A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê hương ơi…

Gần 10 năm sống và làm việc xa quê hương, cũng từng đó năm tôi cùng hàng ngàn người Việt khác tại Hàn Quốc làm việc cho đến tận ngày 29 Tết, chỉ còn có một ngày 30 Tết lầm lũi dưới trời mưa tuyết và gió lạnh tìm mua những thứ có thể để sắp một mâm ngũ quả, làm một vài món ăn thắp hương hướng vọng về quê hương và đón phút Giao Thừa nơi đất khách.


 Mâm cỗ Tết dâng lên Tổ tiên của người Việt ở Hàn Quốc
cũng đầy đủ các món truyền thống

Những ngày trước Tết, dù bận bịu với công việc hàng ngày đến mấy, một mâm ngũ quả, nén hương trầm thơm ngát, đặc biệt là bánh chưng xanh, giò lụa và các món ăn thông lệ ngày Tết được người Việt tại Hàn Quốc cố gắng chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, dâng lên bàn thờ tổ tiên. Giây phút thiêng liêng đó, lòng mỗi người con đất Việt ở xa đều hướng về quê hương với tất cả nỗi nhớ, niềm tin yêu và tự hào. Trước đó, cộng đồng người Việt ở các khu vực đều tổ chức đón Tết sớm để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong năm qua và cầu chúc cho những điều tốt lành cho năm mới sắp đến.

Vào những ngày Tết chính thức, các cô dâu Việt vẫn phải lo công việc của nhà chồng, người lao động và du học sinh ở lại thì thường phải làm việc, học tập và nghiên cứu đến hết ngày 29 Tết. Vào ngày 30, những người con đất Việt sống gần nhau thường tập trung lại để cùng tổ chức ăn mừng năm mới, chia nhau đến các siêu thị bán đồ Châu Á hay đồ Việt Nam mua sắm những vật dụng cần thiết để làm “cỗ Tết” theo phong tục tổ tiên ông bà truyền lại. Người khéo tay thì cắt các nụ hoa đào, hoa mai rồi gắn lên một cành hoa anh đào khô, vậy là có mai đào đón Tết; người thì tất bật với bánh chưng, giò lụa, giò thủ, nồi thịt nấu đông, măng hầm, nem rán, hành muối... Nén hương trầm tỏa ngát trong mâm cúng Tất niên làm cho những người con xa xứ thấy ấm lòng hơn trong không khí như một gia đình.

Giao Thừa tại Hàn Quốc trước Giao Thừa tại Việt Nam 2 tiếng đồng hồ, nhưng ai cũng muốn đón thời điểm Giao Thừa của cả 2 nước. Sau khi đón thời điểm Giao Thừa tại Hàn Quốc với câu chúc đầu Xuân, tất cả lại rôm rả nâng ly và cùng thưởng thức hương vị của dưa món, bánh chưng trong ngan ngát khói hương trầm, cùng theo dõi chương trình “Táo quân”, chương trình truyền hình Tết qua tivi và Internet để chờ đón thời điểm Giao Thừa tại Việt Nam. Trong giá lạnh xứ người, trong men rượu nồng cay, trong khói hương ngan ngát gợi hồn xứ sở..., ai nấy đều thầm mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân, gia đình và quê hương đất nước trong năm mới. Và ngay khi thời khắc Giao Thừa Việt Nam điểm, thì mọi người đều bên mình một chiếc điện thoại hoặc máy tính để được nghe giọng nói của người thân nơi quê nhà và gửi gắm những lời chúc Tết đầu Xuân.

Theo phong tục của người Việt, sáng Mồng Một, mọi người hẹn nhau cùng đi thăm viếng cảnh chùa đầu năm mới và nguyện cầu những điều tốt lành cho gia đình, người thân và bạn bè. Và sau đó, tranh thủ đi thăm các gia đình bạn bè xung quanh.
Tết cổ truyền ở Hàn Quốc rất ngắn ngủi, chỉ nghỉ đúng 3 ngày là 30 Tết, Mồng Một và Mồng Hai của năm mới, nhưng đó là những ngày thực sự có ý nghĩa nhất với những người con xa xứ. Bởi đó là dịp để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và công việc, cùng hướng tới những dự cảm, ước muốn tươi sáng trong năm mới và tạm quên đi nỗi nhớ quê hương đau đáu.

Bây giờ thông tin liên lạc đã dễ dàng hơn, nhưng trong tâm thức của những người con đất Việt thì nỗi nhớ về gia đình, về quê hương trong những ngày Tết lại da diết hơn bao giờ hết. Nơi đất khách quê người, trong nỗi buồn xa xứ và giá lạnh mịt mùng mưa tuyết, những người con xa xứ đều muốn Tết trôi qua thật nhanh. Và lòng ai cũng thầm nhủ: QUÊ HƯƠNG ƠI! TÔI SẼ VỀ!

Trần Hải Linh
(Chủ tịch Hội người Việt Nam
tại Hàn Quốc)

 

 



Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu