A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kể với các con về ngày Thương binh Liệt sĩ

Những sự hy sinh anh dũng nơi chiến trường hay thầm lặng giữa thời bình của các thương binh, anh hùng, liệt sĩ luôn là những tấm gương để thế hệ trẻ học tập về tinh thần dũng cảm, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.



Cháu từ Ucraina về thăm ông nội tại nghĩa trang liệt sĩ Đức Thọ - Hà Tĩnh

Mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ ” - ngày 27/7, trên đất nước Việt Nam lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa...”, lòng quý trọng, biết ơn đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

Những sự hy sinh anh dũng nơi chiến trường hay thầm lặng giữa thời bình của các thương binh, anh hùng, liệt sĩ luôn là những tấm gương để thế hệ trẻ học tập về tinh thần dũng cảm, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam có lẽ được biết đến nhiều nhất là ngày Tết cổ truyền, Trung thu..., những ngày lễ khác tham dự chào mừng, kỷ niệm hầu như chỉ có người lớn tham gia. Những câu chuyện giản dị mà gần gũi ngay trong gia đình mà cha mẹ kể lại cho con cháu nghe có lẽ là tốt nhất để thế hệ thứ hai, thứ ba thêm hiểu, thêm yêu và tự hào, gìn giữ truyền thống của dân tộc, ông cha mình.

Ông Phan Tiến Đồng - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam thành phố Kiev (Ucraina), Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Kiev - luôn tự hào khi kể về người cha thân yêu của mình. Liệt sĩ Phan Văn Thực – Đức Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh - đi bộ đội từ năm 1948, chuyển ngành sang công tác tại trường Sư phạm Hà Nội năm 1960 và tái ngũ năm 1965. Trong thời gian tham gia hai cuộc kháng chiến ông đã bị thương nặng khi làm nhiệm vụ quốc tế và ở thành cổ Quảng Trị, sau đó ông được chuyển về phụ trách Khu điều dưỡng thương binh tỉnh Hà Bắc. Tháng 8 năm 1980, trong kỳ nghỉ phép, trên đường về quê Đức Thọ – Hà Tĩnh thăm gia đình, gặp tai nạn đắm phà chở khách trên dòng sông La, ông đã lao mình xuống dòng nước để cứu người bị nạn. Sau khi cứu được nhiều người vào bờ an toàn, ông tiếp tục quay lại cứu những người khác, do là thương binh nên ông đã bị đuối sức và hy sinh khi mới ở tuổi 53 trong sự tiếc thương của gia đình, đồng đội và những người dân hai bờ sông La. Ông được Bộ Thương binh và Xã hội công nhận Liệt sĩ và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Thọ – Hà Tĩnh, bên những người đồng đội cùng quê hương của mình.

Ông Trần Văn Thư “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” là thương binh, Tổ trưởng dân phố khu nhà 36 Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Năm 1971, cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, miền Bắc dồn tất cả để chi viện cho miền Nam. Hưởng ứng phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” và “khi đất nước có chiến tranh thì cầm súng là bổn phận, cũng là danh dự của một thế hệ, một lớp người...”, lớp lớp sinh viên, học sinh tốt nghiệp cấp 3 đều “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.  Ông Trần Văn Thư khi đó là cậu cán bộ đoàn trường Hà Nội A thông minh, học giỏi, đã cùng các bạn tốt nghiệp cấp 3 gác việc học đại học sang một bên để viết đơn tình nguyện xin gia nhập quân ngũ vào Nam chiến đấu.

Sau khi huấn luyện, anh chàng tân binh trắng trẻo đẹp trai được biên chế vào đơn vị pháo binh và chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị trong khoảng thời gian cuộc chiến tranh khốc liệt nhất - 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ông bị thương khi đang chỉ huy khẩu đội Pháo chiến đấu. Vết thương vào đầu rất nặng, chấn thương sọ não, nhưng ông thấy mình vẫn còn rất may mắn so với những người đồng đội đã ngã xuống hàng ngày bên cạnh mình. Còn may mắn và kỳ diệu hơn nữa là ông đã được các chiến sĩ tải thương đưa ra Bắc để mổ gắp mảnh đạn pháo tại Bệnh viện Quân đội 108 – bệnh viện quân đội lớn nhất tại Hà Nội. Mặc dù phải mổ nhiều lần nhưng vẫn còn một số mảnh đạn pháo nhỏ không thể lấy ra hết và ông vẫn vui vẻ “đồng hành” với chúng suốt mấy chục năm nay.

Sau khoảng thời gian điều trị tại Bệnh viện 108, ông được chuyển về Khu An dưỡng Thương binh ở Mỗ – Hà Nội với mức thương tật nặng nhất. Với ý chí và nghị lực phi thường của tuổi trẻ, ông đã tập đi, tập tự xúc cơm và sống vui vẻ, lạc quan, tạo niềm tin cho những người đồng đội trong Khu điều dưỡng, cùng nhau vượt qua những khó khăn do thương tật đem lại.

Sau một thời gian ở Khu điều dưỡng, ông hạ quyết tâm thực hiện ước mơ của mình: học Đại học Bách khoa Hà Nội - trường đại học vẫn gửi giấy gọi nhập học cho ông khi ông bị thương quay trở ra Bắc. Rất tiếc do vết thương quá nặng nên ảnh hưởng và gây cản trở rất lớn, ông đành từ bỏ ước mơ tuổi trẻ của mình.Có những lúc thật sự khó khăn khi chính ông bị khủng hoảng tâm lý, nhưng nhờ sự tận tâm của các cán bộ, điều dưỡng viên của Khu an dưỡng, sự quan tâm, động viên chăm sóc của gia đình và bạn bè, đồng đội ông đã vượt qua. Bằng quyết tâm “Thương binh – Tàn nhưng không phế”, ông mạnh dạn xin được đi làm việc dù ông có tiêu chuẩn được chăm sóc tại các khu điều dưỡng dành cho thương binh. Ông đã được một nữ giám đốc của một nhà máy sản xuất thực phẩm mạnh dạn nhận về và bố trí công việc phù hợp với năng lực của mình. Trong khoảng thời gian làm việc tại đây và sau này ông chuyển về làm việc ở nhà máy khác gần nhà cho đến khi về hưu, ông luôn đạt danh hiệu tiên tiến, sự tín nhiệm của lãnh đạo và yêu quý của bạn bè đồng nghiệp.

Có thể đã quá may mắn hơn rất nhiều đồng đội của mình nên ông cũng không đòi hỏi cho mình những chế độ, chính sách có thể mình được hưởng như xác định lại thương tật để được hưởng các chế độ đãi ngộ cao hơn cho mình và gia đình. Căn nhà ông ở từ lúc lập gia đình riêng là của một người lính công binh tặng lại cho cha mẹ ông như lời cảm ơn về sự giúp đỡ đối với gia đình vợ con trong suốt khoảng thời gian người lính đó vào Nam chiến đấu. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố, sống vui vẻ, hòa đồng trong tình yêu thương của gia đình, hàng xóm, có được niềm vui và hạnh phúc khi con cái trưởng thành và đã được lên chức ông, bà. Ông đã thấy mình mãn nguyện dù vết thương với những mảnh đạn vẫn còn gây đau đớn những khi trái gió trở trời.

Với họ, những người lính hy sinh trong thời bình thì làm tròn bổn phận của một người lính, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc hay đơn giản đã là bộ đội thì ở đâu Tổ quốc cần thì mình tới, đã được ý thức rõ ràng khi họ khoác lên mình bộ quân phục, trở thành người lính. Và họ chính là những người “Vì nước quên thân, vì dân quên mình”,  sự hy sinh của họ luôn được tưởng nhớ bằng lòng biết ơn và kính trọng của mọi người.

Kiev 24/7/2015
Mai Anh

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu