Hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN: Cơ hội và kỳ vọng
Cùng với một số Bộ ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với mục tiêu chính của sự hợp nhất này là giảm bớt một số chức năng và nhiệm vụ chung, tiết kiệm, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), phát triển khoa học công nghệ và quản lý báo chí số tốt hơn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy Nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý, việc sáp nhập các bộ ngành có chức năng tương đồng được xem là bước đi chiến lược.
Việc này cũng giống như làm kiến trúc hệ thống CNTT cho một ngân hàng hay mạng đa quốc gia. Bắt đầu từ những kiến trúc tham chiếu, chuẩn thiết kế đã được thực tế chứng minh hiệu quả. Có lẽ Việt Nam đã tham khảo khảo rất nhiều mô hình trên thế giới rồi và người dân muốn biết đó là mô hình nào và tại sao chọn.
Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có cách tiếp cận bài bản, từ việc đánh giá các nhóm chức năng đến định danh một tên gọi phù hợp cho Bộ mới.
Ý nghĩa của việc hợp nhất
Bối cảnh và mục tiêu
Việt Nam đang bước vào giai đoạn CĐS toàn diện, với mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Khoa học - công nghệ và truyền thông là hai lĩnh vực then chốt đóng vai trò tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc hợp nhất hai Bộ sẽ góp phần giải quyết:
- Một số nhiệm vụ hiện đang có sự giao thoa giữa TT&TT và KH&CN như quản lý công nghệ số để thúc đẩy CĐS mạnh mẽ hơn, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin và quản lý báo chí số.
- Một số chương trình của hai Bộ được hợp nhất sẽ được nhân lên sức mạnh nhờ hợp nhất nhân lực, tài chính, và đồng bộ.
Có thể nói, việc hợp nhất sẽ góp phần tạo ra một cơ quan mạnh hơn, có năng lực quản lý toàn diện trong lĩnh vực CĐS, công nghệ, khoa học, và truyền thông.
Những lợi ích kỳ vọng
Tăng hiệu quả quản lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và tiết kiệm ngân sách:
Tăng cường hiệu quả quản lý: Một bộ thống nhất sẽ giúp triển khai các chính sách đồng bộ hơn, từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đến ứng dụng trong truyền thông và đời sống.
Thúc đẩy ĐMST: Sự tích hợp giữa khoa học công nghệ và thông tin truyền thông sẽ mở ra cơ hội phát triển các giải pháp sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT).
Góp phần tiết kiệm: Tinh giản bộ máy hành chính giúp giảm chi phí quản lý, đặc biệt là các chi phí vận hành bộ máy, cơ sở hạ tầng hành chính.
Thách thức trong quá trình hợp nhất
Khối lượng công việc lớn
Cả hai Bộ TT&TT và KH&CN đều quản lý các lĩnh vực rộng lớn, từ viễn thông, truyền thông, đến nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Việc kết hợp này có thể làm tăng khối lượng công việc, đòi hỏi cần xây dựng một cơ chế phân bổ nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể.
Khác biệt văn hóa tổ chức
Mỗi bộ có phong cách quản lý và văn hóa làm việc khác nhau. TT&TT tập trung vào việc quản lý thông tin và truyền thông nhanh nhạy, trong khi KH&CN thiên về nghiên cứu dài hạn và chiến lược. Điều này đòi hỏi một quá trình thích nghi lâu dài để tạo nên sự hòa hợp.
Đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động
Hợp nhất có thể gây gián đoạn tạm thời trong các hoạt động của cả hai bộ, đặc biệt là các dự án đang triển khai. Do đó, cần lập kế hoạch kỹ lưỡng để đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
Phân nhóm chức năng dựa trên kiến trúc theo hướng lĩnh vực
Kiến trúc theo hướng lĩnh vực (Domain-Driven Design - DDD) là một phương pháp hiệu quả để tổ chức và phân nhóm chức năng của các hệ thống phức tạp hay một tổ chức lớn như một bộ hay một tập đoàn lớn.
Theo phương pháp này, các chức năng sẽ được chia thành ngữ cảnh nghiệp vụ (bounded context), giúp đảm bảo tính độc lập và dễ quản lý.
Bằng cách áp dụng phương pháp kiến trúc theo hướng lĩnh vực, các bộ có thể tạo ra một cấu trúc tổ chức linh hoạt, dễ quản lý và phát triển, đồng thời đảm bảo các giải pháp công nghệ phù hợp và hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động của mình (Xem thêm phần tham chiếu dưới đây).
Chức năng của Bộ TT&TT:
Bộ TT&TT hiện tại tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến quản lý viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT):
- Hạ tầng CNTT: Phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông, xây dựng chính phủ điện tử, và cơ sở dữ liệu quốc gia.
- CĐS và ứng dụng công nghệ: Hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương triển khai CĐS và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về CNTT.
- An ninh mạng: Đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật hệ thống mạng quốc gia.
- Bộ TT&TT cũng quản lý nhà nước về báo chí số: Báo chí CĐS đáp ứng sự phát triển.
Chức năng của Bộ KH&CN
Bộ KH&CN đóng vai trò dẫn dắt trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học:
- Nghiên cứu và phát triển khoa học: Thúc đẩy các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội và quản lý các chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.
- Ứng dụng công nghệ và ĐMST: Phát triển công nghệ mới như AI, IoT, và công nghệ sinh học và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
- Quản lý tiêu chuẩn và sở hữu trí tuệ: Ban hành tiêu chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng sản phẩm và quản lý sáng chế, bản quyền, và thương hiệu.
Các nhóm chức năng giao thoa
- CĐS: Ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực nghiên cứu và thông tin.
- Phát triển nhân lực chất lượng cao: Đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực CNTT và KH&CN.
-Quản lý dữ liệu và công nghệ: Tạo lập và quản lý cơ sở dữ liệu lớn phục vụ nghiên cứu và quản lý.
Đề xuất tên gọi cho bộ mới
Việc đề xuất tên mới cho việc hợp nhất hai Bộ có thể xem xét nghiên cứu thêm. Bộ TT&TT ở Việt Nam và trên thế giới từ trước đã bao hàm ICT, viết tắt của Information and Communication Technologies (CNTT và truyền thông).
Hiện nay, Bộ TT&TT dẫn dắt CĐS là phương pháp, hoặc một cuộc cách mạng mới, giúp phát triển CNTT nhanh hơn và giảm chi phí, do đó có thể hiểu chuyển đổi số là mục đích và phương pháp.
Trong khi đó, sáng tạo không thể được phát triển hoặc đổi mới chỉ thông qua các trung tâm ĐMST. Giống như việc phát triển một tính năng mới cho iPhone cần có nhà máy sản xuất và hệ sinh thái tương ứng, sáng tạo cũng cần một môi trường phù hợp để phát triển.
Thực tế, việc khuyến khích ý tưởng cải tiến kỹ thuật trong các nhà máy, doanh nghiệp hay phát triển giải pháp CNTT là cần thiết, và đây cũng là một phần nhỏ của phương pháp CĐS, giống như việc Step Up - mạnh dạn đưa ra ý tưởng hay.
Do đó, việc gọi tên ĐMST không phản ánh chính xác chức năng và vai trò của Bộ KH&CN.
Theo đó, tên gọi hai bộ hợp nhất cần phản ánh chính xác chức năng và vai trò của cơ quan, đồng thời ngắn gọn và dễ hiểu. Dựa trên các chức năng chính, có thể xem xét các tên gọi cho phù hợp:
Bộ Công nghệ và Truyền thông Quốc gia (Bộ CNTTQG): Tên gọi này nhấn mạnh vào hai trụ cột quan trọng là công nghệ và truyền thông tin, phù hợp với mục tiêu tích hợp và phát triển.
Bộ ĐMST và Thông tin quốc gia (Bộ ĐMST&TT): Tên này nhấn mạnh yếu tố sáng tạo và thông tin, phản ánh sự giao thoa giữa khoa học, công nghệ và thông tin.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ KH, CN&TT): Tên gọi đầy đủ và chính xác, tuy nhiên hơi dài và khó nhớ.
Bộ Công nghệ và Thông tin (Bộ CN&TT): Tên gọi ngắn gọn, dễ nhớ và phù hợp với xu hướng quốc tế.
Định hướng hoạt động của bộ mới:
Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, bộ mới cần tập trung vào các định hướng chính sau:
Xây dựng cơ chế quản lý thông minh: Áp dụng công nghệ để tự động hóa các quy trình quản lý, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân sự hành chính.
Thúc đẩy CĐS toàn diện: Kết hợp giữa ứng dụng công nghệ và truyền thông để hỗ trợ quá trình CĐS quốc gia.
Hỗ trợ nghiên cứu và ĐMST: Tạo điều kiện để các nhà khoa học và doanh nghiệp công nghệ phát triển sản phẩm sáng tạo.
Tăng cường đào tạo nhân lực: Đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông.
Kết luận
Việc hợp nhất Bộ TT&TTvới Bộ KH&CN là một bước đi đúng đắn, mang lại nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để thành công, cần có một lộ trình triển khai rõ ràng, từ việc phân nhóm chức năng, xây dựng cơ cấu tổ chức, đến lựa chọn một tên gọi phù hợp.
Với tầm quan trọng của hai lĩnh vực này, Bộ mới sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy CĐS, ĐMST, và báo chí - truyền thông tại Việt Nam. Như đã phân tích ở trên có lẽ tên gọi ngắn gọn, dễ nhớ và phù hợp với thông lệ quốc tế là Bộ Công nghệ và Thông tin hay Bộ Công nghệ và Truyền thông.
Tham chiếu
Domain-Driven Design (DDD) trong kiến trúc Microservice là một phương pháp hiệu quả để tái cấu trúc và tổ chức lại một công ty lớn để phát triển linh hoạt và hiệu quả hơn. Phương pháp này nhấn mạnh việc hiểu rõ và mô hình hóa các lĩnh vực (domain) khác nhau của công ty. Dưới đây là các bước chính để áp dụng phương pháp kiến trúc theo hướng lĩnh vực trong việc tổ chức lại một công ty lớn:
1. Xác định các lĩnh vực chính
Công ty cần phân tích và xác định các lĩnh vực chính trong hoạt động kinh doanh của mình, như bán hàng, dịch vụ khách hàng, tài chính, nhân sự... Mỗi lĩnh vực sẽ có các quy trình và yêu cầu riêng biệt.
2. Xây dựng ngôn ngữ chung
Phát triển một ngôn ngữ chung được sử dụng bởi cả nhóm phát triển và các bên liên quan. Ngôn ngữ này phải rõ ràng và dễ hiểu, tránh sự hiểu lầm và giúp mọi người cùng một hiểu biết.
3. Xác định các ngữ cảnh
Phân chia các lĩnh vực thành các ngữ cảnh ràng buộc (bounded context). Mỗi ngữ cảnh là một không gian riêng biệt mà trong đó các khái niệm được định nghĩa và sử dụng một cách nhất quán. Điều này giúp tránh sự nhầm lẫn và tăng tính rõ ràng.
4. Xây dựng mô hình lĩnh vực
Mô hình hóa các quy trình, thực thể và mối quan hệ trong mỗi lĩnh vực. Mô hình lĩnh vực phải phản ánh chính xác các yêu cầu kinh doanh và các quy tắc của miền. Các công cụ như UML, BPMN 2.0, và ArchiMate có thể được sử dụng để xây dựng mô hình.
5. Tích hợp giữa các ngữ cảnh
Xác định cách các ngữ cảnh tương tác với nhau. Điều này bao gồm việc thiết kế các giao diện (interfaces) và giao tiếp giữa các lĩnh vực khác nhau, sử dụng các kỹ thuật như REST API hoặc các hệ thống nhắn tin.
6. Xây dựng các các thực thể và đối tượng giá trị
Phân loại và xác định các thực thể (entity) và đối tượng giá trị (value objects) trong mỗi lĩnh vực. Thực thể thường có định danh duy nhất và duy trì trạng thái, trong khi đối tượng giá trị chỉ được xác định bởi giá trị của chúng.
7. Xây dựng kho lưu
Tạo ra các kho lưu trữ (repository) để lưu trữ và truy vấn dữ liệu lĩnh vực. Các kho lưu trữ cung cấp các phương thức để tìm kiếm, lưu trữ và quản lý các đối tượng trong miền.
8. Áp dụng phương pháp phát triển và vận hành linh hoạt
Sử dụng các phương pháp Agile và DevOps để đảm bảo quy trình phát triển linh hoạt và liên tục cải tiến. Điều này giúp nhóm phát triển có thể phản ứng nhanh với các thay đổi yêu cầu kinh doanh và tối ưu hóa quy trình làm việc.
9. Liên tục kiểm tra và điều chỉnh mô hình lĩnh vực
Mô hình lĩnh vực cần được kiểm tra và điều chỉnh liên tục để phù hợp với sự thay đổi trong kinh doanh và công nghệ. Việc này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà phát triển và các bên liên quan.
10. Giám sát và đánh giá
Thiết lập các quy trình giám sát và đánh giá hiệu quả của việc áp dụng DDD. Điều này giúp công ty nhận biết được các vấn đề và cơ hội cải tiến kịp thời.
Bằng cách áp dụng phương pháp kiến trúc theo hướng lĩnh vực, công ty có thể tạo ra một cấu trúc tổ chức linh hoạt, dễ quản lý và phát triển, đồng thời đảm bảo các giải pháp công nghệ phù hợp và hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh./.
Lâm Việt Tùng - Kiều bào tại Hà Lan
Chuyên gia tư vấn CNTT - Viễn thông cho Vodafone Z(Nguồn: ictvietnam.vn)