A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết Ất Mùi xa nhà...

Xa nhà... khái niệm này phụ thuộc vào nơi chúng ta đang sống và ở, mà trái tim chúng ta luôn hướng về để tìm lại những ký ức êm đềm của ngày hôm qua.



 Đông đảo bạn bè quốc tế và kiều bào tại Pháp đến dự Lễ đón mừng năm mới tại Tòa thị chính Paris

Tết - rõ ràng là một ngày lễ truyền thống không thể bỏ qua nếu bạn muốn giữ mối liên hệ với gia đình, bạn bè, hàng xóm và ngay cả những người dân bạn chỉ tình cờ gặp trên đường.

Tôi nhớ lại khi còn nhỏ, nơi tôi lớn lên ở Nha Trang, khi đi qua con đường lớn Pasteur (nay là đường Trần Phú) song song với bờ biển để đi đến trường Pháp. Ngày sát Tết, chúng tôi vẫn phải đi học bình thường vì nhà trường của nước Cộng hoà Pháp không cho nghỉ, họ coi đó là ngày Tết của Việt Nam chứ không phải của Pháp. Chúng tôi tới trường mà thầm mong rằng ngày học mau kết thúc, để chạy nhanh về nhà giúp mẹ sửa soạn đón Tết và dọn dẹp nhà cửa.

Khi lớn lên, tôi vào Sài Gòn sinh sống theo gia đình. Tết Ất Mùi năm 1955, tôi cùng với Liên, chị họ của mình, đi mua hoa ở Chợ Bến Thành và tản bộ trên Đại lộ Nguyễn Huệ. Năm đó hoa rất đẹp và chúng tôi đã rất bối rối khi phải chọn giữa hoa hồng, hoa lan, hoa loa kèn trắng với thạch anh tím và cây mao lương (hoa của vùng Alpes được trồng ở Đà Lạt) cùng nhau đua sắc.

Trái cây từ Bến Tre, đặc biệt là trái dừa với nước dừa ngon ngọt đã làm dịu cơn khát khi chúng tôi rảo bước trên đường để tìm một chút bóng râm. Tôi vẫn còn nhớ, chúng tôi đã cười rất sảng khoái khi chị Liên cố gắng thuyết phục những người bán hàng rằng trái cây của họ cho chúng tôi rất nhiều may mắn để tìm được một tấm chồng. Thế là những người bán hàng hào phóng đã bỏ thêm một vài quả mận ngon ngọt vào giỏ hàng của chúng tôi.

Hoa quả, bánh kẹo và nhất là quần áo mới được ông bà mua cho chúng tôi trong dịp này là những hồi ức cuối cùng của thời niên thiếu đi qua chiến tranh nhưng rất hạnh phúc đó. Phải nói rằng, người dân đang ở trong một trạng thái lâng lâng nhiều cảm xúc, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp của dân tộc đã được giải phóng. Tuy nhiên, niềm vui này không kéo dài được lâu khi Hoa Kỳ đẩy mạnh can thiệp và tiến hành chiến tranh.

60 năm sau, Tết Ất Mùi 2015 xa nhà, ở Pháp, có hương vị của một tương lai đầy thất vọng! Thật vậy, chúng tôi đã sống ở Paris vào thời khắc đau đớn của những sự kiện tháng 1/2015 với vụ khủng bố giết người trong văn phòng của Charlie Hebdo. Một tháng sau đó, những trái tim vẫn còn mang thương tích.

Tuy vậy, cộng đồng người Việt ở Pháp nói chung, ở Paris, Lyon, Montpellier, Grenoble và các tổ chức  hữu nghị với Việt Nam nói riêng vẫn luôn tràn đầy hy vọng, hướng về tương lai. Đúng vậy và chả có gì lạ, người Việt Nam ở Pháp thường ăn mừng Tết vào khoảng tuần đầu tiên của Năm mới tính theo Âm lịch. Ngày Tết cũng đánh dấu sự bắt đầu của mùa Xuân, vì tên tiếng Việt của nó có nghĩa là "lễ hội của buổi bình minh đầu tiên".

Tại sao Tết lại quan trọng như vậy? Bởi theo truyền thống, đó là ngày duy nhất trong năm gia đình họ tộc xum họp quây quần bên nhau trước ban thờ tổ tiên, báo cáo những kết quả đã đạt được trong năm và cầu khấn những điều tốt lành cho năm mới với mong ước thịnh vượng cho đất nước, cho gia đình được an khang, thịnh vượng và để tâm hồn được thư thái, chào đón một năm mới yên vui, bình an. Trước ngày Tết, chúng tôi gói và nấu bánh chưng có đủ cả nếp với thịt heo và đỗ xanh. Ngày Mồng Một của năm mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Việt Nam. Tất cả những gì nói và làm trong ngày hôm đó có ảnh hưởng tới phần còn lại của năm. Người đầu tiên bước vào ngưỡng cửa của ngôi nhà phải là một người may mắn, để mang lại sự thịnh vượng và hạnh phúc cho gia đình trong 364 ngày tiếp theo. Người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, người Việt ở Pháp nói riêng, khó có đủ điều kiện để thực hành mọi nghi thức theo phong tục quê hương, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng gạn lọc, giữ lại những phong tục cơ bản nhất.



 Một gia đình Việt Nam tại Pháp mừng Xuân Ất Mùi


Tại Paris, Đại sứ quán Việt Nam và Tòa thị chính Paris mời cộng đồng kiều bào đến hội trường thành phố để dự một chương trình đón Tết cổ truyền rất đầm ấm vào ngày 19/2/2015. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức đầy sôi nổi, như chương trình "Tết ở làng" do Hội Ngoni Việt Nam tại Pháp tổ chức cũng đã thu hút được sự ủng hộ của rất nhiều học sinh, sinh viên và cộng đồng kiều bào. Tại các tỉnh, nhiều hoạt động ý nghĩa được các tổ chức hội đoàn của kiều bào và sinh viên Việt Nam chung tay tổ chức, như: Buổi tối Nghệ thuật 13/2/2015 được tổ chức bởi Hội Sinh viên Việt Nam ở Grenoble (AEVG); Chương trình biểu diễn nghệ thuật 8/3/2015 có sự tham dự của các nghệ sĩ đến từ Việt Nam do Hội người Việt Nam vùng Rhône tổ chức; Lễ hội chào mừng năm con dê do Ủy ban Choisy 94 của AAFV tổ chức tại Royal de Choisy-le-Roi ngày 7/3… Hầu như tại tất cả các thành phố lớn ở Pháp, cộng đồng người Việt đều tổ chức các cuộc họp mặt và chương trình văn hóa nghệ thuật để bà con kiều bào gặp gỡ, gắn kết, cùng nhau vui hưởng một cái Tết cổ truyền, ôn lại phong tục truyền thống của quê hương. Đây là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Xuân về.

Dù lo toan bận rộn mưu sinh đến mấy nơi xứ người, nhưng đông đảo bà con cộng đồng người Việt tại Pháp đã nhiệt tình tham gia buổi tiệc có ý nghĩa nhất trong năm này và qua đó, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ trong cộng đồng như là một sự gửi gắm tấm lòng của người viễn xứ hướng về quê hương, đất nước.

Nguyễn Đắc Như Mai (Pháp)
Chủ tịch Hội Khuyến khích Phụ nữ Việt Nam làm khoa học


 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu