Sapa “rung động” tâm hồn người xa xứ
Giữa mênh mông của trời đất, và sự mờ ảo huyễn hoặc của mây khói, Sapa lặng lẽ ẩn mình như một thiếu phụ dịu dàng, thuần khiết, vừa mang nét đẹp cổ kính lại vừa hiện đại, vừa êm đềm, lại rất lãng mạn, làm vương vấn, mềm lòng lữ khách.
|
Muốn đến thành phố trong sương nằm trên độ cao 1.600 mét so với mặt nước biển, du khách sẽ phải đối mặt với những khúc cua tay áo, đèo cao, vách đá và vực sâu hun hút, không thiếu đi sự mạo hiểm. Đoạn thót tim nhất có lẽ là từ thành phố Lào Cai về thị trấn Sapa, quãng đường chỉ tầm 40 cây số, mà quanh co dốc đứng, như con trăn lớn trườn trên các ngọn núi đá, xe của đoàn kiều bào chúng tôi gầm rú vượt dốc, anh tài xế tập trung cao độ giữ nhịp 2 chân ga và phanh vào ra lia lịa, trong khi vô lăng xoay tít trái, phải… Thi thoảng lại phải cẩn thận tránh chướng ngại vật là các cô gái người H’Mông tay vắt ô qua vai, lững thững đi bộ giữa đường, hay chàng trai người H’Mông ngồi xổm ven đường bán rắn và thú rừng vừa bẫy được.
Ngọn núi chọc trời bị xẻ đôi, khe suối sâu được bắc nhịp cầu - Sapa xưa vốn hoang sơ núi đá, nay đã hiện lên con đường nhựa vắt vẻo như bậc thang lên trời khiến người ta phải nghiêng mình trước sự nỗ lực và kiên trì của con người. Khai hoang, phạt rừng, làm đường, xây nhà... trên đỉnh núi 1.600 mét, chắc cũng không ít nơi làm được và làm đẹp đến như thế. Hàng nghìn ngôi nhà mái ngói đỏ nằm xen kẽ nhau giữa sườn núi, nhấp nhô giữa những rừng đào thơ mộng, đẹp rung động lòng người. Cảnh vật mà vốn chỉ thấy trong các bức tranh đẹp nhất về mây núi Sa Pa, những hàng thông ẩn hiện trong gió núi, mây ngàn đẹp như tranh thuỷ mặc. Đó chính là những cây samu mà bà con địa phương thường gọi là cây sa mộc, chỉ trồng được ở vùng núi cao giá lạnh quanh năm. Từ lâu, cây samu được coi là biểu tượng của người vùng cao phía Bắc, vì cây luôn vượt qua mọi gian khó để xanh lá quanh năm và đặc biệt, cây mang dáng hình thân thương của người chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc.
|
Sapa không chỉ mang nét đẹp cổ kính mà cũng rất hiện đại. Hàng trăm ngôi biệt thự, khách sạn được xây dựng thời Pháp thuộc và mới được xây dựng những năm gần đây đều mang đặc trưng rất rõ rệt của lối kiến trúc Châu Âu, nằm trong các vườn đào ngập hoa xuân, với lối vào xây bằng đá vôi đầy bí ẩn. Song lạ và độc nhất của Sapa lại nằm ở khí hậu khi có tới 4 mùa trong ngày: xuân - hạ - thu - đông. Buổi sáng - xuân nồng phố thị, trưa - nắng hạ vàng óng ả, chiều - thu về lá rụng, tối - rét ngọt gió đông. Giữa cái tiết trời luân chuyển nhanh như vậy, nhưng nhiệt độ chỉ mấp mé 15-20 độ C vô cùng mát mẻ và dễ chịu cho du khách thích nghỉ dưỡng, xả stress. Dễ chịu hơn nữa là đường phố lại yên ả, không tiếng còi xe, không tiếng động cơ gào thét, chỉ có những người dân bản địa thật thà với nụ cười thật hiền hậu, chất phác. Ngồi ven đường, cạnh những phiến đá, thiếu nữ người Dao tuổi mới xuân thì lặng lẽ khâu quần áo, chàng trai người H’Mông tình tứ thổi khèn - tiếng khèn âm vang lả lơi, mạnh mẽ và cũng rất gợi cảm. Ở huyện Sapa có lẽ không chàng trai H’Mông nào là không biết vài ba điệu khèn để làm vốn kiếm bạn tình, còn các thiếu nữ người Dao, Ráy… rất khéo tay thêu thùa, may vá. Thi thoảng họ nhìn nhau thật khẽ, những ánh mắt, cử chỉ tự nhiên khiến lòng người thật thanh thản. Giữa đất trời Sapa người ta ngỡ mình đang được ở chốn thần tiên, tâm hồn chan chứa yêu thương, quên hết cái ác, lòng thiện hiện hữu một cách thật tự nhiên.
Sapa có nhiều địa danh đi vào lịch sử rất hút hồn du khách như Vườn địa lan trên núi Hàm Rồng, Cầu Mây, thung lũng hoa hồng, nhà thờ đá, chợ tình… Nhưng đẹp và ấn tượng nhất là vườn địa lan, khu vườn dẫn du khách lên tới cổng trời để có thể ngắm trọn vẹn thành phố trong sương mờ. Đứng giữa những tảng đá lô nhô, gió vờn mây, cảm nhận mùi hương của hoa, lá, chạm tay vào những quả đào non, lông mượt như tơ mà thấy người ngây ngất như đang ở chốn thần tiên. Xa xa, tiếng khèn của chàng trai người Mông vẫn lúc trầm, lúc bổng, càng khiến lòng người xao xuyến. Rạo rực hơn khi thấy thấp thoáng bóng các thiếu nữ trong vườn đào - trang phục sặc sỡ đủ màu, tay cầm chiếc ô tròn xoay xoay, e lệ. Vương quốc hoa này, cũng không thua kém gì Đà Lạt khi có tới cả nghìn loại lan và hàng trăm loại hoa khác như lay ơn, cẩm tú… đẹp như Alice lạc vào xứ xở thần tiên.
- Ôi, chị xinh quá!
Một tiếng nói bỗng từ đâu cất lên sau lưng đoàn kiều bào. Chúng tôi ngoái đầu lại, cô bé người H’Mông đôi mắt tròn to, đen nhánh, cười khúc khích hỏi tiếp:
- Chị tên gì ?
- Chị tên Hoa
- Ôi tên chị hay quá!!! Chị mua cho em một cái lắc làm kỷ niệm đi, đi chị…
Lời khen đầy chất “thị trường” và tiếng cười rôm rả của lũ trẻ đã kéo chúng tôi trở về với thực tại. Những đứa trẻ người Dao, H’Mông… thật hồn nhiên, mạnh khỏe khoác trên mình những bộ quần áo xanh đỏ tím vàng thật sặc sỡ. Níu chân du khách, bọn trẻ vô tư mời chào, những ánh mắt như cầu khẩn, nhưng vẫn toát lên vẻ hồn nhiên, thánh thiện của con người vùng sơn cước. Giọng nói chầm chậm, ngọng ngọng như người Tây nói tiếng Ta, khen mà chẳng thèm nhìn mặt người mình khen, khiến tôi bật cười. Không biết ai dạy cho các em, hay chúng tự nghĩ ra những lời khen để lấy lòng du khách, thế nhưng cả đoàn ai cũng cười thật sảng khoái. Chị Hằng cùng đoàn đến từ đất nước Angôla xa xôi đùa thật vui cùng bọn trẻ, chị hát cùng chúng, thử đố các cháu phép cộng, trừ, nhân chia…
|
Cách thị trấn chừng 20 cây số, nằm trong thung lũng Mường Hoa của người H’Mông, hàng trăm khối đá lớn nhỏ với nhiều hình thù, ký tự kỳ quái nằm rải rác theo con suối, trên những thửa ruộng bậc thang như một trận đồ bát quái. Theo sử sách, bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây. Trên mỗi phiến đá xuất hiện những hoa văn kỳ lạ với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết.. có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối - biểu tượng phồn thực, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở giả thiết và hi vọng tới đây các nhà sử học sẽ sớm giải mã, tìm ra được nguồn gốc của chúng, cũng như nguồn gốc của con người, địa danh nơi đây.
Một sự tiếc nuối, trong chuyến đi ngắn ngủi lần này, đoàn kiều bào chúng tôi chưa có dịp được chinh phục ngọn núi Phanxipang cao nhất Việt Nam và được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, nằm trên độ cao hơn 3.000 mét - một phiến đá khổng lồ nằm giữa đất trời mà bất cứ du khách nào đến Sapa cũng không thể bỏ qua. Dã ngoại, thử thách, mạo hiểm, leo núi… nhưng cũng đầy hoang sơ, với núi đá rừng cây trùng trùng điệp điệp thật vô cùng hấp dẫn.
|
Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn khách Tây đến từ nhiều nước khác nhau như Anh, Pháp, Mỹ… người dắt con đi bộ leo núi, người đạp xe, có người chọn cho mình những chiếc xe máy cà tàng bám đầy bụi đất để vào sâu từng bản làng người H’Mông khám phá cuộc sống của người địa phương. Trò chuyện với những du khách xa lạ ấy và nhận ra một điều sao lại ít thấy khách Nga. Thật trùng hợp khi chị Xuân, người cùng đoàn Nga cũng phát hiện ra điều đó. Mang tâm sự này về Lào Cai, khi gặp gỡ các vị lãnh đạo tỉnh, chị Xuân đã thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm quảng bá du lịch của các nước tại Liên bang Nga, chị thấy tiếc vì Sapa chưa được du khách Nga biết nhiều. Chị cho biết, hàng năm tại Nga thường có các hội chợ quốc tế du lịch, các tỉnh Bình Thuận, Đà Nẵng… đã từng tham gia và đạt kết quả rất tốt, lượng khách Nga đến các địa phương đó tăng vọt. Chị mong muốn tỉnh Lào Cai cũng cử đoàn tham gia các hội chợ đó và sẵn sàng giúp đỡ.
Không chỉ Sapa, cửa khẩu Lào Cai cũng là điểm để lại nhiều ấn tượng đẹp cho chúng tôi trong chuyến đi này. Đây là cửa khẩu nằm ngay trong lòng thành phố Lào Cai, phía bên kia là huyện biên giới Hà Khẩu, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu là nơi giao thương rất sầm uất giữa hai quốc gia, và là nơi ghi lại rất nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử. Đi thêm khoảng 500 mét từ cửa khẩu, có một ngôi đền uy nghiêm nằm trên đỉnh đồi, soi mình bên dòng Nậm Thi - dòng sông chia đôi biên giới giữa hai nước Việt Trung. Chúng tôi kính cẩn thắp nén nhang dâng lên Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng của dân tộc đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông.
Nằm sát biên giới Việt-Trung, đền thờ Trần Quốc Tuấn sừng sững, hiên ngang mà linh thiêng, trầm mặc. Đền được xây dựng vào thời nhà Lê (niên hiệu Chính Hòa 1680-1705) để tỏ lòng biết ơn người anh hùng dân tộc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Tại khu vực đền chính, bức hoành phi "Văn hiến tự tại" được treo trước Nghi môn, hai bên có hai câu đối: "Việt khí linh đài hoành không lập/ Đông A hào khí vạn cổ tồn" nghĩa là: "Nước Việt đài thiêng vắt ngang trời/ Nhà Trần hào khí còn muôn thủa". Mặt sau Nghi môn nội có dòng chữ "Quốc Thái dân an" với hai câu đối: "Thiên địa dịu y thiên địa cựu/ Thảo hoa kim dị thảo hoa tiền" nghĩa là: "Trời đất vẫn nguyên, trời đất cũ. Cỏ hoa nay khác, cỏ hoa xưa".
Thật vậy, cảnh vật - cỏ cây, hoa lá đã đổi thay nhưng đất trời và lòng người vẫn hướng về quê hương, nguồn cội. Sapa gần mà xa, dịu dàng và thuần khiết, vẻ đẹp hoang sơ và mộc mạc này sẽ mãi đậm sâu trong tâm trí những người con xa xứ chúng tôi.
Ngô Tiến Điệp (Liên bang Nga)