A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi khoác lên mình tà áo dài Việt

Cứ mỗi lần bước lên khán đài, dù trong bất cứ cuộc thi nào, tôi đều mặc áo dài. Áo dài mang đến cho tôi sự tự tin, trẻ trung và rất Việt Nam. Khi ấy, tôi nhận ra rằng mình đi thi không còn vì riêng cá nhân mình nữa mà trong tôi còn là trách nhiệm của dân tộc, bởi lẽ mỗi khi tên tôi được đọc lên đều gắn kèm dòng chữ “Thí sinh đến từ Việt Nam”.

Mười sáu tuổi, lần đầu tiên tôi khoác lên mình tà áo dài thướt tha, trắng muốt như sương mai. Tôi còn nhớ rõ cảm giác lâng lâng vui sướng khi soi mình trong gương, nhận ra mình dịu dàng và xinh đẹp hơn so với những ngày thường. Năm ấy, tôi mới chỉ là cô nữ sinh trung học. Tà áo dài nhắc nhớ tôi rằng tôi đã bắt đầu bước sang thời thiếu nữ.



Trong Tuần lễ văn hóa Quốc tế tại Đại học Trùng Khánh 


21 tuổi, lần thứ hai tôi khoác lên mình tà áo dài màu vàng chanh trong buổi lễ tốt nghiệp đại học. Tôi hân hoan vì mình đã trưởng thành và khôn lớn. Năm ấy, tà áo dài cùng tôi bước vào đời với những xúc cảm lo toan người lớn.

23 tuổi, lần thứ ba tôi mặc áo dài và lần này những cảm xúc trỗi dậy trong tôi không giống như những lần trước. Tôi 23 tuổi, thiếu nữ và dịu dàng hơn trong bộ áo dài màu xanh cốm được mặc nơi xứ người. Tà áo dài nhắc tôi nhớ đến quê hương, tà áo dài gợi cho tôi niềm tự hào dân tộc.


*****




Buổi khai giảng đầu năm tại Học viện Khổng Tử- Bắc Kinh 


23 tuổi, tôi bước chân sang Trùng Khánh (Trung Quốc) tiếp tục sự nghiệp học hành, theo đuổi ước mơ tìm kiếm một chân trời mới. Trong túi hành lý tôi mang theo khi rời Việt Nam có một bộ áo dài màu xanh cốm và một lá cờ Việt Nam. Đó là hai thứ mà tôi nghĩ mình sẽ không thể mua được khi bước chân đến đất nước Trung Hoa. Trong buổi khai trường đầu năm, tôi cùng với các bạn nữ lưu học sinh Việt Nam đã khoác lên mình tà áo dài Việt, dịu dàng thướt tha bước đi trước những ánh mắt trầm trồ khen ngợi của thầy cô và bạn bè quốc tế. Chúng tôi tự hào lắm vì mình là người Việt Nam.

Hơn một năm học tập và sinh sống tại Trùng Khánh, không ít lần tôi tham dự vào các cuộc thi do trường và thành phố tổ chức. Cứ mỗi lần bước lên khán đài, dù trong bất cứ cuộc thi nào, tôi đều mặc áo dài. Áo dài mang đến cho tôi sự tự tin, trẻ trung và rất Việt Nam. Khi ấy, tôi nhận ra rằng mình đi thi không còn vì riêng cá nhân mình nữa mà trong tôi còn là trách nhiệm của dân tộc, bởi lẽ mỗi khi tên tôi được đọc lên đều gắn kèm dòng chữ “Thí sinh đến từ Việt Nam”.  Khi tôi mặc áo dài, khi tôi giới thiệu với bạn bè quốc tế tôi đến từ Việt Nam, khi tôi cất lời hát một đoạn rất ngắn trong bài hát “Em ơi Hà Nội phố”, tôi bỗng thấy mình yêu Việt Nam hơn bao giờ hết. Không ít lần giám khảo hỏi tôi về nguồn gốc, xuất xứ của chiếc áo dài tôi mặc, lí do tại sao tôi lại chọn áo dài để mặc trong các cuộc thi? Tôi đã không do dự mà trả lời rằng đó chính là trang phục dân tộc của Việt Nam và tôi muốn thông qua nó quảng bá hình ảnh đất nước mình.

Tôi còn nhớ như in trong cuộc thi Hán ngữ dành cho lưu học sinh của trường Đại học Trùng Khánh hồi cuối tháng 10/2010, khi MC cất cao giọng thông báo: “Thí sinh mang số báo danh 08 đến từ Việt Nam đã đoạt giải nhất trong cuộc thi hôm nay”, tôi đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy mang tên quốc gia, mang tên Việt Nam, mang tên dân tộc. Tôi rạng ngời trong bộ áo dài đỏ bước lên khán đài nhận phần thưởng. Giây phút  ấy trong tôi tà áo dài trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Và tôi hạnh phúc vì mình đã làm được một điều dù rất nhỏ để giới thiệu với bạn bè thế giới về Việt Nam quê hương tôi.

Tôi yêu lắm hai câu hát trong bài “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng:  “Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu, Pari, Luân Đôn hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi…”. Áo dài Việt Nam cuốn hút những ánh nhìn trông theo và xao xuyến. Nhưng điều đọng lại sâu xa nhất trong tôi không còn dừng lại ở cảm giác hân hoan tự hào khi khoác lên mình tà áo đẹp mà thêm vào đó còn là niềm tự hào và tình yêu quê hương khôn xiết. Dù tôi có ở bất cứ nơi nào thì tà áo dài vẫn nhắc tôi nhớ rằng trong tim mình vẫn là cả quê hương, là tình yêu của tôi dành cho đất mẹ thân yêu không bao giờ phai nhạt, đổi thay.


Trùng Khánh, 01/01/2011

Thu Lan


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu