A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quê hương biết mấy nghĩa tình

Việt kiều yêu nước muốn góp phần xây dựng đất nước phải có 3 điều kiện căn bản: - Nếu muốn đầu tư làm ăn thì phải có tiền - Nếu muốn đóng góp trong hoạt động văn hóa, giáo dục... thì phải có kiến thức chuyên môn - Nhưng điều kiện quan trọng nhất và cốt lõi nhất là phải có tấm lòng gắn bó với quê hươn

  Cảm nghĩ nhân dịp Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
gặp mặt Việt kiều đầu Xuân Đinh Hợi tại TPHCM

Tại buổi gặp mặt với kiều bào đầu xuân Đinh Hợi vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe các nguyện vọng, tâm tư, khiếu nại, vướng mắc… trong cuộc sống và trong việc làm ăn tại VN của Việt kiều, đồng thời giải tỏa thắc mắc hoặc ghi nhận để nghiên cứu và báo cáo Chính phủ. Cũng như các năm trước, quan tâm vẫn là những vấn đề «nhức nhối» của xã hội như an tòan giao thông, an toàn thực phẩm, thị thực nhập cảnh, vấn đề quốc tịch, vấn đề mua nhà, đất... nhưng lần này có hai điểm mới đáng chú ý:

* Ai lo cho Việt kiều sống lâu năm tại Việt Nam hoặc đang đầu tư làm ăn trong nước? Việt kiều không chỉ là người VNONN đã có UBNVNONN phối hợp với các Đại sứ, Tổng Lãnh sự VN tại nước ngoài chăm lo. Việt kiều về hồi hương hoặc đầu tư làm ăn lâu năm tại VN trực thuộc hệ thống chính quyền địa phương, có thể tham khảo sự cố vấn, giúp đỡ của UBNVNONN, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư.

Nhưng có rất nhiều bất cập về phía chính quyền địa phương. Ví dụ: mỗi địa phương giải thích luật đất đai, luật đầu tư... của VN một cách khác nhau, nạn «phép vua thua lệ làng», trình độ hiểu biết kém, nhất là khi phải xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật và đời sống của Việt kiều mang quốc tịch nước ngoài.

Nhiều Việt kiều đề nghị Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nên có một bộ phận gồm các nhân viên có chuyên môn, đủ điều kiện để chỉ dẫn, giúp đỡ nhóm Việt kiều hồi hương hoặc đầu tư làm ăn trong nước.

Nghị Quyết 36 thể hiện rõ chủ trương: không chỉ tập trung thu hút Việt kiều về đầu tư mà thôi. Ai cũng biết: cây trồng rồi, phải được chăm sóc vun xới luôn luôn mới phát triển tốt, mang thu hoạch cao. Đầu tư ngày nay, tiền bạc không quan trọng bằng chất xám, bằng cái biết ta và biết người. Biết kịp thời, chính xác và khoa học.

 Nhà nước nên tăng thêm kinh phí hoạt động cho cho UBNVNONN Trung ương (thuộc Bộ Ngoại giao) để UB có điều kiện hoạt động hơn.

* Việt kiều có thể làm đại biểu Quốc hội tại VN? Có Việt kiều đưa vấn đề này ra đề nghị với Nhà nước sau khi nhận thấy Hoa kiều về nước được làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại nước họ. Đây là một vấn đề khá mới: đã có một số Việt kiều về nước hoạt động lâu năm hiện là ĐBQH như các ông Trần Ngọc Trân, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Ngọc Hà, Trần Hà Anh... Theo phát biểu của một đại diện Quốc hội hiện tại, vấn đề này cần phải được nghiên cứu thêm. Trên thực tế, Nhà nước nên thông qua UBNVNONN, Mặt trận Tổ quốc... mời một vài Việt kiều tên tuổi đã về công tác lâu năm tại VN, có uy tín làm đại diện cho Việt kiều trong Quốc hội, hoặc với tư cách cố vấn chính thức cho Quốc hội: ai hiểu rõ được Việt kiều hơn chính Việt kiều?

Vấn đề này được nhiều Việt kiều tham gia phát biểu vì hiện nay chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII sắp tới.

Hy vọng những nguyện vọng chính đáng của Việt kiều sẽ được các đại biểu Quốc hội có mặt tại buổi gặp gỡ báo cáo lên Chính phủ để sau này khi có dịp sửa đổi các đạo luật về bầu cử Quốc hội, về quốc tịch, về đất đai, về đầu tư... được Quốc hội nhớ tới và điều chỉnh cho phù hợp với tình thế hiện tại của đất nước và quyền lợi chính đáng của Việt kiều, là «bộ phận không tách rời của dân tộc».

Việt kiều yêu nước muốn góp phần xây dựng đất nước phải có 3 điều kiện căn bản:

-          Nếu muốn đầu tư làm ăn thì phải có tiền

-          Nếu muốn đóng góp trong hoạt động văn hóa, giáo dục thì phải có kiến thức chuyên môn

-          Nhưng điều kiện quan trọng nhất và cốt lõi nhất là phải có tấm lòng gắn bó với quê hương

Với tấm lòng yêu quý đất mẹ thật sự thì mới đủ kiên nhẫn và sự bao dung để thực hiện cuộc hành trình «trở về quê hương», tuy thú vị nhưng lắm khó khăn, theo quy luật «nhập sông tùy khúc, nhập gia tùy tục».

Bơi chèo trong sông chỉ cần biết nơi sâu chỗ cạn, khúc thẳng dòng, đoạn quanh co, bãi bồi vực sâu. Sống cho hợp tục lệ gia phong cổ truyền, hợp tình phải đạo, thì ngoài sự khôn khéo, kiên nhẫn, còn phải có cái tình cái nghĩa: tình gia tộc, nghĩa đồng bào quê hương.

Đó là cốt lõi sự «trở về» của Việt kiều mà đồng chí Vũ Mão mô tả với câu «Quê hương biết mấy nghĩa tình» trong bài thơ Xuân Sài Gòn được tác giả âu yếm trao tận tay cho các Việt kiều trong buổi tham dự tọa đàm với một nụ cười thật dịu dàng, đầy yêu thương như một người anh cả.

Xuân Đinh Hợi 2007
Nguyễn Tiến Hữu (Việt kiều Đức)

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu