A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Miền ký ức

Bức tranh quê hương ngày Tết trong tôi như một kiệt tác nghệ thuật, và con người chính là nét vẽ hoàn hảo cho kiệt tác nghệ thuật ấy. Đúng là “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Dù mới đi 8 năm, cũng đã trở về 4 lần, tôi vẫn cứ rạo rực khi ba mẹ kể chuyện về quê hương, làng xóm của mình, như là khám phá đầu tiên, như là những gì rất mới lạ. Vẫn bâng khuâng mỗi lần trở về gia đình, bồi hồi như buổi đầu hò hẹn của mối tình trong trắng thuở học trò.


Múa lân ngày Tết


Một buổi chiều Đông đầy trời tuyết trắng, tôi ngồi một mình nhâm nhi tách café trên tầng thứ 5 tại ký túc xá Đại học Lâm nghiệp ở trung tâm Xanh-Petecbua. Bỗng tôi nhận được cuộc gọi mã vùng +84... đó là cuộc gọi từ quê nhà.

- Con à, mẹ đây, Tết này có về không con?”

Tôi giật mình, sắp đến Tết rồi sao?

- “Mẹ à, Tết này con không về được rồi!”

Chợt lặng đi vì câu nói của chính mình. Đã bao lâu rồi tôi không về, đã bao lâu rồi tôi không được gặp lại để xà vào lòng mẹ như hồi còn thơ bé, và bao lâu rồi tôi không được sum vầy cùng gia đình đón Giao thừa đêm 30. Một phút chạnh lòng thoáng qua, len nhẹ vào nơi yếu đuối nhất trái tim, kéo tôi trở về với miền ký ức của những ngày thơ dại.

Trong tâm niệm của tôi, nhắc tới Việt Nam là nhắc tới những gì thân thương, ruột thịt nhất – nơi tôi sinh ra, lớn lên, nơi tôi có cả một đại gia đình, nơi tôi có một tình yêu, và nơi tôi để lại một tâm hồn da diết. Đất nước tôi có truyền thống văn hóa thật đáng tự hào, những phong tục tập quán đặc sắc và Tết Nguyên đán là một trong số đó. Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của chúng tôi, cho dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tết Nguyên đán vẫn giữ nguyên nét truyền thống đặc trưng.



 Đi chợ quê


Dù ở đâu, làm bất cứ nghề gì, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, ai cũng tha thiết mong trở về sum họp với gia đình, đón một cái Tết ấm cúng, quên đi những lo toan của cuộc sống thường ngày. Tết như cái bản lề khép lại năm cũ và mở ra một năm mới với những ước vọng về một cuộc sống an lành hơn, sung túc hơn.

Ngày xưa, mỗi lần rậm rịch chuẩn bị Tết, các bà, các mẹ đã giâm mấy bụi dong để gói bánh chưng đón năm mới. Và quả thực Tết sẽ mất đi vẻ truyền thống nếu như thiếu mùi bánh chưng. Tôi nhớ lại cái cảm giác mấy anh em quây quần rải ổ rơm dưới bếp để canh nồi bánh từ tối đến sáng. Ánh lửa bập bùng, lấp lánh trong ánh mắt trẻ thơ, hơi khói bốc ra là lúc bánh đã đưa ra ngoài mùi thơm của gạo nếp, của lá dong. Thật tuyệt vời ấm áp làm sao! Hạnh phúc có ở đâu xa xôi, hạnh phúc chính là những điều bình dị như thế. Tôi nhớ cả những đêm Giao thừa hàng năm, người người, nhà nhà nô nức kéo nhau lên đình chùa, miếu gần nhà để thắp hương và hái lộc, chọn những cành cây tươi có chồi non để hái. Quan niệm của người dân quê tôi là một năm bắt đầu từ mùa Xuân, nên để bắt đầu một năm mới sẽ chọn những cành cây đang đâm chồi nảy lộc, như thế mới may mắn. Đồng hồ điểm Giao thừa, tiếng trống mạnh mẽ trầm hùng từ đình làng, tiếng chuông nhà thờ ngân vang, đánh dấu một năm mới đã đến mang theo một luồng sinh khí mới. Thời điểm giao thoa giữa năm mới và năm cũ, thời điểm con người giao hòa với thiên nhiên, mọi người kéo nhau về nhà, người đàn ông có tuổi hợp với gia chủ sẽ được mời đến xông nhà ngay sau thời khắc Giao thừa. Và một bữa cơm cúng sang canh được bày ra, mọi người nâng ly rượu để chúc nhau một năm mới hạnh phúc. Cùng nhau thưởng thức những món ăn do mẹ tự làm, kể chuyện rôm rả cho nhau nghe về những gì đáng nhớ của năm đã qua. Sáng Mồng Một, mọi người thắp hương tổ tiên rồi đến từng nhà anh em hàng xóm chúc tụng, trẻ con thì được lì xì, người lớn thì nâng chén rượu làm lời chúc.


Đón năm mới tại trường Đại học Kỹ thuật lâm nghiệp Xanh-Petecbua


Người Việt theo quan niệm “Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”. Đi thăm nhau trong ngày Tết là thể hiện sự trân trọng, yêu quý lẫn nhau, chúc nhau sức khỏe thành đạt trong năm tới, mời nhau ly rượu, chén trà ngày Tết cũng khác ngày thường. Chậu mai vàng, hoa đào, kim quất hay mùi trầm hương đốt trong đêm Giao thừa tạo nên hương sắc Tết thật đặc biệt, đặc trưng của Việt Nam mà không  giống với bất cứ cái tết của quốc gia nào. Ngày Tết mang lại sự khởi đầu mới, bỏ lại những gì không hay, không đẹp của năm cũ, nên mọi người vui vẻ độ lượng với nhau. Người ra đường gặp nhau, chúc nhau những lời chúc tốt lành sẽ đến trong năm tới, trong lòng người nào cũng tràn ngập hoài bão hạnh phúc và vạn sự như ý. Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa của người Việt và vẫn mãi được gìn giữ và tồn tại trong những con người đất Việt. Nhà giàu thì tổ chức theo kiểu nhà giàu, nhà nghèo thì tổ chức theo kiểu nhà nghèo, nhưng dù giàu hay nghèo thì những người dân quê tôi cũng tổ chức đón được một cái Tết sum vầy, ấm áp, thắm đượm nghĩa tình và không bao giờ đánh rơi được cái hồn trong Tết của người Việt.

Tôi nhớ để có được cái Tết như vậy, ngay từ tháng Hai, tháng Ba, các mẹ, các chị đã cho ấp mấy đàn gà để ăn Tết hay để bán đi mua quần áo mới cho lũ trẻ, tháng Mười mùa gặt lại lo dành riêng loại gạo, loại đỗ chất lượng tốt nhất để gói bánh, đầu tháng Chạp tất bật nén một vại dưa hành và “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” đã đi vào Tết Việt như thế đó. Tết nay, khi nền kinh tế đã phát triển, những lo toan đã giảm bớt thì những ngày Tết chính là dịp để nghỉ ngơi, gia đình đoàn tụ, găp gỡ bạn bè…

Bức tranh quê hương ngày Tết trong tôi như một kiệt tác nghệ thuật, và con người  chính là nét vẽ hoàn hảo cho kiệt tác nghệ thuật ấy. Đúng là “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Dù mới đi 8 năm, cũng đã trở về 4 lần, tôi vẫn cứ rạo rực khi ba mẹ kể chuyện về quê hương, làng xóm của mình, như là khám phá đầu tiên, như là những gì rất mới lạ. Vẫn bâng khuâng mỗi lần trở về gia đình, bồi hồi như buổi đầu hò hẹn của mối tình trong trắng thuở học trò. Ai cũng nghĩ những người sống ở nước ngoài là cách tân, nhưng hình như lại là những người hoài cổ nhất. Hình ảnh quê hương ăn sâu vào tâm trí mỗi người là cái gì mộc mạc nhất, đơn sơ nhất. Bỗng dưng, tôi thấy mắt mình cay cay. Gần mười năm rồi vậy mà trong tôi vẫn trinh nguyên cảm giác ấy. Khi đó lại tự an ủi mình rằng thôi ra đi đơn giản là để được trở về. Trở về với những hiểu biết đầy ắp, với những năm tháng sống ý nghĩa, khi đó đời sẽ nở hoa và tôi lại có những cái Tết ý nghĩa hơn!

Cuối năm, đó là thời khắc mang nặng tâm tư nhất của người xa xứ. Phải chăng khi vất vả học tập tôi không có thời gian để nghĩ nhiều về những thứ khác, nhưng khi có thời gian thì mọi nhớ nhung trào dâng trong lòng Ly cafe sao càng uống càng thấy đắng. Nó giống như tôi đang uống từng giọt nước mắt nhớ nhà. Tôi đặt tay lên bàn phím để cố gắng hoàn thành bài báo khoa học, nhưng chẳng hiểu sao lại gõ hai chữ "Nhớ Nhà"... Chỉ biết cầu chúc cho mọi người ở nhà đều được bình an, mạnh khỏe. Lòng tự nhủ “dù đi đâu, dù làm gì thì trái tim tôi luôn mang theo Người - Việt Nam - Quê hương - Tình yêu tôi”.  

Nguyễn Văn Lộc (LB Nga)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu