Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hồ Chí Minh
Trong điều kiện thế giới phẳng và toàn cầu hóa, lợi thế phát triển kinh tế sẽ chuyển từ yếu tố giàu tài nguyên, nhiều tiền vốn, giá nhân công rẻ sang lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là đổi mới cơ chế giáo dục đào tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng.
Du học Australia luôn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên Việt Nam |
Giáo dục đào tạo bậc đại học: Sử dụng hiệu quả các chương trình giảng dạy và đào tạo trực tuyến
Để đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm giáo dục quốc tế của khu vực, một trong những việc cần phải đạt được là chương trình giảng dạy và chất lượng đào tạo bậc đại học ở TP Hồ Chí Minh phải được quốc tế công nhận.
PGS - TS Trần Tất Đạt |
Việc soạn thảo chương trình giảng dạy và các bài giảng ở tầm quốc tế đòi hỏi các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, có nguồn kinh phí lớn hỗ trợ, mất nhiều thời gian để hoàn thiện và được quốc tế công nhận. Để các cơ quan quốc tế có thể thẩm định và đánh giá, chương trình giảng dạy và bài giảng cần được soạn bằng Anh ngữ hoặc một phiên bản bằng Anh ngữ.
Trước mắt, để tiết kiệm chi phí, chúng ta có thể sử dụng các chương trình giảng dạy và các bài giảng trực tuyến bằng Anh ngữ của một số trường đại học danh tiếng trên thế giới như sử dụng MIT OpenCourseWare (OCW) - học liệu mở của trường MIT bên Mỹ. Ngày 16/11/2005 –Vietnam Education Foundation (VEF), Bộ Giáo dục và Đào tạo và các công ty phần mềm Việt Nam đã công bố việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) để đưa học liệu mở OCW cho Việt Nam. Đa số các bài giảng dạng này đã được thu hình và soạn thảo kỹ lưỡng thành các video để sinh viên có thể xem lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên các chương trình này có nhược điểm là sinh viên không thể trao đổi trực tiếp với giảng viên trong video. Do đó, nếu chỉ có các bài giảng trực tuyến thì vẫn chưa đủ để sinh viên Việt Nam học tập một cách hiệu quả.
Kinh nghiệm giảng dạy ở Úc cho thấy, mô hình này cần có giảng viên chuẩn bị cho các việc khác liên quan đến bài giảng, tương tác trực tuyến với sinh viên để giải thích thêm cùng với các ví dụ minh hoạ, hướng dẫn sinh viên làm bài tập và tổ chức thi cử cho đúng với yêu cầu đề ra. Phương pháp kết hợp giữa học trực tuyến có hỗ trợ trực tiếp này được gọi là Blended learning hiện đang phổ biến ở Úc và hiệu quả hơn so với học trực tuyến thông thường. Trường Đại học FPT trong nước đang đi theo hướng sử dụng phương thức học tập tích hợp này.
Các giảng viên Việt kiều hiện đang giảng dạy tại các trường đại học trên thế giới đều có thể đóng góp cho mô hình này bằng cách làm việc với các giảng viên của các trường đại học trong nước để tổ chức cách giảng dạy và đánh giá, tham gia tương tác trực tuyến với sinh viên Việt Nam để lựa chọn và thay đổi cách giải thích, thêm các ví dụ và mô phỏng để chuyển tải thành công các khái niệm trong bài giảng đến tất cả các sinh viên Việt Nam.
Các giảng viên Việt kiều không nhất thiết phải có mặt ở Việt Nam. Ngoài ra các giảng viên này có thể giới thiệu thêm các chương trình giảng dạy trực tuyến xuất sắc ở các trường khác trên thế giới.
Giải pháp cho giáo dục đào tạo tại TP Hồ Chí Minh: Hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao
Trước hết, chúng ta nên thực hiện một cuộc khảo sát thống kê để có chi tiết cụ thể về việc các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp dạy học trực tuyến hay chưa? Đánh giá của các trường đại học Việt Nam về mô hình này như thế nào? Thăm dò thị trường ở TP Hồ Chí Minh để biết quan điểm của các cơ quan tuyển dụng việc làm về việc đào tạo sinh viên theo mô hình này.
Sau khi phân tích những khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện, các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh và giảng viên người Việt ở nước ngoài tổ chức mô hình hợp tác giảng dạy và chọn học liệu mở, đồng thời lập thời khoá biểu làm việc trực tuyến để phù hợp với chương trình giảng dạy của đại học trong nước nhưng không ảnh hưởng đến công việc giảng dạy và nghiên cứu của họ tại trường ở các nước sở tại.
Theo quan điểm cá nhân, bước đầu chúng ta không nên chuyển đổi các lớp hiện tại sang các lớp học trực tuyến ngay, mà nên để cả hai hình thức làm cơ sở so sánh và hỗ trợ cho nhau. Sau mỗi học kỳ đều có đánh giá cụ thể về mô hình bằng cách thu thập ý kiến của các giảng viên và sinh viên.
Việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên giảng dạy trực tuyến là cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất để đưa việc giảng dạy bậc đại học ở TP Hồ Chí Minh ngang tầm quốc tế và được thế giới công nhận.
Trao đổi, tương tác giữa thầy cô và bạn bè làm tăng khả năng thích ứng và hội nhập của sinh viên quốc tế |
Thành lập và tài trợ chương trình hoặc dự án cho các nhà nghiên cứu Việt Nam xuất sắc trên thế giới về nước làm việc thường xuyên
Hiện nay, một số giảng viên và nhà khoa học người Việt ở nước ngoài muốn làm việc trong nước nhưng chưa có điều kiện. Các sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài cũng thiếu cơ hội tìm việc làm ở TP Hồ Chí Minh do không phù hợp với khả năng được đào tạo, chỉ một số sinh viên trong số đó tìm được việc làm thích hợp ở nước ngoài.
Vấn đề này cũng xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, như tại Úc cũng có nhiều nhà nghiên cứu trình độ cao chọn làm việc tại Mỹ và châu Âu để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu do thiếu các cơ hội làm việc tại Úc.
Để khuyến khích và thu hút các nhà nghiên cứu xuất sắc trở về Úc làm việc, Chính phủ Úc đã thành lập một chương trình học bổng tương lai (Future Fellowships). Chương trình này giải quyết được vấn đề trên bằng cách cung cấp tiền lương trong bốn năm và tài trợ ngoài lương mỗi năm cho các nhà nghiên cứu. Chương trình này giúp tăng cường đáng kể nguồn nhân lực có năng lực nghiên cứu cao của Úc trong các lĩnh vực mang tầm quan trọng cấp quốc gia.
Để giữ chân các nhà nghiên cứu Úc và cả nước ngoài tiếp tục làm việc tại Úc, Chính phủ Úc thành lập chương trình Australian Laureate Fellowships. Chương trình này duy trì sự lãnh đạo và vai trò cố vấn trong việc xây dựng năng lực nghiên cứu cạnh tranh quốc tế của Úc. Những nhà nghiên cứu trong chương trình này sẽ có chức danh giáo sư tại các trường đại học Úc với mức lương tương xứng và các phụ cấp ngoài lương.
Các chương trình tương tự như của Úc nếu được thành lập ở TP Hồ Chí Minh, sẽ tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu xuất sắc và uy tín người Việt trên thế giới có cơ hội làm việc thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh, hợp tác với các nhà khoa học trong nước,thành lập các trung tâm nghiên cứu nhằm phát triển nguồn nhân lực cao và xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu trẻ tại TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp các yêu cầu về giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội, giao thông, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Thành phố; các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu, đề nghị các giải pháp và gửi hồ sơ đến ban quản lý chương trình để xét duyệt tài trợ cho các dự án khả thi sau khi có thẩm định của Thành phố.
Trong thời đại của khoa học và công nghệ, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của các địa phương cũng như TP Hồ Chí Minh. Đây là khâu đột phá trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố nếu muốn trở thành đầu tàu trong mọi lĩnh vực.
PGS - TS Trần Tất Đạt
Đại học Canberra, Australia