A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Thần Đã Ra Khỏi Lọ

Có lẽ gần như ai cũng biết câu chuyện thần thoại Ả Rập, kể chuyện một người một hôm đang đi chơi bên bờ biển thì chợt thấy một cái lọ nhỏ trôi dạt vào bờ. Tò mò, anh ta nhặt lên và mở cái nút lọ ra xem, thì hốt nhiên thấy có một ông Thần, như một làn khói, bay ra khỏi lọ, hiện nguyên hình là một người khổng lồ cao lớn, đầy pháp thuật nhiệm mầu, v.v…

Bạn kiếm vào thì là để sinh sống
Nhưng bạn có cho ra thì cuộc đời bạn mới có ý nghĩa

(You make a living by what you get,
but you get a life by what you give)

            ----- Winston Churchill

Có lẽ gần như ai cũng biết câu chuyện thần thoại Ả Rập, kể chuyện một người một hôm đang đi chơi bên bờ biển thì chợt thấy một cái lọ nhỏ trôi dạt vào bờ. Tò mò, anh ta nhặt lên và mở cái nút lọ ra xem, thì hốt nhiên thấy có một ông Thần, như một làn khói, bay ra khỏi lọ, hiện nguyên hình là một người khổng lồ cao lớn, đầy pháp thuật nhiệm mầu, vân vân…

Câu chuyện này, nếu được kể bởi bất cứ một người nào, thì người nghe chỉ thấy đó là một chuyện giải trí, mua vui trong chốc lát, chẳng cần lưu tâm. Thế nhưng, khi người mở đầu câu chuyện “Khi ông Thần đã chui ra khỏi lọ…thì không thể ai có quyền phép gì bắt ông ấy chui trở lại vào lọ được nữa” là ông Samuel Palmisano, Chủ Tịch Tổng Giám Đốc công ty IBM, một trong những công ty hàng đầu của Hoa Kỳ, và cũng là của thế giới, thì cử tọa trong một buổi hội thảo tại Viện Cao Học Quản Trị Kinh Doanh INSEAD (Institut Européen d’Administation des Affaires) có tiếng của Âu Châu, mọi người phải chú tâm lắng nghe. Ông Palmisano muốn nói tới trào lưu bất khả thối lui Toàn Cầu Hóa (Globalization) của các nền kinh tế giao thương thế giới.

Toàn Cầu Hóa giao thương - được định nghĩa đơn giản như là mở cửa buôn bán và tham gia vào nền kinh tế thế giới - diễn tả bởi ông Palmisano, là một trào lưu đang được diễn ra một cách mãnh liệt tại hầu hết mọi nơi trên thế giới, và cũng là một hiện tượng không thể cưỡng lại được. Việc Việt Nam gia nhập mới đây vào WTO chỉ là một đợt sóng nhỏ trong trào lưu ấy.

Trào lưu này đã đánh hạ, nếu không gọi là đập tan, những hàng rào cản giao thương, mở toang những cánh cửa bảo vệ chủ quyền vẫn đóng kín của rất nhiều nước trên thế giới, tư bản cũng như xã hội, tự do cũng như cộng sản, và mở ra những thị trường mới cho những đại công ty của các nước giầu mà đồng thời cũng đem lại nhiều cơ hội phát triển trong quốc nội cũng như tại quốc ngoại cho những doanh gia, những công ty còn nhỏ bé của những nước kém mở mang.

Giống như hình ảnh ông Thần thoát ra khỏi lọ như là một người khổng lồ với nhiều pháp thuật, hiện tượng Toàn Cầu Hóa giao thương chính là một hình thức mới của chủ nghĩa Tư Bản. Cụm từ này - chủ nghĩa Tư Bản (capitalism) - trong khuôn khổ của bài này phải được hiểu theo ý nghĩa Kinh tế của nó, hơn là hình thái Chính trị Xã hội như người ta vẫn thường dùng, với những hệ lụy về khai thác lao động, mâu thuẫn chủ thợ, giai cấp đấu tranh, từng làm chia rẽ lòng người một cách sâu sắc trong nhiều thế kỷ. Chủ nghĩa Tư Bản trong bài này chỉ có nghĩa là một định chế thương mại đầu tư mà phương tiện căn bản là tiền bạc, là vốn liếng, tóm lại  là Tư Bản.

Để tránh ngộ nhận, dưới đây, trong bài này, cụm từ Chủ Nghĩa Tư Bản được thay thế bằng cụm từ Thương Mại Tư Bản

Với hình thái mới là Toàn Cầu Hóa Giao Thương, Thương Mại Tư Bản đã thay đổi rất nhiều. Nó không còn chỉ là một tập đoàn kinh doanh lớn, thường là ở một nước đã mở mang, sản xuất hay/và xuất cảng sản phẩm hay dịch vụ sang nước khác, thường là những nước kém mở mang, như trong thế kỷ trước. Người Việt Nam chúng ta từ bao năm nay đã rất quen thuộc với (mua bán, tiêu thụ) các sản phẩm đồ gia dụng của General Electric, IBM, Renault, sản xuất từ Mỹ, Pháp.

Với cơ hội Toàn Cầu Hóa Giao Thương, Thương Mại Tư Bản đã mang một hình thức khác trước rất nhiều: đó là hình thức đa phương, đa quốc. Công nghệ làm xe hơi rất năng động, đã tiên phong trong trào lưu này. Những công ty sản xuất xe hơi của Nhật Bản, Đại Hàn (Honda, Toyota, Hyundai…) đã khuyếch trương địa bàn hoạt động sang Hoa Kỳ và sang Âu Châu. Không chỉ sản xuất từ trong nước, họ đã thiết lập những cơ xưởng sản xuất ngay tại Âu Châu, Hoa Kỳ và trực tiếp bán sản phẩm của mình, không qua trung gian. Đi xa hơn nữa, họ còn mua những công ty ở những quốc gia khác và trực tiếp hay gián tiếp điều hành các công ty ấy như một bộ phận của công ty mình.

Hãy lấy một thí dụ điển hình: IBM của ông Palmisano, một đại công ty với 330,000 nhân viên có mặt trên 170 quốc gia, và một giá trị khoảng 144 tỷ Mỹ Kim, với trụ sở đặt tại Hoa Kỳ. Sau khi đã bán thành phần chế tạo máy vi tính (computer), là thành phần chuyên về phần cứng (hardware), cho Trung Hoa (công ty đa quốc Lenovo) , ông Palmisano đã quyết định đầu tư 6 tỷ Mỹ Kim nữa trong ba năm tới vào Ấn Độ, thêm vào 2 tỷ của ba năm trước và nâng số nhân viên IBM tại Ấn Độ lên trên 53,000 người, tập trung vào cơ phận về phần mềm (software). Ông đã lại mua ngay một công ty của Ấn Độ chuyên viết phần mềm, thầu các dịch vụ về vi tính từ các nước ngoài – danh từ thường dùng là outsourcing - là Daksh. Công ty này, dưới sự hỗ trợ của ông khổng lồ IBM đã tăng trưởng rất nhanh từ 6,000 nhân viên tháng 4 năm 2004 lên tới 20,000 nhân viên trong năm 2007. Không những thế, cơ phận của IBM chuyên về tạo mãi, với một ngân sách hằng năm tới 40 tỷ Mỹ Kim đã được dời trụ sở sang Trung Hoa, một nơi có một nền thương mại rất năng động, thích hợp cho sự phát triển của IBM. Một cơ phận khác về Tài Chánh lại được đưa sang Brazil. Xem như vậy IBM, không còn là một công ty thuần nhất Hoa Kỳ nữa, mà là một công ty đa quốc, một  trường hợp Toàn Cầu Hóa Thương Mại rất tích cực.

Thế giới ngày nay đã thu nhỏ lại. Mỗi quốc gia đã tìm cách hòa đồng với các nước khác, dấn thân vào trào lưu Toàn Cầu Hóa môt cách khác nhau, tùy hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, và chế độ chính trị của mình. Do đó, ông Thần Thương Mại Tư Bản các nước có thể khác nhau, có thể có một bộ mặt khác nhau, khoác một cái áo ngoài khác nhau, mặc dầu ông nào cũng ôm theo một cái bị lớn, to nhỏ tùy ông, chứa đầy Tư Bản của mình.

Người ta đã thấy Toàn Cầu Hóa Giao Thương, như phép thần thông của ông Thần đã ra khỏi lọ, đã đem lại trù phú cho nhiều quốc gia, đã giúp nâng cao mức sống cho cả triệu người, đưa cả triệu người ra khỏi nạn nghèo đói, làm tăng trưởng sức khỏe cũng như tuổi thọ, trình độ giáo dục người dân. Điều này đã thể hiện thật rõ ràng tại những nước kém mở mang như Trung Hoa, Việt Nam vân vân. Sức tăng trưởng kinh tế vượt bực của các nước này sau khi gia nhập WTO (khoảng trên 10% cho Trung Quốc và 8% cho Việt Nam) chắc chắn đã giúp cho chính quyền các nước này đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong chương trình cứu đói giảm nghèo. Tổng Sản Lượng Quốc Gia chia mỗi đầu người (GDP per capita) của hai nước này đã nhẩy từ $860 US Mỹ kim (Trung Quốc) và $390 US Mỹ kim (Việt Nam) cho năm 2003 lên trên $2000 US Mỹ kim và trên $700 Mỹ Kim (ước lượng) cho năm 2007, cho thấy những tiến bộ bất ngờ của nền kinh tế hai nước này.

Tuy nhiên, những tiến bộ ấy không phải tự nhiên là một cơn mưa móc trên trời rơi xuống, mà các nước đã hoặc sẽ phải trả một giá không nhỏ. Trong luật chơi của Toàn Cầu Hóa Giao Thương, ai giỏi thì được, mà có thể được thật nhiều; ai dở thi thua, và có thể thua đậm, thì công cuộc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn. Thị trường quốc tế sẽ đầy rẫy những sản phẩm rẻ mạt từ những nước có nhân công thấp. Trong số những sản phẩm này sẽ không thiếu những đồ giả mạo có thể có hại cho người tiêu thụ.. Mới đây tại Hoa Kỳ cơ quan FDA đã báo động có nhiều thuốc đánh răng hiệu Colgate làm giả làm từ Ấn Độ, Peru, Nam Phi, Thái Lan và Trung Hoa Phi Châu, trong có một chất độc (diethylene glycol), có hại cho sức khỏe. Sự gia nhập của Trung Hoa vào Thị Trường chung thế giới đã làm nhiều nhà sản xuất thế giới phải điên đầu vì tài làm mạo hóa của họ. Ở Thượng Hải người ta nói rằng: “Chúng tôi có thể làm giả tất cả mọi thứ, ngoại trừ mẫu thân của bạn”. Đồ mạo hóa bây giờ không phải chỉ là đồng hồ, DVD, ví da, mà còn là điên thoại di động (Nokia), máy plasma nữa. Xe hơi của Trung Cộng trông chẳng khác gì xe hơi Âu Mỹ, Nhật Bản, có tên hơi khác. Nào là Hongda SR-V, Chery QQ (Chevy Spark). Dushi Mini thì hệt như Smart Car (của Daimler-Chrysler) vân vân…Tất cả những nước nào phải cạnh tranh với Trung Quốc, thí dụ như Việt Nam chẳng hạn, trước sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Buôn bán làm ăn không dễ như người ta tưởng lúc đầu, ngay cả cho những đại công ty. Một quyết định sai lầm có thể gây thiệt hại không lường được.

Nhưng có một điều chắc chắn là, trong cuộc chơi Toàn Cầu Hóa Giao Thương, tiền sẽ đổ vào chỗ trũng, nghĩa là sẽ làm cho những người đã có nhiều tiền sẽ có nhiều tiền hơn, những nước giầu sẽ một ngày một giầu hơn. Vì sao? Những người vốn đã giỏi giang, khá giả, vì khả năng trí thức (có học, có hiểu biết), vì khả năng tài chánh (có sẵn ít nhiều vốn liếng), hay vì địa vị xã hội (quen biết, có quyền thế) chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế làm giầu hơn là những thành phần thấp kém trong xã hội.. Cũng thế, những nước tân tiến, với lợi thế có sẵn về khả năng kỹ thuật, về kinh nghiệm quản trị, về tư bản, chắc chắn sẽ kiếm lời nhanh và nhiều hơn những nước nhược tiểu, kém mở mang. Hiện tượng bất bình đẳng lợi tức trong quốc gia xã hội(1), giữa người giầu và người nghèo, bất bình đẳng trên chiến trường quốc tế, giữa những nước tân tiến và những nước kém mở mang, mỗi ngày thêm lớn, thêm sâu sắc.

Lấy một thí dụ. Tại Hoa Kỳ, một nước tự do làm giầu, cách đây 100 năm, người ta đã thấy người giầu nhất nước Mỹ lúc đó là ông John D. Rockefeller có lợi tức hằng năm là $1.25 triệu Mỹ kim. Lợi tức này tính ra bằng 7000 lần lợi tức hằng năm của người Mỹ trung bình, một bất bình đẳng lợi tức chưa từng thấy ở nước này. Ngày nay, người ta đã thấy ông James Simons, quản trị viên một “hedge fund”, với một lợi tức hằng năm khổng lồ là $1.7 tỷ Mỹ kim(2), thì sự bất bình đẳng ấy đã lên tới 38.000 lần! Ở Việt Nam, chưa có những con số chính xác về điểm này, nhưng báo chí hằng ngày vẫn đăng nhan nhản những bất công xã hội: nhiều người thành thị giầu có tiêu tiền như nước, mua vui hưởng lạc tiền vứt qua cửa sổ, trong khi một số không nhỏ người thôn quê vẫn bần cùng đói khổ. Những tin tức này đã gây nên những bất mãn cho những người có lương tâm, và làm đề tài đả kích cho những người chống đối chế độ, trong nước và nhất là ở ngoài nước. Ở Hoa Kỳ, mâu thuẫn xã hội này, người dân không cảm thấy sâu sắc, vì xã hội Mỹ vốn đã ổn định, lại được tổ chức có quy củ, đảm bảo cho sự thăng tiến của nhiều người còn yếu kém có cơ hội vươn lên. Còn ở Việt Nam, mặc dầu sự khác biệt giầu nghèo không quá đáng như ở Hoa Kỳ, nhưng người dân cảm thấy đấy là một bất công xã hội sâu sắc, bởi vì họ đã và đang thấy nhiều bất công khác chung quanh họ, bởi lẽ chính quyền các cấp thiếu tổ chức quy củ.

Ở những nước mới phát triển như Việt Nam, Trung Hoa những bất bình đẳng lợi tức, hay những bất công xã hội ấy, nếu không được những nhà lãnh đạo tìm cách giảm thiểu đi, mà cứ để cho khoảng cách ấy mỗi ngày mỗi lớn thêm, thì chắc chắn sễ đưa đến những xáo trộn xã hội khôn lường. Chính quyền Trung Quốc rất quan ngại đến điều này và đã khiến cho ông Thủ Tướng Ôn Gia Bảo phải tuyên bố trước đại hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa: “Chúng ta cần  bảo vệ được sự quân bình xã hội và phải làm sao thực hiện một cách chắc chắn là tất cả dân trong nước đều cùng hưởng được thành quả của mọi cải cách và phát triển”. Ông còn nói thêm: “Tốc độ của cả hạm đội không phải quyết định bởi con tầu chạy nhanh nhất, mà là con tầu chậm nhất”.

Trên bình diện quốc gia, giải quyết những vấn đề chính trị kinh tế xã hội, như ông Ôn Gia Bảo nói tới, là một chuyện khó khăn rắc rối bởi rất nhiều những mối liên quan hệ lụy chằng chịt. Ngồi bàn lý thuyết suông thì dễ, đưa ra lời chỉ trích không có ý xây dựng mà chỉ có ý đả phá lại còn dễ hơn, nhưng bắt tay vào việc thì không dễ chút nào. Bởi vậy, người viết – không từng làm chính trị, lại chỉ có một hiểu biết hạn hẹp về kinh tế xã hội – không thể đưa ra một giải pháp nào cho vấn đề, mà chỉ có thể nêu lại những ý kiến, những chánh sách đã được áp dụng tại nhiều nơi, với ít nhiều kết qủa tốt.

 Võ khí sắc bén nhất của nhiều chính quyền là luật pháp về một hệ thống thuế khóa tiến bộ, từ thuế lợi tức cá nhân, lợi tức đoàn thể, đến thuế chuyển nhượng gia tài, qua những thuế về đầu tư, về tiết kiệm vân vân. Đồng thời với chế độ thuế khóa tiến bộ, người ta còn tăng cường những đảm bảo về An sinh Xã Hội, về Giáo Dục- nhất là Giáo Dục -, về Tiện Nghi trong đời sống, và giúp đỡ giai cấp bần cùng trong xã hội. Chính những biện pháp này đã không làm cho những xung khắc giai cấp thêm sâu sắc, và do đó giảm thiểu rất nhiều nguy cơ xáo trộn xã hội.

Tại những nước chưa phát triển, để có thể làm được việc này, quốc gia phải có 2 điều kiện tối thiểu: Môt là phải có một xã hội ổn định, không bị xáo trộn chính trị cũng như xã hội, khiến không thể quản trị một cách hữu hiệu được các cơ cấu quốc gia. Hai là phải có một lớp lãnh đạo, ở trong cũng như ở ngoài chính quyền, thực tâm vì dân vì nước, quyết tâm xây dựng quốc gia, không vì tư lợi mà quên quyền lợi quốc gia dân tộc. Hai điều kiện trên không phải là hai điều kiện biệt lập, mà thực ra có liên quan mật thiết với nhau, có ảnh hưởng hỗ tương, cũng như Thân với Tâm, hai quan niệm rất căn bản trong đạo Phật. Trong nước ổn định nhưng lãnh đạo thối nát bất tài thì quốc gia sẽ thụt lùi và sẽ hết ổn định. Lãnh đạo có tài, có thiện chí mà tình hình trong nước rối ren, thì cũng chẳng làm gì được, quốc gia sẽ không phát triển được, sẽ làm nản chí người có tài muốn ra giúp nước.

Như Thân với Tâm, điều kiện thứ hai là điều kiện căn bản nếu không muốn gọi là tiên quyết. Có điều kiện này thì bao nhiêu những vấn nạn của quốc gia như tham nhũng, hối mại quyền thế, nghèo đói, dốt nát, bất công v.v.. sẽ có cơ được tuần tự giải quyết(3).

Đó là nói trên bình diện quốc gia đại sự. Cá nhân người dân, nhất là những người thông minh tài giỏi, những doanh nhân, thương gia, nhân cao trào Toàn Cầu Hóa, làm giầu nhanh chóng nhờ Thương Mại Tư bản, họ có thể đóng góp một cách lớn lao, không thể ngờ được, nhiều khi vượt trên những thành tựu quốc gia, để lại những tiếng thơm cho hậu thế. Ta hãy lấy vài thí dụ ở nước ngoài. Ông Bill Gates, sáng lập viên, Chủ Tịch công ty Microsoft là người được coi là giầu nhất thế giới(4). Ông đã để tâm gây dựng trong nhiều năm một ngân quỹ riêng để làm việc từ thiện, lên tới 60 tỷ Mỹ kim, nhằm giúp cải thiện nạn nghèo đói, bệnh tật và thất học trên thế giới, nhất là tại Phi Châu. Trong một bài diễn văn đọc mới đây tại trường Đại học có tiếng nhất Hoa Kỳ là trường Harvard, ông đã nói “Hồi trẻ, khi rời bỏ Harvard, tôi không bao giờ lưu tâm đến những bất bình đẳng trên thế giới; những bất bình đẳng về sức khỏe, về của cải, về cơ hội đó đã làm cho cả triệu ngườì sống trong cảnh nghèo đói, tật bệnh và tuyệt vọng…” Ông nói thêm “Những tiến bộ lớn nhất của nhân loại không phải là ở những phát minh khám phá (khoa học), mà là ở sự áp dụng những khám phá đó vào việc giảm thiểu những bất bình đẳng của nhân loại”.

Tất nhiên không phải ai cũng có 60 tỷ để làm việc từ thiện như ông Bill Gates. Nhưng cũng có những người thông minh tài giỏi khác, tiền chẳng có bao nhiêu, nhưng lòng đầy từ tâm, đã tìm ra những cách rất hữu hiệu để giúp đồng bào, những người nghèo khổ không tiền, không đi đâu vay ai được, có phương tiện mà làm ăn sinh sống. Đó là trường hợp ông Mohammed Yunus, xứ Bangladesh, người sáng lập ra một Ngân Hàng (Grameen Bank) bằng lòng cho vay chút ít tiền,  (gọi là micro-credit) không nhiều, nhưng lại không cần bảo chứng - do đó cũng dễ mất - cho những gia đình nghèo, cần có vốn ban đầu để làm ăn kiếm kế sinh nhai. Sáng kiến của ông Yunus đã giúp cho biết bao người nghèo khổ, mà phần đông là những người đàn bà cùng đường, có được một lối thoát ra khỏi cảnh nghèo túng, không phải đi xin ai, nhờ vả ai. Ông Yunus, nhờ vậy đã được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình trong năm 2006.

Người Việt Nam chúng ta không thiếu lòng từ tâm, vì truyền thống Tam Giáo từ thời Lý Trần(5) vẫn còn trong lưu truyền huyết quản. Tất cả mọi người, nhất là những người sống ở ngoại quốc, khi nhìn thấy những cảnh khốn cùng của người dân, không khỏi xót xa, đã cùng nhau, kẻ ít người nhiều, người góp công kẻ góp của, lập nên rất nhiều chương trình từ thiện cứu giúp đồng bào, dưới nhiều hình thức, nhiều phương diện, từ giáo dục đến y tế qua xã hội, thiên tai v.v…  Tuy nhiên, những cố gắng này, về phương diện cá nhân nghe có vẻ nhiều, nhưng trên bình diện quốc gia chẳng có bao nhiêu.

Quốc gia cần nhiều hơn nữa, cần đến sự đóng góp của những bộ óc thông minh tài giỏi, những Đại Gia, nhân cao trào Thế Giới Hóa Giao Thương, nhờ pháp thuật của ông Thần Thương Mại Tư Bản, mà đã lập nên những sự nghiệp chưa hề thấy tại Việt Nam, đưa họ, gia đình và những người gần cận họ, lên tột đỉnh nấc thang xã hội. Đúng trên nhìn xuống, nhìn xuống thật sâu mới thấy được những kẻ ở nấc thang cuối cùng xã hội, chỉ là những kiếp nhân sinh đói khổ, dốt nát, tật bệnh và tuyệt vọng, không tìm thấy lối ngoi lên.

Những Đại Gia này, nếu mỗi người, hăng hái đứng lên bảo trợ, nhỏ thì một số ít người, các cô nhi, quả phụ, thương phế binh, tật nguyền, lớn thì cả một làng, một huyện, một tỉnh (thí dụ ngay nơi chôn rau cắt rốn của  mình). Bảo trợ cách nào thì tùy sáng kiến của các nhà hảo tâm(6) Đại Gia. Mục tiêu chính không phải chỉ là cho tiền sống qua ngày mà còn là giúp đồng bào kém may mắn một lối thoát khỏi cảnh nghèo túng, khỏi tình trạng đói khổ, dốt nát, bệnh tật, nhìn thấy một tương lai sáng sủa hơn, và để họ có thể đóng góp vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc chung của mọi người, mà công lao lớn là ở các bậc Đại Gia ấy.

Bảo trợ - hay là giơ đôi tay của tình thương ra cưu mang người yếu kém cho họ có cơ hội đứng dậy - là một đặc tính rất đáng kính trọng và khen ngợi, thường thấy ở những dân tộc giầu lòng thương người như Na uy, Đan Mạch. Hà Lan, Thụy Điển, Canada.

Nhà nước cũng có thể góp ý, góp sức với các Đại Gia, bằng cách khuyến khích họ đầu tư Từ Tâm, đồng thời với đầu tư Tư Bản. Điều này cần được coi như thiết yếu trong khi tham dự vào những chương trình kiến thiết của nhà nước. Nhà nước có thể nói với các Đại Gia này, tương tự như ông Bill Gates đã nhắn nhủ các tân khoa niên khóa 2007 trường Harvard khi tốt nghiệp (bây giờ là khi đấu/trúng thầu): “1) hãy tự chọn cho mình một mục tiêu (hãy tự chọn một đối tượng để bảo trợ); 2) tìm phương cách hiệu quả nhất thực hiện mục tiêu (cứu đói giảm nghèo hay nâng cao dân trí, dân sinh..); 3) xác định ứng dụng kỹ thuật sẵn có vào phương cách đó (cho vay vốn, hay dậy nghề, hay cấp học bổng, xây đường, cầu cống, đào giếng v.v…)”.

Cũng như Thân với Tâm, Tư Bản (tức là làm ăn buôn bán) và Từ Tâm (tức là làm việc nghĩa nhường cơm sẻ áo) là hai chuyện không tương khắc, như nhiều người lầm tưởng, mà bổ túc cho nhau. Tư Bản để sinh sống, nhưng Từ Tâm làm cuộc đời có ý nghĩa thực sự, như ông Winston  Churchill đã từng khuyên nhủ..

Nếu tất cả các bậc Đại Gia nước ta, thông minh tài giỏi - được hỗ trợ bởi ông Thần Thương Mại Tư Bản mà trở nên giầu có - quyết định cùng với Chính Quyền, mà đầu tư cả Từ Tâm lẫn Tư Bản vào việc kiến quốc, thì con tầu chậm nhất của hạm đội Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn nhiều, và hạm đội của ta sẽ chạy không thua gì hay có khi còn chạy nhanh hơn hạm đội của ông Ôn Gia Bảo.

Mong lắm thay!

 -------------------------------------

(1) Trên thế giới, người ta đo mức độ chênh lệch giầu nghèo trong xã hội bằng một chỉ số, gọi là GINI Index (Gini là tên nhà khoa học gia người Ý đã đưa ra chỉ số này), từ 0 (không có chênh lệch) đến 100 (chênh lệch nhiều nhất). Những nước ít chênh lệch thì như Thụy Điển 24.9 (2000), Na Uy 25.8 (2000). Nhiều thì như Hoa Kỳ 45 (2004); TrungHoa 44 (2002); Việt Nam đã từ chỉ số 36 trong năm 1998 nhẩy lên 37 cho năm 2002.

(2) 1 tỷ 7 trăm triệu Mỹ Kim là bao nhiêu?. Gọi là ít thì đó chỉ là tiền Hoa Kỳ tiêu trong một, hai ngày cho chiến trường Irắk. Gọi là nhiều thì, nếu chỉ cần một nửa Mỹ kim một ngày để nuôi một em nhỏ Việt Nam,  số tiền đó có thể nuôi trong một năm sấp sỉ 10 triệu em nhỏ trong nước.

(3) Chính phủ Trung Hoa đã thẳng tay trừng trị ông Tổng Giám Đốc Cơ Quan Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Trịnh Tiến Du, bằng tội tử hình, vì đã nhận hối lộ, không điều hành đàng hoàng cơ quan để thực phẩmTrung Hoa bán ra ngoài có độc dược.

(4) Gia sản của ông Bill Gates được báo Forbes ước định là 60 tỳ Mỹ kim. Mấy người chịu bỏ ra một số tiền bằng với sản nghiệp của mình để làm từ thiện?

(5) Sử chép rằng: “Lý Thánh Tông là một ông vua nhân từ, có lòng thương dân. Một năm trời làm rét lắm. Thánh Tông bảo những quan hầu cận rằng: “Trẫm ở trong cung, ăn mặc như thế này còn rét. Nghĩ những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương tâm”. Nói rồi truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bữa ăn…”Sử cũng chép rằng: “Vua Trần Nhân Tông (tức Trúc Lâm Đại Đầu Đà sau này) sau khi đại phá quân Nguyên, xét đến tội những người đi theo giặc. Đình thần muốn đem ra trị tội. Nhưng Thượng Hoàng nghĩ rằng trị tội những đồ tiểu nhân cũng vô ích, bèn sai người đốt hết những giấy má đi lại với giặc của họ…” Đây là một quyết định chính trị rất khôn ngoan, nói lên lòng từ tâm hằng có trong lòng dân tộc ta.

(6) Phưong thức bảo trợ có muôn hình vạn trạng. Có thể là: Bảo trợ cho tất cả các em trong làng/huyện học hết bậc Tiểu học trong X năm; Mang điện hay điện thoại đến cho tất cả các nhà trong làng; Cấp học bổng mỗi năm cho một số em học Đại Học;

Cho vay nhẹ lời hay không lời cho những ai trong làng/huyện/tỉnh muốn kinh doanh; Bảo trợ chương trình hằng năm mời bác sĩ/ nha sĩ về làng chăm nom sức khỏe cho mọi người vân vân…

Tháng 7, năm 2007
Đào Viên


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu