Ký ức tuổi thơ mãi đẹp
Mấy chục năm xa quê nhưng hương vị của món canh ấy vẫn như đọng trên đầu lưỡi, thấm vào vị giác, in đậm trong ký ức cả một trời nhung nhớ! Mỗi lần về thăm quê, các em lại nấu cho tôi món canh tép dầu búp sắn khiến tôi rơi lệ, nghẹn ngào thương nhớ bố mẹ đã khuất núi, nhớ một thời khốn khó mà gia đình đầm ấm biết bao! Đầm Vạc và gia đình thân yêu hiển hiện trong những giấc mơ xa xứ.

Hơn 33 năm xa xứ, nỗi nhớ quê hương thêm khắc khoải trong tim! Nhớ nếp nhà xưa có hình bóng cha lui cui sửa đồ điện, nhận gò hàn kiếm thêm thu nhập; có dáng mẹ tảo tần sau những buổi tan ca lại tranh thủ làm vườn nuôi con lợn con gà, lo cái ăn cái mặc cho đàn con nhỏ!
Bố mẹ tôi đều là công nhân Nhà máy nước của thị xã Vĩnh Yên. Nhà tôi ở đầu con đê dẫn ra trạm bơm nước của nhà máy giữa Đầm Vạc. Những rặng tre xanh mọc giữ hai bên thân đê được bao quanh bởi những ruộng lúa, ruộng rau. Trước mặt nhà tôi là một cái ao nhỏ, cách vài ruộng rau, ruộng lúa là ra tới đầm. Hồi đó bố mẹ rất sợ chúng tôi nhỡ sẩy chân là đuối nước như chơi. Ấy vậy mà ơn trời lũ trẻ chúng tôi đều lớn lên bình an vô sự. Không những thế, tôm tép cua ốc trong ao đầm đã góp phần nuôi chúng tôi khôn lớn. Khi thì cất vó được tôm tép, khi thì mò trai ốc hến. Đòng đong, cân cấn thường kho với búp ổi hơi chát nhưng càng nhai càng bùi rất đưa cơm. Tôm rang khô ăn với cơm trắng nuôi lũ trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Cua giã bằng cối đá, lọc lấy nước nấu canh rau đay, mùng tơi kèm đĩa cà pháo trắng muốt, giòn tan làm bữa cơm trưa hè bớt oi bức. Ốc đá, ốc vặn, ốc nhồi... nấu với chuối xanh thêm ít tía tô hoặc lá lốt cũng thơm ngon lắm lắm. Trai ốc hến luộc lên làm sạch rồi nấu canh, xào với lá lốt hoặc nấu cháo tía tô rau răm thì miễn chê, người ốm ăn vào thấy nhẹ nhõm, khỏe liền. Nhà đông người, chị em tôi thường cố gắng giúp mẹ làm việc vặt. Có lần tôi ham theo cô bạn cùng xóm mò trai hến trốn ngủ trưa. Trời nắng chang chang, khi về thu hoạch được rất nhiều mà vẫn bị mẹ tôi nện cho một trận nhớ đời...
Lại nhớ, chẳng biết từ bao giờ có câu truyền miệng
"Ăn cỗ chín lợn mười trâu
Không bằng ăn tép dầu Đầm Vạc".
Con tép Đầm Vạc trưởng thành thân trắng muốt, có con cả bụng trứng, lấp lánh dưới ánh mặt trời và béo ngậy, bỏ đầu rút ruột rồi kho tương rất tuyệt. Vĩnh Yên còn có món canh đặc sản đó là tép dầu nấu với dưa muối từ búp sắn. Món ăn dân dã của người nghèo có thể rất kỳ cục với ai đó nhưng lại chính là một phần không thể thiếu được trong bữa cơm của gia đình chúng tôi thời tem phiếu “gạo quế, củi châu”.
Mấy chục năm xa quê nhưng hương vị của món canh ấy vẫn như đọng trên đầu lưỡi, thấm vào vị giác, in đậm trong ký ức cả một trời nhung nhớ! Mỗi lần về thăm quê, các em lại nấu cho tôi món canh tép dầu búp sắn khiến tôi rơi lệ, nghẹn ngào thương nhớ bố mẹ đã khuất núi, nhớ một thời khốn khó mà gia đình đầm ấm biết bao!
Đầm Vạc và gia đình thân yêu hiển hiện trong những giấc mơ xa xứ. Hình ảnh mẹ dắt xe cho tôi tập đi trên con đê vào những đêm trăng sáng. Hình ảnh bố nạp ắc quy mà tôi cứ loay hoay bên cạnh để xem bố đổ nước vào bình ắc quy như thế nào, ngắm cực âm cực dương nó tròn méo ra sao... Nhớ ngôi nhà bên lũy tre xanh, giàn bầu sai lúc lỉu, đu đủ chín vàng, có cây đu đủ đực ra hoa thì dùng làm thuốc trị ho rất dễ chịu; mấy cây ổi quả không kịp lớn vì chị em tôi hái từ lúc “nó chưa kịp mọc mũi sủi tăm”, cây sung sai trĩu quả cùng tiếng cá đớp trái chín quẫy động ao bèo... Ký ức tuổi thơ lung linh, sống động và đẹp biết bao. Mảnh đất đã nuôi chị em tôi khôn lớn, nuôi dưỡng tâm hồn tôi mãi nhớ về một miền quê thắm đượm tình người, tình đất!!!
Đỗ Thị Hoa Lý (Ucraina)