A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người khơi nguồn ánh sáng cho quê hương

Chương trình “Khơi nguồn ánh sáng” của Đoàn giúp người mù Bắc Cali và Hội giúp đỡ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh được triển khai tại tỉnh Nam Định nhằm trợ giúp cho 600 ca mổ thay thủy tinh thể mắt được miễn phí 100%. Đây là lần đầu tiên dự án được tiến hành tại một tỉnh phía Bắc.

Kính tặng các chú, bác, cô dì, anh chị đang sinh sống tại Hoa Kỳ”

Một sáng trời đẹp với bầu không khí trong lành của một vùng châu thổ sông Hồng, tôi tháp tùng các anh, các chị trong Đoàn Hội trợ giúp người mù Bắc Cali. Đoàn tài trợ từ Hoa Kỳ trở về quê hương tôi để thực hiện dự án nhân đạo “Khơi nguồn ánh sáng”, xóa bỏ tật nguyền và bóng tối cho những người mù lòa trong cả nước. Chiếc xe du lịch đưa đoàn từ sân bay Nội Bài qua tỉnh Hà Nam để về Nam Định. Các anh, chị đều là người Việt với cái tên dễ thương: Công Chánh, Thu Vân. Tôi tự giới thiệu danh tính của mình và đóng vai như một hướng dẫn viên du lịch. Xe qua huyện Bình Lục tôi giới thiệu: Đây là quê hương của thi hào Nguyễn Khuyến, dân ta vẫn gọi ông với cái tên kính trọng “Tam Nguyên Yên Đổ” (Tôi nghĩ thầm với tên tuổi của ông Nguyễn Công Chánh mà tôi biết cách đây 30 năm thì lời giới thiệu của tôi hơi thừa). Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn hành động như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Xe đã về tới địa phận Nam Định, xưa kia là đất Vị Hoàng, tôi đọc cho các anh nghe câu thơ của Trần Tế Xương ca ngợi mảnh đất của Thành Nam xưa kia:

“Nô nức du xuân ngắm Vị Hoàng
Nơi đây phong vận, đất nhiều quan”

Xe đưa đoàn về thành phố Nam Định, chúng tôi đã làm việc với cơ quan y tế địa phương. Ai nấy đều vui vẻ, hân hoan đón tiếp Đoàn. Sau buổi làm việc, Đoàn dành chút thời gian đi thăm cảnh đẹp của thành phố như cầu Đò Quan bắc qua sông Đào Nam Định. Tôi giải thích sông Đào do cha ông chúng tôi đào thủ công để xẻ nước từ sông Hồng sang cho sông Đáy, sông có bến đò dành cho các quan sang sông được gọi là bến Đò Quan. Tiếp theo đoàn đi thăm chợ Rồng, vào thăm các quầy vải lụa tơ tằm, rồi thăm tượng Đức Bà Maria được kiến tạo tại Pháp, thăm tượng đài Trần Hưng Đạo. Đâu đâu cũng ấm áp tình quê hương, với không khí trong lành của một vùng châu thổ. Chiều nay chương trình làm việc của Đoàn tại Trạm y tế huyện Xuân Trường, Đoàn sẽ tiến hành thị sát một ca phẫu thuật thay thủy tinh thể đầu tiên cho người mù lòa trong huyện. Dự án này là do nguồn tài trợ của ông Bùi Đức Hợp người con của Xuân Trường 50% và Hội giúp người mù Bắc Cali 50%. Để thuận lợi cho thủ tục hành chính, Hội Bắc Cali đã kết hợp với Hội trợ giúp bệnh nhân nghèo của thành phố Hồ CHí Minh để thực hiện các chương trình nhân đạo. Chương trình “Khơi nguồn ánh sáng” của Hội Bắc Cali đã triển khai được 18 tỉnh miền Trung và miền Nam. Lần này Hội triển khai ra một tỉnh đầu tiên trên miền Bắc.

Về tới thị trấn huyện, chúng tôi được đưa đến Trạm y tế nằm gần bờ sông Ninh Cơ và đối diện với tượng đài Đức mẹ Phatima. Cơ quan y tế ở đây đã đón tiếp Đoàn trọng thể. Các bác sĩ đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị để tiến hành phẫu thuật. Đoàn đã chứng kiến ca phẫu thuật đầu tiên, kéo dài khoảng 1 tiếng. Sau đó bệnh nhân được đưa về phòng hậu phẫu để chăm sóc. Đoàn đã phỏng vấn bác sỹ, y tá và các bệnh nhân đang chờ để vào phẫu thuật. (Đợt này sẽ phẫu thuật cho 10 bệnh nhân). Như vậy ca đầu tiên đã phẫu thuật cho một cụ bà 80 tuổi đã diễn ra một cách suôn sẻ. Sau 24 giờ bác sỹ đã tháo băng cho cụ. Cụ nhìn rõ con cháu và cả gia đình ôm lấy cụ mà khóc. Cụ ảm ơn tấm lòng vàng của các nhà tài trợ. Cảm ơn các thành viên trong Đoàn. Cụ rất toại nguyện vì sau 10 năm bị mù lòa nay cụ đã nhìn rõ các con, các cháu, cụ phấn chấn cởi mở tâm sự: Dù sau này phải về với tổ tiên cụ cũng mãn nguyện. Được tin Đoàn từ thiện Bắc Cali tài trợ cho người lòa tại huyện, các thành viên trong hội từ thiện là con cháu ông Bùi Đức Hợp cũng vui mừng mang hoa đến chào đón Đoàn.

Được biết trong Đoàn có chị Thu Vân là người đi Giáo, tôi say sưa kể cho chị nghe về quê hương Xuân Trường của mình. Chị ạ, quê hương tôi rất nghèo, hơn nửa số dân đi giáo, người dân sống lam lũ, cơ cực, phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm. Cả vùng không có một nguồn nước sạch. Thường thì năm bẩy gia đình chung nhau một cái ao, dân ta vẫn gọi là ao tù. Nơi đây được dùng để vo gạo rửa rau, tắm giặt, tẩy rửa nông cụ... Vì là ao tù nên nước xanh xao, bùn bẩn mang nhiều vi khuẩn, muỗi rãi và gây nhiều bệnh truyền nhiễm. Và do vậy bệnh đau mắt cũng từ đó mà ra. Tôi chậm rãi kể tiếp: Tết năm ngoái tôi có về thăm nhà bà chị gọi mẹ tôi bằng dì. (Hôm nay chị cùng đến đây chúc mừng Đoàn). Ngồi trong nhà chị, tôi nhìn ra ngoài ngõ thấy một cháu dắt bà đi ăn xin. Tội nghiệp quá cháu thì mù, bà thì đã lòa chỉ nhìn được chút ít. Như vậy là bà dắt cháu đi ăn xin thì đúng hơn. Thật quá xót xa năm nay cụ 82 tuổi dắt cháu đi ăn xin trong những ngày giáp Tết, tôi ngậm ngùi chẳng biết nói gì, tôi biếu bà cháu ít tiền, cụ mừng rỡ và giãi bầy: Xin cảm ơn ông, sau này bà cháu tôi cũng không biết sống ra sao. Hai mắt tôi mờ lắm rồi, chẳng bao lâu sẽ mù hẳn. Khi ấy lấy ai dắt hai bà cháu đi ăn xin. Cụ cũng là người gốc Nam Định gia đình không còn ai cả, chỉ còn đứa cháu ngoại 15 tuổi bị mù. Bà cháu dắt nhau đi ăn xin khắp miền trong tỉnh. Cả Đoàn trầm ngâm cuốn hút theo câu chuyện khốn khó của người miền quê. Tôi nói tiếp: Lần này chị mang dự án “Khơi nguồn ánh sáng” về cho quê tôi, thật là vinh hạnh, tôi muốn mời chị về thăm nhà thờ Phú Nhai một kiến trúc đẹp, uy nghi, nổi tiếng khắp vùng. Chị nhận lời, thế là tôi đưa Đoàn từ Trạm y tế theo con đường huyện lỵ về thăm làng quê Phú Nhai, nhà thờ có tháp chuông đôi cao 44m được xây dựng từ đầu thế kỉ 20 do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Lúc đó người dân quanh vùng không có lấy một nguồn nước sạch. Nhà thiết kế đã đặt một bể nước lớn trên nóc nhà thờ để hứng nước mưa cho nhà xứ dùng quanh năm. Xe chạy trên con đường xuyên dọc cánh đồng phì nhiêu vang vọng tiếng chuông nhà thờ. Cảnh tượng cũng đẹp và thanh bình như quê chị ở Bến Tre. Tôi hỏi: Thế chị đã đưa dự án về Bến Tre chưa ạ? Chị thong thả trả lời, còn mấy chục tỉnh trong cả nước chưa làm, quê hương mình phải làm sau một chút. Cảm ơn chị! Thật là một sự khiêm nhường đầy lòng vị tha và nhân ái. Chúng tôi trò chuyện vui như đi hội, chẳng mấy chốc xe đưa Đoàn tới nhà khách của cha xứ Phú Nhai. Một thầy tuổi trung niên ra tiếp chúng tôi, ông mời chào khách nồng nhiệt. Ông cho biết cha xứ chủ trì đang làm lễ chiều. Tôi xin phép thầy được vào nhà thờ dự lễ, chị Vân tán thành. Thế là Đoàn chúng tôi đi dọc hành lang vào cửa chính phía trước để dự lễ. Tôi kính cẩn nhìn lên thánh đường, vang vọng bên tai tiếng dương cầm của một bài thánh ca mà tôi đã quen thuộc. Tôi cảm nhận được sự mặc khải của thượng đế. Trước mặt tôi là sự thiêng liêng cao cả của chúa trời, Người ban mọi phước lành cho bầy con đã gặp bao điều nghiệt ngã. Chị Vân kính mến đang quỳ dưới chân Người, đang phụng sự để đưa phước lành của chúa về với trần gian. Chị đang khơi nguồn ánh sáng cho những người mù lòa cũng chính tại nơi đây. Tan buổi lễ cha Oanh tiếp chúng tôi nồng hậu, cha giảng giải bao điều mới lạ. Cha chỉ vào bàn thờ bằng đá với những bức tranh điêu khắc tuyệt hảo, đó là công trình mỹ thuật kiệt tác khắc trên tấm đá nặng 8 tấn mà tác giả là thầy Trinh (người đã đón tiếp chúng tôi lúc ban đầu). Cha Oanh cho biết năm 1924 nhà thờ bị cơn bão lớn làm đổ và phải xây lại tới năm 1929 mới hoàn tất. Lần này nhà thiết kế không dám đặt bể nước trên đỉnh tháp nữa, nhà xứ phải dùng nước giếng khơi. Cha xứ rất bận vì ngài còn phải đi làm lễ cho nhiều xứ khác chưa có cha chủ trì. Vì vậy Đoàn đã chào từ biệt cha, Giáo dân địa phương cho biết ngài cũng làm từ thiện, chính ngài đã làm giám đốc viện nuôi dưỡng trẻ em tàn tật. Trên đường về nhà nghỉ Cốt Lâm (Một bãi biển của huyện Giao Thủy) tôi tranh thủ giới thiệu với Đoàn cảnh vật của vùng biển, quê hương thứ 2 của tôi. Vốn là người gốc Xuân Trường ông nội tôi có tậu thêm được một số ruộng tư điền đồng bể mới cho hai người con trai của mình là bố tôi và một ông chú xuống làm ăn sinh sống tại vùng này. Cốt Lâm cách nhà cũ của tôi khoảng 10km, đêm đêm nghe sóng vỗ, trước nhà là vườn rau, ao cá, chim muông bay lượn và gió biển mát rượi mang theo hương lúa ngọt ngào. Về nghỉ tại khách sạn Cốt Lâm chúng tôi chiêu đãi Đoàn một bữa hải sản tươi sống của ngư dân vừa mới bắt lên từ bãi biển Giao Thủy. Bữa ăn có tất cả cua, tôm, sò huyết, cá biển… Bữa cơm quê hương miền biển thật là tươi ngon và ấm cúng. Ăn cơm tối xong tôi ngồi uống nước với anh Chánh và chị Thu Vân, tôi được biết anh chị là chủ nhiều doanh nghiệp lớn tại Cali. Anh Chánh cùng tuổi Nhâm Ngọ và là đồng tuế với tôi. Cuộc đời của cái tuổi chúng mình cũng rất gian truân, ghềnh thác anh nhỉ. Tôi nay đã về hưu, còn anh thì giao lại doanh nghiệp cho các con quản lí để rảnh tay đi làm từ thiện. Tôi tâm sự: Anh ạ, tôi có nguyện vọng muốn sang thăm chú tôi tại Cali. Tôi đã đi phỏng vấn tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội. Tôi đã trình hết giấy tờ về hưu và giấy chứng nhận tài sản của mình. Tiếc thay tài sản của tôi quá nhỏ bé không đủ để chứng minh rằng sau hai tháng thăm viếng tôi sẽ quay trở lại Việt Nam. Các nhà chức trách đã gạt bỏ lá đơn và giấy tờ bảo lãnh của chú tôi. Anh Chánh trầm tư, không để anh chị buồn tôi quay sang nói chuyện về ông Hợp, nhà từ thiện đang cộng tác với Hội trong chương trình “Khơi nguồn ánh sáng”. Tôi kể về cuộc đời của chú tôi được thể hiện trong thiên hồi kí “Hai lần trỗi dậy” và “Sứ giả tình thương” ông đã lấy hạnh phúc tha nhân làm lẽ sống của đời mình. Tôi đã coi ông như một tấm gương của đức tính khiêm nhường nhẫn nại, tận tụy với công việc, thủy chung với bạn bè, nhân ái thương yêu, giúp đỡ người hoạn nạn. Ông là một tấm gương sáng cho con cháu dòng họ chúng tôi. Ông là một kĩ sư công chánh đặc hạng, ông đã chủ trì nhiều dự án đầu tư mà giá trị công trình lên tới hàng trăm triệu USD. Tôi nói giá như ông Hợp là kĩ sư thời xây dựng nhà thờ Phú Nhai thì chắc chắn nhà thờ sẽ không bị đổ. Cha Oanh cho biết nhà thờ được xây dựng lại không đặt bể nước trên nóc. Tôi kể thêm cho anh chị nghe ông ngoại tôi cho biết là một lão giáo dân ở Xuân Trường đã cảnh báo trước rằng mùa bão gió năm 1924 nhà thờ sẽ bị đổ. Hồi ấy chưa có ông Hợp nhưng người nông dân quê tôi tuy nghèo khổ nhưng cũng giàu lòng bác ái và thông minh.

Chương trình của Đoàn ngày hôm sau sẽ tiếp tục thị sát, phỏng vấn những ca phẫu thuật đầu tiên tại huyện Giao Thủy. Công việc phẫu thuật được tiến hành từ trạm y tế của huyện cách quê cũ của tôi chừng 7km. Đợt này sẽ phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 20 bệnh nhân, anh Chánh nhắc tôi: Anh chú ý tìm gặp thím T và mời thím vào mổ ca đầu tiên. Tôi hỏi sao anh biết thím T, thì ra anh đã đọc truyện ngắn mà chú tôi đã viết “Xin cho em một lần sáng mắt”. Tôi bàng hoàng vì thấy mình sơ ý và có lỗi chưa biết trước địa chỉ của thím. Tôi vội vàng về gặp ông bác họ tại làng Hoành Lộ, bác tôi cho biết thím T đã vào Sài Gòn sinh sống. (Đó là thím Thúy mà cha thím là bạn thân với ông nội tôi). Thế là ca mổ đầu tiên được dành cho cụ Hào. Cụ Phạm Thị Hào 90 tuổi đã bị lòa hơn 10 năm nay. Đoàn đã phỏng vấn từng người, người ít tuổi nhất là 60, người nhiều tuổi nhất là cụ Hào. Các cụ đều được biết tin trên đài truyền thanh huyện và đến đây phẫu thuật được miễn phí 100%. Các cụ vô cùng cảm kích trước tấm lòng vàng của nhà tài trợ hảo tâm, các nhà từ thiện từ Mĩ và thành phố Hồ Chí Minh đã về làm sáng mắt cho những người già, nghèo túng như các cụ. Cụ Hào nói: Thiệt là quý hóa, “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” chúng tôi nghèo khó, được các nhà từ thiện cứu giúp. Xin cảm ơn quý ông.

Một tuần lễ sau, khi Đoàn đã lên đường về Mỹ, tôi quay trở lại Giao Thủy và tới thăm nhà cụ Hào. Lúc này 20 ca phẫu thuật trong đợt đầu của huyện Giao Thủy đã hoàn tất. Cụ Hào đã sáng mắt và đã nhìn rõ tôi, nhận ra tiếng tôi cụ vui mừng khôn xiết cụ mời tôi dự lễ mừng thọ 90 tuổi của cụ. Các con cháu về đông đủ. Lần này cụ nhìn rõ từng người, đặc biệt là vóc dáng của người cháu đích tôn của cụ vừa mới trúng tuyển vào học trường phi công. Cháu mơ ước sẽ được lái máy bay cho Hãng hàng không Việt Nam, và sẽ đưa bà nội vào thăm Sài Gòn bằng chính máy bay cháu lái. Cụ Hào vui mừng nhìn rõ dáng vẻ xinh đẹp của người con gái út – cô út Huệ. Cụ nói lần này sau 10 năm được nhìn lại người con gái út, “tôi thấy nó xinh và trẻ hơn trước nhiều”. Cô Huệ cố mời tôi ở lại ăn cơm trưa với gia đình. Tôi từ chối làm cô hơi buồn, cô xin địa chỉ gia đình tôi ở Hà Nội và hứa khi nào có dịp về Hà Nội sẽ ghé vào thăm tôi.

Theo kế hoạch của Đoàn, sáng hôm sau chúng tôi phải trở về thành phố để làm việc với cơ quan y tế và các quan chức địa phương. Cuộc họp được tổ chức trong một phòng khách đẹp và thoáng mát. Chương trình “Khơi nguồn ánh sáng” của Đoàn trợ giúp Bắc Cali và Hội giúp đỡ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh được triển khai tại tỉnh Nam Định. Lần đầu tiên dự án được tiến hành tại một tỉnh phía Bắc. Ông Chánh đã nêu rõ đây là nguồn tài trợ của ông Bùi Đức Hợp phối hợp với Hội trợ giúp người mù Bắc Cali để trợ giúp cho 600 ca mổ thay thủy tinh thể mắt được miễn phí 100%. Mong muốn của nhà tài trợ về lộ trình phẫu thuật phải được ưu tiên cho hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy, sau đó mới tiến hành ở các huyện khác. Cuộc họp có anh Tư phó chủ tịch Hội trợ giúp bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh dự. Lộ trình khơi nguồn ánh sáng tại tỉnh Nam Định được cơ quan y tế chấp thuận như sau:

- Đợt 1: Tiến hành tới tháng 6/2005 hoàn thành 600 ca cho những người mù lòa tại 2 huyện Xuân Trường và Giao Thủy.

- Đợt 2: Tiến hành tiếp 1500 ca tới cuối năm 2005 cho các người mù lòa gặp hoàn cảnh khó khăn trong các huyện còn lại.

- Đợt 3: Tính đến 6/2006 hoàn thành hết khoảng 1000 người mù lòa còn lại trong toàn tỉnh.

Như vậy đến 6/2006 3000 người mù lòa trong toàn tỉnh đã được trợ giúp. Cơ quan y tế tỉnh sẽ tổ chức buổi lễ xóa mù trong toàn tỉnh Nam Định. Ngoài phần trợ giúp của Hội Bắc Cali, số ca còn lại Hội trợ giúp bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh sẽ tài trợ tiếp cho đủ 3000 người mù lòa được cứu chữa. Thật là một hạnh phúc lớn lao cho những người dân mù lòa tại quê hương Nam Định. Tôi vui mừng bắt chặt tay anh Tư và cảm ơn anh nhiều lắm. Anh đã tiếp tục khơi nguồn ánh sáng để ánh hào quang của lòng nhân từ bao tỏa khắp miền trên quê hương chúng tôi. Từ hành lang của phòng họp, tôi nghẹn ngào điện cho người chị của mình ở Xuân Trường. Chị ơi! Đã có tài trợ rồi, ánh sáng nhân từ đã về với quê ta. Chị cố tìm giúp em hai bà cháu mù lòa hôm 28 tết tại nhà chị. Chị tôi nhận lời và hứa sẽ tìm bằng được hai bà cháu mù lòa đã gặp trong dịp tết. Chị sẽ nuôi ăn cả hai bà cháu cho đến khi được vào phẫu thuật tại Trạm y tế Xuân Trường. Thời gian trôi đi nhanh quá, chỉ mấy ngày thôi mà các anh chị đã làm được bao việc tốt lành. Tôi cũng chẳng biết dùng từ ngữ nào đầy đủ hơn để cảm tạ các anh. Từ đáy lòng của mình tôi khẩn cầu thượng đế ban thật nhiều phước lành cho các anh để các anh vững bước trên con đường từ thiện, thực hiện trọn vẹn chương trình “Khơi nguồn ánh sáng” trên khắp miền của Tổ quốc chúng ta. Công việc bước đầu của Đoàn coi như đã hoàn tất. Chúng tôi phải tạm biệt cơ quan y tế của tỉnh Nam Định. Đoàn sẽ về thành phố Hồ Chí Minh làm việc một thời gian rồi trở lại Hoa Kỳ. Tôi đã mời Đoàn về thăm nhà riêng tôi tại 41 Kim Đồng - Hà Nội. Cha tôi 85 tuổi đã tiếp Đoàn ân cần. Tôi giới thiệu từng người. Anh Tư trước kia cùng làm việc với tôi tại ngành giao thông vận tải, anh Nguyễn Công Chánh, chị Thu Vân… đều là người Việt Nam máu đỏ da vàng. Các anh chị đã không quản mệt nhọc, đường xá xa xôi đã tận tụy “Khơi nguồn ánh sáng” về cho quê hương. Đã đến giây phút từ biệt, anh Tư còn nhắc tôi cố tìm địa chỉ của thím T. Chúng tôi sẽ cho bác sỹ đến phẫu thuật tại nhà riêng của Thím ở Sài Gòn. Các anh phải ra về để tiếp nối những chương trình mới. Trong dịp này chị Thu Vân cũng không kịp ghé thăm Bến Tre. Chị còn ấp ủ nhiều chương trình dài hơn, nối tiếp các tỉnh mà bóng tối còn bao trùm dầy đặc trên đôi mắt của bà con khốn khó.

Trời xẩm tối các anh ra về trong sự ngậm ngùi của cả gia đình tôi. Một lẫn nữa xin bầy tỏ sự biết ơn trước tấm lòng vàng của các anh. Những người “Khơi nguồn ánh sáng” cho quê hương. Anh Chánh ơi! Tôi chưa kịp nói với anh về lòng ngưỡng mộ, mến phục anh mà tôi đã ấp ủ trong hoài niệm của mình 30 năm về trước. Với tuổi thanh xuân của mình, anh đã xả thân giữ nguồn năng lượng quý giá để thắp sáng cho cả thành phố mến yêu. Hôm nay với tuổi 64 anh lại đi khắp nẻo đường đất nước để “Khơi nguồn ánh sáng” cho bà con quê nhà. Con người anh rất khiêm tốn, giản dị mà tâm hồn anh lại cao đẹp và trong sáng đến thế! Một lần nữa thay mặt cho những người con quê hương cảm ơn các nhà tài trợ, cảm ơn Hội trợ giúp người mù Bắc Cali. Xin chào tạm biệt các anh, các chị, tôi mong muốn được tiếp tục tháp tùng các anh trên khắp mọi miền của Tổ quốc để “Khơi nguồn ánh sáng” cho quê hương.

Bút kí của Nam Hưng

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu