại nhà người bảo trợ là một quân nhân thuỷ quân lục chiến, tôi đã bung ra đi làm. Một công việc có lẽ trong đời tôi không bao giờ nghĩ đến - nghề cu-li lau chùi dọn dẹp trong hãng TDK (băng nhựa cuả Nhật) từ 12 giờ khuya đến 4 giờ sáng. Những giọt nước mắt của tôi rơi xuống chiếc khăn tôi đang lau chùi mặt bàn của một phòng ăn cho nhân viên rộng lớn, giọt nước rơi theo tâm trạng chán chường của người lưu vong không biết tương lai mờ mịt cùng với những thử thách chờ đợi trước mặt.

Tôi không dám lái xe đi đâu xa ngoài việc quanh quẩn trong quận Cam - nơi tôi cư ngụ đầu tiên đời tị nạn. Kiếm một người Việt Nam còn khó nói chi chuyện ăn một cái Tết quê hương. Sau 2 cái Tết mà không có Tết, tôi mò lên Los Angeles để “vui” một cái Tết tha phương đầu tiên của đời tị nạn. Hai cái Tết đầu tiên của cuốc sống lưu vong đã đến và đi rất âm thầm và hầu như không biết là Tết đã đến, nếu không xem bản tin tức hình ảnh trên truyền hình Hoa Kỳ tại China Town (Phố Tàu). Nhưng Tết tại phố Tàu cũng không làm tôi vui được vì ngôn ngữ, vì tiếng Việt phát âm giọng người Hoa. Cũng đốt pháo, múa lân nhưng sao vẫn không có hương vị quê hương và không phải là Tết Việt Nam.

Năm 1980, một hội chợ Tết đầu tiên tại công viên Edignder, Santa Ana cũng không đem lại không khí Tết ngoài những cửa hàng thương mại. Cũng có bánh chưng, bánh tét, giò chả và văn nghệ. Rồi thì nhiều năm sau đó vẫn có hội chợ Tết. Người Việt tị nạn ngày càng đông, sinh hoạt ngày càng sinh động. Có cả diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa mà tôi là một trong những người chủ chốt đứng ra tổ chức. Đã 2 năm nay tôi không còn nằm trong ban tổ chức diễn hành Tết nữa khi diễn hành Tết phai nhạt hết ý nghĩa văn hoá và truyền thống (năm nay sẽ không còn diễn hành), trở thành diễn đàn cho các dân biểu, nghị viên và ứng cử viên chường mặt và nói ngọng câu chúc Tết: “Chúc Mừng Năm Mới” và quảng cáo thương mại.

Dù gì đi nữa thì không khí ngày Tết trên đất khách không phải là ngày Tết trên quê nhà. Cũng chợ hoa, cũng cành mai, cành đào, cũng tiệc tùng tất niên, cũng lì xì, đốt pháo nhưng khung cảnh xung quanh không phải là hình ảnh của quê hương Việt Nam…

Hành trình mùa Xuân Mai Đào đất Việt

Tháng Giêng năm 2011, nhờ một cơ may tôi đã về Việt Nam làm một phóng sự cùng với Việt Weekly và Phố Bolsa TV. Tôi trở về ăn một cái Tết quê hương đầu tiên sau 36 năm ly hương!

“Hành trình mùa Xuân Mai Đào đất Việt” là sự gợi ý của ông Hồ Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh. Đào là hoa Tết biểu tượng của miền Bắc, hoa mai biểu tượng Tết của miền Nam. Với sự tài trợ phương tiện của tập đoàn Mai Linh, chúng tôi đã đi từ Hà Nội. Tại thủ đô, chúng tôi được ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đưa đi đón Giao Thừa tại Hồ Hoàn Kiếm, xem biểu diễn văn nghệ truyền thống tại đền Ngọc Sơn và bắn pháo hoa tuyệt vời.



Niềm vui đón Tết trên quê hương 

Mùa Xuân Nhâm Thìn tôi đã thật sự được hưởng cái Tết đầu tiên sau 36 năm xa xứ. Tôi không biết dùng ngôn ngữ nào để diễn tả sự xúc động đầy sung sướng này. Tôi hòa lẫn vào cùng đoàn người đông nghẹt, tôi thật sự đã hòa nhập với đồng bào tôi trong ngày vui Tết. Không ai biết tôi khóc trong niềm vui của đứa con xa xứ được trở về quê hương. Có lẽ tôi là người duy nhất đã khóc trong khung cảnh vui nhộn này. Xung quanh tôi ngoài dòng người đi chơi Tết còn có cả những nam thanh nữ tú đi từng nhóm nhỏ, chúc mừng khách đi chơi Tết bằng những túi nhỏ đựng gạo và muối để mang may mắn đến cho năm mới. Họ là những sinh viên còn đang đi học. Mỗi túi là 10 ngàn đồng (khoảng 50 xu tiền Mỹ.) Tôi mua nhiều lắm, không phải là tìm may mắn, vì tôi đã có may mắn qua sự chào mời của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài từ trong năm 2011 kia (Tôi được tham dự Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn tiếng Việt” tháng 9/2011 và bây giờ là Tết Nhâm Thìn). Tôi mua vì đang sống trong tâm trạng của một người hạnh phúc và muốn san sẻ hạnh phúc đến mọi người. Tôi không biết đã mua bao nhiêu túi may mắn, chỉ biết trên đường đi bộ từ Hồ Hoàn Kiếm về khách sạn Hoà Bình ở phố Lý Thường Kiệt, tôi đã cho những người tôi gặp những túi may mắn ấy. Những cửa hiệu còn mở cửa cúng Giao thừa. Tôi chan hoà niềm vui và hạnh phúc bởi vì tôi đang tận hưởng không khí Tết quê hương sau 36 năm.

Ngày Mùng Một Tết, bằng xe buýt của Mai Linh, đoàn chúng tôi đã đi thăm viếng Thành nhà Hồ, đền Quang Trung (Thanh Hoá), Vinh (Nghệ An), thành cổ Quảng Trị, cầu Bến Hải, Đồng Hới (Quảng Bình), Huế, Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng chúng tôi đi máy bay vào Sài Gòn.



Cùng các nhà báo hải ngoại tại Hoa Kỳ trong quán cà phê ở Việt Nam ngày Tết

Một chuyến hành trình đầy thú vị! Lần đầu tiên tôi đã được thắp nén hương cúng song thân từ ngày hai cụ vãng lai miền tiên cảnh. Sau 36 năm tôi đã có một mùa Xuân đoàn tụ với gia đình và họ hàng, trên hết là mùa Xuân đoàn tụ với quê hương và đất nước.

Trước ngày rời Việt Nam, tôi là một người thanh niên sống trong không khí lửa đạn. Sau 36 năm trở về, tôi đã thấy đất nước bình yên, quê hương thanh bình và sức sống chồi mầm vươn lên của Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và những nơi tôi đã đi qua. Tất cả đều đã để lại trong lòng tôi đầy những cảm xúc. Những giọt nước mắt hạnh phúc thật sự của tôi đã lăn dài trên đôi má. Vì những giọt nước mắt hạnh phúc này mà dư luận kẻ khen người chê. Nhưng tôi không cần biết vì tôi đang sống cho tôi và bỏ ngoài tai những lời nói đầy tiêu cực và nhạo báng. Tôi chỉ có một lời nói xin cám ơn gần 90 triệu đồng bào cùng dòng máu Việt Nam đã mở rộng đón nhận tôi trở về. Tôi cảm ơn Nhà nước Việt Nam mà thể hiện là những đề xuất rất hiệu quả cuả Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng các Lãnh đạo của Uỷ ban và sự nhiệt tình của những anh chị em trẻ đã giúp cho tôi có một cơ hội trở về thăm lại đất nước thân yêu và được hưởng trọn vẹn mùa Xuân với gia đình, dù rằng song thân của tôi đã không còn hiện diện trên cõi đời. Lẽ dĩ nhiên, tôi không thể và không quên được một người bạn vừa quen biết là anh Hồ Huy và anh Cao Xuân Trường thuộc tập đoàn Mai Linh đã nhiệt tình giúp đỡ cho từng bước chân của tôi trải dài từ Phú Thọ (Đền Hùng) qua Móng Cái và về đến Cần Thơ.

***

Trước thềm năm mới Xuân Quý Tỵ 2013, chúng tôi xin mượn trang báo Xuân của tạp chí Quê Hương kính chúc quý Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, các bộ, ban ngành, Mặt Trận Tổ quốc, các đại biểu Quốc hội, các đồng nghiệp báo chí, độc giả Quê Hương và KBCHN cùng toàn thể nhân dân Việt Nam một năm mới đầy an khang, may mắn và thịnh vượng. Xin riêng một lời chúc cho quê hương Việt Nam mến yêu ngày càng mạnh tiến trên thương trường và ngoại giao quốc tế; đất nước thân yêu sẽ sản sinh thêm nhiều những hạt nhân tuổi trẻ để gieo mầm tinh hoa cho một Việt Nam phú cường trên vùng trời Đông Nam Á.

Nguyễn Phương Hùng (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu