A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức chiều Quê

Quê hương như một phần nào đó trong cơ thể mỗi con người chúng ta không thể tách rời. Mặc dù hai chữ quê hương rất trìu tượng và mông mang lạ thường.

Chiều nay tôi và mấy người bạn thân của anh về thăm quê, thăm quê hương của anh nhân sự kiện Ban làm đình bàn giao công trình Đình làng cho lãnh đạo thôn quản lý và sử dụng. Một buổi chiều cuối hè nhưng cái nóng của vùng đồng bằng Bắc bộ vẫn còn như thiêu như đốt, chúng tôi từ Hà Thành trở về thăm Hải Dương - một tỉnh không xa mấy với Thủ đô. Dọc đường 5, con đường huyết mạch của nền kinh tế phía bắc Việt Nam như đặc quánh với dòng người, dòng xe cộ lưu thông trên đường. Ngày này của năm xưa chắc chắn khác lạ nhiều lắm bởi đường vẫn nhỏ, vẫn gồ ghề, và dòng người, phương tiện lưu thông còn rất thưa thớt, nghèo nàn nhưng bây giờ đổi thay, sau gần 2 giờ đồng hồ xe chúng tôi đã về đến Thành phố Hải Dương và từ Hải Dương đi huyện lẻ Tứ Kỳ.

Nắng chiều đã phôi phai nhạt dần trên con đường tỉnh lộ 191, hai bên đường là những cánh đồng lúa đang thì con gái, gió vờn trên lúa như sóng biển hôn nhẹ bãi cát dài, và thỉnh thoảng ven đường một vài đụn khói lơ lửng bay lên như hòa quyện với không gian thoáng mát của buổi chiều thu sắp đến, một cảm giác thật say lòng người. Trên con đường thảm bê tông từ đường quốc lộ 191 rẽ về làng anh, làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, anh nói quê tôi đó, một làng quê thật nghèo của những năm xưa bây giờ đã thay da đổi thịt, những cảnh nhà tranh vách đất không còn nữa, có chăng chỉ là những kỷ niệm của một thời dĩ vãng và những người trạc tuổi như anh - cái tuổi “Ngũ Thập Tri Thiên Mệnh” ngoài năm mươi trở lên mới cảm nhận và hiểu sâu sắc về quá khứ, vị lai.

Nhìn anh tôi chợt thấy lòng mình như đang đồng cảm với anh, cũng bồi hồi khắc khoải khi trở về quê, mặc dù trên con đường này anh đã đi đi, về về nhiều lần. Anh nói, ngày xưa con đường này là con đê nhỏ, bên cạnh là con mương đào mang nước từ hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải về tưới nước cho xã tôi, làng tôi. Trên con đường này cũng biết bao kỷ niệm của tuổi thơ tôi và bạn bè cùng trang lứa, nơi đây là nơi chốn bắt cua, mò cá sau những chiều tan học. Và những ước mơ thật nhỏ nhoi là có tiền để mua được một cái dậm nhất, dậm nhì để đánh bắt con cua cái tép nhanh hơn, và nếu có được nó cũng là niềm kiêu hãnh tự hào với đám choai choai trong làng.

Anh nói, cũng con đường này đây từng ổ gà ổ voi và những con lươn sống trâu gồ ghề trên mặt đường đã ghi dấu chân anh những khi trời mờ sáng và những khi chiều buông mờ đất. Trên vai anh, một cậu bé hơn mười tuổi đang dò dẫm gánh bánh chưng đi bỏ mối cho các quán dọc đường quốc lộ 191, bởi mẹ anh, người đàn bà tần tảo làm hàng quà nuôi ba đứa con nhỏ ăn học khi chồng mất sớm. Thật lạ thay khi anh kể chuyện xưa mà tôi thấy cay cay hai mắt. Anh nói nhà làm bánh mà không có bánh ăn, và nhiều cái tết nhà anh cũng không có bánh. Một nghịch lý cuộc đời mà là sự thật của thôn quê ngày xưa. Nhà nghèo không có lưng có vốn, sáng mua nợ gạo về làm hàng ngày, hôm sau phải trả, và cái cảnh mua nợ thì bao giờ giá cũng cao hơn nên lời lãi không đủ ăn lại còn luôn gặp những hôm trời không thương, mưa nắng thất thường, hàng quà ế ẩm phải bán đổ bán tháo mà không thu hồi được vốn, lãi mẹ đẻ lãi con, mang tiếng là tiểu thương mà cơm không đủ ăn. Nhớ mãi trong anh một cái tết không thể nào quên khi trên bàn thờ chỉ có nải chuối xanh sau vườn và mấy quả cam chua, không bánh chưng, không giò lụa…, nhưng anh đã xin được một cái vỏ bao thuốc lá Sông Cầu, cẩn thận dán lại như mới và để trên bàn thờ gia tiên cho hoành tráng với bè bạn. Nhưng rồi giấc mơ hoành tráng không trọn vẹn với cậu bé nhà nghèo khi mồng 2 tết ông chú qua chơi nhìn trên bàn thờ phát hiện ngay là bao thuốc lá rỗng tếch không ruột. Ông chú cầm xuống bóp nát và mắng cháu lừa dối gia tiên. Chú có biết đâu rằng nhà cháu nghèo nên chỉ muốn tạo một giấc mơ bé nhỏ cho riêng mình chứ không dám lừa gạt ai. Một thời đó mỗi gia đình có đủ chồng đủ vợ mà phải nuôi ba bốn đứa con cũng gian khổ lắm rồi, huống chi một mẹ nuôi ba đứa con thơ. Cũng từ đó ý chí làm giầu trong người anh được tích tụ và vun đắp.

Ngày ấy anh đi học, giấy viết bằng bao xi măng được ông chú mang từ Hải Phòng về cho, mực viết bằng lá xoan giã sau ba ngày không đổ đi là thúi mù lên. Cũng may là anh học giỏi nên có cơ hội cho bạn chép bài, nhà bạn khá hơn thỉnh thoảng lại có tiền mua que kem bán dạo. Anh cho bạn chép bài, bạn cho anh cắn miếng, nhưng bạn sợ anh cắn tham dùng con dao díp cắp vòng xung quang để làm chuẩn mực. Tuổi thơ thật diệu kỳ mặc dù phải đong đầy ngọt đắng cuộc đời. Nhưng tôi, anh và chúng ta luôn lưu giữ nó, nâng niu nó như một thứ bảo bối quí giá mang theo hành trang cuộc đời.

Xe đã vào tới sân đình, ước mơ của cả làng tôi sau 54 năm đình làng bị thực dân Pháp phá sập, nay đã được bà con, dân làng và những người xa xứ gom góp tiền của để xây dựng lại. Hôm nay cũng là ngày vui không kém ngày khánh thành Đình có các cụ hương thân phụ lão trong làng, và các vị chức sắc trong thôn, xã, huyện cùng tham dự. Đặc biệt có Nhà sử học Dương Trung Quốc và mấy ông nhà báo bạn anh cùng đi. Một bữa cơm chiều làng quê mà lại được ăn trong đình làng, thật tuyệt và tuyệt vời đến mức không tưởng.

Nhìn lại quá khứ một thời gian khó để ta ghi nhận và lưu giữ cho lớp trẻ ngày hôm nay, chúng ta không muốn con cháu mình phải quay lại ngày xưa và chắc rằng điều đó không và không bao giờ xẩy ra cho các thế hệ kế tiếp. Bánh xe lịch sử quay đi mãi, lớp người mới sẽ hơn lớp người cũ nhiều lắm. Ngồi bên tôi không còn là cậu bé đánh dậm hồi xưa mà là một nhà doanh nghiệp đã bươn chải trên nhiều nẻo đường của tổ quốc và những phương trời xa lạ để xây đắp cuộc đời. Mỗi công trình nhà máy, trường học do anh làm chủ đều thấm đượm tính nhân văn và giấc mơ làm giầu. Sự thành đạt của anh trong mắt bạn bè người thân là đáng quí, đáng trân trọng và là giấc mơ của nhiều người. Nhưng tôi biết cái giá phải trả cho sự thành công này của anh là quá lớn mà không ai định lượng được. Họa chăng người hiểu được điều đó là chính anh.

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2009
Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu