A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huế với Quang Trung và Huyền Trân

Bỏ lại thủ đô Hà Nội sau lưng với làn mưa xuân mát lạnh, ruộng lúa mạ vừa mới lên, tôi về cố đô Huế. Khi máy bay lượn từ biển vào, thấy Huế từ trên cao, lòng tôi không khỏi rộn ràng. Không phụ lòng mong đợi, Huế đón tôi về thăm với trời xanh, biển xanh, sông Hương xanh, núi Ngự xanh cùng mây trắng và những người bạn rất chân tình, cởi mở, thân thiết.

Năm nay Huế có rất nhiều du khách về thăm, nhưng chưa hết, Huế đang sửa soạn cho năm tới, 2012, năm du lịch toàn quốc Việt Nam, Huế sẽ tràn ngập bởi du khách và Huế có đủ từ khách sạn 5 sao dành cho đại gia cho đến khách sạn không sao dành cho "Tây ba lô". Tuy giá cả có tăng so với năm ngoái, nhất là giá cho luồng khách nước ngoài tăng mạnh, có khách sạn tăng giá từ 30 $ một đêm lên thành 50$, nhưng người dân Huế "bù" lại cho khách du lịch bằng một phong cách dịch vụ rất nhỏ nhẹ, dễ thương và chịu khó chiều ý khách.

Lần trước tôi về Huế là cuối năm 2009, mới cách một năm, thấy Huế đã có nhiều thay đổi. Mà cái ngạc nhiên lớn đối với tôi là tượng đài vua Quang Trung Nguyễn Huệ và đền Huyền Trân Công chúa.



Tượng đài anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ dưới chân núi Bân


Tượng đài anh hùng dân tộc - vua Quang Trung Nguyễn Huệ, rất hoành tráng, nằm ngay chân núi Bân, có diện tích 25.467 m², kinh phí xây dựng do thành phố Huế đài thọ lên đến 39 tỷ đồng. Công trình xây dựng bắt đầu từ 21.02.2009, cho đến ngày 09.01.2010 thì hoàn tất. Tượng nhà vua rất khí thế, oai nghiêm, nét mặt hùng dũng như khi vua ra trận, cao 12 m, đứng trên một chân tượng cao 9 m, tổng cộng là 21 mét, làm hoàn toàn bằng đá mầu xanh xám của Thanh Hóa, chân tượng là những khối đá tảng rất to, chồng chất lên nhau. Tượng vua và phù điêu do nhà điêu khắc Nguyễn Quyết Thắng sáng tác. Toàn thể tượng đài đều làm bằng đá, phía sau tượng là một bức phù điêu rất dài cũng bằng đá xanh xám chạm trổ rất công phu, mọi hình tượng đều toát lên khí thế, quyết tâm chống giặc nhà Thanh xâm lăng nước ta. Giữa bức tường phù điêu là một tấm bia đá, trích trong chiếu lên ngôi của vua Quang Trung:

"Nhân, nghĩa, trung, chính
là đầu mối lớn lao của đạo làm người
nay Trẫm cùng dân đổi mới...
sẽ dắt dìu dân
lên con đường lớn
đặt vào đài xuân..."

Phía bên tay phải có thêm một tấm bia khắc hàng chữ:

"... Đánh cho để dài tóc,
đánh cho để đen răng
đánh cho nó
chích luân bất phản,
đánh cho nó
phiến giáp bất hoàn
đánh cho sử tri
Nam Quốc Anh Hùng
chi hữu chủ..."

Trong cuộc tiến quân thần tốc từ Phú Xuân ra Thăng Long, miền Bắc, năm 1788 (22.12.1788) người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã chọn núi Bân (Bân sơn) ở phía Nam kinh thành Huế làm nơi đăng quang Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, quyết chiến đánh quân Mãn Thanh, giành lại chủ quyền đất nước.  



Tượng đài anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ 


Trên đường tiến quân nhà vua cho nghỉ quân ở Tam Điệp, ăn Tết trước khi ra trận để khích lòng binh sĩ. Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa đã làm vẻ vang danh vua Quang Trung và dân Việt.

Thành phố Huế và tỉnh Bình Định đã làm một điều hay, khi thiết lập hai vị trí tưởng niệm hoành tráng mang nhiều ý nghĩa ở Huế và ngay tại Tây Sơn, quê hương của Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tuy các địa điểm tưởng niệm mới xây dựng không tinh xảo, cầu kỳ, nhuần nhuyễn bằng những kiến trúc cổ bằng gỗ khi xưa, nhưng có một giá trị giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, kính trọng tiền nhân, những người có công dựng nước và giữ nước, một công việc vĩ đại khôn lường.

Cho nên khi về Hà Nội năm nay, ngày Tết đi thăm Gò Đống Đa thấy còn nhiều rác, và ngay dưới chân Gò là một khu vực vui chơi, ánh đèn nhấp nháy xanh đỏ tôi cảm thấy buồn. Khu vực chung quanh Gò Đống Đa cũng cần được cải thiện cho xứng đáng là một khu phố văn hóa lịch sử. Hy vọng thành phố Hà Nội sẽ chú ý đến việc gìn giữ chốn tưởng niệm trang nghiêm cho mọi người dân tìm đến để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.



Đền thờ Huyền Trân Công chúa 


Khu vực đền Huyền Trân Công chúa là một tổng thể mới được quy hoạch xây dựng nên nhiều nơi thăm viếng, có đền Huyền Trân Công chúa, đền vua Trần Nhân Tông, tượng Phật Di Lặc, hồ Trường Xuân, Thiền Viện, và tháp chuông Hòa Bình, tất cả nằm trong một không gian xanh, thơ mộng. Tháp chuông đặt trên một mỏm núi cao 108 mét trên mặt biển, đường lên tháp chuông gồm có 105 bậc, nhưng ai cũng muốn trèo lên 105 bậc thang để dóng lên ba tiếng chuông hòa bình của thiền phái Trúc Lâm.

Ở Huế còn có một nơi mang dấu tích lịch sử thật sự về Công Chúa Huyền Trân. Tương truyền Công chúa Huyền Trân được rước từ Đại Việt theo đường biển vào Champa qua cửa biển Tư Hiền. Nơi Công chúa cập bến, gần núi Rùa (Quy Sơn) còn dấu tích của một cái miếu thờ. Địa diểm này cách Huế khoảng 40 km, có thể đến được bằng đường sông, xuôi sông Hương, hay bằng đường bộ ngang qua cửa Thuận An đi tiếp về hướng Chân Mây Lăng Cô. Gần địa điểm miếu cổ thờ Công chúa Huyền Trân, nếu đi từ Huế đến Đá Bạc, thuê thuyền đi qua Phá Tam Giang, đến chùa Thánh Duyên (còn được gọi là chùa Thúy Vân) là một phong cảnh rất đẹp, chỉ cách miếu khoảng một cây số.

Xin giới thiệu với bạn bè xa gần về Huế để thăm những công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa. Xin đặc biệt cảm ơn những người bạn Huế rất nhiệt tình, ưu ái đã dành cho chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ quên.

Mathilde Tuyet Tran, Huế 2011
www.tuyettran.de


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu