Gặp tác giả bài hát “Sải chay Lào – Việt”
Một buổi chiều đầu năm 2008, chúng tôi tìm đến nhà riêng của tác giả. Ông là Humphăn Lătthanạvông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá thuộc Bộ Thông tin Văn hoá, nay thuộc Viện Khoa học Xã hội nước CHDCND Lào. Nhà ông ở cách trung tâm Thủ đô Viêng Chăn chừng 8 km, trong một bản làng bình dị. Khuôn viên gia đình ông cũng rộng rãi, đẹp đẽ, yên bình như bao gia đình công chức Lào khác. Một căn nhà hai tầng rộng rãi, một mảnh vườn thênh thang, có gara ô tô, có sảnh rộng có thể vài chục người múa hát vui vẻ.
Mặc dù đã được Nhạc sĩ Đuông My xay Li kay a báo chiều có khách của Trung tâm Văn hoá Thông tin Việt Nam tại Lào đến thăm, nhưng khi chúng tôi xuất hiện ông bà không khỏi bất ngờ. Như ông nói, lâu rồi không có khách Việt Nam đến thăm và nói chuyện văn nghệ. Vì cũng từ lâu, ông chuyển sang làm nhiều nghề khác, từ phát thanh viên đến nghiên cứu văn hoá dân tộc, ít sáng tác, vả lại suốt ngày bận với tài liệu, dự án về bảo tồn môi trường và di sản văn hoá. Từ khi nghỉ hưu, ông làm trong Hội bảo vệ sinh học (LBA). Thảo nào, trong câu chuyện từ đầu đến cuối, ông đều toát lên tâm huyết với cây, với rừng, sự đau xót đến tức giận trước tình trạng rừng bị phá, sông cạn kiệt nguồn nước…
|
Khi được hỏi về bài hát Sải chay Lào – Việt (dịch là “Tấm lòng Lào – Việt” hoặc có người dịch là “Mối tình Lào – Việt”), ông như sực tỉnh rồi sôi nổi kể lại:
- Năm đó vào khoảng 1971 hoặc 72 gì đó, ở nước Lào chúng tôi, trong các vùng giải phóng, ai cũng biết và cũng tham gia văn nghệ. Chúng tôi và Bua Ngân Sapuvông (nay là Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hoá Lào) tham gia tốp nhạc của Đài Phát thanh Pa thệt Lào tại Nho Quan (Ninh Bình) Việt Nam. Khi đó, tôi chưa được học nhạc đến nơi đến chốn, chỉ tranh thủ học trong thời gian trước đây những kiến thức cơ bản về nhạc số của Trung Quốc. Nhưng tôi rất thích nhạc cổ truyền và nhạc giao hưởng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai dân tộc Lào – Việt cùng kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu và chiến thắng nhiều trận. Những cái đó tác động tới tôi rất nhiều. Năm 1966, tôi đang học ở Đống Đa, Hà Nội. Vì thích âm nhạc, tôi đã đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam sang dạy nhạc. Người thày âm nhạc của tôi lúc đó tên là Thanh, là tác giả bài hát về Nguyễn Văn Trỗi ( Nhạc sĩ Vũ Thanh tác giả bài hát Lời anh vọng mãi ngàn năm - PHT). Tôi học độ một tháng, tuần hai buổi học. Nói thật, tuy học thời gian ngắn nhưng tôi đã viết được ra bằng nốt nhạc bài hát dễ. Sau đó, tôi sáng tác bài Bản tôi được giải phóng rồi. Đài Phát thanh Pathết Lào đã phát trên sóng bài này, bài hát do Ban Âm nhạc của Đài (gọi bí mật là B1) dàn dựng. Anh Vũ Thanh đã đưa bài hát đó về Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, dịch ra tiếng Việt và phát sóng. Tôi được lĩnh nhuận bút là 40 đồng Việt Nam. Lúc đó tôi thấy mình hạnh phúc rồi.
- Anh viết Sải chay Lào - Việt khi nào? Tôi hỏi
- Tôi viết bài hát này khi B1 đang đóng trên đất Việt Nam, chúng tôi sống cùng các đồng chí Việt Nam. Đoàn kết Lào – Việt là quy luật phát triển của hai Đảng, của hai đất nước. Đó là truyền thống từ bao đời nay không thể thay đổi. Ta ở bên nhau, ở cạnh nhau về địa hình, địa lý nếu không giúp nhau thì không thành sự nghiệp lớn được. Sự gắn bó về địa hình Lào – Việt, và cả Đông Dương nữa, tác động mạnh vào trái tim tôi. Tôi nghĩ rằng nghĩa tình Lào – Việt nó phải được ví như thân thể con người, như chân tay, như đôi con mắt, nghĩa là một sự gắn bó đến hoàn hảo và không thể khác được. Tôi chọn hình ảnh đó vì nó rất phổ thông, dân dã, ai ai cũng nhớ, cũng hiểu được.
Hồi đó, tôi đã có được những cảm hứng về tình cảm Lào – Việt. Khi tôi viết, các chiến trường Lào – Việt đưa tin thắng trận liên tục, người Lào, người Việt Nam cùng hô vang mừng thắng lợi… Vì thế trong bài hát có không khí cùng chung thắng lợi.
Để hình tượng tấm lòng Lào – Việt, tôi lấy biểu tượng của Việt Nam là hoa Sen, hình tượng của Lào là hoa Chăm pa.
- Khi viết Sải chay Lào – Việt, Nhạc sĩ chọn giai điệu chủ đạo là gì?
- Về giai điệu, tôi cố gắng đưa dân ca vào, cả dân ca Lào và dân ca Việt Nam. Ví dụ ở khổ 2 của bài hát: Ô ngam thẹ đé, sải chay Lào – Việt Nam. Đằng đuông Chăm pa lẹ bua luông phuôm ban xừn. (Ôi đẹp sao, tấm lòng Lào – Việt Nam. Như hoa Chăm pa và Hoa sen bừng nở) tôi dựa vào dân ca Việt Nam. Các đồng chí nghe xem có giống tiếng đàn bầu của Việt Nam không nhé.
Nói rồi, anh cất giọng hát khe khẽ. Lặng đi một lúc, anh nói nhẹ:
- Lúc sáng tác xong, được Đài phát thanh Pathết Lào phát sóng, nhưng sau đó, ít người hát và khi chiến tranh kết thúc lại càng ít người hát nữa. Gần đây, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước mới thấy phát sóng rộng rãi và nhiều người hát.
- Khi viết bài hát này, anh đang ở Việt Nam. Hẳn anh có nhớ quê hương và hình dung bài hát này được hát ở Lào?
- Nhớ chứ! Tôi sinh ra ở Luông Pha bang mà. Nhưng lúc đó cảm tình với tấm lòng của các chuyên gia Việt Nam mạnh hơn. Hàng ngày tôi ở cạnh các chuyên gia Việt Nam, từ ăn uống, đến sinh hoạt, giải quyết công việc. Tôi suy nghĩ về đất nước chúng tôi, nghĩ về tình cảm của người Việt Nam và nghĩ làm sao đưa được nghĩa tình Lào – Việt vào bài hát. Nghĩa tình ấy đã thôi thúc tôi viết.
- Ai là người đầu tiên thể hiện bài hát này?
- Đây, cô ấy đây.
Nhạc sĩ vừa cười vừa chỉ vào vợ anh, chị Vănny Lătthanạvôn.
- Chị là người đầu tiên thể hiện bài hát này?
- Vâng. Tôi và các chị trong tốp nữ của Đài Phát thanh Lào lúc đó cùng hát, vì bài này viết cho tốp nữ hát mà.
- Khi hát bài này, chị đã yêu nhạc sĩ chưa?
- Tôi thích bài hát của anh HumPhăn từ bài trước cơ, bài Các anh qua bản làng chúng em. Bài hát ấy tôi hát nhiều lần và lần nào hát lên, người nghe cũng hoan hô nhiều lắm. Bài hát ấy đã đưa chúng tôi đến với nhau. Khi cầm bài Sải chay Lào – Việt, tôi cảm động lắm. Bài hát nói được tình cảm của người Lào và người Việt rất sâu đậm Tiếc rằng lúc đó chưa có người dịch bài hát ra tiếng Việt nên chưa có nhiều người hiểu và thích hát. Bây giờ có bản dịch tiếng Việt rồi phải không anh?
- Vâng. Có bản dịch của Đoàn Nghệ thuật quân khu Bốn, nhưng cũng là phỏng dịch thôi vì lời bài hát của anh Humphăn đặt khó dịch lắm. Piệp xỏong nuồi ta, xoỏng khen kha khôn phu điều, tiếng Việt dịch là Ví như đôi mắt, như chân tay của con người thì khó hát lắm.
Chúng tôi cùng cười.
- Sau này công tác thay đổi, không khí cũng thay đổi, khó viết lắm - Nhạc sĩ Humphăn tâm sự.
- Năm 1973 tôi và vợ tôi đi làm phát thanh viên tiếng Lào ở Đài Phát thanh Moscow (Liên xô cũ). Mấy năm sau về Viêng Chăn, chúng tôi về Đài Phát thanh Pathết Lào rồi sau đó tôi lại đi học lý luận ở Việt Nam, về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, bận bịu với công việc.Việc sáng tác nhạc không tiếp tục được. Bây giờ tôi dồn tâm sức vào các dự án bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ các di sản văn hoá phi vật thể của người Lào.
- Bây giờ anh có sáng tác nhạc được không?
- Nghỉ hưu rồi, tôi muốn sáng tác để ca ngợi Tổ quốc Lào tươi đẹp. Đối với tôi, muốn viết được phải có cái gì đập vào trái tim. Phải đi nghiên cứu, phải có cảm hứng. Không có cảm hứng khó viết lắm. Tôi muốn con người không phá rừng. Vì rừng Lào bị phá không phải chỉ Lào chịu hậu quả mà Việt Nam cũng phải chịu. Ở Lào có 12 con sông là nguồn nước của Mê kông. Nếu rừng Lào bị phá, nước Mê kông thất thường thì người chịu hậu quả là các tỉnh Nam bộ của Việt Nam. Bây giờ tôi làm thơ.
- Quan hệ Lào – Việt bây giờ vẫn thắm thiết như thời các anh ở Nho Quan. Chỉ khác là thời ấy hai dân tộc chung chiến hào đánh giặc giành độc lập. Còn bây giờ, hai dân tộc cùng chung lưng kiến thiết đất nước, giành hạnh phúc ấm no. Anh có thể viết được Sải chay Lào - Việt mới không?
- Tôi tin rằng Việt Nam và Lào phải tiếp tục gắn bó với nhau. Việt Nam phát triển nhanh, Lào chưa phát triển. Nếu chúng ta xa nhau sẽ không giúp nhau phát triển đất nước được mà tình cảm truyền thống cũng bị phôi phai. Buôn bán với nhau thì tốt, nhưng chỉ buôn bán thôi cũng không tốt. Phải cùng nhau gìn giữ môi trường, gìn giữ truyền thống. Nhưng tôi sẽ cố gắng viết một cái gì đó.
Trời đã về chiều. Chiều Viêng Chăn thanh bình đang dần nhuộm tím không gian. Tôi đề nghị anh chị nhạc sĩ cùng chúng tôi chụp ảnh lưu niệm và cùng hát lại bài hát Sải chay Lào – Việt. Chị Vănny bắt nhịp trước. Giọng chị vẫn trẻ như ngày nào.
Tiễn chúng tôi ra ngõ, anh chị quyến luyến hẹn ngày trở lại. Sắp lên xe, Nhạc sĩ Đuông my xay Li kay a mới nói:
- Chị Vănny, vợ nhạc sĩ Humphăn Lătthạnạvông là người Lào gốc Việt ở tỉnh Luôngnặmthà.
Chúng tôi à lên. Thì ra Sải chay Lào – Việt, bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Humphăn ra đời từ tình yêu đôi lứa và từ tình cảm của hai dân tộc trong cuộc tử sinh giành quyền sống làm người nên mới có độ sâu lắng như thế.
Xe chạy, chúng tôi lắc theo nhịp bài hát. Piệp ai nong, kợt huốm thong po me điêu căn, hắc phèng căn pền tai đuội căn, súc đuội căn lẹ thúc đuội căn, sẩi chay Lào – Việt Nam, sải chay Lào – Việt Nam. (Như anh em sinh ra từ trong lòng cùng một cha mẹ, thân yêu nhau, hạnh phúc có nhau, khổ đau có nhau. Tấm lòng Lào – Việt Nam, Tấm lòng Lào – Việt Nam).
Ts.Phạm Hồng Toàn
Giám đốc Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại CHDCND Lào
Dịch nghĩa tiếng Việt lời bài hát
Sải chay Lào Việt (Tấm lòng Lào – Việt)
Ví như đôi mắt, như hai chân của một người.
Lào – Việt Nam bạn thân yêu đang cầm súng ở cạnh nhau
Bạn ở bên kia, mình ở bên này
Hai sườn núi Trường Sơn cùng trở thành chiến hào.
Tiếng súng bạn vang lên cùng tiếng súng của chúng tôi
Hai nước Lào - Việt Nam đang tiêu diệt chung một kẻ thù
Bạn ở đằng kia, mình ở đằng này
Vang tới nhau sôi nổi, chúng ta cùng vui mừng thắng lợi
Ôi đẹp sao như tấm lòng Lào – Việt Nam
Như hoa chăm pa và hoa sen bừng nở
Ví như anh em sinh ra từ cùng một cha mẹ
Thương yêu nhau, hạnh phúc có nhau, khổ đau có nhau
Tấm lòng Lào – Việt Nam.
Lời Việt bài Sải chay Lào – Việt của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4
Cùng chung trận tuyến những tháng năm khó phai mờ
Lào - Việt Nam đoàn kết, cùng chiến đấu chung một chiến hào
Đuổi đánh xâm lăng, dựng xây đời mới
Khổ đau sẻ chia bao tháng ngày ta luôn có nhau
Trường Sơn hùng vĩ bên nắng tuôn phía mưa nguồn
Tình bạn tình đồng chí, cùng sát cánh trên một chiến hào
Hoà lý tưởng chung, cùng chung trận tuyến
Kề vai sát vai quyết chiến giành hạnh phúc ấm no
Tình nghĩa sắt son mãi thắm tình đoàn kết vững bền.
Ôi sao đẹp thế, như sắc màu hoa chăm pa
Việt – Lào anh em tình nghĩa sâu như Cửu Long
Lào – Việt Nam tình sắt son như dãy Trường Sơn
Tình Việt - Lào anh em đoàn kết
Như dòng sông nước sông Cửu Long
Anh em Lào – Việt Nam
Anh em Lào – Việt Nam