Một chuyến về quê
|
Tìm về một kỷ niệm khá xa xưa nhưng thường xuyên được nhắc nhở bởi một tấm ảnh duy nhất. Tấm ảnh bà ngoại bồng một đứa cháu gái mới ba tháng tuổi, ngồi trước cửa nhà, cách đây đã mấy chục năm. Can đảm vì tôi muốn tìm ra mộ bà ngoại, thắp cho bà một nén nhang, nhưng không biết chung quanh sự việc đó sẽ xẩy ra những gì. Sự chia cắt ba miền Bắc Trung Nam của lịch sử từ những năm 45, 54, qua 75 cho đến giờ còn để lại nhiều vết thương chưa hàn gắn hết. Thế hệ tôi vẫn hoài trăn trở với những vết thương ấy. Các thế hệ sau, có khi vết thương còn mở, nhưng sẽ được quên đi theo thời gian, đó cũng là một hy vọng để tạo ra một mẫu số chung mới cho người dân Việt.
Người Việt có một sự gắn bó rất sâu đậm với "quê" mình. Dù phải "tha phương cầu thực" nhưng ai không về quê được một lần trong năm, nhất là về quê ăn Tết thì rất tủi thân tủi phận. Quê mình đây không những chỉ là một nước Việt Nam như ở nước ngoài nhớ về quê hương. Quê mình đây là một nóc nhà, một xóm, một thôn, một làng ở một nơi xa xôi tận cùng ngóc ngách, trên núi cao, trên một hòn đảo giữa biển khơi của đất nước. Quê mình đây là một cái góc nhỏ bé nơi mình sinh ra, nơi cha mẹ, ông bà tổ tiên yên nghỉ trên vài thước đất. Người ở đâu, Hà Nội, Sài Gòn, Huế…, đều náo nức về "quê". Một cây chuối cũng nhớ, một gốc si cũng nhớ, một dàn hoa bí cũng nhớ…con sông, chiếc đò ngang, cánh rừng, chân đồi, vách núi, đường làng, ven ruộng, bờ ao…cái nhớ nhung cứ gắn chặt với một hình ảnh thân thiết. Mỗi người lại có nhiều "quê", quê của riêng mình, quê nội, quê ngoại, quê chồng, quê vợ…quê nào cũng gợi đầy yêu thương.
|
Tôi tìm về quê nhưng không có hình ảnh, chưa bao giờ thấy quê mình, cái nhớ thương chỉ gắn với hai chữ "bà ngoại". Bà ngoại bồng ẵm tôi cho đến năm 1954 thì có hiệp định Geneve chia cắt nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, trên con sông Bến Hải. Trong khi luồng sóng di cư vào Nam 1954 đang nổi lên, thì bà ngoại lại “cá lội ngược dòng”. Bà lên tàu biển từ Nam về Bắc, xuống cảng Hải Phòng, bỏ lại con gái và cháu ngoại trong Nam để về với cậu con trai út. Chắc hẳn bà không nghĩ đó là lần chia tay vĩnh viễn đâu. Má tôi kể, bà mớm cơm cho cháu ăn, nhưng bà ăn trầu, nên cơm mớm toàn có mùi trầu cay, đứa cháu ngoại cứ phun ra phì phì, lắc đầu, giẫy nẩy, tụt lên tụt xuống, không chịu ăn. Kỷ niệm chỉ có thế nhưng tại sao tôi thương bà mãi? Có phải vì khi càng lớn tuổi, càng gần đất xa trời, ở cái tuổi mà nhà Phật gọi là "tuổi sám hối", thì con người tìm về những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu, tuổi trẻ, dù thời gian đã qua lâu? Người ta bảo "xa mặt cách lòng", câu ấy không phải lúc nào cũng đúng, nhiều khi, nếu là tình yêu thương thật sự thì khi xa nhau lại thương nhau sâu đậm hơn. Xa mặt cách lòng chỉ là những người ham mới nới cũ.
Nhưng bà ngoại ở đâu trên miền Bắc? Khi biết quê ngoại ở Thái Bình, thì ở đâu ở Thái Bình? Khi biết quê ngoại ở Kiến Xương, thì ở đâu ở Kiến Xương? Một huyện rộng lớn có đến cả 36 xã, một thị trấn Thanh Nê, với tổng cộng 223.179 nhân khẩu thống kê năm (thống kê năm 2008)? Bà ngoại ở xã nào? Người ta khuyên tôi về tận xã rồi hỏi ở xã. Nhưng mà hỏi ai? Tôi lại đi hỏi loanh quanh, hỏi "ai"? Rồi tôi tự hỏi tôi, tìm về hay không tìm về?
Một buổi sáng trời mưa lâm râm ở Hà Nội, xe đến đón tôi đi "chơi". Hôm qua tôi đã dặn dò chủ xe các điểm muốn đến, đồng thời cũng trấn an anh tài, để anh ấy không ngại việc khó, rằng tìm được thì tốt, bằng như không tìm được thì đi về thôi, không sao cả.
Trực chỉ hướng Kiến Xương, xuyên qua trung tâm Thái Bình tôi ngỡ ngàng khi thấy đây là một thành phố rộng lớn, bằng phẳng, đường dọc đường ngang, vài cái khách sạn hoành tráng loại ba bốn sao, vài nhà hàng thật to sang trọng chứng tỏ nơi này có giao tiếp giao lưu rộng rãi. Hai bên đường là những hàng nhà đúc hai tầng, ba tầng như những đường phố trong Sài Gòn. Cái chưa có hình ảnh không tưởng tượng được đã tựu thành một hình ảnh ngạc nhiên.
|
Từ đường lớn rộng, anh tài rẽ xuống một đường nhỏ phía bên trái, chỉ đủ một xe đi, càng vào bên trong, mặt đường càng hẹp lại. Xuyên qua một thôn, người ta lại chỉ phải băng qua cánh đồng, vào thôn bên kia đồng. Nhà quê ở đây cũng làm tôi ngạc nhiên, không thấy mái tranh vách đất nền đất nện nữa, mà toàn là nhà ngói, nhà đúc, có tầng lầu. Có nhà đơn sơ, nhưng cũng là nhà đúc, nền lát gạch hoa. Một thôn có khoảng 1.800 nhân khẩu, nhỏ hơn thôn là xóm, như thế một thôn ở đây còn lớn hơn một làng ở bên Pháp, có làng ở Pháp chỉ có mấy chục dân, lèo tèo chục cái nóc nhà. Lớn hơn thôn là xã, dân số có đến mấy ngàn người, bằng một thị trấn ở Pháp.
Thấy đường càng lúc càng hẹp lại, từ đường trải nhựa chuyển sang đường đất, hai bên khin khít nhà cửa, chồng tôi lo lắng cái xe to đùng này sẽ không chạy tiếp được nữa. Loanh quanh một lúc, anh tài mừng quá khi thấy trước mặt, bên trái có một cái nhà to sơn mầu vàng như một cơ quan hiện ra. Anh ấy dừng lại ven đường, xuống xe, chào một cụ bà đang ngồi chơi với cháu trước cửa nhà, hỏi thăm về người muốn tìm. Cụ bà ngước mắt lên trời, cái tên nghe quen quá mà không nhớ chính xác ở đâu, tên xã tên thôn thì là ở đây, nhưng có thay đổi rồi, phải biết chính xác hơn, hướng nào? Nam? Trung? Bắc? Anh tài ngẩn người. Anh bảo tôi, cô với cháu đi vào đây hỏi đi, hy vọng người ta biết.
Tòa nhà màu vàng đó chính là Ủy ban. Nhưng chúng tôi bị chặn ngay khi vừa vào cửa. Anh gác cổng hỏi đi đâu? Tôi đi tìm người nhà, có ai biết làm ơn chỉ dùm. Anh ta cho chúng tôi vào ngồi đợi trong cái nhà gác nhỏ xây ngay bên trái của cổng vào.
Lát sau, một người mặc đồng phục xanh ve ra tiếp chúng tôi. Ông này tuổi hơn trung niên, tóc đã điểm bạc, nước da sạm nắng đen sậm, tôi mừng thầm, chào ông và trình bày vấn đề. Thấy ông cười tươi, tôi đoán là đã đến trúng "ổ". Ông ấy vẫy người trẻ khi nãy, bảo đi tìm ông trưởng tộc dòng họ ấy trong làng đến đây. Mới chừng mấy phút sau, một cụ ông tóc gần bạc trắng, còn nhanh nhẹn, sáng sủa, mặc áo com lê, đeo kính, thong thả đạp xe đạp đến. Cụ trưởng tộc nghe tôi hỏi tên rồi nói, đúng đấy, cái nhà ấy còn có ở đây, còn có hai gia đình. Bác mặc đồng phục xanh lại bảo anh trẻ đi tìm ngay hai người nêu tên đến đây. Thấy bác ấy cứ tủm tỉm cười, tôi không hiểu tại sao có gì vui.
Chỉ vài phút sau, hai người nêu tên xuất hiện. Hai khuôn mặt, mới đầu là ngạc nhiên, nhìn trân vào tôi, sau thì mừng rỡ, xúc động, đúng là chị rồi, không sai đâu được, chị giống mẹ chị như đúc.
Chân thấp chân cao, tôi hấp tấp theo hai người gia đình bên ngoại mới gặp về "quê". Đường về quê tôi dọc một con lạch nhỏ, có vài chiếc đò nằm không dưới nắng. Trên bờ có hàng cây xanh che nắng, bên phải là dãy nhà ở, xem cũng bề thế lắm. Đường đã nhỏ, lại quẹo vào một lối nhỏ hơn, như vào xóm, vắng vẻ. Những người trong gia đình đã xôn xao, sốt ruột, không biết có chuyện gì, đang đứng đợi ngoài cổng nhà.
Thế là tôi đã về đến tận nhà bà ngoại tôi, quê ngoại tôi. Một căn nhà cũ, xây từ thế kỷ 19, hai gian ngang, ngói đỏ đen thẫm. Chung quanh cái nhà cổ ấy là các nhà của các em con cậu tôi, cao hơn, to hơn, mới hơn, đẹp hơn. Lại còn có một nhà ba gian lợp ngói đỏ, hiện dùng làm nhà thờ tổ tiên. Trước nhà thờ, trong sân có một cây na, dưới gốc cây là vườn rau sạch. Việc đầu tiên hết là gia đình cho tôi vào thắp hương bàn thờ tổ tiên, có ảnh của bà ngoại và những người thân đã khuất. Tôi không kịp ghi nhận chung quanh, không kịp nghĩ, không kịp nghe người nói bên tai… chỉ nghe tim mình đập, đường xa chi mấy cũng về, bà ngoại ơi. Tiếng cậu em tôi khấn tổ tiên nghe rất cảm động, xin thưa với ông bà tổ tiên, hôm nay có chị... tìm về quê ngoại...
Chúng tôi lên xe đi đến nghĩa trang chỉ cách nhà chừng hơn 2, 3 cây số, nằm ngay sát ven con đường hẹp, chung quanh là đồng ruộng bằng phẳng. Anh tài đậu xe trên một góc ruộng khô kiên nhẫn chờ. Mới bước vào khu đất nghĩa trang, cỏ xanh dày, lá to sắc cạnh mọc kín, thì chân còn khô, được hai ba bước thì phải bước vào những vũng nước như vũng bùn, mặt đất không bằng phẳng, như là một mảnh ruộng gò thấp gò cao trũng nước. Có chỗ chúng tôi phải leo lên ven mộ của người khác để đi tiếp, rồi bước qua tường thấp này, nhảy xuống góc đất kia, tìm những cái ụ khô ráo để đặt chân lên.
Vất vả lắm gia đình mới tìm ra đúng mộ. Đó là một khuôn đất nhỏ hình chữ nhật, mấy thước vuông, cỏ xanh mọc kín, có bờ tường thấp chung quanh và một tấm bia dựng trên một bờ tường. Tôi phải cao chân bước qua bờ tường, đi xăm xăm đến một góc, thấy có một ụ cao khô ráo, tôi bèn lên đấy đứng.
Người em trong gia đình chỉ tay xuống chân tôi, đó, đúng chỗ đấy, chị đang đứng trên mộ của bà ngoại.
Tôi cúi xuống nhìn, hóa ra những cái ụ đất cỏ mọc xanh rì đó là những nấm mộ, không có bia, không có tên tuổi. Bà ơi, đúng là bà dắt con về tận nhà và về tận mộ bà! Bà thấy cháu bà hỗn không?
Những ngôi mộ chỉ là một ụ đất phủ cỏ xanh làm cho tôi chợt nhớ hai câu thơ của cụ Nguyễn Du, "Sè sè nấm đất bên đàng/ Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh". Nhưng tôi không buồn, mà cảm thấy mình toại nguyện mơ ước, dẫu gì thì cũng đã lặn lội về tận quê ngoại. Những cánh bưu thiếp khi xưa, "Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam…*, bay từ Nam ra Bắc, bay từ Bắc vào Nam, qua một sự nghìn trùng xa cách vì biên giới còn là vĩ tuyến thứ 17 nơi con sông Bến Hải, sao thấy xa xôi vô cùng, cách biệt không thể vượt qua. Còn viết cho nhau được hai dòng chữ hỏi thăm ngắn ngủi, nhưng đến chết cũng không còn được trông thấy lại nhau. Ngày hôm nay, tôi đã đi bộ qua cầu Hiền Lương, đứng ngắm dòng nước chảy xiết trên sông Bến Hải, phong cảnh hai bên bờ với cột cờ, chòi gác canh, loa phóng thanh… vẫn còn gợi một điều gì đó gợn gợn sợ sợ, nhắc nhở người phải biết và cố gắng gìn giữ hòa bình. Về Bắc, về quê, nghĩ thì thấy xa xôi vạn dặm, nhưng khi về đến tận quê ngoại ở Thái Bình thì tôi thấy đường về quê chẳng có khó khăn chi cả, cứ thênh thang.
Đã nhiều cái Tết tôi và chồng lang thang từ khách sạn này sang khách sạn khác trên quê hương rộng lớn, chạnh lòng thấy người ta ăn tết còn mình thì không. Nhưng Tết này, dù không về, tôi sẽ thả hồn mơ mộng về quê ngoại, nơi có một mái nhà cũ và một ụ đất xanh cỏ nơi bà ngoại yên nghỉ. Thái Bình đọng lại trong tôi với hình ảnh ấy.
Mãi sau tôi mới được biết, cái bác cứ tủm tỉm cười ấy là cháu rể của gia đình.
©Mathilde Tuyết Trần (Pháp)
Trích “Từ Lũng Cú đến Đất Mũi”, Hồi ký du lịch, France 2013
• Bài hát Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu, viết năm 1955