A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nước Mỹ bầu Tổng thống

LTS: Tạp chí Quê Hương đăng bài viết của hai người Mỹ gốc Việt về bầu Tổng thống Hoa Kỳ để Bạn đọc có dịp tiếp cận với cách suy nghĩ của kiều bào ta về đời sống chính trị ở đất nước này. Cả hai tác giả đều sống ở Mỹ từ nhiều thập niên, viết riêng cho Quê Hương và gửi về Tòa soạn trước khi có kết quả chính thức bầu vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ hôm 04.11.2008. Quan tâm đến đời sống chính trị cũng là một nội dung hội nhập vào xã hội và đất nước bà con định cư. Rồi, sẽ đến lúc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có một vị Tổng thống là người Mỹ gốc Việt!

Barack Obama (bên trái) và John McCain (bên phải)
khi là ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ

Có phải nước Mỹ đang làm một cuộc cách mạng?

Hoài Việt
California, ngày 3 tháng 11 năm 2008
Bài này viết trước khi có kết quả bầu Tổng thống Mỹ

Cuộc trả thù của những người thuộc đảng Dân chủ

Xã hội Mỹ vốn không đồng đều về tiền bạc cũng như về sự hiểu biết. Người giàu thì quá giàu: thuê cả đội bảo vệ canh gác nhà cửa của mình, đi lại trong nước có máy bay riêng,  đi đường bộ thì có xe limousine, có tài xế lái, trên xe có TV, DVD, máy nghe nhạc, lại có bàn ăn, phòng vệ sinh… đủ thứ tiện nghi! Còn người nghèo thì nghèo mạt hạng: nghèo đến nỗi lấy vỉa hè làm nhà, thức ăn hàng ngày là ngửa tay xin từng đồng hào từ những người qua đường, có người đi moi móc ở các thùng rác để kiếm thức ăn người ta vất đi. Còn người hiểu biết, nếu đầu óc không siêu việt thì cũng thuộc loại thông minh khó ai qua mặt được. Phần còn lại, phần đông là cầu an, chỉ nghĩ cho riêng  mình, thậm chí người ta gọi đó là ích kỷ. Còn về chính trị thì cũng vậy, người giỏi thì khó có ai qua mặt được. Còn đại đa số còn lại, không phải là dở nhưng không có lập trường chính trị rõ rệt. Họ mê “bóng chầy” như điếu đổ, có người nhớ tên “quarter back” (thủ bóng) hơn là nhớ tên Dân biểu, Nghị sĩ của bang mình.

Nhiều người Việt cho rằng người Tàu thâm nhất thế giới. Theo tôi, người Mỹ, người hiểu biết cũng thâm không kém gì người Tàu, có khi còn thâm hơn. Những người có vai vế trong xã hội hoặc được cầm cân nẩy mực trong đảng Dân chủ Mỹ phần nhiều họ không thích cựu Tổng thống Clinton mà không nói ra; họ chờ đợi cơ hội nào đó. Vì khi ông Clinton bắt được cái ghế Tổng thống trong hai nhiệm kỳ, ông không ngó ngàng gì đến việc xây dựng đảng Dân chủ, phớt lờ cả những người có vai vế trong đảng. Để được đảng Dân chủ đề cử tranh cử chức Tổng thống kỳ này, bà Hillary Clinton là người có nhiều hy vọng hơn cả. Nhưng gặp được dịp ngàn năm một thuở, các tay có vai vế thuộc đảng Dân chủ hè nhau trả thù ông Clinton bằng cách bảo nhau không những không ủng hộ bà Clinton mà còn tự mình hay con cháu mình ra mặt ủng hộ ông Obama. Phát pháo lệnh đầu tiên do ông Ewdard Kennedy, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts đốt. Một mặt tuyên bố ủng hộ ông Obama, mặt khác, ông và con cháu ông đi kiếm phiếu cho Obama bằng cách đến gõ cửa từng nhà vận động người dân trong vùng bỏ phiếu cho ông Obama. Tiếp theo, là ông Kerry, người thất cử Tổng thống của đảng Dân chủ năm 2000 và sau đó là những người ra ứng cử Tổng thống trong đảng Dân Chủ. Người nặng ký nhất trong những người có vai vế thuộc đảng Dân chủ là cựu Tổng thống Carter cũng tuyên bố ủng hộ ông Obama. Kéo theo Chủ tịch đảng Dân chủ cũng hùa theo ủng hộ ông Obama. Nhờ vậy, ông Obama lên như diều gặp gió. Mặt khác, người da đen ủng hộ nhau bằng cách đa số không nhiều thì ít, họ đều chi tiền ủng hộ người da đen của họ. Nhất là những người da đen giàu như Oprah ủng hộ cả tiền bạc, lại cất công đi vận động cho ông Obama.

Nếu không có những người có vai vế chơi khăm bằng cách trả thù ông Clinton vì không muốn cho ông Clinton vào ở tòa Nhà Trắng lần nữa thì còn lâu tên tuổi ông Obama mới được xướng lên. Cho nên họ đã cùng nhau rầm rộ ủng hộ ông Obama, nên ông Obama đã được đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức Tổng thống thay vì bà Clinton.

Khả năng làm Tổng thống của ông Obama

Ông Obama là một luật sư tốt nghiệp tại Harvard, một ngôi trường nổi tiếng. Ông có tài ăn nói và đối đáp. Ông xông xáo và xung phong làm những việc thiện ở Chicago, một thành phố đông cư dân nên được người ta biết đến. Nhờ vậy, mà ông được bầu làm Thượng nghị sĩ bang Illinois để rồi ông được đảng Dân chủ tiến cử ra tranh chức Tổng thống với ông McCain của đảng Cộng hòa.

Số ông Obama nhờ được phái nữ cưu mang. Lúc nhỏ, cha ông là người Kenya (Châu Phi) lấy mẹ ông là người Mỹ. Khi cha ông bỏ mẹ con ông trở về Kenya thì mẹ ông chăm sóc ông. Lúc nhỏ ông thay tên đổi họ nhiều lần cũng vì cha ghẻ. Có lần ông vào học trường Hồi giáo ở Indonesia. Lần sau cùng khi mẹ ông chắp nối lần nữa, bà ngoại ông phải mang ông về nuôi cho ăn học. Sau khi đỗ luật sư, ông lấy vợ cũng là luật sư người da đen con nhà giàu. Cũng vì nhờ hơi hám nhà vợ nên ông mới về ở Chicago và sau đó ra ứng cử nhiều chức vụ ở đây.

Ông chỉ nhờ tài ăn nói, chứ chưa có kinh nghiệm làm việc hành chánh. Khi ra tranh cử Tổng thống mới đây có một nhà báo hỏi một câu gay gắt: “Ông không có kinh nghiệm làm việc. Khi gặp một vấn đề khó khăn về an ninh thì ông làm sao?” Ông Obama trả lời: “Tôi sẽ hỏi và nhờ các cố vấn của tôi”.

Quả tình vận may đã đến với ông Obama sau khi đám có máu mặt thuộc đảng Dân chủ bề hội đồng bà Clinton. Thứ đến, nước Mỹ đang đi vào kinh tế suy thoái làm lòng người ly tán nên một người Da Đen là ông Obama được trúng số độc đắc.

Đối thủ của ông Obama là ông McCain và bà Palin chưa tận dụng sở trường, sở đoản

Thật thế, trước hết phải nói về ưu khuyết đểm của Thượng nghị sĩ McCain. Ông McCain thuộc thành phần quân nhân nên có tính thẳng thắn, ít mưu lược. Một yếu tố làm yếu trong khi đi vận động tranh cử là ông McCain không có tài ăn nói lưu loát như ông Obama. Cả ông McCain và bà Palin là hai người bộc trực không mấy lắt léo trong việc vận động tranh cử. Điều quan trọng nữa là bộ tham mưu của ông McCain tỏ ra rất kém so với bộ tham mưu của ông Obama.

Ông McCain chưa khai thác hết tài ăn nói ngổ ngáo của bà Palin vì trong khi đi vận động tranh cử, bà Palin có đôi khi lôi những sơ hở và đời tư của ông Obama ra nhưng đều bị đám quân thần của ông McCain cản trở. Nếu ngay từ buổi đầu bộ tham mưu của ông McCain giỏi, biết khai thác những gì cử tri quan tâm thì chắc chắn rằng ông McCain đã chiếm được thế thượng phong.

Những điều ấy như sau:

Phần ông McCain

1. Nếu ông biết khai thác như tấn công liên tiếp vào chỗ yếu của ông Obama khi tranh luận (như câu ông Obama trả lời nhà báo “Tôi sẽ hỏi và nhờ những cố vấn của tôi giúp giải quyết về vấn đề an  ninh …”, ông McCain đã không tấn công ngay vào chỗ yếu đó của ông Obama).

2. Xã hội Mỹ là định chế tư bản. Ông McCain không đả động gì đến vấn đề này. Nếu ông nói rằng: Các cử tri nên biết xã hội của chúng ta là xã hội tư bản, nói chung là các nhà giàu, các chủ ngân hàng, các chủ hãng xưởng. Tôi (McCain) cam đoan tôi dễ đi lại với họ hơn là ông Obama. Có liên kết mới đi đến  thành công, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn!

Phần bà Palin

1. Bà Palin có thể nói rằng: “Nếu ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ thì tôi cam đoan là phe khủng bố Hồi giáo sẽ có cơ hội tàn phá nước Mỹ lần thứ hai”. Và  nói thêm: “Lập trường của ông Obama sẽ không mang lại an ninh cho nước Mỹ”.

2. Cử tri nên nhớ rằng, đối với vấn đề kinh tế Mỹ suy sụp, ông Obama cũng không có tài cán gì mà giải quyết được ngay. Ông ta không có đôi đũa thần để phục hưng kinh tế.

Tại sao dân Mỹ vốn sợ “khủng bố” nhưng ông McCain và bà Palin đã không biết triệt để khai thác vấn đề này?

Giới truyền thông cũng trả thù ông Bush, trả thù đảng Cộng hòa

Tổng thống George Bush trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống đã không được giới truyền thông có cảm tình. Phần khác, những người hữu phái ở ngành truyền thông thường hay tấn công các đài truyền hình khác không loan tin giống họ.

Đến nay, tình hình đã đổi khác, ông George Bush càng ngày càng thất thế. Dân chúng Mỹ nói chung không còn tín nhiệm ông nữa. Vì thế mà “giậu đổ, bìm leo”.

Hơn 30 năm ở đất cờ-hoa, bây giờ tôi mới thấy là lần đầu, ngành truyền thông Mỹ không còn trung dung và không công bằng nữa trong khi làm tin. Nhất là tin về cuộc vận động tranh cử của lưỡng đảng. Họ đã không vì vô tình mà vì muốn trả thù ông Bush, muốn trả thù đảng Cộng hòa nên đề cao ông Obama quá mức. Có người nói tư bản truyền thông cũng vì lợi nhuận quảng cáo họ nhận được nên đã thiên vị. Tối ngày cứ mở đài radio lên, là nghe tiếng họ cổ xúy tên Obama. Cứ mở đài truyền hình ra là thấy hình ông Obama. Nhất là tuần báo Newsweek. Đọc nó người ta ngỡ rằng Obama là chủ báo. Hàng ngày, nhất là gần đến ngày hạn chót thì người ta chóng mặt vì mở đài lên là hình ảnh của ông Obama lại lừng lững xuất hiện.

Cho nên, chúng tôi có lời khuyên những người Việt viết  báo, viết sách đừng có quá tin tưởng ở nhà báo Mỹ. Có những người Việt, động một tị là đưa ra những lời như thể vàng ngọc của nhà báo Mỹ, tưởng như vậy là có đủ bằng chứng. Nhưng họ đã lầm vì vội đề cao nhà báo Mỹ không tìm hiểu sự thật những gì đã xẩy ra!

Nếu một trong hai người được làm Tổng thống Mỹ thì Việt Nam sẽ như thế nào?

Nếu ông McCain được làm Tổng thống:

Ông McCain là người hiểu Việt Nam hơn ông Obama. Tuy ông bị bắt làm tù binh nhưng không vì thế mà ông thù hận. Những cuộc bỏ phiếu ở quốc hội ông thường thông qua những gì có lợi cho Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên làm ra đạo luật giúp đỡ những con lai… Ông là quân nhân, ông chú trọng về quân sự. Hiện tại, Trung Quốc đang ra sức xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh. Nếu ông McCain là Tổng thống, ông sẽ theo dõi và có phương cách đối phó. Ngoài ra, ông sẽ lưu ý về hoạt động của khối Hồi giáo chuyên về khủng bố.

Nếu ông Obama làm Tổng thống:

Như khi ra tranh cử, ông Obama hứa hẹn sẽ rút quân ở Iraq và Afghanistan hay xét lại việc trấn đóng của quân đội Mỹ ở ngoại quốc, có thể là sẽ rút quân ở Nhật và Đức. Như vậy, ông Obama đã không muốn Mỹ can thiệp vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vậy thì giả sử Trung Quốc biết được chủ trương không can thiệp trực tiếp vào bất kỳ nước nào trên thế giới của Mỹ, rồi tấn công?

Nếu ông Obama làm Tổng thống, nước Mỹ nói chung sẽ đi xuống hay đi lên chưa ai dám đoán chắc. Xét  ra, ông Obama ăn nói lưu loát, nhưng khi bắt tay vào việc thì sẽ như thế nào? Chắc gì những hứa hẹn đi đôi với việc làm. Việc ông được đảng Dân chủ lựa chọn là việc may mắn nhiều hơn là tài trí.

Kết

Có người thấy tình hình chính trị ở Mỹ thay đổi một cách bất ngờ. Họ cho là dân Mỹ muốn làm một cuộc cách mạng. Tôi không nghĩ như thế! Nếu có cuộc cách mạng thì bà Clinton là người đầu tiên làm cách mạng vì bà ấy bị phản bội! Biết đâu bà ly khai đảng Dân chủ, bỏ tự ái, gia nhập đảng Cộng hòa hay trở thành một thành viên Độc lập (independent). Như vậy, số cử tri bầu cho bà Clinton sẽ có ít nhất ¾ không bầu cho ông Obama!

Chúng ta nên nhớ rằng Mỹ là một nước định chế tư bản. Nói đến tư bản thì trước hết phải nói đến tiền. Trong cuộc tổ chức vận động bầu cử Tổng thống lần này, ông Obama đã chi tiền gấp năm, gấp mười lần ông McCain.

Khi chưa nắm được chiếc ghế Tổng thống thì ông Obama hứa hẹn đủ điều, nào là thay đổi (change) như khẩu hiệu đã đề ra. Nhiều người nghĩ rằng, thay đổi tất nhiên là làm cách mạng. Ông Obama hứa là một chuyện, nhưng làm lại là chuyện khác. Hứa hẹn thì hứa gì mà chả được. Nhưng khi dọn vào Nhà Trằng rồi, nhất định ông Obama không những không dám làm cách mạng mà nói tới cách mạng chưa chắc đã dám nói. Vì nước Mỹ chỉ mới suy thoái về kinh tế. Còn nhiều yếu tố khác nữa mới xảy ra một cuộc cách mạng và trừ ra trường hợp nước Mỹ gặp khốn đốn thì lúc đó may ra mới có cuộc cách mạng.

Chúng ta nên nhớ rằng Mỹ là một nước định chế tư bản. Mà đã là tư bản thì nó chằng chịt những sợi giây vô hình chi phối xã hội. Cho nên, còn lâu Mỹ mới có một cuộc cách mạng!

 

“Đoán trúng” nhờ may mắn

Nguyễn Á Độc Lập (Hoa Kỳ)
Bài này gửi vào lúc 9.35 am ngày 04 Nov. 2008

Cách đây một tuần, đúng hơn là từ nhiều tháng trước nữa, người viết bài này và một số anh chị em công nhân, vẫn thường xuyên liên lạc qua e-mail với Staff của Obama Campaign, và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho sự thay đổi (vote for change) ở Washington.

Không những chúng tôi chỉ bỏ phiếu mà còn kêu gọi nhiều đồng hương, giải thích, trình bày, đưa ra “cái nhìn” của riêng chúng tôi, cái nhìn của những người lao động Việt Nam, đối với nhu cầu đổi mới có ý nghĩa với cộng đồng Việt Nam tại Mỹ như thế nào.

Công việc đó không phải là dễ dàng, vì người Việt Nam nói chung, dù ở tuổi nào, đang sống ở đâu, vị thế xã hội như thế nào, nghề nghiệp nào, tóm lại, hình như họ chưa quen với sinh hoạt dân chủ công khai, mà phải dùng từ cho đúng - là biết cư xử - “sòng phẳng”…

Khi trao đổi với vài người bạn Mỹ, một số các bạn sinh viên Việt Nam trẻ, lớn lên ở Mỹ, chúng tôi đã dám liều mạng xác quyết với họ, “hiệu ứng Bradley” cách đây 24 năm không có hiệu lực ở thời điểm này, nhất là càng không có tác dụng với hiện tượng Obama. Và kết luận, nước Mỹ sẽ có vị Tổng thống “Da Màu” đầu tiên.

Cũng liên quan đến khả năng “dự báo thời tiết chính trị”, nhiều người mà chúng tôi tiếp xúc đã công nhận, tập thể người Việt chúng ta ở Mỹ, chưa có người nào có khả năng trở thành nhà phân tích chính trị (political analyst) hay thời sự cả. Nếu có, trong số rất ít, mà chúng ta có thể gọi họ là “những phân tích gia chính trị… đoán trúng… nhờ may rủi”. Trong số những nhà “bói toán chính trị” kiểu này, nếu có nói trúng nhờ may rủi, chắc chắn có người viết những dòng cảm nghĩ này. Bởi vì từ cuộc tranh cử của cựu Tổng thống Jimmy Carter đến nay, 32 năm qua, bao giờ suy nghĩ về kết quả bầu cử của người viết bài này cũng đúng (I made a good guess by chance) chỉ nhờ “hên” thôi. Cũng xin nhắc lại lời của văn hào Voltaire "Sự thành bại trên đời này nằm trong định luật của sự may rủi"...


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu