Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng bá nền văn hóa dân tộc Việt Nam ở LB Nga: Nhu cầu cấp bách

Tăng cường truyền bá những giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của dân tộc ta ra bên ngoài để thế giới biết rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam, làm đẹp hơn hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của thế giới là việc chúng ta phải làm và làm một cách thường xuyên, bền bỉ.

Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh tại Mátcơva, LB Nga 

Trong thời đại ngày nay, các quốc gia, nhất là các cường quốc thường dùng nhiều biện pháp để phát huy ảnh hưởng của mình ra thế giới, trong đó có những biện pháp truyền thống như tiềm năng quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật… Thời gian gần đây, các nước ngày càng tăng cường sử dụng các biện pháp mới, “phi truyền thống” hay còn được gọi bằng một khái niệm rất hấp dẫn là “sức mạnh mềm” để phát huy ảnh hưởng của mình ra quốc tế.

“Sức mạnh mềm” ở đây được hiểu là tổng hợp những giá trị về văn hóa, tinh thần, nghệ thuật của quốc gia đó (ngôn ngữ, văn học, hội họa, phim ảnh, ca nhạc và nhiều hình thức nghệ thuật khác…), là các món ăn tinh thần không thể thiếu đối với xã hội đương đại. Trong kỷ nguyên khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển như vũ bão ngày nay, khi thông tin mạng Internet đã “phá vỡ”, vượt qua các chướng ngại về không gian và thời gian để mang thông tin đến với mọi quốc gia, mọi người, thì việc dùng “sức mạnh mềm” để phát huy ảnh hưởng của quốc gia mình ra bên ngoài là điều càng trở nên cần thiết hơn.

Theo cách hiểu của chúng tôi, nước ta chưa phải là cường quốc, tiềm năng các mặt tuy lớn, nhưng có nhiều hạn chế, nên nếu đặt vấn đề phát huy “sức mạnh mềm” ra bên ngoài giống như các cường quốc đang làm thì chưa đến lúc, và ta chưa có đủ khả năng để làm việc này. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề một cách khiêm tốn hơn như cần tăng cường truyền bá những giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của dân tộc ta ra bên ngoài để thế giới biết rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam, làm đẹp hơn hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của thế giới thì đó là việc chúng ta phải làm, và làm một cách thường xuyên và bền bỉ.

Tôi vô cùng vui mừng khi biết rằng trong những năm gần đây, vấn đề “ngoại giao văn hóa” được đặt ngang hàng với “ngoại giao chính trị” và “ngoại giao kinh tế”. Chỉ nói về điều này thôi, cũng đủ thấy Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tuyên truyền văn hóa Việt Nam ra bên ngoài như thế nào, thấy được vai trò của văn hóa Việt trong việc nâng cao hình ảnh của đất nước, con người Việt ra nước ngoài ra sao, và điều quan trọng nữa là văn hóa Việt giống như chất keo gắn bó cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài trên khắp năm châu hướng về đất mẹ.

 

Sinh viên Việt Nam tại Nga trong dịp kỷ niệm 37 năm thống nhất đất nước 

Quảng bá nền văn hóa dân tộc - biện pháp hữu hiệu làm tăng tình hữu nghị của Việt Nam với các nước

Nhiều năm sống, học tập và làm việc ở một quốc gia hữu nghị với Việt Nam là LB Nga, tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân ở đất nước này, tôi rút ra được một kinh nghiệm rằng người Nga quý trọng, yêu mến người Việt không phải chỉ vì lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã đánh thắng nhiều đế quốc lớn mạnh hơn mình, mà còn bởi vì đức tính khiêm tốn, cần cù, hiền lành, yêu lao động, hòa đồng, thương người như thể thương thân của mỗi con người Việt Nam trên đất bạn. Nói cách khác, có được điều đó bởi trong mỗi con người Việt Nam, ở mức độ này hay mức độ khác, ít nhiều đều mang trong mình bản sắc của nền văn hóa của dân tộc Việt: yêu “cái thiện”, ghét “cái ác”.

Tôi cũng từng là một sinh viên được nhà nước Việt Nam cử sang học tập tại Liên Xô trước đây và may mắn vì được học chuyên ngành Tiếng Nga và Văn học Nga mà tôi yêu thích. Do vốn tiếng Nga được đào tạo bài bản, nên tôi có điều kiện tiếp xúc, trao đổi về văn hóa, văn học, lịch sử của Việt Nam, của Nga và của thế giới với nhiều người Nga, từ các thầy cô trên lớp, đến các bạn bè cùng học, từ các vị đại diện cho tầng lớp trí thức đến những người dân bình thường. Qua đó thấy rằng người Nga rất muốn biết nhiều về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.

Thời gian còn là sinh viên, tôi vô cùng thích thú khi được các bạn Nga khen rằng người Việt nói chuyện “như tiếng chim hót”, tức là các bạn không hiểu người Việt nói gì với nhau, nhưng nghe các âm thanh trầm bổng phát ra thì thấy hay. Thật là cảm ơn cha ông ta đã sáng tạo và để lại cho chúng ta một tài sản vô giá là tiếng Việt. Và cũng thật cảm động khi sống ở nước ngoài mà lại gặp những người bản ngữ biết nói tiếng Việt, thích học tiếng Việt, cố gắng luyện âm để nói được tiếng Việt với các thanh âm trầm bổng như người Việt Nam. Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phải có ý thức quảng bá tiếng Việt ở nơi mình làm việc và sinh sống. Và nhà nước ta cần phải có những chính sách thiết thực để khuyến khích hỗ trợ người nước ngoài nghiên cứu ngôn ngữ của chúng ta như tăng cấp học bổng, tặng sách tham khảo, tổ chức những chuyến thăm Việt Nam…

Hiện nay, tôi đang làm công tác với các chuyên gia người Nga, những người hiểu rõ lịch sử và các giá trị của nền văn hóa Việt, mới thấy rằng người Nga đã quan tâm như thế nào đến lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Có những người bạn Nga nói với tôi sau khi xem triển lãm nghệ thuật “Văn hóa phương Đông” được tổ chức tại Viện bảo tàng Phương Đông cuối năm 2010, nơi trưng bày các hiện vật điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam các thế kỷ trước, rằng nền nghệ thuật của Việt Nam “tinh tế đến tuyệt vời” và bây giờ chúng tôi mới hiểu hết được tiềm năng và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đương nhiên đó chỉ là một lời khen, song nó hàm chứa một sự thật là nền nghệ thuật của Việt Nam đã chinh phục trái tim và khối óc của nhiều người.

Tôi cũng rất tâm đắc và chia sẻ với đánh giá về vai trò của “ngoại giao văn hóa” của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh nêu trong bài viết mới đây của ông nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngành ngoại Việt Nam, khi ông viết: “Ngoại giao văn hóa đã góp phần nâng cao vị thế, phát huy “sức mạnh mềm” của đất nước, qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ của nước ta với các đối tác và tăng cường sự hiểu biết của thế giới về Việt Nam”. Mỗi NVNONN cần góp phần nhỏ bé mình vào sự nghiệp này, có thêm một người bạn yêu quý Việt Nam là thiết thực yêu đất nước. 

Văn hóa Việt là chất keo đoàn kết cộng đồng hướng về Tổ quốc

Cộng đồng NVNONN, trong đó có ở LB Nga, trong thời gian trước đây, khi chưa có kênh truyền hình VTV4 rất “đói thông tin” về các mặt tình hình trong nước, nhất là về văn hóa-nghệ thuật. Từ khi có kênh này, đời sống về tinh thần của bà con đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên nó không thể thay thế cho các hoạt động nghệ thuật trực tiếp khác như ca, múa nhạc của các đoàn nghệ thuật từ trong nước sang biểu diễn, các triển lãm sách, Tuần lễ phim Việt Nam…

Tôi còn nhớ, Tuần lễ văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Mátxcơva tháng 9/2011 thực sự là những ngày hội của cộng đồng người Việt ở LB Nga. Hôm khai mạc tại nhà hát Malyi, trung tâm Matxcơva không có đủ vé cho những người Việt có nhu cầu muốn xem. Đồng thời, những buổi chiếu phim ở các rạp luôn luôn chật cứng người, trong đó người Việt chiếm một nửa. Bộ phim “Đừng đốt” nói về bác sỹ - liệt sỹ Đặng Thùy Trâm thực sự gây ấn tượng trong lòng khán giả. Những người được may mắn dự hết các hoạt động trong khuôn khổ của Tuần lễ văn hóa Việt Nam rất phấn khởi, vừa tự hào về lịch sử anh hùng của dân tộc, vừa thấy gắn bó với quê hương hơn. Sau khi xem phim “Đừng đốt”, nhiều khán giả người Nga cho biết muốn được đọc cuốn nhật ký này bằng tiếng Nga. Cũng rất hay là trước đó, đại diện Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga đã đứng ra tổ chức dịch cuốn sách này ra tiếng Nga, và cuốn sách đã được hoàn thành và được giới thiệu cho bạn đọc Nga vào cuối tháng 9 vừa qua.

Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam là niềm tự hào của mỗi con người Việt Nam đang sống, lao động và học tập tại LB Nga. Những điều này thực sự đã kết nối những con người đang xa quê, làm ăn trên đất bạn hướng về quê hương đất nước.

Làm gì để quảng bá cho nền văn hóa dân tộc Việt ở LB Nga?

Để quảng bá cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam tại LB Nga và trong cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống và học tập tại LB Nga, thiết nghĩ các cơ quan chức năng như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao, Bộ giáo dục và Đào tạo, Hội nhà văn Việt Nam… cần tăng cường hơn nữa các hoạt động nhằm phát huy “sức mạnh mềm” mà chúng ta đang có.

Có nhiều cách làm, nhưng theo tôi, trước hết, nên tăng cường cử các đoàn nghệ thuật sang Nga để biểu diễn cho nhân dân sở tại và cho cộng đồng người Việt xem, qua đó tạo hình ảnh tốt đẹp hơn về đất nước và con người Việt Nam ta, cũng như kết nối và làm tăng tình yêu của cộng đồng người Việt đối với quê hương, đất nước. Ngoài những đoàn chính thức với đầy đủ thành phần đi biểu diễn như trong khuôn khổ Những ngày văn hóa ở nước bạn, ta cũng nên cử những đoàn nhỏ lẻ hơn đi biểu diễn ở nhiều thành phố và địa phương khác có đông người Việt ngoài Matxcơva và Saint Peterburg.

Ta cũng nên tích cực tham gia vào các hoạt động như Liên hoan nghệ thuật của các nước Châu Á-TBD hàng năm vẫn được tổ chức tại thành phố Krasnoyarsk (Sibiry) của Nga. Đáng tiếc là trong Liên hoan nghệ thuật năm nay, đoàn trong nước không tham dự. Để thay thế, Hội người Việt tại LB Nga chọn một số người trong cộng đồng và trong lưu học sinh Việt Nam có khả năng văn nghệ để thành lập Đoàn tham gia Liên hoan và thu được kết quả khá tốt, được bạn bè hoan nghênh. Nhưng nếu có đoàn nghệ thuật trong nước sang với các diễn viên chuyên nghiệp thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Thứ nữa, cộng đồng người Việt ở LB Nga rất hoan nghênh việc vào mùa hè hàng năm, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức cho đại diện con em cộng đồng về nước thăm quê hương, thăm các địa danh lịch sử, qua đó giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước. Tuy nhiên, nhiều con em của cộng đồng người Việt ở Nga hiện không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt, mong rằng các cơ quan hữu quan của ta nên xúc tiến việc mở lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào ở Nga, trước mắt là mở một lớp tại Matxcơva để làm thí điểm, sau đó có thể mở rộng hình thức này đến các thành phố khác nơi có nhiều người Việt sinh sống. Kinh phí một phần do nhà nước hỗ trợ, một phần phụ huynh đóng góp. Các thế hệ trẻ người Việt sống ở LB Nga, các em đã biết rất giỏi tiếng Nga, nếu biết thêm tiếng Việt, thì đó là cầu nối quan trọng cho việc củng cố tình hữu nghị lâu bền giữa hai nước, cho việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác, trong đó có hợp tác về văn hóa nói riêng và nhân văn nói chung. Mùa hè vừa qua, các vị phụ huynh ở Ba Lan đã tổ chức Trại hè yêu tiếng Việt dành cho con em Việt kiều, để các cháu vui chơi trong dịp hè và học nói tiếng quê hương. Đây là kinh nghiệm rất tốt, nên được nhân rộng ra các nước khác và hoạt động thiết thực này cần được nhà nước hỗ trợ.

Cuối cùng, Hội nhà văn Việt Nam nên chỉ đạo để củng cố lại Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga nhằm phát huy hơn nữa vai trò và vị trí của chi hội trong cộng đồng người Việt, cũng như làm cầu nối trong quan hệ giữa Hội nhà văn Việt Nam và Hội nhà văn Liên bang Nga. Hai hội Nhà Văn Việt Nam và LB Nga cần ký biên bản hợp tác hàng năm về các danh mục sách dịch nhằm truyền bá văn học hiện đại Nga tại Việt Nam cũng như văn học Việt Nam tại LB Nga. Vừa qua, chúng ta đã dịch được cuốn nhật ký của bác sỹ-liệt sỹ Đặng Thùy Trâm ra tiếng Nga, nhưng đó là do sáng kiến của một số cá nhân dựa vào tài trợ của Câu lạc bộ may Thăng Long ở Nga, mà không phải theo chương trình hợp tác hai bên.

Các cơ quan hữu quan của hai nước cũng nên thảo luận về việc sử dụng Quỹ thế giới Nga dành cho phổ biến tiếng Nga ở nước ngoài, mà Tổng thống Mevedev khi sang thăm VN đã tuyên bố; đồng thời, bàn các biện pháp tăng nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam và văn học Nga do Hội nhà văn Việt Nam thành lập mùa hè năm nay (2012) do nhà thơ-dịch giả Thuý Toàn làm Giám đốc và tôi làm đại diện của Quỹ tại LB Nga. Hiện nay, theo đúng kế hoạch của Quỹ, chúng tôi đang tổ chức dịch 5 tác phẩm văn học VN sang tiếng Nga và 5 tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, trong đó có “Hồn bướm mơ tiên” đã dịch xong. Nữ dịch giả Inessa Zimonina sau khi bàn giao “Hồn bướm mơ tiên” sẽ bắt tay vào dịch tiếp “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng. Chúng tôi rất phấn khởi được góp phần nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Nguyễn Thị Kim Hiền (LB Nga)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm