A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai quốc tịch – những vấn đề Chính trị và Pháp lý (Phần Hai)

LTS: Ngày 19/03/2009, Quê Hương đăng bài “Hai quốc tịch – những vấn đề chính trị và pháp lý” của Tiến sỹ Luật học Hoàng Hữu Đức - một chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu vấn đề quốc tịch của nhiều nước, tham gia xây dựng các văn bản pháp quy về quốc tịch, xử lý trên thực tế những vấn đề liên quan đến quốc tịch... Vấn đề hai quốc tịch rất phức tạp cả về luật pháp và tình cảm, song, trên nền sự hiểu biết sâu và rộng, tác giả đã trình bày một cách dễ hiểu và minh họa bằng thực tiễn sinh động từ cuộc sống của những người đang ở nước ngoài. Bài viết được rất nhiều Bạn đọc hoan nghênh. Tiến sỹ Hoàng Hữu Đức hiện đang làm việc ở Frankfurt am Main, CHLB Đức. Quê Hương đề nghị Ông giúp phân tích sâu hơn những khía cạnh chính trị, pháp lý và thực tiễn xử lý vấn đề này ở nước Đức để giúp Bạn đọc tiếp cận một hoàn cảnh cụ thể, đặc trưng và cũng gần với Việt Nam. Bài viết được giới thiệu nhân dịp Luật Quốc tịch số 24/2008/QH12 chính thức có hiệu lực (từ 01/07/2009).

Như tại Phần Một (QueHuongOnline.vn ngày 19/3/2009), tôi đã trình bày ý kiến của mình về đánh giá tổng quan vấn đề hai quốc tịch theo các văn bản pháp luật quốc tịch của Việt Nam từ trước đến nay, để đi đến kết luận là “tinh thần chung của pháp luật Việt Nam về quốc tịch là không mong muốn có tình trạng hai quốc tịch, nhưng không triệt để xử lý tình trạng đó... tình trạng này cũng có thể cho là “nước đôi” trong chính sách quốc tịch“. Cũng có thể có người không đồng tình với nhận định này. Nhưng cũng có thể có người cho rằng tình trạng “nhập nhằng nước đôi” này chỉ có ở Việt Nam, khi bản thân những người làm luật còn chưa hiểu nên “mở” hay nên “đóng” trong vấn đề hai quốc tịch. Thực tế có phải như vậy không? Có phải chỉ ở Việt Nam mới có tình trạng này, hay nói cách khác, có phải chỉ ở Việt Nam, vấn đề quốc tịch (và hai quốc tịch) mới mang nhiều yếu tố chính trị đến như thế hay không?

Những phân tích dưới đây về vấn đề quốc tịch và hai quốc tịch ở Đức phần nào có thể trả lời câu hỏi đó.

Quan điểm và chính sách quốc tịch của hai nước – Những điểm giống và khác nhau

Xem ra, hai nước ở hai phần địa cầu không thể có điểm đồng, không chỉ về vị trí địa lý (Á, Âu), cơ cấu dân số, cơ cấu kinh tế (già/trẻ, nông nghiệp/công nghiệp), GDP (một trời một vực?!) v.v..., mà còn ở tổ chức nhà nước và xã hội (xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa). Bỏ qua một bên những điều này, ta sẽ thấy hai nước có khá nhiều điểm đồng:

- Thời gian dài hai nước cùng bị chia cắt (Nam Bắc Việt Nam/Đông Tây Đức) với chế độ chính trị hầu như đối nghịch nhau, có thời gian dài sống trong chiến tranh nóng (Việt Nam) và chiến tranh lạnh (Đức). Từ hoàn cảnh chung đó, thống nhất luôn là nguyện vọng nóng bỏng nhất của nhân dân hai nước, tuy hình thức bày tỏ và thực hiện có khác nhau. Trên lĩnh vực quốc tịch, quan điểm của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là chỉ có một quốc tịch Việt Nam, thống nhất từ Bắc vào Nam, không thể có quốc tịch của miền Bắc và quốc tịch của miền Nam, vì Sắc lệnh số 53/SL của Chính phủ Hồ Chí Minh ban hành ngày 14/12/1945 khi đất nước còn chưa bị chia cắt và do vậy nó có giá trị pháp lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đáng nói là quan điểm này được các nước thừa nhận. Mấy năm trước đây có một người tỵ nạn Việt Nam ở Đức khi xin nhập quốc tịch Đức được hướng dẫn phải đến Đại sứ quán Việt Nam xin thôi quốc tịch Việt Nam. Ông này từ chối thực hiện yêu cầu của cơ quan hữu quan Đức với lý do không có quốc tịch của CHXHCN Việt Nam; trước đây ông ta có quốc tịch của Việt Nam cộng hòa, nhưng nay Việt Nam CH không còn tồn tại nữa nên ông ta là người không quốc tịch. Cũng vì vụ này ông ta đã tốn đến mấy chục ngàn euro để thuê luật sư theo kiện từ tòa án các cấp cho đến tòa án cao nhất của Đức và cả Tòa án châu Âu, nhưng không có kết quả. Cộng hòa Liên bang Đức (trước khi thống nhất năm 1990) cũng luôn kiên trì quan điểm là trên toàn bộ lãnh thổ nước Đức chỉ có một quốc tịch Đức, không có quốc tịch Cộng hòa dân chủ Đức và quốc tịch Cộng hòa Liên bang Đức. Điều này lý giải vì sao sau ngày thành lập (21/5/1949), CHLB Đức không ban hành một đạo luật riêng về quốc tịch CHLB Đức mà vẫn áp dụng Luật quốc tịch ban hành từ năm 1913, trong khi Cộng hòa dân chủ Đức năm 1967 đã ban hành Luật về quốc tịch Cộng hòa dân chủ Đức. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, quan hệ hai nước Đức có lúc rất căng thẳng vì CHLB Đức cho mình cái quyền được bảo hộ ngoại giao cả những “công dân CHDC Đức“, vì theo họ tất cả chỉ là công dân Đức theo Luật quốc tịch 1913.

- Vấn đề hai quốc tịch luôn là đề tài gây tranh luận ở cả Việt Nam lẫn Đức. Trong thời kỳ chiến tranh, ở Việt Nam ít ai đề cập đến vấn đề này vì thực tế ít xẩy ra các trường hợp hai quốc tịch và mục tiêu chính của Chính phủ cũng như người dân là đấu tranh thống nhất đất nước. Mãi sau năm 1975 khi làn sóng người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống tăng lên, hình thành một cộng đồng hàng triệu người ở nước ngoài thì lúc đó vấn đề hai quốc tịch mới được đặt ra: Đối với bà con ta ở bên ngoài đó là khi nhập quốc tịch nước ngoài và trở thành hai quốc tịch (ở những nước không bắt buộc phải mất quốc tịch gốc khi nhập quốc tịch nước đó) hoặc khi phải lựa chọn giữa nhập quốc tịch sở tại để ổn định cuộc sống và phải mất quốc tịch Việt Nam (như ở Đức); Và khi thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra, lớn lên và tự đặt câu hỏi về nguồn gốc, về quốc tịch của mình. Đối với cơ quan chức năng trong nước là khi có những người hai quốc tịch (trong đó có quốc tịch Việt Nam) khi về nước vi phạm pháp luật Việt Nam và bị xử lý; họ lại được cơ quan ngoại giao của nước mà họ cũng có quốc tịch yêu cầu được bảo hộ. Lúc đó người ta mới chú ý tìm hiểu về vấn đề hai quốc tịch. Như đã trình bày ở phần trước, từ khi ban hành Luật quốc tịch năm 1988, 1998 và vừa qua Luật quốc tịch 2008, vấn đề một hay hai quốc tịch vẫn luôn là đề tài phức tạp và nhiều ý kiến nhất.

Tương tự như vậy thì trước khi thống nhất nước Đức (3/10/1990), hầu như vấn đề hai quốc tịch là đề tài cấm kỵ (tabu) ở Cộng hòa dân chủ Đức; còn ở phía Tây người ta cũng hầu như không nói nhiều đến hai quốc tịch vì trong quan hệ Đông-Tây đối với họ chỉ có một quốc tịch Đức mà thôi. Còn đối với người nước ngoài đang sinh sống ở Đức thì Chính phủ áp dụng tương đối nghiêm khắc Luật quốc tịch 1913 và coi những trường hợp có hai quốc tịch chỉ là những ngoại lệ. Sau thống nhất với số lượng người nước ngoài khá đông (6,7 triệu hiện nay) trong đó có nhiều người sinh ra và lớn lên ở Đức hoặc đã cư trú ở đây 30, 40 năm nhưng vẫn không có quốc tịch Đức chỉ vì họ không muốn từ bỏ quốc tịch gốc. Chính đối tượng này đã gây áp lực cho các đảng chính trị và cho toàn xã hội, tạo nên những cuộc tranh luận nẩy lửa về việc sửa đổi hay giữ nguyên những nguyên tắc của Luật quốc tịch 1913 v.v...

Điểm khác so với Việt Nam là ở chỗ nếu Chính phủ Việt Nam quan tâm đến vấn đề hai quốc tịch thì hầu như cũng chỉ liên quan đến bà con ở hải ngoại, tức là cộng đồng hơn 3,5 triệu người hiện nay, còn đối với Chính phủ Đức nó liên quan đến 6,7 triệu người nước ngoài hiện đang sinh sống ở Đức. Hay nói khác đi, đối với Việt Nam, vấn đề hai quốc tịch nghiêng nhiều về khía cạnh đối ngoại (ở trong nước hay nói đến chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài), còn đối với Đức, đó thực sự là vấn đề xã hội nội bộ phức tạp, không dễ tìm được sự đồng thuận để giải quyết. Mỗi khi đến mùa vận động tranh cử ở cấp Liên bang hay ở các bang cứ 4 năm một lần thì vấn đề người nước ngoài, hai quốc tịch, hội nhập, tình trạng tội phạm của người nước ngoài v.v... lại trở thành những đề tài thích được các đảng chính trị đưa ra và rồi dư luận xã hội lại bị phân chia ra những phái ủng hộ và chống đối (pro/contra)...

Tôi nghĩ cũng sẽ rất lý thú khi xem vấn đề hai quốc tịch “chia rẽ” dư luận nước Đức như thế nào, để từ đó suy ngẫm về vấn đề hai quốc tịch ở Việt Nam và đối với người Việt Nam ở hải ngoại.

“Phái ủng hộ” (pro) thường là những người của đảng Xanh, đảng Dân chủ xã hội, đảng cánh tả và phần lớn những người có nguồn gốc nước ngoài (Migrationshintergrund). Ý kiến của họ tập trung vào một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, họ cho Luật quốc tịch hiện hành của Đức (gọi tắt là RuStAG) ngày 22/7/1913 đã quá lạc hậu và lỗi thời, mặc dù nó được bổ sung, sửa đổi nhiều lần và mới đây nhất là ngày 19/8/2007. RuStAG ra đời trong bối cảnh đế quốc Đức (Deutsches Reich) đang trở nên hùng mạnh và chỉ một năm trước khi bùng nổ chiến tranh thế giới lần thứ nhất (ngày 28/7/1914). Quan điểm về “dòng máu Đức” là quan điểm chủ đạo trong khi xây dựng RuStAG, tức là chỉ những người mang trong mình dòng máu Đức mới là công dân Đức, bất kể họ sinh trong hay ngoài lãnh thổ đế chế (áp dụng triệt để nguyên tắc huyết thống jus sanguinis). Nguyên tắc nơi sinh (jus soli) hầu như không được áp dung. Chính vì vậy đã loại bỏ cơ hội có quốc tịch Đức của cộng đồng đông đảo người không có nguồn gốc Đức nhưng sinh ra và sống ổn định lâu dài ở Đức. Điều này khác hoàn toàn so với những nước như Mỹ, Anh và các nước dung hòa giữa jus sangnuinis và jus soli.

Heribert Prantl (báo Nam Đức SZ) trong bài “Hộ chiếu là phần cao quý nhất của một con người” tháng 9/1999 còn cho rằng nguyên tắc huyết thống trong RuStAG 1913 không phải mới xuất hiện từ đế chế Đức và trong trào lưu đề cao quá mức chủng tộc Giéc-manh hồi đầu thế kỷ XX, mà nó có gốc rễ từ hơn 200 năm trước khi lần đầu tiên đề cập đến các quyền công dân ở Đức. Khi đó nước Đức bị chia lẻ thành những tiểu vương quốc, tiểu công quốc của lớp người giầu có, những điền chủ, quý tộc có quan hệ khăng khít với nhau. Nếu xác định quyền công dân (của từng tiểu vương quốc, tiểu công quốc) trên cơ sở nơi sinh (như ở Pháp thời đó) thì tầng lớp thượng lưu lo ngại dẫn đến sự “hỗn loạn về pháp lý” khi thay đổi chỗ ở. Vì vậy họ quy định gắn quốc tịch với những yếu tố về chủng tộc, văn hóa, truyền thống v.v... và quốc tịch chỉ truyền cho thế hệ sau thông qua xác định huyết thống (thí dụ trong Luật về thần dân của Vương quốc Phổ 1871 và trong RuStAG). Hệ quả là gì? Là gần 10% dân số hiện nay ở Đức không có quốc tịch và không được hưởng những quyền lợi của một công dân bình đẳng, dù họ sinh ra và sống cả đời ở Đức, đóng thuế và góp phần xây dựng xã hội này.

Cũng cần lưu ý là trong nguyên văn Luật từ 1913 và sau này trong Đạo luật cơ bản (Grundgesetz – tức Hiến pháp Đức) ngày 23/5/1949 (điều 116) không hề nhắc đến khái niệm “công dân Đức“, mà chỉ quy định “người Đức là những người có quốc tịch Đức“. Có người cho rằng đây là việc “đánh tráo khái niệm” để che dấu việc quá đề cao dòng máu và chủng tộc Đức, và qua đó gián tiếp định nghĩa cộng đồng Nhà nước (ám chỉ mối quan hệ Nhà nước- công dân) không phải là một tổ chức chính trị mà là một thực thể huyết tộc (!?).  

Vì lý do đó trên thực tế, khác so với Mỹ hay ngay cả với Anh, Pháp nơi những người có mầu da và chủng tộc khác có thể tự tin nói mình là “người Mỹ“, “người Pháp/Anh“, ở Đức ngay cả những người đã có quốc tịch Đức do nhập tịch và con cái họ có quốc tịch Đức theo quốc tịch Đức của bố mẹ cũng ít người dám nói mình là “người Đức” hay khá e ngại khi nhận mình là “người Đức“, mà chỉ dám nói họ là công dân Đức hay người mang hộ chiếu Đức. Heribert Prantl đã trích dẫn ở trên còn cho biết là trong chế độ quốc xã, Hitler còn đi xa hơn khi cho ra đời lý thuyết về dòng giống Đức để nhận diện người Đức qua mầu da và mầu tóc. Có thể hơi quá khi nói rằng những rơi rớt của tư tưởng này vẫn hàng ngày hiện hữu ở Đức của thế kỷ XXI.

Có câu chuyện kể về một nhà văn Đức gốc nước ngoài đã tỏ ra bất bình như thế nào (và có thể cũng bất lực nữa) khi hàng ngày ông luôn bị những người Đức khác (có khi chỉ là những người bán hàng ngoài chợ hay trong cửa hàng) trầm trồ với sự ngạc nhiên thú vị là ông nói tiếng Đức tốt quá và hỏi “ông đến từ đâu“; khi nghe trả lời “đến từ Hamburg”, những người Đức “vô tư” này vẫn không hài lòng và hỏi thêm “ý muốn hỏi ông đến từ nước nào“? “Đến từ Đức” là câu trả lời của ông nhà văn nọ. Nhưng dường như giọt nước tràn ly chính là câu bình luận của “người Đức chính hiệu” – “Tôi hỏi thế vì trông ông rõ ràng không phải người Đức“. Trong con mắt của người Đức bình thường thì những người như ông nhà văn nọ mãi mãi vẫn chỉ là “người ngoài“, “người xa lạ” (“Fremder“) dù ông sinh ở Đức, cũng có quốc tịch Đức và mang hộ chiếu Đức như họ. Điểm khác duy nhất ông nhà văn này chợt nhận ra sau những lần như vậy là ông có mầu da tối hơn những người Đức khác.

Một câu chuyện khác về quốc tịch là chuyện về những người có nguồn gốc Do Thái. Thời báo Frankfurt (FAZ) ngày 29/6 mới đây đăng câu chuyện của Martin Meier, con của một gia đình Do Thái Đức đã chạy khỏi Đức năm 1940 trước sự khủng bố của Quốc xã. Năm nay 50 tuổi nhưng Maier chưa từng một lần đến Đức và cũng không hề quan tâm đến nước Đức (ông đã từng nói chẳng có chút tình cảm gì với Đức; đối với ông, Đức cũng như là bất kỳ một nước nào khác). Đột nhiên nay ông nẩy sinh muốn làm thủ tục nhận lại quốc tịch Đức vì ông cho rằng qua đó ông cảm thấy an toàn hơn. Nước Mỹ có quá nhiều kẻ thù và nếu có điều gì xảy ra ông có thể dùng hộ chiếu Đức để vào Đức dễ dàng. Và trên thực tế những người như Maier có thể dễ dàng nhận được quốc tịch và hộ chiếu Đức dù không có bất cứ mối liên hệ thực tế nào giữa nước Đức và bản thân ông (từ chuyên môn gọi là genuine link). Mà con số những người xin nhận lại quốc tịch Đức như Maier tăng hàng năm (năm 2000 mới gần 1200 người thì 2007 đã là 3100, chủ yếu người Do Thái từ Israel và Mỹ).

Qua hai câu chuyện trên nhiều người cho rằng quy định hiện hành về quốc tịch của Đức đã lỗi thời và vương vấn quá nhiều tàn dư quá khứ. Một người sinh ra, lớn lên, hội nhập và đóng góp xây dựng nước này thì không được xã hội nhìn nhận như một người Đức chính hiệu, trong khi những người không hề có khái niệm gì về nước Đức, lại sinh sống ở nước khác, không hề nói tiếng Đức và hiểu văn hóa Đức thì lại luôn được coi là người Đức.

Thứ hai, còn đối với những người dù sinh sống nhiều năm ở Đức nhưng vẫn không có quốc tịch Đức thì sao? Tất nhiên việc có quốc tịch Đức hay vẫn giữ quốc tịch gốc là quyền của mỗi người, nhưng trở ngại căn bản mà nhiều người nước ngoài vẫn không muốn nhập quốc tịch Đức là quy định buộc họ phải từ bỏ quốc tịch gốc. Và quy định này tác động trực tiếp và nhiều nhất đến cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức. Theo số liệu của phía Thổ Nhĩ Kỳ thì hiện có 2,7 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở Đức (3,2% dân số), trong đó 1,764 triệu còn giữ quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Số liệu của phía Đức chỉ thống kê những người còn quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ là khoảng 1,7 triệu, còn công dân Đức có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ thì Bộ Ngoại giao Đức công bố là khoảng 700 ngàn. Đa số họ sang Đức từ những năm 1960-70 khi Đức và Thổ Nhĩ Kỳ ký hiệp định nhận lao động Thổ Nhĩ Kỳ sang làm việc tại Đức. Năm 1961 mới có 6.800 công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây Đức thì 10 năm sau, năm 1971 đã lên 652.000 người và 10 năm tiếp theo nữa (1981) là 1.546.00 người. Như vậy sau 20 năm tăng gần 1 triệu người. Cao điểm nhất là năm 1999 hơn 2 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Đức, trong đó gần 40% sinh ở Đức. Tất cả số liệu này có thể tìm thấy trên các trang mạng ở Đức.

Vì sao tỷ lệ người Thổ Nhĩ Kỳ đã sinh sống lâu dài ở Đức hay gần 40% sinh ra và lớn lên ở Đức lại không nhập quốc tịch Đức dù họ biết là nếu có hộ chiếu Đức họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Câu trả lời là ở truyền thống văn hóa của người Thổ Nhĩ Kỳ và quy định ngặt nghèo của Luật quốc tịch Đức. Báo Nam Đức số ra ngày 10/7/2008 có bài “Hai hộ chiếu cho một cuộc đời” của Roland Preuss có trích lời của Kenan Kolat – một người hai quốc tịch Đức/Thổ theo quy định cũ và là Chủ tịch Tổng hội cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức cho biết ngay cả giới trẻ trong cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi việc phải từ bỏ quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ như là mất đi một phần đặc trưng văn hóa của mình và vì lẽ đó, đa số sẽ chọn giữ quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Và một lý do nữa là “đằng nào thì họ cũng vẫn bị coi là người Thổ” – một tâm lý như của ông nhà văn nêu trên. Cũng giống như người Hoa, người Thổ Nhĩ Kỳ có câu “đã là người Thổ, mãi mãi là người Thổ“.

Hay như một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác, Nilgün Yavuz của khoa Triết và Văn học, Đại học Tổng hợp Heidelberg viết trong Tạp chí Ruprecht số 58, ngày 03/2/1999 “Đại đa số người không có hộ chiếu Đức đã tìm thấy cuộc đời của họ ở Đức, nhưng họ cũng đồng thời vẫn gắn bó với những vấn đề của cuộc sống nơi quê gốc, vì họ vẫn định nghĩa cá nhân họ qua quốc tịch của mình” . Bà cho biết bà đã phấn đấu hết mình để có quốc tịch Đức và năm 1996 đã được nhập quốc tịch Đức. Nhưng khi nhận lại tấm hộ chiếu và giấy căn cước Thổ bị đục lỗ, đóng dấu hủy bà đã buồn biết bao nhiêu, cảm thấy như mất đi một phần cuộc sống của mình.

Bà cũng như ông Kenan Kolat là hai trong số nhiều người kêu gọi Chính phủ Đức cho phép giữ quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ khi nhập quốc tịch Đức vì những lý do như: i) Không thể để một cộng đồng gần 7 triệu người nước ngoài tuy ở Đức nhưng vẫn không hội nhập, vẫn bị gạt ra ngoài đời sống chính trị, xã hội ở Đức và đó là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng không tốt đến trật tự xã hội Đức; ii) Việc không bắt buộc những người này từ bỏ quốc tịch của cha ông tổ tiên sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong quyết định xin nhập quốc tịch Đức và tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập ở Đức vì họ không cảm thấy có tâm lý bị cưỡng bức phải hội nhập; không nên duy trì quá lâu tình trạng “đã ở đây nhưng như chưa đến“; iii) Đối với bản thân những người đã có quốc tịch Đức thì họ cho rằng sau khi nhập quốc tịch Đức họ cũng không cảm thấy “trung thành” hơn với Đức so với trước khi nhập tịch. Vậy thì có phải việc mang quốc tịch Đức là điều kiện để những người này trung thành hơn (với tư cách là công dân) với Nhà nước Đức hay không? Điều này cũng phần nào lý giải cho con số 50.000 người đã nhập quốc tịch Đức nhưng sau đó lại bị hủy quyết định nhập tịch vì họ đã xin trở lại quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong 5 năm, từ 2000 đến 2005. Bình quân 10.000 người Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm phải trải qua tâm lý giằng xé giữa việc giữ hay mất quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và nên hay không nên mang quốc tịch Đức.

Những người cổ súy cho việc áp dụng nguyên tắc hai quốc tịch thường hay nhắc đến câu chuyện của nguyên Tổng thống Đức Roman Herzog. Hồi còn là nghị sĩ của bang Baden-Württemberg có lần ông ngồi nói chuyện khá lâu với một đôi vợ chồng đến từ vùng Schwaben miền tây nam Đức; họ nói chuyện trên trời dưới biển và khi chia tay mới giới thiệu họ tên của mình là “Mustafa và Füsun Ügüzlik” (một cái tên Thổ Nhĩ Kỳ, xa lạ với họ tên Đức). Ông Herzog nói, kể từ giây phút đó ông không còn hiểu Luật Quốc tịch nước mình nữa, vì theo ông những người này đâu có phải người nước ngoài. Sau này khi làm Chủ tịch Tòa án Hiến pháp và Tổng thống CHLB Đức, ông Herzog luôn ủng hộ việc bổ sung quy định công nhận hai quốc tịch vào Luật Quốc tịch.

Tiến sĩ luật Prantl (báo Nam Đức) viện dẫn ở trên nêu mấy nhận định đáng để cho mọi người cùng suy nghĩ, khi ông cho rằng: i) Khái niệm “dân tộc” không nên hiểu hẹp là “một câu lạc bộ huyết tộc“, mà nên hiểu rộng hơn: đó là một cộng đồng do các thành viên của cộng đồng đó tạo ra thông qua những quyết định chính trị; ii) Quốc tịch không thể được hiểu như là những viên kẹo người ta ban phát cho trẻ con nếu như chúng ngoan ngoãn và do đó quốc tịch không thể được coi như “sự ban phát ngọt ngào“. Quốc tịch phải là một nguồn dinh dưỡng cơ bản nuôi dưỡng nền dân chủ và vì vậy nó không được kèm theo những điều kiện khác như chủng tộc, nguồn gốc, tôn giáo, tín ngưỡng; bất kỳ người nào sống và làm việc ở đây lâu dài, đóng thuế nghiêm chỉnh phải thuộc về xã hội đó, nếu không nền dân chủ sẽ không được thực thi; và iii) Nếu một cộng đồng người đông đảo (như người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức) bị loại ra khỏi đời sống chính trị thì sẽ có nguy cơ hình thành “một Nhà nước trong Nhà nước“, có khả năng gây bất ổn cho chính nền chính trị của Đức. Một thí dụ khá điển hình là tháng 02/2008 khi thăm Đức, Thủ tướng Thổ Nhĩ kỳ đã có cuộc nói chuyện với hàng chục ngàn công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Köln, kêu gọi những người này hãy trung thành với nước Thổ Nhĩ Kỳ vì đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mới chính là Tổ quốc của họ. Điều này được sự ủng hộ cuồng nhiệt của người Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại gây bực mình và phản ứng mạnh mẽ trong chính giới và dư luận xã hội Đức.

Jacob Grimm (chúng ta mới chỉ biết hai anh em Grimm qua Truyện cổ Grimm nhưng không biết ông vốn xuất thân là luật gia) đã phát biểu tại Hội nghị bàn về các quyền cơ bản của Quốc hội dân chủ Đức năm 1848 tại Frankfurt am Main: “Nhân dân Đức là cộng đồng của những người tự do và mảnh đất Đức không chấp nhận sự nô lệ, phụ thuộc“.

Thứ ba là nhìn ra xung quanh, nhất là các nước EU khác như Pháp, Anh v.v... đều thực hiện những quy định tương đối thông thoáng về hai quốc tịch. Riêng Đức vẫn áp dụng khá cứng nhắc nguyên tắc huyết thống và dù từ 2000 áp dụng linh hoạt hơn với nguyên tắc nơi sinh đối với trẻ em sinh ra ở Đức nhưng cũng vẫn chỉ nửa vời vì đưa ra quy định phải lựa chọn khi đủ 23 tuổi (Optionspflicht). Giới chuyên môn gọi tình trạng này là hai quốc tịch có thời hạn (Doppelstaatsangehörigkeit auf Zeit) hay tình trạng pháp lý lững lờ, “lửng lơ con cá vàng” (Schwebezustand). Cũng chính vì vậy mà pháp luật quốc tịch của Đức “tụt hậu” hơn các nước khác nên cần thay đổi căn bản.

Vậy quan điểm của “phái chống đối” (contra) như thế nào?

Thực tế là pháp luật về quốc tịch Đức nay không còn cứng nhắc như thời kỳ 1913 hay những thập niên sau đó nữa, mà đã “cởi mở” hơn rất nhiều. Ngay bản thân Bộ Nội vụ Liên bang (BMI) cũng đã đưa ra nhận định chính thức “hai quốc tịch hiện không còn là hiện tượng hiếm hoi” nữa. Trên cơ sở những sửa đổi vừa qua, con của người nước ngoài sinh ở Đức có quốc tịch Đức ngay từ khi sinh (áp dụng nguyên tắc nơi sinh jus soli), nhưng muộn nhất đến năm 23 tuổi phải lựa chọn giữ quốc tịch Đức hay lấy quốc tịch nước ngoài (của bố mẹ theo nguyên tắc huyết thống jus sanguinis). Số trẻ em này đến năm 2008 đã là khoảng 3300 người và đến năm 2018 bổ sung thêm mỗi năm khoảng 50.000 trẻ em, chủ yếu gốc Thổ. Dư luận cũng còn đang phân tán, bên thì cho là không nên bắt những người trẻ tuổi này phải lựa chọn, bên thì bắt buộc phải như vậy, vì những lý do mà họ đưa ra như sau:

Thứ nhất, như Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Wolfgang Schaueble nói mà báo Nam Đức ngày 10/7/2008 trích đăng “Đại đa số dân Đức phản đối hai quốc tịch. Chúng ta không ép buộc người nào phải trở thành người Đức” và “người nào có cư trú dài hạn ở đây có thể sống không cần hộ chiếu Đức mà vẫn được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, trừ quyền tham gia chính trị“. Còn ông Wolfgang Bosbach, Phó Chủ tịch đảng đoàn nghị sĩ CDU/CSU tại Quốc hội Liên bang thì cho là “Chúng tôi muốn trở lại những quy định cũ trước năm 1999 vì trong vấn đề quốc tịch không thể có tình trạng trung thành kép được“.

Nói đến trung thành kép làm tôi lại nghĩ đến câu cửa miệng của các Nho gia thời phong kiến xưa ở châu Á và cả ở Việt Nam “tôi trung không thờ hai chúa“. Điều đáng chú ý là quan điểm này khá thịnh hành cả ở châu Âu thời gian dài và cho đến tận hôm nay, theo đó một người không thể tuyên thệ trung thành đồng thời với hai nhà nước khác nhau. Những người theo quan điểm này cho rằng đối với người hai quốc tịch sẽ xảy ra xung đột nội tâm khi xử lý những vấn đề liên quan đến hai quốc gia mà họ đều có quốc tịch và trong trường hợp xấu nhất nếu xảy ra chiến tranh giữa hai nước này (điều mà trong thời buổi hiện nay khó xảy ra), người hai quốc tịch rơi vào tình trạng bất lợi (đi lính cho nước này để đánh nước kia thì một bên cho là hành động yêu nước còn bên kia cho là hành động phản bội Tổ quốc).

Câu chuyện về cầu thủ của đội tuyển bóng đá quốc gia Đức Lucas Podolski năm ngoái cũng làm xôn xao dư luận. Gia đình Podolski vốn từ Ba Lan di cư sang Đức, nhưng theo luật Đức lại thuộc những người “Spätaussiedler” (tạm gọi là những chuyển cư muộn), tức là những người sinh sống trong vùng lãnh thổ trước đây thuộc đế chế Đức nhưng sau này chuyển sang cho Ba Lan và một phần cho Liên Xô trước đây. Chính phủ Đức cho rằng Luật quốc tịch RuStAG năm 1913 có phạm vi áp dụng cả đối với những người cư trú trên những phần lãnh thổ sau này chuyển cho nước khác và vì vậy những người này có quyền bất kỳ lúc nào cũng có thể trở về Đức và nhận lại quốc tịch Đức. Trên cơ sở đó Lucas Podolski có quốc tịch Đức nhưng cũng đồng thời có quốc tịch Ba Lan ngay từ khi sinh. Kịch tính xẩy ra đối với cầu thủ này là trong giải Châu Âu giữa đội Đức và đội Ba Lan, Lucas Podolski lại là người ghi bàn thắng cho đội Đức. Khi truyền hình cận cảnh đó thì thấy cầu thủ này không hề tỏ ra vui mừng như vào những dịp như vậy mà còn có vẻ hơi buồn. Khi được hỏi cầu thủ này cho biết, trong lúc đó tôi vui mừng vì ghi được bàn thắng duy nhất cho đội Đức, nhưng vì tôn trọng đất nước nơi tôi đã sinh ra và hiện nay nhiều thành viên gia đình tôi còn sinh sống ở đó nên tôi không thể tỏ ra vui mừng quá mức. Dư luận cực đoan ở Ba Lan sau đó còn coi hành động đá vào gôn Ba Lan là hành động phản bội Tổ quốc và yêu cầu tước quốc tịch Ba Lan của Podolski, trong khi bản thân anh cũng chưa bao giờ (hay không dám) công khai nói anh cũng còn có quốc tịch Ba Lan. Nhiều cảnh sát Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng thường bị những thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ chửi là đồ phản bội khi tham gia bắt giữ những người Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm pháp luật. Những câu chuyện này cho thấy mức độ nào đó của sự giằng xé nội tâm (Gewissenkonflikt) của những người hai quốc tịch trong cuộc sống thường nhật.

Thứ hai, Carl Jonas Cords thuộc khoa Luật và Chính trị Đại học Tổng hợp Heidelberg trích dẫn trong Tạp chí Ruprecht nói trên lời của nguyên Tổng thống Mỹ Clinton “Những người nhập cư có trách nhiệm hòa nhập vào xã hội Mỹ. Điều này có nghĩa là họ phải học tiếng Anh và tìm hiểu về thể chế dân chủ của chúng ta“. Nếu một nước nhập cư lớn nhất thế giới yêu cầu người nhập cư như vậy thì không có lý gì Đức lại là ngoại lệ. Ở một số thành phố lớn của Đức có những khu mà chủ yếu người nước giao tiếp với nhau, sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ và ít tạo cơ hội cho hội nhập vào xã hội Đức (chẳng hạn ở các khu chợ, khu giao hàng của người Việt ở Berlin, Leipzig), một số trường học ở Berlin (khu Kreuzberg) tỷ lệ học sinh người Đức có khi chỉ khoảng 20% hoặc thấp hơn. Những điều này không hề tạo thuận lợi cho hội nhập và còn có nguy cơ hình thành những xã hội song hành (Paralellgesellschaft) với xã hội Đức. Nếu chấp nhận hai quốc tịch thì những người này dù danh nghĩa có quốc tịch Đức nhưng vẫn sẽ sống trong một môi trường cũ và không bao giờ có thể trở thành một phần của xã hội này. Đáng nói là nhiều gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ dù tất cả đều có quốc tịch Đức nhưng bố mẹ hầu như không biết tiếng Đức và con cái phải làm người phiên dịch mỗi khi có công việc liên quan đến chính quyền.

Vì lý do đó cần quy định bắt buộc những người nước ngoài sinh sống ở Đức lâu năm phải lựa chọn giữa việc giữ quốc tịch gốc (và mang quy chế người nước ngoài định cư) hoặc trở thành công dân Đức. Việc này buộc họ phải cân nhắc cái được và mất của mỗi phương án và nếu muốn trở thành công dân Đức họ phải học tiếng, tìm hiểu về xã hội và nền chính trị Đức (để kiểm tra khi làm thủ tục nhập tịch) và điều đó đã là một bước quan trọng theo hướng hội nhập.

Thứ ba là về pháp lý có những trở ngại không thể vượt qua và về chính trị có những quan điểm khác nhau giữa hai đảng chính trị lớn CDU/CSU và SPD không dễ tìm được tiếng nói chung.

Từ năm 1974 Tòa án Hiến pháp Đức đã có phán quyết nổi tiếng thường được giới luật gia Đức gọi nôm na là “quan điểm về sự khó chịu” (“Übel-Doktrin“). Trong bản án này Tòa án Hiến pháp cũng cho rằng tuy không có quy định bắt buộc (jus cogens) trong luật pháp quốc tế về cấm hai quốc tịch và chừng mực nào đó hai quốc tịch là điều không thể tránh khỏi (do các nước có quyền tự chủ trong việc quy định về quốc tịch nước mình), nhưng cũng không có quy phạm nào hay nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế quy định về việc ngăn ngừa, hạn chế tình trạng hai quốc tịch. Từ đó, Tòa án kết luận hai quốc tịch là tình trạng gây khó chịu (Übel) và “vì lợi ích của các quốc gia cũng như lợi ích của các đương sự cần thiết phải hạn chế và loại bỏ“. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất mà phái chống (contra) dựa vào để phản đối việc áp dụng rộng rãi hai quốc tịch và trở ngại pháp lý mà phái ủng hộ (pro) khó có thể vượt qua vì bản án của Tòa án Hiến pháp là phán quyết cao nhất về những điều khoản của Hiến pháp, ngay cả lưỡng viện Quốc hội (Bundestag và Bundesrat) và Chính phủ cũng phải tuyệt đối tuân thủ. Năm 1990, bang Hamburg và Schleswig-Holstein dự định đưa vào thực hiện quy định cho phép người nước ngoài được quyền bầu cử ở cấp địa phương. Việc này gặp phải sự phản ứng từ các nhóm đảng phái chính trị và dư luận khác nhau và vì vậy Tòa án Hiến pháp lại phải có phán quyết khác, theo đó việc cho người nước ngoài quyền bầu cử là bất hợp hiến và quyền bầu cử ở tất cả các cấp luôn phải gắn với quốc tịch Đức.

Trong Cương lĩnh tranh cử năm nay (còn gọi là Chương trình hành động của Chính phủ 2009-2013), Liên minh dân chủ thiên chúa giáo và Liên minh xã hội thiên chúa giáo (CDU/CSU) hiện đang cầm quyền (cùng Đảng dân chủ xã hội SPD) nêu rõ “Nguyện vọng gia nhập quốc tịch chính là sự bày tỏ chủ động nhất với đất nước chúng ta và với những giá trị của Đạo luật cơ bản. Việc nhận quốc tịch của chúng ta, gắn liền với việc từ bỏ quốc tịch cũ – là dấu hiệu mạnh mẽ nhất của sự gắn bó với đất nước chúng ta và với sự đồng cam trách nhiệm của tất cả người dân” và một trong những điều kiện để được nhập quốc tịch là phải có kiến thức đầy đủ về ngôn ngữ Đức (mục II.4). Cũng theo Cương lĩnh này thì trong 10 năm tới sẽ có khoảng 300.000 người đứng trước sự lựa chọn giữ quốc tịch Đức hay quốc tịch nước ngoài của cha mẹ. CDU/CSU muốn những người này giữ quốc tịch Đức, nhưng “nhìn về tổng thể thì hai quốc tịch là điều chúng ta không thể chấp nhận“. Vì vậy có thể thấy, nếu sau bầu cử Liên bang vào 23/9 năm nay, Liên minh này thắng cử và tiếp tục lập Chính phủ (khả năng này khá hiện thực) thì nguyên tắc không chấp nhận hai quốc tịch vẫn là sẽ là đường lối chủ đạo của pháp luật và thực tiễn ở Đức. Đừng vội nhìn vào hàng loạt những ngoại lệ cho phép duy trì hai quốc tịch để vội kết luận Đức là nước thừa nhận hai quốc tịch.

Thứ tư, trong Working Paper số 6/2004 với nhan đề “Hai quốc tịch: Những tác động của chính trị Đức đối với pháp luật về quốc tịch“, nhóm tác giả Thomas Faist, Jürgen Gerdes và Beate Rieple cho rằng nhóm contra luôn muốn gắn các yếu tố hội nhập, quốc tịch với khái niệm trung thành (với nước Đức). Lý lẽ quan trọng nhất của những người chống lại hai quốc tịch là việc cho những người này được giữ quốc tịch gốc là tạo cho họ điều kiện để không (hoặc không muốn) xây dựng mối quan hệ thực sự, gắn bó với nước Đức nơi mà họ đang sinh sống vì họ vẫn còn có cơ hội để quay trở về nước gốc (mà họ cũng có quốc tịch và có hộ chiếu). Mong muốn được giữ hai quốc tịch còn thể hiện sự thiếu sẵn sàng để trung thành vô điều kiện đối với quê hương mới, không sẵn sàng quyết định cuối cùng cho đất nước mà họ đang sinh sống và tấm hộ chiếu (thứ hai) luôn là tấm vé khứ hồi để quay về quá khứ (Ulrich Daldrup trong bài “Hai quốc tịch” ngày 4/2/1999). Mặt khác, những người hai quốc tịch sẽ “cân đo đong đếm” lợi ích giữa hai quốc tịch để một mặt hưởng đầy đủ những quyền và lợi ích từ quốc tịch Đức, nhưng lại không muốn thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm cũng chính từ quốc tịch Đức (yếu tố “cơ hội” như tôi cũng đã trình bày ở phần một bài viết này). Thêm vào đó, nhìn từ góc độ cộng đồng dân Đức thì duy trì hai quốc tịch có những tác động xấu đến quá trình hội nhập (của người nước ngoài) và làm nảy sinh những phản ứng tự vệ (từ phía dân Đức) đối với lớp người được đặc ân (có quyền và lợi ích từ hai quốc tịch). Điều này bất lợi cho việc chung sống hài hòa giữa những nhóm người khác nhau trong xã hội.      

Những phân tích dài dòng ở trên có thể tóm tắt thành một vài ý dưới đây để những người không phải luật gia dễ hiểu hơn về pháp luật và thực tiễn ở Đức:

Thứ nhất:  Nước Đức vẫn tiếp tục khẳng định mình không phải là một nước nhập cư, mà là một nước hội nhập (đây là khái niệm mới đưa ra trong Cương lĩnh của CDU/CSU nêu ở trên). Điều đó có nghĩa là Đức không sẵn sàng cho việc nhận nhiều hơn nữa người nhập cư; trọng tâm trong chính sách của Đức sẽ là vấn đề hội nhập của những người nước ngoài đang sinh sống hợp pháp ở đây. Mà điều kiện quan trọng nhất cho hội nhập thành công là nhập quốc tịch Đức trên cơ sở từ bỏ quốc tịch gốc.

Thứ hai:  Nói như vậy không có nghĩa là ở Đức không có các trường hợp hai hay nhiều quốc tịch. Chính Bộ Nội vụ Liên bang (BMI) cũng đã thừa nhận hai điểm: i) Hai hay nhiều quốc tịch là hiện tượng không còn là cá biệt; và ii) Trên thực tế các trường hợp hai quốc tịch cũng không gây những vấn đề phức tạp gì cho Nhà nước Đức. Trong việc xử lý những trường hợp hai quốc tịch thì Chính phủ Đức thường căn cứ vào thực tiễn và pháp luật quốc tế.

Thứ ba:  Luật Quốc tịch Đức tuy cũ kỹ (gần 100 năm) và có nhiều bổ sung, sửa đổi theo hướng ngày càng mở rộng các ngoại lệ để có hay duy trì hai quốc tịch: Thí dụ công dân các nước EU và Thụy Sỹ có thể nhập quốc tịch Đức mà vẫn giữ quốc tịch gốc; những người được công nhận là tỵ nạn chính trị, các trường hợp nhân đạo hay công dân của những nước không cho phép hay gây khó khăn cho công dân mình từ bỏ quốc tịch (thí dụ các nước Morocco, Tunisia, Sirya, Libanon, Iran, Afghanistan, Algeria, Cuba, Eriteria chẳng hạn). Đương nhiên còn những trường hợp hai quốc tịch khác ngay từ khi sinh cũng vẫn tiếp tục được duy trì và bổ sung vào đội ngũ hai quốc tịch ở Đức. Nếu liệt kê hết các trường hợp ngoại lệ này thì cũng lên đến hàng chục.

Thứ tư:  Những người đã từ bỏ quốc tịch gốc để nhập quốc tịch Đức, nếu sau khi đã có quốc tịch Đức lại làm đơn xin trở lại quốc tịch cũ thì sẽ bị mất quốc tịch Đức. Điều này đã được Tòa án Hiến pháp trong bản án số 2 BvR 1339/06 ngày 08/12/2006 tái khẳng định, theo đó những người nào nhập quốc tịch Đức trước 01/01/2000 và không có nơi thường trú ở Đức sẽ bị mất quốc tịch nếu làm đơn xin nhập quốc tịch nước ngoài và những người nhập quốc tịch Đức sau ngày 01/01/2000 thì sẽ mất quốc tịch Đức nếu làm đơn xin nhập quốc tịch nước ngoài ngay cả khi họ có nơi thường trú ở Đức. Đây là cơ sở pháp lý giải thích cho việc hàng năm có gần 10 ngàn người Thổ dù đã có quốc tịch Đức nhưng sau đó khi xin trở lại quốc tịch Thổ dẫn đến mất quốc tịch Đức./.

Frankfurt am Main, tháng 7 năm 2009
Hoàng Hữu Đức


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu