A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác động cuộc đảo lộn kinh tế và tiền tệ tại Pháp và Việt Nam

Theo dự báo tài chính tháng 10 năm 2008 tại Pháp và VN, cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ biến động phức tạp trong nền kinh tế thế giới làm cho hai nước phải có những phương thức cứu chữa để đối phó với những đảo lộn dữ dội chưa từng có từ năm 1929. Bà Bộ trưởng kinh tế Pháp tuyên bố "chúng ta ở trong thời kỳ kinh tế (khủng hoảng) lây lan vào tiền tệ, nên chúng ta sẽ bị ảnh hưởng của tác động này cả trong năm 2009".

Vậy Pháp và VN có biện pháp phòng ngừa nào để giải quyết đảo lộn này khi chúng ta biết rằng mỗi biến động của nền kinh tế thế giới đều có tác động đến kinh tế các nước khối EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… và VN? 

Theo tổng kết tình hình trong 4 khu vực đang có khó khăn tại Pháp và VN là ngành xây dựng, ngành sản xuất xe hơi, phân phối hàng hóa và dịch vụ liên quan tới vận tải hàng không: 

Tại Pháp, ngành xây dựng bị ảnh hưởng lớn nhất khi nhiều công trình phải ngừng sau khi kinh doanh xây cất nhưng không bán nhà được vì dân chúng Pháp không đủ khả năng mua nhà ở. Trong khi đó tại VN, 70 nhóm xây dựng, trong một Hội thảo vừa qua tại TPHCM, lại có tuyên bố "ngành xây dụng đạt được điểm cao tại VN". Lĩnh vực này đã hút hơn 23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm 2008. Hợp tác giữa các nhà đầu tư nước ngoài và kinh doanh VN đem lại thuận lợi cho hai bên trên tất cả lĩnh vực quản lý Nhà nước và kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. 

Về ngành sản xuất xe hơi, Pháp đang đứng trước "đèn đỏ" nhất là khi Nhà máy PSA Peugeot tuyên bố sẽ giảm hoạt động và hạ thấp sản lượng bán xe trên thế giới đến 3,5%.  Nhà máy Renault đã ra lệnh ngừng sản xuất xe trong 1 hay 2 tuần trong tháng 10-11/2008.  Tại VN, Nhà máy Toyota VN xây dựng xưởng đầu tiên làm khung xe trong vòng 9 tháng. Toyota Yaris cũng có phương pháp thích hợp để bán xe cho phụ nữ thành thị. 

Về phân phối hàng hóa, theo INSEE (Cơ quan Thống kê Nhà nước Pháp), tiêu dùng của gia đình Pháp đã tăng lên 0,6% trong tháng 9 so với 0,2% tháng 8 vừa qua. Tuy vậy,  Camif (chuyên về hàng bán trên catalogue) đã bị vỡ nợ ngày 23/10/2008, còn doanh nghiệp Redoute tuyên bố đưa ra kế hoạch nhân sự ngày 21/10/2008. Trong lúc đó, dần dần thị trường hàng hóa tiêu dùng VN được phát triển ổn định và năm 2009 VN sẽ mở cửa rộng rãi thị trường phân phối hàng hoá theo cam kết gia nhập WTO. Dự kiến lĩnh vực này sẽ nắm số lượng tài chính là 53 tỷ USD vào năm 2010.  Nhu cầu tiêu dùng và sức mua tại các thành phố lớn VN càng ngày càng lên rất cao. 

Liên quan đến vận tải hàng không, doanh nghiệp AIR France-KLM sút 12,2% trong tháng 9, và lưu thông hành khách qua các phi trường tại Pháp giảm sút 3,6% trong tháng 10/2008.  Phía VN, ngày 15/7/2008, Hãng Hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) cũng cho hay, số tiền lỗ của Hãng lên đến 83 tỷ VNĐ (5 tỷ USD hay 3 tỷ Euro) trong 6 tháng đầu năm vì giá dầu kê-rô-sen lên cao.  Song song với đó, Hàng không VN vừa thông báo chấp nhận Mekong Air, một chi nhánh hàng không tư nhân hoạt động từ TPHCM đến các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc, trong vòng 6 tháng cuối năm 2009. 

4 khu vực kinh tế nói trên ảnh hưởng không như nhau và gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trong kế hoạch kinh tế và xã hội trong năm 2009 tại hai nước. Với sáng kiến về biện pháp phòng ngừa sự đảo lộn kinh tế và tiền tệ, Chính phủ Pháp kêu gọi đến Caisse des dépôts et Consignations (Quỹ gửi và giữ tiền quốc gia) sẽ cấp vốn vào kinh tế theo  thực tế,  16 tỷ Euro cho OSEO, cơ quan cơ cấu tổ chức giúp các công nghệ và thương mại (PME), 5 tỷ Euro giúp các tập thể địa phương và 10 tỷ Euro cho Quỹ Trợ giúp Ngân hàng mà Chính phủ và Nhà nước quan tâm. Còn tại VN, không có sự can thiệp cấp bách vì Chính phủ và Nhà nước khẳng định rằng hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam sẽ không thể sa vào cuộc khủng hoảng thế giới. Nhưng sự ổn định kinh tế và xã hội còn tùy thuộc vào lòng tin của dân chúng vào đồng tiền. Theo người dân, khi đồng tiền bị giảm sút mạnh là bằng chứng của một chính phủ yếu ớt. Họ phải đầu cơ vào vàng hay châu ngọc hay USD và giữ các loại này trong tủ của mình. Tại Pháp, mỗi lần dân chúng xuống đường bãi công thì Matignon (nơi Thủ tướng Pháp làm việc) có lệnh chỉ đạo dàn xếp mối lo ngại một cách có hiệu quả. Thành ra các nghiệp đoàn luôn luôn rất thành công trong sự thương lượng. Tại VN, vừa qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước giúp nông nghiệp, một lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn nhất, sau một đợt rét kéo dài ảnh hưởng đến gieo cấy lúa đông xuân ở phía Bắc và các vùng bị mưa gió ở miền Trung, và đầu tư vào xây dựng hệ thống nước uống vùng sâu vùng xa, nhà thương, nhà trường, nhà máy điện, xí nghiệp cơ sở… tăng huy động các nguồn vốn cho các đối tượng nghèo. Làm như vậy VN có thể quản lý chặt mọi việc và giảm bớt nguy cơ tiến đến đảo lộn kinh tế và tiền tệ.  

Tại Pháp cũng như ở VN, phương pháp phòng ngừa nào cũng cần sự đảm bảo của chính sách Nhà nước và quyết tâm của dân chúng phấn đấu vì một thế giới có trách nhiệm và đoàn kết lâu dài. Tác động của cuộc đảo lộn kinh tế và tiền tệ lần này được khắc phục như thế nào tùy thuộc vào tín nhiệm đối với đường lối chính trị của chính phủ và không nằm ngoài tình trạng thực tế của nền  kinh tế trong nước và trên thế giới. 

Ts. Nguyễn Đắc Như Mai (CH Pháp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu