A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết ở hai đầu nỗi nhớ

Tết cổ truyền với người Việt xa quê là cái Tết ở trong tâm khảm mỗi người. Dù thời điểm ấy, ở Berlin là ngày bình thường như bao ngày bình thường khác, người Việt xa quê chúng tôi vẫn luôn hướng về quê hương, cội nguồn với ngổn ngang những tâm sự bộn bề, những nỗi niềm và hy vọng, những kỷ niệm vui, buồn lắng đọng… Ước mong ngày trở về sum vầy, đoàn tụ với ấm áp những ánh mắt, nụ cười bên gia đình, bạn bè, người thân luôn là niềm hạnh phúc nhất của mỗi người con Việt xa xứ.

Không khí đã tấp nập trên đường phố Berlin - đèn, hoa, chợ Noel, các cửa hàng, cửa hiệu rực rỡ sắc màu, báo hiệu một giáng sinh an lành sắp đến, một mùa sum họp ấm cúng bên gia đình, người thân để cùng nhau xua đi giá lạnh của trời Đông tuyết trắng và đón chờ năm mới với bao điều mới mẻ sắp tới.



Gia đình tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm đón Tết ở Berlin
 

Vậy là, một năm cũ sắp đi qua, kỷ niệm vui buồn lại ùa về, tôi thấy nhớ nhà vô cùng. Một cái Tết nữa sắp đến, cái Tết thứ 21 phải xa mẹ, xa tất cả những người thân yêu của mình, xa Hà Nội… Mỗi buổi chiều tối đi làm về, hòa vào dòng người đang hối hả trên đường phố Berlin, tự nhiên tôi thấy sống mũi mình cay cay, có cái gì đó nghẹn lại. Mình chẳng muốn xa con mình một ngày, một phút, một giây. Vậy mà đã 21 mùa Xuân, 21 cái Tết qua đi, mình đằng đẵng xa mẹ… Nhưng mẹ tôi thì khéo động viên con gái lắm. Cứ luôn nói với tôi “Lúc nào con về là Tết với mẹ lúc ấy!” Lòng người mẹ thương con gái ở xa khiến tôi không cầm lòng được. Cứ mỗi năm Xuân về, Tết đến, lòng tôi lại rưng rưng.

Bố và ngày Tết

Cái Tết cuối cùng trước khi tôi sang Đức là năm 1992, lúc ấy Hà Nội vẫn còn được đốt pháo, năm ấy tôi 24 tuổi, vừa mới lập gia đình. Tết năm ấy thật là vui và đầy ắp tiếng cười, đầy ắp những kỷ niệm. Tôi vẫn nhớ như in đám cưới trước Tết của mình, rất đông học sinh đến chúc mừng cô giáo, chẳng hiểu sao học trò lại biết mà đến, lại còn tặng cô giáo một tấm ảnh to hình một cậu bé mũm mĩm đáng yêu nữa chứ. Lúc chia tay mọi người ra về, bố tôi nắm tay tôi rất chặt, đến giờ tôi vẫn còn cảm nhận được hơi ấm tình cảm thân thương của bố trong giây phút tiễn con gái về nhà chồng.

Ngày còn bố, cứ mỗi lần Xuân về, Tết đến, bố tôi hay kể cho hai chị em tôi nghe các sự tích ngày Tết như sự tích ông Công ông Táo, sự tích bánh chưng bánh dầy, sự tích cây nêu ngày Tết, sự tích hoa đào…, rồi các phong tục trong ngày Tết của người Việt xưa và nay. Bố tôi kể hay, hấp dẫn. Mẹ tôi cũng thích nghe bố kể chuyện. Những câu chuyện ấy, giờ tôi lại kể cho các con tôi và các học sinh trong lớp tiếng Việt của tôi nghe nữa.



Xuân về trên quê hương Việt Nam
 

Hồi ấy, mỗi năm Tết đến, hai chị em tôi vừa chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ, bày mâm ngũ quả, vừa nghe bố kể chuyện, cứ mê tít! Bố tôi bảo, ngày 23 tháng Chạp là ngày bắt đầu vào Tết. Đó là ngày mà các gia đình Việt Nam tiễn ông Công ông Táo, hay còn gọi là Thần Bếp, lên báo cáo Ngọc Hoàng Thượng Đế những việc làm của gia đình trong năm qua. Rồi các tục lệ ngày Tết, lì xì, mừng tuổi, xông đất, xông nhà, kiêng quét nhà, vì sao lại thế này, vì sao lại thế kia, những câu hỏi của chị em tôi được bố tôi giải đáp hết. Đó là những kỷ niệm quý nhất, những câu chuyện ngày Tết hay nhất. Mỗi lần kể lại cho hai con của tôi nghe vào ngày Tết ở Berlin, tôi lại thấy nhớ bố vô cùng!

Tôi vẫn còn nhớ có năm, gần đến ngày 30 Tết, bố tôi cứ loay hoay tìm tem phiếu của gia đình để đi mua hàng Tết mà không biết để đâu. Đến sát giờ cửa hàng mậu dịch đóng cửa, hai bố con mới tìm thấy tem phiếu kẹp trong quyển từ điển Anh - Việt mà bố tôi vẫn hàng ngày dùng dịch sách và tài liệu. Để khỏi sợ mẹ biết, hai bố con tôi vội vàng chở nhau trên chiếc xe đạp phượng hoàng đi mua hàng Tết. Túi hàng Tết hôm đó gồm có: bóng, mứt Tết, bánh pháo, hạt dưa…

Ôi, những cái Tết tuổi thơ đầm ấm bên gia đình, xóm giềng… sao mà nhớ thế! Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh sân tập thể hàng xóm ra rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo, chuẩn bị gói bánh chưng; rồi mấy nhà hàng xóm cùng nấu chung, luộc chung 1 thùng phuy bánh chưng thật to; rồi nhà này làm mứt gừng, nhà kia làm mứt khoai tây, cà rốt… cứ náo nhiệt cả khu tập thể những ngày giáp Tết. Tết giản dị mà ấm cúng, bận bịu nhưng thật vui vẻ và nhiều ý nghĩa!

Ba năm đầu tiên sau khi xa Hà Nội là ba cái Tết đơn sơ, giản dị. Cành đào chính là cành mận hoa trắng li ti, trông cũng giống hoa đào thu nhỏ. Mâm cơm tất niên thì đơn giản vô cùng. Tôi nhớ nhà kinh khủng! Năm 1995, bố tôi, lúc ấy là chuyên viên của Uỷ ban kế hoạch nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đi họp ở Pháp, Đức, Ý đã sang Berlin thăm gia đình tôi. Ông cứ thương con cháu phải đón Tết ở xứ lạnh, quê người, thương cả mấy gia đình bạn thân của tôi nữa! Tết 1995 đơn sơ, giản dị, chẳng có gì ngoài câu chuyện ôn lại những kỷ niệm Tết ở Việt Nam.

Tết 1997, cả nhà tôi về Việt Nam thăm gia đình, người thân, và đây là Tết cuối cùng tôi được gần bố, cũng là Tết duy nhất tôi đón Tết ở Việt Nam trong suốt 21 năm xa quê. Tết năm ấy, cả hai gia đình nội ngoại cùng vui ngày Tết sum họp, đoàn tụ sau 5 năm xa cách. Những ngày giáp Tết, cả nhà lại cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng, bày biện giống như khi xưa tôi còn ở nhà.

Tháng 3/1997, cả nhà tôi trở lại Berlin. Sang Berlin được 2 tuần, tôi nhận được thư bố: “Giờ này, các con và các cháu đang chuẩn bị lên máy bay. Bố cứ đi ra, đi vào. Cả nhà đi tiễn các con, bố không đi tiễn các con được. Ông đã lại thấy nhớ Maischen và Cún con của ông rồi, thương hai Cún của ông quá! Mong Tết năm sau, bố con, ông cháu lại có dịp được đoàn tụ. Cái nhớ đang dâng đầy, cái nhớ đang làm nhoè mắt ông ngoại của Mai Cún! Mong lắm ngày trở về lần tới của các con…!”. Tháng 10 năm ấy, bố tôi mất.

16 năm, 16 mùa Xuân, 16 Tết qua đi, tôi chỉ có điều kiện cho các cháu về nghỉ Hè thăm ông bà nội và bà ngoại. Vì dịp Tết, các cháu không được nghỉ học. Ai cũng thông cảm và cứ lúc nào, gia đình tôi về là tết lúc ấy. Đúng như mẹ tôi đã từng động viên, an ủi, những người thân ở hai bên nội ngoại, bạn bè đến chơi, đúng là vui như Tết.

Tết phương xa

Ở Berlin, nhà tôi cùng các gia đình người Việt hay gói bánh chưng bằng khuôn tự tạo. Cả nhà ngồi quây quần gói bánh rất vui. Chúng tôi thường luộc bánh bằng nồi áp suất, luộc 6 tiếng là bánh rất ngon. Chúng tôi cũng ép bánh giống như ở Việt Nam và còn lấy bánh chưng làm quà tặng nhau nữa.

Tết năm nào chồng tôi cũng xin Hãng nghỉ 3 ngày: 30, 1, 2 Tết và chuẩn bị đón Tết như ở Việt Nam. Ngày 23 tháng Chạp, ngày bắt đầu vào Tết, năm nào cũng vậy, chị bạn thân lại tặng gia đình tôi cành đào của Ý rất đẹp. Bởi vậy mà nhà tôi luôn có hoa đào đón tết. Hoa đào của Ý giống hoa đào Việt Nam nhưng không đẹp bằng. Tôi còn nhớ, hồi ở nhà, cứ đến 23 tháng Chạp, bố tôi mua đào bích, cánh kép rất đẹp. Bố tôi còn đốt gốc cho hoa được bền ra ngoài Rằm tháng Giêng. Sự tích cây hoa đào, bố tôi kể, giờ tôi lại kể cho các con và học sinh nghe, để các bạn nhỏ xa quê hiểu được tục lệ chơi hoa đào ngày Tết của người Việt Nam.

Ngày 30 Tết, nhà tôi cũng chuẩn bị mâm cơm Tất Niên, tiễn năm cũ, đón năm mới. Khoảng 6 giờ chiều - tức 12h đêm Giao Thừa ở Việt Nam, cả nhà đứng trước ban thờ Phật Bà Quan Âm, bàn thờ tổ tiên, chắp tay xin Trời Phật, xin ông bà tổ tiên được một năm mới bình an, mạnh khoẻ, các cháu ngoan, học giỏi. Ước mong giản dị như vậy, năm nào tôi cũng hướng dẫn, nhắc nhở hai con giống như khi xưa, lúc còn bé, bố mẹ cũng từng hướng dẫn cho hai chị em tôi. Đó chính là nếp nhà.

Xong đâu đó, cả nhà quây quần đón Tết bên tivi để xem chương trình VTV4, hoà cùng với đất trời, cảnh vật, không khí đón Tết tại Hà Nội qua màn ảnh nhỏ. Vợ chồng tôi mừng tuổi cho con trai, con gái và chúc hai bé: “Mạnh khoẻ - Hay ăn – Chóng lớn – Mau quét sạch nhà!”. Hai bé cũng chúc Tết, mừng tuổi bố mẹ: “Mạnh khoẻ - Hạnh phúc – Luôn cười thật nhiều!”

Cả nhà gọi điện về Việt Nam, chúc Tết ông bà nội - ngoại. Cứ lần lượt các thành viên trong gia đình tôi chúc Tết người thân ở quê nhà. Như vậy cũng là để luyện tập tiếng Việt cho hai con tôi. Sau đó là chúc Tết bạn bè, người thân ở Berlin.

Đến 7h, cả nhà cùng ăn bữa cơm Tất Niên, có một chút rượu vang đỏ, hy vọng một năm mới với nhiều niềm vui mới, nhiều thành công mới, thật nhiều sức khoẻ và cũng thật nhiều niềm vui nữa.

Năm nào cũng thế, ngoài trời, mùa Đông ở Đức lạnh và trắng tuyết rơi, trong nhà thì lại ấm cúng vô cùng! Màu đỏ của hoa đào, của những phong bao lì xì được treo trên cành đào, càng làm tăng thêm sức Xuân ngày Tết. Màu xanh của bánh chưng, màu đỏ, vàng, hồng của mâm ngũ quả, cùng với hương vị ngày Tết và gương mặt hồng hào của những người thân yêu, niềm vui đón Tết của cả nhà giống như bức tranh gia đình. Tôi nhìn thấy tình yêu trong ánh mắt của chồng, niền tin trong ánh mắt các con.



Gặp mặt đầu năm
 

Sáng Mùng Một Tết, tôi cùng mấy người bạn thân đi chùa, ai cũng cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hoà, gia đình an khang - thịnh vượng. Rồi cùng tụ họp một nhà, râm ran những câu chúc mừng năm mới, cùng nhau liên hoan và tổng kết xem năm vừa qua có những thành tích gì nổi bật và đặt ra những kế hoạch, những việc cần làm trong năm tới để mỗi gia đình tiến bộ hơn trong công việc, cũng như trong học tập. Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa, những người bạn, những gia đình thân nhau ở Berlin như anh em một nhà, thương yêu và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Tôi thấy tự hào và nâng niu, quý trọng những tình cảm ấy, giống như gia đình lớn thứ hai của mình.

Có năm, mấy gia đình cùng đi xuống Rathenow, cách Berlin 100 km, để đón Tết. Rathenow tổ chức cho bà con đón Tết rất vui, nào là múa sư tử, ca múa nhạc, thơ, đốt pháo, đón Giao Thừa, mừng tuổi, lì xì cho các bạn nhỏ, giống như mình đang đón Giao Thừa ở quê nhà vậy. Anh Thế Sáng và chị Lập là hai người dẫn chương trình rất chuyên nghiệp và dí dỏm. Cả Hội trường đầy ắp tiếng cười, mùi thơm của pháo, mùi thơm của rượu và hoa, của các món ăn dân tộc truyền thống trong ngày Tết quyện hòa, không khí thật ấm áp tình người, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đất nước…

Tết cổ truyền với người Việt xa quê là cái Tết ở trong tâm khảm mỗi người. Dù thời điểm ấy, ở Berlin là ngày bình thường như bao ngày bình thường khác, người Việt xa quê chúng tôi vẫn luôn hướng về quê hương, cội nguồn với ngổn ngang những tâm sự bộn bề, những nỗi niềm và hy vọng, những kỷ niệm vui, buồn lắng đọng… Ước mong ngày trở về sum vầy, đoàn tụ với ấm áp những ánh mắt, nụ cười bên gia đình, bạn bè, người thân luôn là niềm hạnh phúc nhất của mỗi người con Việt xa xứ.

Nguyễn Thị Thanh Tâm (CHLB Đức)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu