Giữ tiếng Việt cho con
... .Dạy và giữ tiếng Việt cho thế hệ tiếp theo là lựa chọn của mỗi gia đình và là nhiệm vụ chính của các bậc phụ huynh. Đó là nhu cầu được gắn kết với các con mình, được giao tiếp với các con bằng thứ ngôn ngữ mình hiểu rõ và thoải mái nhất. Nên dù có sinh ra hay sống tại nơi đâu trên thế giới, giúp các cháu hiểu được ngôn ngữ và nền văn hoá của một đất nước ngày càng phát triển với 100 triệu dân chắc chắn là một lợi thế tương lai mà chúng tôi không muốn các con bị mất.
Hai con tôi đều sinh ra tại Thụy Sĩ, một đất nước công nhận bốn thứ tiếng là ngôn ngữ quốc gia: Tiếng Đức, Pháp, Italy và Roman.
Việc học ngôn ngữ ở trường cháu khá vất vả: Ngoài tiếng Đức là ngôn ngữ học chính khoá, lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh, lớp 5 học tiếng Pháp, lớp 7 học tiếng Latin. Hai năm liên tục cháu phải duy trì bốn ngôn ngữ cùng lúc ở trường nhưng không lúc nào vợ chồng tôi ngừng trau dồi và sửa tiếng Việt cho cháu. Việc này không dễ nhưng cũng không quá khó.
Trước tiên, chúng tôi được sự khuyến khích của các thầy cô giáo. Họ luôn nhắc nhở: Anh chị hãy dùng và dạy cháu thứ tiếng anh chị nói tốt nhất ở nhà. Nếu phần ngôn ngữ tiếng Đức của cháu kém, nhà trường sẽ lo.
Nguyên tắc chúng tôi quy định là các con ở nhà chỉ được nói tiếng Việt với nhau và với bố mẹ, nhưng khi có thêm bạn bè, các cháu có thể nói thứ tiếng mình thấy thoải mái nhất. Khi bọn trẻ còn nhỏ, chúng thôi thường đọc truyện tiếng Việt cho các cháu trước giờ ngủ. Với những truyện cháu thích nghe, tôi đọc một câu, lại khuyến khích cháu đọc tiếp một câu. Chỉ vài chục phút mỗi ngày, cộng thêm một vài ngày trong đợt nghỉ, dần dà các cháu hoàn thành sách tiếng Việt lớp 1-2 và biết đọc.
Còn viết, may mắn là tiếng Việt dùng hệ chữ cái Latin. Ban đầu, chúng tôi để cháu phiên âm như thế nào thì viết như thế. Một đoạn chính tả các cháu có thể sai đến 90%. Chúng tôi tiếp tục quan sát và thống kê các loại lỗi chủ yếu để sửa dần. Giờ đây, bố con có thể trao đổi thoải mái bằng tiếng Việt trên điện thoại dù cháu vẫn còn nhầm lẫn s/x, tr/ch và mắc lỗi bỏ dấu...
Các nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng ngoại ngữ làm giảm những sai lệch trong quá trình ra quyết định. Lý luận của con người được hình thành bởi hai phương thức tư duy riêng biệt: một là có hệ thống, phân tích và chuyên sâu về nhận thức; và một là nhanh, vô thức và mang tính cảm xúc. Người ta tin rằng ngôn ngữ thứ hai cung cấp một khoảng cách nhận thức hữu ích từ các quy trình tự động, thúc đẩy suy nghĩ phân tích và giảm phản ứng không suy nghĩ, cảm xúc. Do đó, những người nói được nhiều ngôn ngữ có tư duy phản biện và kỹ năng ra quyết định tốt hơn.
Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của việc nói đa ngôn ngữ đến một nền kinh tế. Một nghiên cứu của giáo sư François Grin tại Đại học Geneve Thụy Sĩ phát hiện ra rằng khả năng đa ngôn ngữ có mối tương quan tích cực với tiền lương của một cá nhân, năng suất của các công ty và đóng góp vào tổng sản lượng quốc nội Thụy Sĩ lên đến gần 10% năm 2008 (khoảng 40 tỷ USD). Một nghiên cứu khác tại Mỹ cho thấy người đa ngữ có mức lương trung bình cao hơn khoảng 3.000 USD mỗi năm so với những người chỉ nói một thứ tiếng. Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 tại Davos chỉ rõ đa ngôn ngữ là một kỹ năng thiết yếu để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình toàn cầu hoá 4.0.
Sẽ rất sai lầm khi cho là các công cụ trí tuệ nhân tạo, dịch máy sẽ khiến con người không cần học quá nhiều ngôn ngữ. Công nghệ dịch máy đã tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa và văn phong. Hơn nữa máy móc phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu đào tạo nó, lại là những gì con người tạo ra. Việc học nhiều ngôn ngữ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa, tự tin khi giao tiếp và tạo ra nhiều cơ hội để kết nối và tương tác xã hội. Học nhiều ngôn ngữ giúp con người nâng cao khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề khi tập trung vào các kỹ năng như phát âm, luyện nghe, nói và viết.
Quan sát các cộng đồng di cư tại Thụy Sĩ, bên cạnh Việt Nam, tôi thấy rất nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... cũng chú trọng việc truyền bá ngôn ngữ bản địa tới các nước sở tại có người dân nước mình sinh sống. Các ngày hội văn hoá, lớp học tiếng miễn phí, tổ chức trại hè ngôn ngữ hướng về cội nguồn, tìm cách đưa các sách song ngữ vào thư viện các trường và địa phương... đều vì mục tiêu đó.
Dù rất trân trọng sự nhiệt tình và các sáng kiến này trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chúng tôi vẫn cho rằng: dạy và giữ tiếng Việt cho thế hệ tiếp theo là lựa chọn của mỗi gia đình và là nhiệm vụ chính của các bậc phụ huynh. Đó là nhu cầu được gắn kết với các con mình, được giao tiếp với các con bằng thứ ngôn ngữ mình hiểu rõ và thoải mái nhất. Nên dù có sinh ra hay sống tại nơi đâu trên thế giới, giúp các cháu hiểu được ngôn ngữ và nền văn hoá của một đất nước ngày càng phát triển với 100 triệu dân chắc chắn là một lợi thế tương lai mà chúng tôi không muốn các con bị mất.
Nhìn hai anh em chơi với nhau, rủ rỉ nói bằng tiếng Việt hay có thể trò chuyện được với ông bà qua điện thoại, tôi chưa vội nghĩ đến những vấn đề xa xôi mà chỉ tận hưởng sự an tâm và những khoảnh khắc thú vị về sự gắn kết.
Những cành nhỏ gắn kết với cành to thì mọi cành cây sẽ gắn kết với nguồn cội. Giữ tiếng Việt cho các cháu không phải là hướng con về quá khứ của tôi mà là hướng về tương lai của các cháu.
Lưu Vĩnh Toàn/ vnexpress.net