A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những tác động sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết

Sự hiện diện chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hoa Thịnh Đốn đã tự nói lên rằng “cuộc chiến hơn 3 thập kỉ qua giờ đây đã thật sự đẩy lùi vào quá khứ”...


 Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với các kiều bào ở California

Điều ấy còn khẳng định một điều nữa, ấy là sức mạnh của chiến tranh không thể là sức mạnh duy nhất hay tiếng nói cuối cùng để giải quyết mọi tranh chấp. Do đó, chuyến đi của người lãnh đạo cao nhất nước Việt Nam đã đến Mỹ mang theo hành trang của một người muốn viết thêm một trang sử mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua những đối tác từ kinh tế, giáo dục cũng như sự ổn định trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ngoài ra, chuyến thăm của Chủ Tịch Triết còn mang theo bức thông điệp hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia hướng về ngày mai trong định đề giao thương, đối thoại và giải quyết những bất đồng còn lại. 

Khác với 2 năm trước đây, khi cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đến Hoa Kỳ, lần này Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trước khi đến Mỹ đã mang hành trang nặng trĩu. Tuy nhiên, với cử chỉ nhẹ nhàng và tính thuyết phục, ông Triết đã chiếm được cảm tình của Tổng thống Bush cũng như các nhân vật lãnh đạo tại Quốc hội ngay từ phút đầu gặp nhau. Nhờ đó, Tổng thống Bush khi tuyên bố với báo chí đã không tỏ ra cường độ như một số người ở hải ngoại tiên đoán, ngược lại Tổng thống Bush chỉ đề cập đến vấn đề phối hợp kinh tế của hai quốc gia, qua hình thức ký kết Hiệp định đầu tư và thương mại, ông ca ngợi sự phát triển nhanh chóng và tiến bộ về kinh tế tại Việt Nam. Ông cảm ơn nhà nước Việt Nam đã giúp đỡ tìm kiếm những người lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đồng thời Tổng thống Bush cũng đã cho biết Quốc hội Hoa Kỳ đã chuẩn chi thêm tiền viện trợ cho Việt Nam trong vấn đề dioxin và chất độc da cam. Riêng về nhân quyền, một đề tài rất nhạy cảm, Tổng thống Bush chỉ đề cập một cách nhẹ nhàng rằng: “Tôi cũng muốn nói với ngài Chủ tịch, để cho mối liên hệ giao hảo này tốt đẹp hơn thì Việt Nam phải có tiến bộ hơn nữa về tự do chính trị, tôn giáo và nhân quyền. Theo ý kiến của tôi rằng, một xã hội được phát triển giàu mạnh là khi xã hội ấy mọi người được diễn tả một cách tự do về chính trị và tôn giáo”. Lời phát biểu trên, thể hiện như một lời khuyên chân tình nhiều hơn là chỉ trích.

Đáp lời, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khéo léo nhấn mạnh tình cảm giữa người dân qua hình ảnh người nông dân trồng nho ở Mỹ mà mình đã gặp. Sự thân thiện giữa hình ảnh nông dân Mỹ với Chủ tịch nước Việt Nam là hình ảnh của sự kết thân giữa hai dân tộc mà trong quá khứ đã có những bất đồng tan tác, giờ đây ôm nhau hôn là bức thông điệp gửi đến tất cả mọi người hãy cùng nhau bước qua nhịp cầu thông cảm và hợp tác nhìn về ngày mai. Riêng đối với vấn đề nhân quyền, Chủ tịch Triết cũng đã nhẹ nhàng đáp từ: “Chúng tôi trao đổi chân tình thẳng thắn về những vấn đề hai bên còn khác biệt như tôn giáo, tự do, dân chủ và nhân quyền. Cách tiếp cận của hai bên là tiếp tục tăng cường đối thoại, hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi quyết tâm không vì những vấn đề khác biệt nhỏ mà ảnh hưởng đến quan hệ chung của hai nước”. Trên một góc cạnh khác, Chủ tịch Triết đã uyển chuyển nhắc nhở yếu tố chiến lược khi đề cập đến sự ổn định trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, như một củ cà rốt chín dần… và chín dần... 

Nhìn ra ngoài những yếu tố chính trị, phái đoàn do Chủ tịch nước cầm đầu đã ký kết được nhiều văn kiện thương mại lên đến 5 tỷ Mỹ kim qua các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Công ty Chevron lên đến 4 tỷ Mỹ kim, công ty Vận tải SSA Marine dự án gần 500 triệu Mỹ kim. 

Nhìn chung, chuyến công du của Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng với những nhà ngoại giao hàng đầu như Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến và bà Tôn Nữ Thị Ninh đã mang lại một dấu ấn thành công và quan trọng trong tiến trình bang giao Mỹ-Việt. Đồng thời tiến trình ấy đã được thể hiện qua sự hiện diện của Chủ tịch nước tại thị trường chứng khoán như một biểu tượng Việt Nam đã gia nhập vào thị trường kinh tế tư bản đầy hứa hẹn. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu